Thư ký tòa soạn – người “bày cỗ” – kể chuyện

Thứ Năm, 02/11/2017, 08:45
Tôi không định “quan trọng hóa” cái công việc mà bản thân đã nhiều năm làm Phó, rồi Trưởng ban Thư ký tòa soạn (TKTS) của Báo CAND; nhưng rõ ràng, đây là vị trí quan trọng, là một “nghề” đặc thù của hoạt động báo chí. Nói vắn tắt, từ khi báo chí ra đời, một tờ báo theo đúng nghĩa đều phải có người làm TKTS...


Với Việt Nam khoảng 15 năm gần đây, cách làm báo và đọc báo có những thay đổi sâu sắc do sự phát triển của khoa học, kĩ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin. Song những tiêu chí để hấp dẫn bạn đọc vẫn hầu như bất biến và có thể tóm gọn vào mấy chữ, đó là: Mới - Lạ - Nhanh - Hay. Để đạt được những tiêu chí này, đòi hỏi sự nỗ lực của cả tòa soạn, của từng phóng viên, biên tập viên, kĩ thuật viên...

Riêng với những người “làm dâu trăm họ” - Thư ký tòa soạn, luôn giữ vai trò tối quan trọng trong việc “bày cỗ” mời bàn dân thiên hạ dùng món ăn tinh thần đặc biệt - chính là tờ báo, trang báo mang bản sắc riêng, mà với Báo CAND, đó là Nhân văn - Tin cậy - Kịp thời.

Thắp lửa yêu nghề

Tôi không định “quan trọng hóa” cái công việc mà bản thân đã nhiều năm làm Phó, rồi Trưởng ban Thư ký tòa soạn (TKTS) của Báo CAND; nhưng rõ ràng, đây là vị trí quan trọng, là một “nghề” đặc thù của hoạt động báo chí. Nói vắn tắt, từ khi báo chí ra đời, một tờ báo theo đúng nghĩa đều phải có người làm TKTS. Cũng có những trường hợp đặc biệt nhưng rất hãn hữu khi chủ báo đồng thời là chủ bút và kiêm luôn TKTS, như tờ Người cùng khổ (Le Paria) của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp những năm 1920.

TKTS là một nghề cực nhọc, khó khăn, đòi hỏi sự mẫn cảm, nhạy bén, bản lĩnh, khảng khái và kiến thức tổng hợp về nhiều mặt... nên tôi không dám lạm bàn, bởi “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Tôi luôn tâm niệm phải trau dồi, học hỏi để tiệm cận những tố chất, phẩm chất nêu trên. Tuy vậy, một trong những vấn đề quan trọng nhất theo thiển ý, TKTS phải là người góp phần thổi niềm đam mê, góp một ngọn lửa nhỏ vào bầu nhiệt huyết, vào lòng yêu nghề của anh chị em phóng viên. Bài viết nhân kỉ niệm 71 năm ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên (1-11-1946 - 1-11-2017) nằm trong dòng chảy đó. 

Để “góp lửa” với phóng viên thì sự sẻ chia khó khăn, vất vả, động viên kịp thời về mọi mặt của Ban biên tập và TKTS là điều quan trọng nhất. Trong vụ bắt giữ 2 tử tù Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ trốn khỏi trại giam T16 rạng sáng 11-9-2017 vừa qua, Báo CAND là tờ báo đầu tiên thông tin về việc bắt giữ Lê Văn Thọ vào chiều 16-9 và Nguyễn Văn Tình vào rạng sáng 17-9-2017.

“Theo chân” phóng viên

Nhiều năm qua, Thu Hòa cùng với một số phóng viên Báo CAND như Hương Vũ, Phương Thủy, Xuân Mai, Đinh Hiền, Đức Thắng, Mã Thanh Hải, Đức Mừng, Phú Lữ... là những người rất xông xáo, từng săn được những tin/ảnh đầu tiên trong các vụ trọng án như Nguyễn Đức Nghĩa (sát hại bạn gái rồi phân xác phi tang ở Hà Nội); Lê Văn Luyện (vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích, tỉnh Bắc Giang); Nguyễn Hải Dương - Vũ Văn Tiến (vụ sát hại 6 người trong một gia đình ở tỉnh Bình Phước); Tẩn Láo Lở (sát hại 4 người trong cùng gia đình ở tỉnh Lào Cai), Vi Văn Hai (sát hại 4 người trong cùng gia đình ở tỉnh Nghệ An)...

