Thuê bao di động trả trước sẽ được quản lý như thế nào?

Thứ Sáu, 21/09/2007, 08:05
Thuê bao di động trả trước được ví như là một “đứa con đã trưởng thành” mà vẫn chưa được khai sinh. Khi tài nguyên số đã gần cạn, người ta mới giật mình giải quyết hậu quả của “đứa con hư”. Từ ngày 4/9/2007, thuê bao di động tra trước đã chính thức được quản lý.

Vậy, vì sao phải “đưa vào khuân khổ” loại hình này và việc quản lý sẽ được thực hiện như thế nào? Đi cạnh hai vấn đề này là câu hỏi về bài toán an toàn thông tin.

Vì sao phải đưa thuê bao trả trước “vào khuôn khổ”?

Tính đến thời điểm hiện tại nước ta có trên 30 triệu thuê bao di động đang hoạt động trên các mạng, trong đó chủ yếu là các thuê bao trả trước. Sự buông lỏng trong quản lý loại hình này nhiều năm nay đã nảy sinh nhiều hậu quả, làm đau đầu các nhà quản lý. Trước tiên là sự lãng phí kho tài nguyên số.

Đầu năm 2006, hai “ông lớn” là Vinaphone và Mobifone lần lượt xin cấp 2 đầu số mới là 093 và 094. Cuối năm, Viettel Mobile cũng được phê duyệt đầu số mới 097. Cuộc chạy đua để chiếm lĩnh tài nguyên số khiến cho kho số gần đến mức cạn kiệt và nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục tăng thêm đầu số mới.

Kho số cạn kiệt, trong khi các nhà chuyên môn nhận định, số thuê bao thực hoạt động trên mạng chỉ khoảng 50%, một nửa còn lại là thuê bao “ảo”. Một người xài từ vài Simcard đến vài chục Simcard điện thoại là chuyện bình thường.

Thậm chí các nhà cung cấp còn tung nhiều chiêu khuyến mãi theo kiểu: mua Simcard được tặng tài khoản gấp đôi số tiền bỏ ra mua. Đây được xem là một cách để “ôm” càng nhanh đầy càng tốt tài nguyên số.

Việc các thuê bao “ảo” quá nhiều không chỉ làm cạn kho số mà chi phí duy trì các thuê bao “ảo” cũng vô cùng tốn kém. Có thể hiểu một cách đơn giản như một khách sạn có 10 phòng nhưng chỉ có 5 vị khách ở, trong khi đó vẫn phải duy trì hoạt động cho cả 10 phòng - đó quả là một sự lãng phí ghê gớm.

Hàng nghìn tỉ đồng đầu tư cho cơ sở hạ tầng mạng viễn thông đang phải còng lưng gánh thêm các thuê bao không sinh ra lợi nhuận.Việc buông lỏng thuê bao trả trước cũng dẫn đến tình trạng tranh chấp “số đẹp”, “số độc” và những cuộc mua bán số trái phép lên tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng.

Đó là chưa kể nhiều “hacker di động” sẵn sàng tiến hành các cuộc nhân bản Simcard, đánh cắp số gây ra nhiều tranh chấp khiến các nhà quản lý đau đầu để tìm ra chứng lý bảo vệ khách hàng.

Theo thống kê của các doanh nghiệp kinh doanh di động, các loại tin nhắn đe dọa, khủng bố, lừa đảo, tung các tin thất thiệt cũng thường xuyên nhắm đến người tiêu dùng.

Ví dụ như các tin nhắn kiểu: “Hãy gửi tin nhắn này đến 10 số trong danh bạ, tài khoản của bạn sẽ tăng thêm 100 nghìn đồng”. Hay tin nhắn kiểu: “Bạn đã trúng một chuyến du lịch”, “Bạn đã trúng một gói bột giặt”... Điều này thực sự gây phiền toái với người tiêu dùng đặc biệt là vào các giờ giải lao, giờ nghỉ trưa, lúc ban đêm...

Chuyện quấy rối bằng điện thoại di động trả trước không chỉ dừng lại ở các Spam (tin nhắn làm phiền) mà còn gây ra sự lộn xộn trong các công việc cấp bách. Tiêu biểu là việc quấy rối của các số thuê bao trả trước tới các số điện thoại khẩn cấp như: 113, 114, 115...

Chuyện quấy rối bằng các số thuê bao trả trước nhiều và nghiêm trọng đến nỗi Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH CATP Hà Nội đã phải gửi công văn tới Thanh tra Bộ Bưu chính Viễn thông “cầu cứu”.

Nội dung công văn đã nêu ra nhiều số thuê bao trả trước: ví dụ như số thuê bao 098.... trong tháng 6 đã gọi 309 cuộc quấy rối các nhân viên trực tổng đài. Cao điểm là ngày 1/6/2007, số máy này gọi đến 132 lần. Việc quấy rối này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh.

Theo thống kê của Cảnh sát phản ứng nhanh Công an TP Hà Nội: từ tháng 1 đến ngày 30/5/2007 đã có tới 120 thuê bao di động thuộc các mạng khác nhau từ Vinaphone, Mobifone, Viettel, S-Fone gọi lên Trung tâm 113 Hà Nội không có nội dung yêu cầu hỗ trợ về mặt an ninh trật tự mà chỉ để quấy rối, chửi bậy.

