Thụ tinh ống nghiệm: Những chuyện dở khóc, dở cười…

Thứ Tư, 25/04/2012, 16:55

Hiện nay bệnh vô sinh tăng đột biến, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trung bình một năm có khoảng 2.000 người đến làm thụ tinh ống nghiệm, và tỉ lệ thành công 30% - 35%. Phương pháp chữa vô sinh được áp dụng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ năm 1999, đến năm 2000 thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm chính thức ra đời.

Khoa chữa vô sinh nằm trên căn gác tầng 3 của Bệnh viện Phụ sản trung ương, tấp nập người. Họ đến đây nhưng không mang bộ mặt ủ rũ, mặc kệ cho các chị tất bật với công việc khám xét (kiểm tra và xét nghiệm), cánh đàn ông ngồi túm ở phía cuối hành lang lại được dịp ồn ã. Mấy đôi vợ chồng dắt díu nhau đến khoa này có cặp trẻ, cặp có tuổi, cặp chồng già vợ trẻ, lại có cặp chồng trẻ vợ già.

Ngắm nghía một hồi các cặp vợ chồng "son rỗi", một bác trung tuổi vui tính bảo: "Cứ hệt như là bức biếm họa". Một cụ bà bên cạnh quê ở Yên Hưng, Quảng Ninh đưa con dâu lên thành phố chữa bệnh hiếm muộn làu bàu: "Gớm! Cái bác này, vào đến đây, đang rầu thối ruột lại còn đùa được". Người đàn ông trung tuổi quay sang bà cụ: "Có gì mà phải rầu rĩ hả bà. Con cái là lộc trời cho. Trời cho là được. Trời không cho có làm giời bể gì cũng không được đâu".

Nói đến đây bác chững lại khi thấy đôi bạn trẻ đi vào. Họ trẻ quá, trẻ đến độ ai cũng ngoái nhìn. Hỏi ra mới biết cả hai vợ chồng đều 25 tuổi, họ yêu nhau từ thời sinh viên. Nhưng, khổ nỗi, Vi Cầm tên cô gái ấy, lại lấy phải anh con trưởng trong gia đình, nên dù mới lấy nhau hơn một năm mà mẹ chồng đã giục cuống cuồng họ phải từ Bắc Ninh lặn lội sang đây khám. Họ ngồi thấp thỏm để chờ đến lượt nghe tư vấn.

Trong khi, cách đấy mấy mét lại có chuyện "dở khóc, dở cười" từ phòng lấy "tinh binh". Muốn nhụy đâm hoa kết trái thì chắc chắn phải có được "tinh binh" tốt. Nhưng lấy tinh là việc không phải lúc nào cũng làm được một cách dễ dàng. Với những cặp vợ chồng ở ngay thủ đô nghĩa là gần bệnh viện, họ sẽ được thoải mái mà lấy tại nhà, và ngay sau khi "vớt" được "nước quý" thì lọ đựng “nước quý” ấy được cặp vào nách và gia chủ sẽ phi như bay vào bệnh viện để gửi.

Nhưng với bệnh nhân ở các tỉnh, thành khác, thì đành lấy tại nơi là “căn phòng hạnh phúc” trong bệnh viện. "Phòng hạnh phúc" chỉ vừa đủ kê một cái giường đơn, không nệm, không chăn, không gối. Có một cây sắt treo quần áo trên đầu giường và một cuộn giấy vệ sinh. Còn lại hoàn toàn trống trơn. Có một cặp từ đấy bước ra. Trên tay cô vợ là lọ đựng "nước quý", khuôn mặt cô hớn hở lắm.

Một bác trai khoảng 50 ngồi ngoài hành lang nhìn cặp vợ chồng, quay sang nói với vợ mình. "Ôi chao! Sung sướng gì đâu. Làm cho qua chuyện thôi, chứ giờ này, ai còn cảm thấy gì". Một anh ngồi bên cạnh đang đợi để vào phòng ấy thêm vào: "May mà còn lấy được chứ bác bảo vào trong ấy ức chế tâm lý thì còn cảm thấy thăng hoa, thi vị nỗi gì. Em còn đang sợ mình không làm nổi".  Chị vợ ngồi kế bên ghé tai nói với chồng: "Cố lên anh". "Khổ quá! Ai mà chẳng biết là phải cố. Nhưng có khi cố còn không được" - anh chồng thiểu não nói. Chị vợ nài nỉ: "Anh ơi! Cố lên, em giúp". Bác trung tuổi bảo: "Tôi nghĩ, có khi cô cứ để mình cậu vào lại dễ hơn đấy".