Ban Thư ký tòa soạn Báo Công an nhân dân

Trong vụ án Lê Văn Luyện (cướp, giết 3 người ở tiệm vàng Ngọc Bích - Bắc Giang năm 2011), Báo CAND là tờ báo đưa tin sớm nhất khi đối tượng bị bắt giữ. Do tính chất cực kì nghiêm trọng của vụ án, Ban chuyên án “phong tỏa” thông tin rất chặt nhằm bảo đảm tiến trình điều tra khách quan, nhanh chóng.

Tuy nhiên, với bản lĩnh và cái “duyên” với nghề, các phóng viên Báo CAND vẫn là những người đầu tiên “săn” được tin và ảnh ngay khi Luyện bị tra tay vào còng. Có lúc, phóng viên được ngồi cùng xe với chỉ huy ban chuyên án vào tận hiện trường vụ án, thậm chí chứng kiến cuộc hỏi cung đầu tiên khi đối tượng bị bắt; trong lúc nhiều đồng nghiệp báo bạn vẫn ngơ ngác ở vòng ngoài. Bởi vậy, những bức ảnh và thông tin liên quan rất có tính thời sự và “độc”...

Để anh chị em phóng viên luôn hào hứng, nhiệt tình “đi săn”, TKTS phải có sự trao đổi, khích lệ và theo sát hoạt động của phóng viên. Vụ Lê Văn Luyện, đêm hôm đó (31-8-2011), ngay khi đối tượng bị bắt, 2 phóng viên của Báo CAND là Thu Hòa và Phương Thủy đã tìm cách “lọt” vào được một đơn vị thuộc Công an tỉnh Bắc Giang, nơi Luyện sẽ bị dẫn giải về từ hiện trường bắt giữ. 2 nữ phóng viên nhanh chóng hoàn thành bài viết, chụp được bức ảnh Lê Văn Luyện bị dẫn giải về - một bức ảnh “nóng giãy cả tay”.

Thế nhưng lúc phóng viên “enter” gửi bài về tòa soạn thì lại “có chuyện”. Chỉ huy Ban chuyên án là một vị lãnh đạo nghiêm khắc, thận trọng. Bởi vậy, bài viết đã được Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng Ban chuyên án “sơ duyệt” nhưng anh nói một câu khiến tôi cũng ỉu xìu: “Vẫn phải xin ý kiến cấp trên mới được đăng. Nếu sếp không đồng ý thì phải chờ mai họp báo!”.

Giời ạ, nản quá đi mất - họp báo thì cả trăm tờ báo đều như nhau! Lúc đó, báo in đã lên khuôn. Không được đăng thì tiếc lắm, đâu chỉ là công sức của phóng viên, của bản thân tôi mà còn là danh dự, tự ái nghề nghiệp. Bởi vậy, tôi động viên Thu Hòa: “Anh cũng sốt ruột và lo chả kém gì các em. Em cứ kiên trì thuyết phục. Dẫu đến 1-2h sáng thì anh cũng đợi!”.

Căng thẳng là thế, nhưng Thu Hòa đã “cao tay” gọi một cuộc điện thoại giữa đêm cho vị thủ trưởng, báo cáo sơ bộ về những thông tin trong bài viết và nhận được cái gật đầu mà cả tòa soạn đều mong đợi ở thời điểm đó. Lúc này, cũng nảy sinh một tình huống do muốn có những thông tin độc và sớm nhất, tôi đã suýt mắc một lỗi.

Số là, đọc kĩ bài viết, tôi thấy đến thời điểm phạm tội, Lê Văn Luyện chưa đủ 18 tuổi. Theo quy định về hình phạt trong Bộ luật Hình sự, Luyện sẽ không bị kết án ở mức cao nhất. Vậy là tôi viết luôn một cái “box” với tít: “Nếu bị kết tội, Lê Văn Luyện vẫn thoát án tử?”, đưa vào bài rồi báo cáo đồng chí Phạm Văn Miên (khi đó là Phó Tổng Biên tập, hiện là Tổng Biên tập). Cứ hí hửng sẽ được sếp khen nhạy bén, nhưng anh cười, bảo rằng: “Hay nhưng mà phản cảm lắm em ơi. Thông tin này cứ để sau nhé!”. Cũng lại thêm một bài học bổ ích với nghề TKTS.

