Thú chơi thời thượng hậu khủng hoảng: Đẳng cấp săn đồ ngà

Thứ Sáu, 26/04/2013, 02:45

Lúc hoàng kim, nghĩa là khi bất động sản chưa lâm cảnh rớt lộp độp như sung rụng, lắm quý ông đất cát với núi tiền đồ sộ mặc sức ăn chơi thả giàn, khai sinh ra nhiều thú tiêu khiển thời thượng mang phong cách đế vương như nuôi gấu nuôi cọp làm thú cảnh, sang Nam Phi săn tê giác, tung tiền sưu tầm đủ món ngon vật lạ trên rừng lẫn dưới biển để tẩm bổ, hay chỉ đơn giản để gia tăng sự phong phú của bộ sưu tập cổ vật, rượu quý giá tiền tỉ của mình!

Trong hằng hà sa số kiểu vui thú ấy, lắm ông dành nhiều tâm huyết hay chỉ chuyên tâm săn lùng những món đồ liên quan đến cặp “răng nanh” của loài voi. Đến khi khủng hoảng ập đến, khi trở thành những tỉ phú không tiền, cánh đại gia bất động sản nay chỉ còn là “da bọc xương”, thôi không tơ tưởng đến các món đồ liên quan đến cặp “răng khểnh” oai vệ của loài thú có vòi nữa.

Dầu vậy cái thú săn đồ ngà không vì thế mà hạ nhiệt, trái lại ngày càng leo thang, lan rộng sang nhiều giới với cảnh mua bán tấp nập, công khai. Căn nguyên ban đầu theo tìm hiểu của PV Chuyên đề ANTG cũng vì người ta bị đám con buôn đồ độc "thuốc" với nhân danh "đồ độc", "đồ thần hiệu"!

Tiết lộ của những tay chơi quý tộc

Không như nhiều tay chơi quý tộc khoái chơi đồ hồn xưa xác cũ với gốm cổ, tiền xưa, đại thụ trăm năm… hay những món đồ ngự dụng từng được các bậc vua chúa quyền quý của 2 triều đại cuối cùng là Lê, Nguyễn sử dụng trong chốn cung đình, ông Lê S., 54 tuổi, chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh đồ gỗ dân dụng, chỉ khoái chơi ngà voi.

Trong nhà ông S., nhìn đâu cũng thấy đồ ngà: "Ngà voi là mặt hàng quý tộc quý hiếm không thể thiếu được trong đời sống thường ngày ở chốn cung đình hay tại tư dinh của các quan lại thuở trước. Có thời điểm ngà voi còn quý hơn cả vàng. Bởi vàng ai cũng có thể mua được chứ riêng ngà voi, có tiền chưa chắc có được. Và cũng vì ngà voi quá quý hiếm nên các triều vua đầu đời Nguyễn đã ra định lệ tiến cống cho các nước chư hầu".

Để tỏ rõ mình nói có sách mách có chứng, ông S. cho chúng tôi xem một số văn bản cổ được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép. Sau này nhờ phiên dịch và diễn nghĩa của một số nhà Hán học, chúng tôi mới rõ chuyện hai vị vua đầu đời Nguyễn là Gia Long và Minh Mạng buộc các nước lân bang được mình bảo hộ phải tiến cống ngà voi là chuyện có thật.

Xin được chép vài đoạn để bạn đọc được rõ: "Năm Gia Long thứ 2, sứ bộ nước Cao Miên tiến cống sản vật địa phương 22 chiếc ngà voi, 6 cỗ tê giác (sừng), 3 gánh sáp ong, 4 con voi đực, 15 tạ cánh kiến… Năm Minh Mạng thứ 4 chuẩn y lời nghị cho nước Nam Chưởng hằng năm tiến cống sản vật địa phương 2 con voi đực, 4 cỗ tê giác, 2 cái ngà voi… Thiệu Trị năm đầu, nước Hỏa Xá kêu xin hợp với nước Thủy Xá sửa cống phẩm, chuẩn y lời nghị cống phẩm của nước Thủy Xá là 2 chiếc ngà voi, 2 đầu sừng tê, cống phẩm của nước Hỏa Xá là 1 chiếc ngà voi, 1 đầu sừng tê…".

