Thực phẩm “bẩn” và nỗi hoang mang trên mâm cơm nhà

Chủ Nhật, 09/08/2015, 13:00
Có lẽ chưa bao giờ như bây giờ, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại được đặt ra đầy quyết liệt và bức thiết đến vậy. Các cụm từ thịt "bẩn", lợn tăng trọng, gà thải loại, cá, mực ướp phoóc-môn, đậu phụ tẩy trắng bằng chất gây ung thư, hóa chất giúp mít, sầu riêng chín siêu tốc… đang là một thực trạng diễn ra hàng ngày khiến cho người tiêu dùng hoang mang, lo lắng về nguồn gốc các loại thực phẩm có trên bàn ăn nhà mình…

Hoang mang thực phẩm "bẩn"

Một câu cửa miệng của hầu hết những bà nội trợ mỗi khi xách làn đi chợ, là "Quả này của Việt Nam hay Trung Quốc?", "Rau này có phun thuốc sâu không?", "Lợn có ăn tăng trọng không?", "Gà ăn cám hay tăng trọng?"…

Những câu hỏi được hầu hết những người bán hàng trả lời một cách qua loa "làm gì có" hoặc "yên tâm"… nhưng đều không làm cho người tiêu dùng cảm thấy yên dạ với những thực phẩm, rau quả mình mua được dù đó là từ chợ, siêu thị hay các cửa hàng hoa quả sạch.

Bất cứ bà nội trợ nào, nhìn thấy bó rau xanh non, mơn mởn đều muốn mua về, nhưng thực tế, nếu biết được công nghệ trồng rau "bẩn" đang được hầu hết những người nông dân áp dụng thì không mấy ai dám ăn. Gần đây, nhiều tờ báo đã đưa tin về việc người trồng rau ở Thường Tín (Hà Nội) không ngần ngại sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn là phân lợn, phân gà được mua từ các trại nuôi lợn, gà với giá 10.000đ/bao và mang thẳng ra ruộng để tưới cho rau.

Thậm chí họ còn dùng cả phân… người (phân bắc) trộn cùng nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi lợn từ bờ mương cạnh ruộng, nước tiểu, nước cọ chuồng để tưới cho rau củ quả. Điều này đã dấy lên lo ngại về việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như nhiễm ký sinh trùng, viêm nhiễm đường tiêu hóa, bệnh giun sán, những loại rau dùng để nấu, luộc còn có thể diệt vi khuẩn, chứ nếu là các loại rau sống, rau thơm dùng để ăn trực tiếp thì việc nhiễm ký sinh trùng là điều không thể tránh khỏi.

Nhiều người trồng rau đã cho rằng, đây là cách làm "truyền thống" xa xưa của ông cha và nó vẫn là một biện pháp an toàn cho sức khỏe, họ so sánh điều này với việc dùng thuốc kích thích siêu tốc và nguy cơ nhiễm độc từ thuốc trừ sâu cấp và mãn tính mà chắc chắn gây hại cho người tiêu dùng.

Sầu riêng ngâm hóa chất.

Bà Trần Thị Minh, một người bán rau ở chợ Hà Đông chia sẻ: "Gia đình tôi có hai ruộng rau muống, nhưng nếu chỉ trồng rau theo kiểu tự nhiên, chờ đến ngày hái thì hái, hết đợt này mới qua đợt khác thì bao giờ mới có rau mà bán. Vì thế nên việc phun thuốc tăng trưởng kích thích rau mọc nhanh đồng thời với phun thuốc sâu để chống sâu bệnh và cho ra những mớ rau mơn mởn là việc thường xuyên, liên tục.

Khách hàng bây giờ có tiền nên khó tính lắm, rau còi cọc thì bị chê là già, là xấu, họ không mua. Muốn ăn rau non, tươi tốt lại rẻ thì phải chấp nhận ăn rau có thuốc kích thích tăng trưởng, mà phun thuốc này rau mọc nhanh lắm, chỉ đôi ba hôm lại có rau bán rồi. Chúng tôi cần ăn thì để riêng một luống cố định, không cần phun thuốc, không cần đẹp, chỉ cần an toàn thôi".

Không chỉ đối với rau, củ mà với hầu hết các loại thủy, hải sản… cũng được người bán hàng sử dụng công nghệ ướp chất bảo quản, chất làm tươi, làm trắng để bán cho khách. Có nhiều loại thủy hải sản được bày bán với mùi hôi thối nồng nặc, nhưng khi ngâm, trộn với hóa chất, chỉ trong chốc lát, những loại thực phẩm tưởng như… đổ đi này, lại được bày bán đầy thơm tho cho khách hàng có nhu cầu.

