Thực phẩm có gây nghiện như ma túy?

Thứ Hai, 13/05/2013, 22:45

Các nhà khoa học không đồng tình với nhau quanh vấn đề thói ăn quá độ có thể góp phần làm tăng tỷ lệ người béo phì trên toàn cầu hay không. Nhưng, họ nhất trí rằng chứng nghiện thực phẩm là có thật và cần được điều trị y khoa như một bệnh nguy hiểm. Cũng giống như thuốc lá và rượu, những người nghiện ăn rất khó được "cai nghiện".

Khi tình trạng béo phì cứ tiếp tục tăng lên, cộng đồng khoa học bắt đầu cố gắng chứng minh sự giống nhau giữa thói ăn quá độ và chứng nghiện ăn! Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thành lập một dự án gọi là NeuroFAST để thu thập mọi bằng chứng, trong khi các nhà nghiên cứu thì tỏ ra thận trọng hơn.

Cho đến nay, chỉ có một loại rối loạn ăn được cho là liên quan đến chứng nghiện - đó là chứng cuồng ăn vô độ (Binge Eating Disorder hay Bulimia), được tin là có tác dụng phụ gây béo phì.

Chứng cuồng ăn gây tổn hại về thể xác lẫn tâm lý và cuối cùng là sự đau khổ triền miên. Michael, một người có học vấn cao từng mắc chứng cuồng ăn, cho biết: "Đó là sự ám ảnh hằng ngày, từng phút một, buộc người ta luôn phải tìm đến thực phẩm. Thật là kinh khủng khi ở vào hoàn cảnh như thế".

Còn Louise, một người cuồng ăn đồng thời cũng nghiện rượu và rất hiểu chứng nghiện hơn bất cứ ai khác, tiết lộ: "Luôn phải sống chui rúc trong nhà, không muốn cho ai nhìn thấy (chứng nghiện) và cố giấu hết thực phẩm, giống như người nghiện rượu thường cố giấu những vỏ chai không".

Nữ tiến sĩ Nora Volkow, nhà khoa học thần kinh nổi tiếng lãnh đạo Viện Quốc gia về lạm dụng ma túy (NIDA) ở Mỹ, nhận định có các tiến trình sinh học làm cơ sở cho những gì mà Michael và Louise mô tả. Bà nhận thấy một chất trung chuyển thần kinh gọi là dopamine - vốn được biết là chất có liên quan đến chứng nghiện - hoạt động giống như nhau trong não của những người nghiện ma túy và não của những người béo phì.

Đối với tiến sĩ Nora, đó là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy thực phẩm (hay thói ăn vô độ) cũng có thể gây nghiện. Nhưng, không phải ai cũng đồng tình với Nora Volkow. Giáo sư Jane Ogden, chuyên gia tâm lý học Đại học Surrey (Anh), tin rằng sự gán ghép chứng nghiện như thế có thể chẳng giúp ích gì cho những người cuồng ăn bởi vì điều đó làm cho họ phủi bỏ mọi trách nhiệm đồng thời gây cản trở cho quá trình điều trị hồi phục.

Nhưng, nếu thói cuồng ăn cũng giống các chứng nghiện khác thì chúng ta đã nhìn thấy những cách điều trị thành công. Mục đích của chữa trị chứng nghiện là kiêng nhịn hoàn toàn hoặc giảm bớt sự tác hại - ví dụ như chỉ định sử dụng methadone (chất thay thế cho heroin) hay kẹo chứa nicotine.

Đối với những người hướng đến mục đích kiêng nhịn, một phương pháp đã được thử nghiệm và chứng minh có hiệu quả là chương trình 12 bước do Hội Alcoholic Anonymous (Những người nghiện rượu vô danh) phát triển, với biến thể dành cho nghiện ma túy được Narcotics Anonymous sử dụng và nghiện bài bạc của Gamblers Anonymous. Cách đây 20 năm, người ta miễn cưỡng chấp nhận thói quen bài bạc có thể gây nghiện song hiện nay thì có sự đồng tình phổ biến về quan điểm này.

Michael và Louise đều là thành viên của Overeaters Anonymous (Hội Những người cuồng ăn vô danh). Cũng hoạt động tương tự như các chương trình 12 bước khác, nhóm Overeaters Anonymous có những cuộc gặp mặt kín đáo, những cố vấn riêng v.v…

Nữ tiến sĩ Nora Volkow.

Tất nhiên, người ta không thể kiêng ăn hoàn toàn nhưng có thể tránh rơi vào tình trạng cuồng ăn vô độ! Đối với Louise, kiêng nhịn nghĩa là mỗi ngày chỉ ăn 3 bữa bình thường, không thịt và sôcôla.

Còn với Michael, kế hoạch kiêng thực phẩm của anh là chịu sự quyết định của người cố vấn - thực phẩm nào được phép ăn và ngược lại. Những cách chữa trị khác có tính triệt để hơn. Trong trường hợp nghiện rượu, cơ thể phải chịu sự biến đổi để không còn chấp nhận rượu bằng cách sử dụng thuốc như là thuốc chống lạm dụng - cụ thể là nếu đối tượng uống rượu thì sẽ gặp phản ứng là nôn mửa.

Tương tự, với thói cuồng ăn, cơ thể có thể bị biến đổi bằng can thiệp ngoại khoa - giảm bớt thể tích dạ dày để hạn chế thực phẩm. Nghe có vẻ hơi quá song nó lại hiệu quả đối với phần đông bệnh nhân.

Nhờ điều trị đúng cách mà các đối tượng sống lâu hơn và có ít vấn đề về tim cũng như khả năng vận động hơn. Và, chất lượng cuộc sống của họ cũng được cải thiện. Nhưng, khả năng về mối liên quan giữa thực phẩm và chứng nghiện còn rất phức tạp và còn có nhiều điều mà chúng ta chưa biết

Di An (tổng hợp)
.
.