“Đồng hành” với phóng viên là cách hữu hiệu để “thổi lửa” cho anh chị em. Trong những vụ trọng án nêu trên, Ban Biên tập luôn quan tâm chỉ đạo TKTS chấm nhuận bút cao để động viên anh chị em phóng viên. Là người trực tiếp chấm nhuận bút, tôi đã nhiều phen “phá cách” với mức nhuận bút cao gấp 5, thậm chí 6 lần bình thường. Đây cũng là điều rất quan trọng để anh chị em phóng viên cảm nhận công sức, lao động của mình được đánh giá đúng mức...

Hầu hết các TKTS đều trưởng thành từ phóng viên có nhiều kinh nghiệm và yêu nghề. Thế nhưng, khi đã bị “trói” vào vị trí này thì thường ít có điều kiện đi thực tế để săn tin, bài. Lời tâm sự là, TKTS nên sắp xếp công việc, đồng hành thực sự với phóng viên để hiểu và thông cảm với những khó khăn, vất vả của họ.

Còn nhớ vụ tàu hỏa đâm ô tô đám ăn hỏi năm 2009 tại Thường Tín, Hà Nội, làm 9 người chết, nhiều người bị thương; họ đều là người trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết của chú rể. Sau khi sự việc xảy ra, tôi và nữ nhà báo Hương Vũ (hiện là Phó Trưởng ban Chuyên đề An ninh thế giới) chạy xe máy tới Công an huyện Thường Tín.

Gặp chúng tôi tại một căn phòng trong nhà tạm giữ, tài xế N tỏ ra rất ân hận và khẳng định không hề uống rượu hoặc sử dụng ma túy. Một điều tra viên cũng xác nhận thông tin này. Chúng tôi không khỏi cám cảnh cho anh ta, chỉ vì bất cẩn mà gây ra đại họa cho nhiều người. Gia đình N cũng rất khó khăn: Nhà nghèo, bố đang điều trị ung thư; 2 vợ chồng và 1 đứa con thuê nhà tại làng Phùng Khoang ở cùng 2 em ruột học đại học...

Từ Thường Tín, chúng tôi đến thẳng nhà N. Tìm được căn phòng trọ trên tầng 2 một khu tập thể đã cũ trong làng, ngột ngạt và tạm bợ. Vợ N tên là C, làm nhân viên tại một showroom ô tô trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân. C rất cảm động khi tôi giới thiệu: “Trước anh học lái xe với N. Nghe tin gia đình em gặp nạn, vợ chồng anh đến thăm”. C hoàn toàn tin tưởng và tâm sự với chúng tôi về tình thế khó khăn của gia đình. Hương Vũ và tôi nhập vai rất hoàn hảo. Trước khi ra về, tôi rút ví cho quà cháu bé, khiến C và 2 đứa em rất cảm động

Sau đó, chúng tôi đã thông tin kịp thời, khách quan và đúng mực cho N, đặc biệt là tình tiết N không sử dụng ma túy hoặc rượu trước khi lái xe, trong lúc dư luận cho rằng N “say rượu hoặc ngáo” mới liều lĩnh lái xe băng qua đường ray khi đoàn tàu đang lao tới, gây ra hậu quả kinh hoàng như thế. Sau đó, tại phiên tòa xét xử N, chúng tôi gặp lại C cũng đến dự. C đã biết tôi và Hương Vũ “đóng kịch” để moi tin nhưng vẫn giữ thái độ thiện cảm với những người đã đến thăm nhà mình giữa thời điểm dông bão cuộc đời đến với cả gia đình...

Vài kỉ niệm về nghề TKTS chia sẻ với bạn đọc và đồng nghiệp, mong nhận được sự cảm thông với chúng tôi - những người đã, đang và sẽ rơi vào cảnh “quyền rơm vạ đá”.

Âu cũng là cái nghiệp nó vận vào thân!

Trần Duy Hiển
.
.