Thư viện Anh và vụ kiện phá hoại văn thư quý hiếm

Thứ Ba, 02/12/2008, 14:45
Sự tổn thất do một học giả người Iran gây ra cho bộ sưu tập sách vô giá của Thư viện Anh - với những trang sách minh họa hành trình của người châu Âu hướng đến vùng Lưỡng Hà, Ba Tư và đế quốc Mông Cổ từ thế kỷ XVI trở đi - là không gì bù đắp được.

Các học giả hàng đầu của thư viện cũng lúng túng không biết làm thế nào để giải thích vụ việc tại sao học giả người Iran, Farhad Hakimzadeh, có hành động như thế. Hakimzadeh - tốt nghiệp Đại học Havard, doanh nhân giàu có, nhà xuất bản và nhà nghiên cứu - đã dùng con dao mổ để cắt xén nhiều trang trong 150 cuốn sách nằm trong bộ sưu tập sách cổ quốc gia của Anh.

Tổn thất về tiền bạc mà Hakimzadah đã gây ra trong 7 năm qua là vào khoảng 400.000 bảng Anh, nhưng Tiến sĩ Kristian Jensen, lãnh đạo Thư viện Anh, cho biết những gì đã mất đi là vô giá.

Ông nói: “Đây là những vật thể lịch sử đã bị hủy hoại vĩnh viễn. Ta không thể xóa bỏ những gì mà Hakimzadeh đã làm. Hakimzadeh đã làm tổn thương một phần bằng chứng lịch sử với những hải đồ về những cuộc thám hiểm đầu tiên của người châu Âu và những gì mà chúng ta biết về Trung Đông và Trung Hoa. Điều đó khiến tôi vô cùng căm phẫn. Một học giả cực kỳ giàu có đã hủy hoại tài sản thuộc về mọi người”.

Hakimzadeh, 60 tuổi, có thể sẽ bị kết án tù khi vụ việc được đưa ra xét xử ở Tòa án Wood Green ở London. Hiện Hakimzadeh nhận tội đã gây tổn hại đến 14 sách mẫu. Ông ta đánh cắp các bản đồ, trang chữ cũng như trang minh họa của 10 cuốn sách ở Thư viện Anh và 4 cuốn khác của Thư viện Bodleian ở Oxford từ năm 1988.

Khi lục soát nhà riêng của Hakimzadeh ở Knightsbridge, tây London, trong tháng 7/2008, cảnh sát phát hiện một số bản đồ, trang sách và hình ảnh đã bị mất. Các viện sĩ trong Thư viện Anh bắt đầu nghi ngờ và tiến hành điều tra vào tháng 6/2006 sau khi một độc giả đưa ra cuốn sách “A Relation of Some Yeares Travaille, Begunne Anno 1626” của tác giả Thomas Herbert và cho rằng một số trang trong đó đã bị lấy đi.

Sau khi được các chuyên gia của thư viện giám định và chứng minh giả thuyết của độc giả là đúng, Ban giám đốc quyết định mở cuộc điều tra xem ai là thủ phạm gây tổn hại đến cuốn sách và số phận của những cuốn sách khác như thế nào.

Cuối cùng, họ phát hiện nhiều trang bị cắt sát đến gáy sách và những tấm bản đồ - trị giá mỗi bản đồ là 32.000 bảng Anh - cũng bị lấy khỏi các chương sách. Jensen nói: “Chỉ có những cuốn sách được nghiên cứu bởi Hakmzadeh mới bị tổn hại như thế”. Và họ khám phá Hakimzadeh đã mượn 842 cuốn sách quý và ít nhất 150 cuốn trong số đó bị cắt xé. Một số trang sách bị lấy cắp đã thu hồi được nhưng nhiều trang khác thì mất tích hẳn.

Sau đó thư viện đã viết thư gửi cho Hakimzadeh lúc đó là Giám đốc điều hành Iran Heritage Foundation, một tổ chức từ thiện do ông sáng lập năm 1995 để quảng bá và bảo tồn lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa Iran.

Nhưng đáp lại Hakimzadeh không thừa nhận hành động hủy hoại số sách đó. Đến nước này Ban giám đốc thư viện phải tìm đến cảnh sát cùng với những chi tiết từ cuộc điều tra của họ.

Cảnh sát khoa học phân tích những cuốn sách bị phá hoại và ra lệnh khám xét căn nhà của Hakimzadeh ở Knightsbridge, nơi ông ta đang sống với vợ. Jensen, cùng đi với cảnh sát, nói: “Một số trang sách được tìm thấy nằm rải rác đây đó và số trang khác được kẹp vào trong những cuốn sách trong bộ sưu tập của Hakimzadeh.

Ông ta nằm trong số nhóm độc giả truyền thống của chúng tôi và rất có kiến thức về lịch sử. Theo quan điểm của tôi, điều đó càng thêm trầm trọng bởi vì Hakimzadeh biết rõ tầm quan trọng của những cuốn sách mà ông ta đã phá hoại. Những gì Hakimzadeh đã làm là ăn cắp những trang sách lịch sử và lạm dụng lòng tin của chúng tôi”.

Hiện thư viện Anh đã kiện Hakimzadeh ra tòa. Những cuốn sách bị Halimzadeh cắt xé bao gồm những tác phẩm quan trọng như: cuốn “Historia de la China From the writings” của cha Matteo Ricci, một thầy tu người Italia du hành đến Trung Hoa vào năm 1582 và là nhà du hành phương Tây đầu tiên đến đất nước này.

Cuốn sách được xuất bản lần đầu bằng tiếng Latinh năm 1615, sau đó được in lại ở Tây Ban Nha năm 1621. Tác phẩm của Ricci là bản mô tả đầu tiên của châu Âu về đất nước Trung Hoa; hay cuốn “Novus Orbis An anthology of works” của Simon Grynaeus, Giáo sư về khoa Hy Lạp ở Đại học Basle, đã bị Hakimzadeh lấy đi một bản đồ thế giới được vẽ bởi Hans Holbein, họa sĩ cung đình của Vua Henry VIII

Di An (theo Guardian)
.
.