Nếu như ông Lê S. khoái chơi đồ ngà vì "nó sang, nó đẳng cấp, nó là biểu trưng cho người quân tử" thì ông Khang B., ngoài 50 tuổi, bạn làm ăn với ông S. lại có quan điểm vui thú khác trong lĩnh vực chơi đồ ngà: "Đó là thú chơi đẳng cấp vượt trên mọi đẳng cấp" - ông B. tỏ rõ quan điểm: "Tui thấy mấy tay chơi đồ cổ như sành sứ hay những đồ trang sức bằng các chất liệu như đá, đồng, bạc, vàng… mà ái ngại quá, lắm khi tôi thấy hơi tầm thường. Đã có quá nhiều người vì mê chén Khang Hy, bình Càn Long, tô Gia Long, lọ hoa Tự Đức... mà bị bọn gian "thuốc" thê thảm khi bán cho món đồ giả cổ với giá hàng trăm triệu đồng, có khi cả tỉ bạc. Còn cái vụ chơi đồ trang sức cổ này nọ, tui hổng dám đụng tới bởi 100% những món đồ đó đều có nguồn gốc từ các phi vụ banh bới, quật đào cổ mộ của phường săn cổ mộ".

Ông S. nhấn mạnh ông "khoái ngà voi, kết đồ ngà" bởi cái sự đặc biệt, ít bị đụng hàng, ít người chơi, phần vì giá đắt, phần vì chẳng mấy ai am tường: "Thú vui gì mà được liệt vào dạng phổ thông, nhiều người chơi, lắm người biết, ai chơi cũng được thì đâu còn vui thú gì nữa. Chơi đồ ngà thì nó khác biệt với tất cả vì không lo bị đụng hàng. Đẳng cấp là ở chỗ đó!".

Hàng quý tộc từ ngà voi chẳng rõ thật giả được rao bán tràn lan trên mạng.

Cận cảnh những bộ sưu tập khủng         

Dân chơi đồ ngà còn có nhiều quan điểm khác quanh thú chơi quý tộc của mình. Người khoái ngà voi bởi cặp ngà của loài thú khổng lồ là biểu trưng cho quyền lực và sức mạnh tột đỉnh. Lại có người chơi đồ ngà vì tầm nhìn xa trông rộng, như ông V. Khánh, 52 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM.

Nói về quan điểm chơi đồ ngà của mình, ông Khánh giọng phấn khích: "Voi rồi cũng như tê giác, sớm muộn gì cũng tuyệt chủng. Đến khi đó thì chắc chắn cặp ngà uy dũng của nó sẽ làm trùm trên mọi mặt trận. Trùm ở đây là giá cả, sự quý hiếm  này nọ. Chơi cái gì thì sợ bị lỗ, bị lừa chứ với ngà voi thì chỉ có vừa sang vừa lợi".

Có rất nhiều con đường đưa những tay chơi lắm tiền đến với thú vui săn đồ ngà nhưng tựu trung lại, phần lớn đều dừng ở cái đích "thế mới là đẳng cấp". Rất xởi lởi và nhiệt tình, ông Khánh đưa tôi vào thư phòng bí mật của ông, nơi có đến hơn 100 món đồ bằng ngà voi, nào là tẩu hút thuốc, ly, đũa, ống đựng bút, dao kiếm có chuôi bằng ngà...

Mời khách ngồi trên chiếc bàn cổ khảm xà cừ tuyệt đẹp mua với giá gần 800 triệu đồng, ông Khánh chỉ vào bộ cờ màu mỡ gà lên nước bóng loáng bật mí cả thảy đều có chất liệu "ngà voi" chính hiệu. Đề cập chuyện giá cả, tay chơi số má này khoát tay không tiết lộ, chỉ chia sẻ rằng bộ cờ là của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mà sâu xa hơn là phẩm vật của vua nước Cao Miên tặng Tổng trấn nhân dịp ông làm công tác bảo hộ cho nước ấy?!