Khu chợ Phùng Khoang sầm uất, là nơi cung cấp thực phẩm cho cả khu vực Thanh Xuân, Nguyễn Trãi, Hà Đông… Ở đây có nhiều dãy hàng bán đồ thủy hải sản nhưng không phải gian hàng nào cũng bán đồ xuất xứ rõ nguồn gốc.

Chị B. bán mực tươi và các loại cá biển ở chợ khi được hỏi về nguồn gốc một số mặt hàng trên gian hàng của chị thì được trả lời là lấy ở chợ Long Biên, còn nguồn gốc từ ở đâu  về chợ Long Biên thì cũng không rõ, vì mọi người ai cũng lấy bán thì mình cũng lấy về bán. Thực tế cho thấy, có những tiểu thương bán hàng ở khu chợ này, khi bán không hết hàng thì được tiếp tục cấp đông và tiếp tục bán vào những ngày hôm sau.

"Hàng xóm" bán hàng cạnh gian của chị B. cho biết, nếu muốn hàng tươi, sạch, trắng, giòn thì "người ta" ngâm vào một loại hóa chất chỉ vài chục phút là nhìn những con mực ươn, mềm nhũn lại trắng nõn và nhìn như tươi mới. Người bán hàng đôi khi phải dùng găng tay để làm hàng vì sợ bị… hỏng tay, nhưng lại bán cho khách hàng ăn mới sợ chứ!

Chị Phạm Thị Rằm, quê ở Tiền Hải, Thái Bình, người đã có 7 năm bán hàng hải sản ở chợ Phùng Khoang cho biết: Nhà tôi ở gần biển Nam Thanh, Nam Thịnh, Nam Trung và gần Cảng bến Lân nên mỗi khi có thuyền về thường đã có người chờ sẵn và lấy hàng từ khoảng 10 giờ sáng và đến 12 giờ trưa cùng ngày là có hàng tươi mới để bán cho khách. Các loại cua biển, tôm, ngao thường là có đồ biển "xịn".

Cũng có nhiều hàng nuôi, nhưng nuôi theo công thức và có độ an toàn rất cao, ai ăn "hàng" nào thì có giá của hàng đó. Điều đặc biệt là chúng tôi không buôn bán theo kiểu bơm hóa chất để tôm to lên, cũng không bao giờ mua đồ hải sản không rõ nguồn gốc từ các chợ đầu mối. Bởi vì tôi biết rằng, mua hàng ở chợ đầu mối thì có lãi cao hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn nhưng vì chủ yếu tôi bán hàng cho khách quen nhiều năm ở đây, mà khách quen thì ăn hàng ngon hay không ngon, xịn hay không xịn người ta biết ngay.

Mình cũng là người tiêu dùng, buôn bán kiểu không có đức thì tôi cũng không làm, mình làm ăn còn để phúc cho con, chứ chỉ được bây giờ mà không nghĩ tới hậu quả của nó thì tôi nghĩ rằng không lâu dài được".

Hoa quả để vài tháng không hỏng

Cũng như các mặt hàng thực phẩm hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại hoa quả không rõ nguồn gốc. Những loại quả căng mọng, ngọt, thơm lừng nhưng có những loại quả để vài tháng không hỏng.

Chị Thanh Dung, kế toán của một công ty liên doanh nước ngoài chia sẻ: "Để an toàn hơn tôi thường đi mua hoa quả ở siêu thị, nhưng cùng với việc rất nhiều hàng khuyến mại, giảm giá của đồ nhập khẩu, giá chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 giá thực tế trên thị trường và tôi có một sự kiểm nghiệm là táo (mang nhãn mác của Mỹ) để cả tháng bên ngoài không hỏng, vẫn thơm, nhưng bên trong thì bổ ra đã bị đen hết cả, không chỉ táo mà cam hoặc một số loại dưa cũng có tình trạng tương tự. Thật sự nếu không bị ngâm tẩm hóa chất thì ít khi có một loại quả nào có hạn sử dụng lâu đến vậy mà không bị hỏng.

Biết là không an toàn, nhưng bây giờ không mua thì cũng chả biết ăn gì, bởi vì hàng nào cũng có thể là mang về từ Trung Quốc, hoặc nếu của Việt Nam thì cũng được các bác nông dân vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả mọi vấn đề về an toàn thực phẩm".

Lo lắng của chị Dung cũng là của rất nhiều người dân khác đang hàng ngày đối mặt với nguồn gốc của những loại hoa quả mình đang sử dụng, liệu người ta đã tẩm thuốc gì cho ngọt hơn, ngon hơn, để được lâu hơn và liệu những chất ấy có tác hại như thế nào đối với cơ thể con người?

Chị Phạm Thị Rằm và các tiểu thương bán hải sản chợ Phùng Khoang.