Đợi chờ trong hy vọng.

Một cặp vợ chồng khác đến ngày lấy trứng, hôm nay cũng có mặt tại đây. Tôi ngồi ở hành lang thì một chị vỗ vai tôi đau điếng, tôi tưởng mình bị bại lộ, thì chị kia nói: "Này em sao vào đây có một mình, có cần trứng không? Chồng có khỏe không?". Tôi lí nhí đáp: "Vợ chồng em không sao", chị kia tiếp tục "to tiếng": "Vớ vẩn! không sao thì vào đây làm gì? Có sao thì nói chị, chị có kinh nghiệm bảo cho đừng ngại…". Hú hồn, tôi "vâng" ngon lành.

Muốn thoát ra khỏi chị nhiệt tình quá mức này, tôi bảo em sắp đến ngày lấy trứng rồi. Chị kia nhiệt tình chỉ tôi ra đọc tờ giấy dán trên tường, chị bảo: "Trước khi làm ai cũng phải đọc. Giờ mình đọc còn về phổ biến cho chồng" . Tôi ra xem thì thấy tờ giấy đánh máy in: "Hướng dẫn cặp vợ chồng chuẩn bị làm thụ tinh ống nghiệm (TTON)", đứng kế tôi là hai người phụ nữ cũng chụm đầu lại xem cái tờ giấy dán hướng dẫn.

Họ nói nhỏ nhưng nghe rất rõ: "Chồng em khỏe lắm! Trước khi lấy của anh mà phải kiêng như đây ghi từ 3 - 5 ngày thì em sợ anh không chịu". Chị bên cạnh nhấm nhẳng: "Bảo nó, anh muốn sướng 1 phút hay sướng cả đời, phải cố để mà đậu đi chứ lại. Từng đấy tuổi không có con mà không biết sốt ruột à?". Chị này lại bảo: "Không thì em về nhà mẹ đẻ mà kiêng cho chú ấy". "Nhưng chị ơi! Em sợ anh ấy xa em rồi lại bậy bạ ở đâu thì còn chết nữa". "Cái cô này, đến lạ toàn nghĩ tiêu cực thôi. Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn...".

Trong khi chị này đang khuyên người bạn gái của mình thì một chị ngồi gần đấy, ráng chừng nghe được câu chuyện liền xen vào nói: "Làm cha, có khi các ông ấy còn "mót" hơn mình. Em cứ thả ông chồng em ra, ông ấy không bơi mất đi đâu mà sợ". 

Xa kia lại một người nữa mặt buồn tênh thì ra người phụ nữ gần 40 tuổi vừa nhận kết quả lần này không đậu. Chị thừ mặt, ngồi thụp xuống ghế. Đối lập hình ảnh ấy, một chị khác mặt tươi hớn hở, khuôn mặt rạng rỡ. Chị chia sẻ với mấy người bệnh: "Em đậu rồi, làm lần đầu mà đậu luôn đó". Mọi người nhao lên: "Ôi! May thế. Chúc mừng nhá", "Sướng thế chứ lại"... Chị ấy vui quá, ánh mắt ngời lên hạnh phúc. Còn cách đấy mấy bước chân, chị lúc nãy dù không muốn khóc mà nước mắt cứ trào ra. Chị đã làm 4 lần mà không đậu. Liệu chị có tiếp tục không? Trong lúc này không ai đủ can đảm để hỏi chị. Sợ nói gì cũng khiến chị thêm buồn, mọi câu an ủi lúc này thành vô nghĩa, mọi người chỉ nhìn chị ái ngại, và trong đám đông đó có cái nhìn cảm thông, chia sẻ, ấm áp tình người. Một chị y tá đi ra, nhẹ nhàng đặt tay lên vai chị…

Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS – TS Nguyễn Viết Tiến (GĐ Bệnh viện Phụ Sản Trung ương): “Trẻ thụ tinh nhân tạo có thể chất và trí tuệ hoàn toàn bình thường”

PV: Thưa ông, bệnh vô sinh thường gặp của các cặp vợ chồng do những nguyên nhân chủ yếu nào? Và, trong trường hợp nào thì tỉ lệ người chữa vô sinh thành công  cao, hoặc trong trường hợp nào thì thấp, khó đậu?

