Thực chất mối quan tâm của Mỹ tới 5G

Thứ Ba, 13/10/2020, 10:15
Cuộc đua triển khai mạng 5G có ý nghĩa đối với an ninh, ảnh hưởng và sự thịnh vượng của Mỹ. Khi các tín hiệu truyền đi khắp thế giới, chúng sẽ ảnh hưởng đến các khía cạnh của trật tự quốc tế.


Mỹ đã bước vào một cuộc đọ sức công nghệ khác song song với cuộc đua không gian - đó là cuộc đua về mạng 5G. Nó sẽ cách mạng hóa khả năng kết nối kỹ thuật số thông qua việc nâng cao khả năng xử lý và lưu trữ dữ liệu. Liệu có phải Mỹ muốn có một “miếng bánh” lớn trong thị trường 5G trị giá 50 tỷ USD hay chỉ đơn giản là chương trình nghị sự của một quốc gia bị đe dọa khi bị nền kinh tế khác vượt qua?

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đang chiếm lĩnh ngành thiết bị viễn thông 5G trên toàn thế giới.

Tại sao quan tâm?

5G và công nghệ di động nói chung chỉ là một phần nhỏ trong cơ sở hạ tầng cơ bản cung cấp năng lượng cho Internet và tổng giá trị của tất cả các cơ sở hạ tầng toàn cầu 5G không nhằm nhò gì so với tổng giá trị của nền kinh tế kỹ thuật số hoạt động dựa trên nó. Trên thực tế, toàn bộ thị trường cơ sở hạ tầng viễn thông hiện nay là khoảng 80 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt mốc 100 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, khoảng một nửa sẽ là cơ sở hạ tầng 5G vào năm 2026. Tổng doanh thu của 12 tháng kết thúc vào ngày 31-3-2020 của Alphabet, Amazon, Apple, Facebook và Microsoft là 943 tỷ USD.

Nếu sự tăng trưởng tương tự tiếp tục duy trì, 5 nhà khổng lồ Internet của Mỹ có thể có giá trị gấp 2,5 lần, hoặc gần 2,5 nghìn tỷ USD vào năm 2026, hoặc lớn hơn 50 lần so với tổng giá trị của cơ sở hạ tầng 5G. Toàn bộ nền kinh tế kỹ thuật số, thường được cho là đóng góp tới 25% GDP thế giới vào năm 2025-2026, sẽ trị giá khoảng 20 nghìn tỷ USD, với 5G chỉ đóng góp 0,2%.

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đang chiếm lĩnh ngành thiết bị viễn thông 5G trên toàn thế giới. Huawei đẩy mạnh các hợp đồng trên mọi khía cạnh của mạng 5G từ cấp vốn đến lắp đặt. Mỹ lo ngại rằng sự phát triển của công ty sẽ củng cố hơn nữa ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc và tạo ra các lỗ hổng bảo mật.

Như Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến Trung Quốc hôm 6-2 tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ không dẫn đầu kỷ nguyên công nghệ tiếp theo. Việc coi 5G là công nghệ duy nhất quan trọng và hoàn toàn bỏ qua sự lãnh đạo của Mỹ trong phát triển phần cứng và phần mềm là điều cường điệu hóa. Cuộc đua ở đây không phải về sự thống trị của 5G mà là về sự chuyển đổi kỹ thuật số hàng đầu sẽ định vị toàn bộ nền kinh tế trở nên hiệu quả hơn và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Trung Quốc và Mỹ đang đối đầu trong cuộc chạy đua 5G.

Mỹ cần làm gì?

Thông qua các thỏa thuận thương mại từng phần về dịch vụ 5G đầu cuối, Mỹ có thể trao quyền cho các đối tác như Thụy Điển, Phần Lan và Nhật Bản có các nhà cung cấp thiết bị cạnh tranh với Huawei. Hơn nữa, các hiệp định thương mại đa phương hình thành chuỗi cung ứng cho mạng 5G sẽ làm phong phú và mở rộng quan hệ thương mại. Trong vòng 5 năm tới, mạng 5G sẽ biến thành một hệ thống dựa trên phần mềm vượt qua mô hình dựa trên phần cứng của Huawei về chức năng, hiệu suất và tính lâu dài. Mỹ có thể sắp xếp quá trình chuyển đổi này bằng cách giới thiệu trước các chuỗi hàng hóa có giá trị.

Chính sách của Mỹ cũng nên bao gồm đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu trong nước. Bởi Trung Quốc nhận ra rằng sự đổi mới là chìa khóa cho sức mạnh của Mỹ, họ đang dốc hầu bao mạnh hơn Mỹ trong công nghệ 5G. Nghiên cứu là nguồn gốc của sự đổi mới, là nam châm thu hút đầu tư nước ngoài và là cầu nối quan trọng giữa các quốc gia. Do đó, nó sẽ là yếu tố quyết định trong cuộc đua 5G. Một chính sách ủng hộ các hiệp định thương mại và nghiên cứu trong nước để chống lại Huawei sẽ thành công vì 3 lý do:

Thứ nhất, các hiệp định thương mại và nghiên cứu trong nước cung cấp các động lực để từ chối Huawei. Là một công ty được chính phủ trợ cấp, Huawei có giá thành hấp dẫn các đối thủ cạnh tranh. Các thỏa thuận thương mại mang lại cho các nhà cung cấp ưu tiên chuỗi cung ứng, nguồn lực và doanh thu cần thiết để đối trọng với lợi thế do trợ cấp của Huawei mang lại và thị trường nội địa rộng lớn. Các thỏa thuận sẽ củng cố các liên minh chính trị và kinh tế. Chúng mang lại lợi ích lâu dài dưới dạng thị trường mở rộng, trao đổi hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng và đầu tư nước ngoài. Các chương trình nghiên cứu quan trọng cũng tăng cường đầu tư lẫn nhau và chia sẻ thông tin.

Thứ hai, các hiệp định thương mại và nghiên cứu trong nước thiết lập vai trò lãnh đạo của Mỹ. Với các điều kiện thương mại có lợi, Mỹ có thể lấy lại quyền lực thị trường trong dài hạn và định hướng lại thị trường 5G theo hướng cung cấp các dịch vụ không thể thiếu cho mạng 5G. Nghiên cứu của Mỹ đóng góp vào sự lãnh đạo bằng cách cho phép Mỹ thiết lập các tiêu chuẩn và định hình phát triển sản phẩm phụ trợ. Sự đổi mới trong công nghệ mạng mang đến một triển vọng tuyệt vời cho sự lãnh đạo thông qua nghiên cứu.

Ngay cả những quốc gia chọn Huawei làm nhà cung cấp cũng thừa nhận những rủi ro liên quan đến công nghệ Trung Quốc. Nếu Mỹ có thể lấp đầy khoảng trống an ninh này thông qua công nghệ ảo, họ có thể giành được niềm tin và các hợp đồng thương mại của các quốc gia khác.

Thứ ba, các hiệp định thương mại và nghiên cứu trong nước tạo điều kiện cho một giải pháp bền vững trước thách thức 5G của Trung Quốc. Các giao dịch thương mại với các nước cùng chí hướng khẳng định các giá trị thị trường tự do làm nền tảng cho trật tự quốc tế tự do. Nghiên cứu trong nước thúc đẩy sự đổi mới, cho phép Mỹ cạnh tranh với sức mạnh công nghệ của Trung Quốc.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.