Tổng trấn Lê Văn Duyệt (sinh năm 1764) là đại thần có công rất lớn trong việc giúp Vua Gia Long đánh tan triều Tây Sơn, lập nên nhà Nguyễn và cũng có rất nhiều công tích trong việc giúp Vua Gia Long xây dựng quân đội hùng mạnh. Năm 1832, Lê Văn Duyệt mất, thọ 68 tuổi. Tương truyền lúc sinh thời, Tổng trấn Lê Văn Duyệt rất được người đời ngưỡng mộ, tin trọng vì đức độ và sự công bằng. Những chuyện về vị tổng trấn tài ba này, thế gian truyền lưu rất nhiều. Vấn đề ở chỗ lấy gì để chứng minh bộ cờ ngà voi kia của ông Khánh có liên quan đến Tổng trấn thành Gia Định?!

Hỏi ông Khánh điều ấy, ông hẹn vào một dịp thuận lợi sẽ cho tôi câu trả lời "tâm phục khẩu phục". Và đang lúc "hết hồn" trước bộ sưu tập đồ ngà "chất lượng cao" của ông Khánh, khi được "diện kiến" kho báu ngà voi của ông Lê S., cảm giác của chúng tôi chỉ có thể gói gọn bằng một từ duy nhất: Khiếp!

Khiếp bởi bộ sưu tập ngà voi của ông S. không chỉ có hàng trăm món đồ be bé xinh xinh như của ông Khánh mà còn la liệt những cặp ngà khổng lồ. Có cặp ngà nguyên khối cao quá đầu người, có cặp ngà cũng cỡ ấy được chạm khắc tinh xảo tích Phật Thích Ca nhập Niết bàn, cảnh Tam quốc diễn nghĩa, hay cảnh long tranh hổ đấu… Còn những dao, kiếm chuôi ngà, bình hoa bằng ngà, ly tách ngà voi của ông S. thì nhiều vô kể.

"Nói thiệt dân chơi đồ ngà có nhiều cấp độ, nhưng nhìn chung phân thành hai nhóm. Dạng tép riu thì chơi mấy món lặt vặt, còn cơ dữ thì phải có hàng nguyên khối. Hàng này có đủ nguồn gốc, trong nước cũng có, nước ngoài cũng có".

Gắn liền với bộc bạch đó, ông L., một dân chơi đồ ngà cũng thuộc dạng thứ dữ như ông S. có cửa hàng kinh doanh đồ cổ (thực chất là đồ giả cổ-PV) tiết lộ ông nắm trong tay đến hơn chục cặp ngà voi thuộc loại khủng là "hàng Việt Nam lẫn Nam Phi". Ngỏ ý được mục diện, ông L. tế nhị khước từ vì sợ khi um sùm lên, kho báu của ông khó tránh khỏi nạn bị kẻ gian tổ chức "hoặc trộm hoặc cướp".

Cận cảnh màn giao dịch ngà voi trái phép giữa đời thực.

Cẩn trọng coi chừng… tù!

Giá thị trường chợ đen mỗi ký lô ngà voi khoảng 3.000 USD. Giá này được những tay chơi như ông S., ông L. khẳng định là giá sàn. Và mức giá này sẽ tăng gấp đôi, gấp 3, có khi còn hơn thế nữa nếu khối lượng của ngà voi có trọng lượng 50kg trở lên. Với những món đồ ngà lâu năm tuổi, giá trị không phải ở trọng lượng, kích cỡ mà tùy thuộc vào độ tuổi, kiểu dáng, nguồn gốc của món đồ.

"Nói chung giá cả của ngà voi có muôn hình vạn trạng nhưng chắc chắn một điều nó không rẻ. Tôi đã từng chứng kiến những màn giao dịch một cặp ngà voi hội đủ các yếu tố kích cỡ, trọng lượng, chất lượng, mỹ thuật lên đến gần 500.000 USD mà quy ra thời giá hiện nay tương đương 10 tỉ đồng" - ông Khánh, bật mí.

