Thông điệp từ những con rối

Thứ Tư, 25/07/2007, 11:00
Giống như những nghệ nhân múa rối khác, Asep Sunandar Sunarya quyết định hòa hợp những bản trường thiên anh hùng ca như Ramayana với các lời bình luận chính trị đương thời và những câu chuyện hài hước, dí dỏm.

Mỗi tối, hàng ngàn người chen chúc nhau trong các con phố chật hẹp của khu Banjarsari ở Java để xem cuộc trình diễn suốt đêm của một trong những nghệ nhân múa rối nổi tiếng nhất Indonesia: Asep Sunandar Sunarya.

Nghệ thuật múa rối truyền thống ở Indonesia - được trình diễn bằng cách chiếu bóng của những con búp bê bằng vải da wayang kulit trang trí tinh xảo và búp bê gỗ không gian 3D wayang golek điều khiển bằng que - có nguồn gốc từ đạo Hindu trước khi đạo Hồi thâm nhập vào từ hơn 7 thế kỷ qua.

Mặc cho những lời phê bình chỉ trích từ các tổ chức tôn giáo quá khích cùng với những cạnh tranh mạnh mẽ từ các đài truyền hình, phát thanh và băng đĩa DVD, múa rối dân gian vẫn là dạng biểu diễn kịch nghệ quan trọng hàng đầu ở quần đảo này.

Giống như những nghệ nhân múa rối khác, Sunarya quyết định hòa hợp những bản trường thiên anh hùng ca như Ramayana với các lời bình luận chính trị đương thời và những câu chuyện hài hước, dí dỏm.

Tuy nhiên, người đàn ông 51 tuổi này  tin rằng vai trò chính của mình là giáo dục và điều đó có nghĩa là phải đụng chạm đến những vấn đề gai góc như chiến tranh và nạn khủng bố.

Một số thanh niên đánh bom tự sát cho nhóm Jemaah Islamiyah xuất phát từ những ngôi làng như Banjarsari. Đây là một ngôi làng bảo thủ nhưng những thông điệp của một người thầy và nghệ nhân đáng kính như Sunarya vẫn được mọi người chú ý lắng nghe.

Theo Kathy Foley, Giáo sư nghệ thuật nhà hát ở Trường đại học California - Santa Cruz kiêm chuyên gia về múa rối wayang golek, thì công việc của một nghệ nhân múa rối ở Indonesia là phải kể đúng bản chất của các sự vật và nói lên lẽ phải cho dù họ có gặp phải sự phản ứng từ nhiều lực lượng chống đối

Thúy Hân (theo Reader's Digest)
.
.