TS Nguyễn Viết Tiến: Bệnh vô sinh có nhiều nguyên nhân, có khi khó khăn từ người vợ hoặc do chồng, đôi khi bệnh không phải từ một phía mà là do cả hai. Trong những trường hợp bệnh nhân còn trẻ mà chất lượng người chồng hoàn toàn bình thường, người vợ chỉ vì tắc hai vòi trứng thôi hoặc trước đấy bị thai ngoài tử cung, làm thụ tinh rất dễ thành công. Nhưng với những phụ nữ lớn tuổi lại cộng thêm bất lợi người chồng tinh trùng kém, ngay cả nơi làm tổ của thai nhi  cũng khó khăn, điều kiện  không thuận lợi  như vậy thì làm đi làm lại mãi vẫn chưa thành công.

PV: Bây giờ, ngày nào cũng có trẻ thụ tinh bằng ống nghiệm. Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Việc thụ tinh ống nghiệm gây ra những tranh cãi xung quanh việc có trường hợp sinh nhiều con mà không phải ai cũng dễ dàng đón nhận?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến.

TS Nguyễn Viết Tiến: Càng làm trung tâm càng có kinh nghiệm. Nhiều kinh nghiệm thì khả năng thụ tinh cũng sẽ cao hơn. Số lượng bệnh nhân làm rất nhiều.  Trong thời gian tới về lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm có mấy định hướng: Sẽ cố gắng giảm phôi chuyển xuống ít hơn. Chuyển nhiều phôi sẽ có bất lợi đa thai, chuyển phôi ít, nuôi phôi thật tốt và bảo quản phôi lạnh tốt đó là việc cần thiết trong việc thụ tinh.

Và trong phương pháp TTON thì chất lượng tinh trùng rất kém, noãn rất kém, mang theo cả bệnh lý về di truyền với trường hợp ấy cần chẩn đoán phôi trước khi chuyển phôi vào trong tử  cung. Trước khi chuyển phôi vào phải sinh thiết phôi.  Phải xét nghiệm di truyền phôi, để khi phôi thành thai, sẽ biết đứa trẻ phát triển có bình thường? Hay nhận biết đứa trẻ bị những tật nguyền gì để người ta loại không sử dụng phôi đấy. Định hướng phải mở rộng, trung tâm  đầu tư trang thiết bị máy móc rất tốt.

PV: Việc thụ tinh ống nghiệm là phương pháp khoa học tiên tiến từ nền y học phát triển thế giới, tại Việt Nam công việc này cũng gặp không ít khó khăn do ngoại cảnh tác động và chi phối.

TS Nguyễn Viết Tiến: Đúng vậy, để làm tốt việc thụ tinh nhân tạo cần phải được đầu tư trang thiết bị cho thật tốt, hiện đại không phải đầu tư một lần mà còn bảo dưỡng máy móc trang thiết bị. Dụng cụ để làm trong  hỗ trợ sinh sản rất cầu kỳ. Vì trang thiết bị hết sức tinh vi dễ hỏng nhưng sửa chữa lại khó, đắt tiền. Các trang thiết bị hay thường xuyên đổi mới. Để đào tạo bác sĩ chuyên ngành giỏi được thì mất thời gian, nhưng người để làm  tốt đòi hỏi phải có kỹ năng nữa.

Khó khăn thứ 3, công tác truyền thông tư vấn cho người bệnh, nhu cầu của người bệnh,  bức xúc của người bệnh, khát khao của người bệnh, càng tạo nên áp lực lớn. Khó khăn thứ 4 là một số bệnh nhân không có ý thức phòng bệnh, không khám bệnh sớm, khi phát hiện ra bệnh thường là muộn. Càng nhiều tuổi thì tỉ lệ thành công càng thấp. Khó khăn nữa là việc chi phí cho lĩnh vực hỗ trợ sinh sản so với  kinh tế  của người dân hiện nay  quá cao so với đời sống của họ, tất cả các yếu tố trên làm cho  hỗ trợ sinh sản sao cho  nó gặp khó khăn mình  phải đối mặt.