Theo các tay chơi, vì ngà voi là mặt hàng quý tộc đang được nhiều dân chơi dòm ngó nên giá trị leo thang từng ngày, nhất là khi loài mãnh thú khổng lồ nhất rừng xanh này đang ngày càng bị tận diệt thảm hại, cả nước chỉ còn chưa đến 200 con voi (cả voi rừng lẫn voi nhà) và con số này ngày càng sụt bởi voi chết vì già yếu, vì bị chủ vắt kiệt sức hay vì họng súng tàn nhẫn của cánh phường săn dòm ngó. Cũng vì lẽ đó mà ngà voi được liệt vào nhóm "hàng quốc cấm", nên mọi hành vi mua bán ngà voi nếu không chứng thực nguồn gốc hợp pháp sẽ bị khép vào tội hình sự.

Đơn cử mới đây nhất của nạn bán buôn đồ ngà bị cơ quan chức năng "điểm huyệt" là vụ đối tượng Nguyễn Thế Mạnh Vinh (ngụ Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ngày 10-4 vừa qua, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam phục vụ điều tra về hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm. Thông tin ban đầu cho biết, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 1/4, trong quá trình soi chiếu hành lý, Đội thủ tục hành lý nhập khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phát hiện bên trong chiếc valy của khách bay chuyến QR614 xuất phát từ Doha (Qatar) qua Bangkok (Thái Lan), có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Qua đó phát hiện bên trong có 238 vòng trang sức cùng 100 đôi đũa (dài 28 cm) làm từ ngà voi.

Qua xác minh cho thấy chủ chiếc valy là hành khách Nguyễn Thế Mạnh Vinh, số hộ chiếu B7561656… Thông qua mạng Internet, Vinh rao bán mỗi chiếc vòng ngà voi với giá dao động từ 2-3 triệu đồng, một đôi đũa ngà như thế giá 500.000 đồng. Giá bán này chênh lệch từ 10-15 lần so với giá gốc…!

Với hành vi phạm pháp của mình, việc Nguyễn Thế Mạnh Vinh sớm muộn gì cũng "bóc lịch" là điều khó tránh khỏi. Vấn đề đặt ra ở đây là không phải con buôn đồ ngà nào cũng chịu khó và mạo hiểm xuất ngoại nhập hàng thật về Việt Nam để bán như Vinh. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều kẻ ma mãnh đã bày mưu ma chước quỷ rao bán và "gả" cho nhiều tay chơi lơ tơ mơ những món đồ bằng ngà voi dỏm với giá tiền thật.

Anh Lê Mạnh, tình nguyện viên của một tổ chức phi chính phủ chuyên cứu hộ động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cao, cho biết: "Ngà voi dỏm ngày càng được chế tạo rất tinh xảo bằng bột đá hoặc nhựa tổng hợp. Nếu như trước đây để thử thứ ngà giả này người ta đốt lửa, nếu cháy là đồ giả chính hiệu. Nhưng nay nếu áp dụng biện pháp này chắc chắn dính đòn bởi kỹ nghệ chế tác đồ ngà giả của bọn gian giờ siêu hạng lắm".

Theo anh Mạnh, thực tế cho thấy kẻ gian rao bán đồ mỹ nghệ bằng ngà voi tràn lan trên mạng Internet. Người bảo đó là vật gia truyền, kẻ bảo là quà tặng của tù trưởng, tộc trưởng nào đó. Nhưng 10 kẻ rao bán ngà voi thì có hơn 9 người bán đồ tầm bậy. "Nếu là đồ giả thì người mua sẽ mất tiền oan. Ngược lại nếu đó là ngà voi thật thì dầu muốn hay không họ đã vi phạm luật bảo vệ động vật hoang dã vì giao dịch hàng quốc cấm" - anh Mạnh, khẳng định

N.Thành Dũng (thanhdung_pv@yahoo.com)
.
.