Gần đây, nhiều thông tin về việc các thương lái ở TP HCM đã phù phép bằng... thuốc độc cho các loại trái cây vốn là đặc sản của miền Nam trở nên thơm ngon và đẹp mắt. Các loại sầu riêng, mít Thái, chuối được gom từ các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Bình Phước về nơi tập kết và bắt đầu xử lý bằng hóa chất. Họ pha một hỗn hợp vào thùng lớn để tạo nên một loại nước sền sệt và bôi đều vào cuống sầu riêng, khoét lỗ cho vào mít, thậm chí họ còn rải thuốc lên từng loại quả rồi phủ bạt kín mít với mục đích cho thuốc ngấm sâu vào trái mít làm nở gai và tạo màu vàng óng đến tận xơ…

Riêng chuối già, công đoạn xử lý đơn giản hơn. Nhóm thợ dùng thuốc phun trực tiếp lên từng buồng chuối rồi phủ bạt. Chỉ sau 12 giờ, từng trái chuối dù vẫn còn cứng nhưng đã chuyển sang màu vàng rất đẹp, trong khi cuống vẫn còn tươi mới... Khi được tỉ tê thì thương lái ở đây giải thích chị phải ủ thuốc là vì "chiều theo thị trường", bạn hàng mua chuối về bán đều yêu cầu loại chuối đã chín vàng. Đối với mít và sầu riêng cũng phải dùng thuốc mới ủ chín được hàng loạt, còn để chín tự nhiên thì không có đủ hàng cùng lúc để cung cấp cho thị trường.

Cũng theo kinh nghiệm của chị, ăn chuối nên chọn loại có màu xanh nguyên thủy, còn chuối vàng óng bán đầy lề đường chắc chắn là chuối đã phun thuốc. Đối với mít Thái và sầu riêng thì không thể phân biệt từ bên ngoài. Tuy nhiên, hầu hết sầu riêng chín do thuốc đều rất khó tách rời từng múi, thường bị sượng. Mít Thái cũng vậy, do chín nhờ thuốc nên ít thơm, thường bị sượng (người bán gọi là giòn), xơ cũng rất vàng, khác xa mít chín cây thường có múi vàng ươm, thơm lựng; còn xơ thì trắng hoặc vàng nhạt...

Ngày nay, người ta đã không còn xa lạ với cụm từ ngâm hóa chất, dùng chất tẩy, phun thuốc làm tăng trưởng... người tiêu dùng đang bị "khuất mắt trông coi", và thực tế, dù có lúc biết rằng mình đang đưa chất gây ung thư, chất độc hại vào cơ thể mình nhưng chúng ta hoàn toàn không có sự lựa chọn nào khác trong việc bỏ tiền ra mua đồ cho mâm cơm nhà mình. Chỉ mong chờ vào lương tri của người bán hàng và sự vào cuộc ráo riết của các cơ quan chức năng để có một môi trường lành mạnh cho vấn đề an toàn thực phẩm...

Ông Trần Anh Tuấn (Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường): Sẽ xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn biến hết sức phức tạp đặc biệt là vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ yếu mặt hàng là lương thực thực phẩm như: giò, chả, gà thải loại, nội tạng động vật, phụ gia thực phẩm, rau, hoa quả... Đây chủ yếu là những mặt hàng là lương thực thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ví dụ như gà nhập lậu không rõ nguồn gốc, thải loại, rau an toàn, cá mực ngâm tẩm hóa chất… ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, trước đây các đối tượng dùng các xe vận tải lớn vận chuyển các hàng hóa về Hà Nội tiêu thụ, thì bây giờ các đối tượng thay đổi bằng cách vận chuyển bằng các phương tiện lớn về các tỉnh lân cận, sau đó xé lẻ hàng hóa và dùng các xe nhỏ như xe máy, xe ba bánh và xe du lịch 4 chỗ vận chuyển về Hà nội để tiêu thụ nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Về rau an toàn cũng là một thực trạng đáng báo động.

Một số cơ sở đăng ký và được cấp giấy chứng nhận rau an toàn, có cơ sở sản xuất đáng tin cậy, nhưng thực tế các cơ sở này chỉ có một số mặt hàng rau được trồng ở tại nơi được đăng ký, còn lại một số loại rau thì đối tượng mua ở một số chủ rau trồng đại trà trên địa bàn, hoặc rau hàng rong rồi đóng gói đưa vào các siêu thị, cửa hàng rau sạch... Về mực, cá biển... thì các đối tượng dùng chất tẩy đường, hoặc axít để tẩy trắng, tôm thì mua tôm đông lạnh sau đó dùng chất đông lạnh, dùng bơm tạp chất (thạch rau câu) để cho tôm tươi lên…

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai, chỉ đạo cán bộ chiến sĩ trong toàn lực lượng Cảnh sát môi trường của thành phố tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình địa bàn, rà soát các đối tượng có biểu hiện nghi vấn để xác minh làm rõ và phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra xử lý nghiêm minh để răn đe trước pháp luật.

Thiên Kim
.
.