PV: Phương pháp thụ tinh ống nghiệm không phải lúc nào cũng đem lại kết quả mĩ mãn. Nhiều khi người bệnh phải làm đi làm lại nhiều lần. Việc này gây nên rất tổn hại về  sức khỏe và mệt mỏi về tinh thần.

TS Nguyễn Viết Tiến: Không phải trường hợp nào làm thụ tinh ống nghiệm cũng thành công và tỉ lệ thành công hiện nay cũng khiêm tốn chứ chưa phải đạt được theo như ước muốn của mình. Tỉ lệ thành công 30%-35%. Bây giờ tăng tỉ lệ thành công cho tất cả những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn đấy là gánh nặng rất lớn của ngành y tế. 

PV: Việc chữa vô sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương có gì khác biệt với việc chữa vô sinh trên thế giới không, thưa ông? Trong vấn đề này, liệu chúng ta có bắt kịp với các nước phương Tây có nền y học phát triển tiên tiến?

TS Nguyễn Viết Tiến: Hội nghị quốc tế năm nào tôi cũng tham gia, mỗi khi có điều kiện ra nước ngoài công tác tôi đều tìm hiểu về lĩnh vực này để biết có kỹ thuật gì mới và có áp dụng gì hay không và có những  trường hợp việc thụ tinh rất khó khăn thì cách giải quyết của họ là như thế nào. Ở nước ta, về phương pháp thụ tinh ống nghiệm cũng có sáng tạo riêng như giảm thiểu thai hay trứng non thì hay bị đẻ non thì ta nên tạo hình ra làm sao… 

Bây giờ có kỹ thuật làm chủ, nhưng  có những kỹ thuật mình sáng tạo và có những cái mình phải đang mày mò tìm giải pháp và kỹ thuật phù hợp hơn, như vậy mới mong những bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn ngày càng được giải quyết tốt hơn.  Không ai dám đặt hy vọng giải quyết triệt để được 100%,  tất nhiên cũng có những trường hợp gần như là bó tay, có làm đi làm lại vẫn là không thành công,  nhưng mong muốn làm sao trường hợp mà bác sĩ bó tay ngày càng ít đi.

PV: Việc thụ tinh trong ống nghiệm có đem lại sức khỏe hoàn toàn bình thường cho các thai nhi hay không, thưa ông?

TS Nguyễn Viết Tiến: Mọi người cứ lo sợ liệu các bé có tật nguyền gì khi theo dõi thì người ta thấy trẻ được sinh ra qua phương pháp này không tật nguyền gì cả. Phương pháp thụ tinh này lắm lúc sinh ra có những đứa trẻ rất thông minh, có trẻ cực kỳ có năng khiếu  ngoại ngữ, hoặc có trẻ lại đặc biệt có năng khiếu về toán học. Chúng phát triển về trí thông minh hoàn toàn tốt. Cũng dễ hiểu vì đa phần những đứa trẻ đó đều rơi vào gia đình con quý hiếm do thế nên được nuôi dưỡng rất tốt và chăm sóc chu đáo. Nhưng cũng không ngoại trừ có những gia đình chiều con không đúng cách, càng chăm sóc quá đáng thì đứa trẻ sẽ càng sinh hư. Nhưng có những nhà nuôi con khoa học, biết cách nuôi thì đứa trẻ ấy chắc chắn sẽ khỏe mạnh, thông minh.

Chỉ có một vài trường hợp bị dị tật như phát triển thần kinh kém thậm chí có trẻ còn bị mù mắt do sinh ra quá non, sinh non sẽ bị bệnh lý về võng mạc, hoặc có thể bị điếc. Chứ nếu trẻ thụ tinh không sinh non thì hoàn toàn giống như những đứa trẻ sinh tự nhiên khác

Mai Loan - Mỹ Trân
.
.