Từ khi ra đời Tổng đài 113 để người dân có thể thông báo một cách nhanh nhất các biến cố an ninh trật tự cho lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh, thứ mà các chiến sĩ trực ban sợ nhất không phải là các vụ việc phức tạp mà là... bị quấy rối bằng điện thoại.

Có rất nhiều cuộc gọi đến (chủ yếu là từ các thuê bao di động trả trước) chọc phá, lăng mạ Cảnh sát 113. Đáng lo ngại nhất là các số thuê bao này thường tung tin đồn thất thiệt gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Có trường hợp trời mưa to gió lớn, phòng trực ban nhận được thông báo từ một số di động báo rằng mình là nữ sinh viên, đang bị 5 thanh niên vây ngay trước cổng trường ĐHBK Hà Nội, lực lượng Cảnh sát tức tốc lao đến nơi cấp báo thì chỉ gặp bác xe ôm ngồi... ngáp vặt, cả tổ công tác lại đội mưa đội gió quay về.--PageBreak--

3 cách để “khai sinh” cho số điện thoại

Sau nhiều năm nghiên cứu các đề án, ngày 4/9/2007, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã ký Quyết định 03/2007/QĐ-BTTTT chính thức quản lý các thuê bao di động trả trước, bao gồm cả thuê bao đang hoạt động và thuê bao sắp hòa mạng dịch vụ.

Tất cả các thuê bao trả trước phải đăng ký dịch vụ bao gồm: Dịch vụ di động trả trước có Simcard (di động GSM) hoặc máy đầu cuối di động trả trước không dùng Simcard (CMDA) và di động nội vùng.

Chủ thuê bảo có thể đăng ký thông tin qua Wibsite nhà cung cấp.

Để đăng ký thuê bao ĐTDĐ trả trước, người sử dụng cần chuẩn bị CMND hoặc hộ chiếu. Đối với những người dưới 14 tuổi, chưa có CMND hoặc hộ chiếu có nhu cầu sử dụng ĐTDĐ trả trước, phải có bố mẹ, hoặc người giám hộ dùng CMND hoặc hộ chiếu đứng tên đăng ký sử dụng.

Trong quá trình đăng ký, người sử dụng sẽ không phải trả một khoản phí nào cho Nhà nước hoặc doanh nghiệp. Ngay cả trường hợp người mua Simcard trả trước để đem biếu, tặng thì người được tặng cũng cần đăng ký thông tin lại mới được sử dụng dịch vụ.

Như vậy, với những nội dung chính này, việc quản lý thuê bao trả trước sẽ được thắt chặt, nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực có thể xảy ra. Các nội dung đăng ký cũng tương đối đơn giản:

1. Thuê bao là cá nhân người Việt Nam: Số máy thuê bao, họ tên, ngày tháng năm sinh và số CMND (hoặc hộ chiếu đang còn thời hạn).

2. Thuê bao là người nước ngoài: Số máy thuê bao, họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch của chủ thuê bao và số hộ chiếu.

3. Đối với chủ thuê bao là đại diện cho cơ quan, tổ chức: Số máy thuê bao; tên gọi, địa chỉ giao dịch của cơ quan, tổ chức (kèm theo giấy giới thiệu của cơ quan); họ tên đầy đủ của chủ thuê bao, ngày tháng năm sinh và số chứng minh nhân dân.

Các thuê bao trả trước đang sử dụng có thể đăng ký theo ba cách:

1. Đăng ký qua tin nhắn SMS bằng chính số thuê bao di động đang sử dụng của mình đến hệ thống theo mẫu mà doanh nghiệp quy định.

2. Thuê bao đăng ký qua cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp bằng tài khoản của thuê bao mình đang sử dụng.

3. Đăng ký tại các điểm giao dịch của nhà cung cấp dịch vụ.

Thuê bao trả trước mới hòa mạng và thuê bao đang khóa hai chiều muốn hoạt động trở lại bắt buộc phải đến các điểm giao dịch, đại lý của nhà cung cấp dịch vụ để đăng ký.

Các đại lý cung cấp thẻ cào, Simcard ĐTDĐ trả trước chịu trách nhiệm quản lý thông tin đăng ký của người sử dụng dịch vụ trả trước do mình cung cấp theo hợp đồng đại lý ký với doanh nghiệp viễn thông.

Doanh nghiệp, đại lý bán lại và người sử dụng dịch vụ trả trước ĐTDĐ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký, cung cấp thông tin sai về người sử dụng dịch vụ trả trước. Đối với các thuê bao trả trước đang hoạt động, thời hạn áp dụng cho doanh nghiệp “tái đăng ký” trong vòng 24 tháng.

Lợi nhuận doanh nghiệp hay lợi ích xã hội?

Ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã  áp dụng các biện pháp nhằm quản lý thuê bao di động trả trước như: Singapore, Thụy Điển, Thái Lan (22 triệu thuê bao trả trước) và Malaysia (14 triệu thuê bao).

Các quy định này được đưa vào các văn bản luật. Ở các nước này, thẻ điện thoại trả trước khi kích hoạt yêu cầu phải nhập các thông tin thuê bao, nếu hợp lệ, thẻ đó mới được chấp nhận.

Nước láng giềng Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho việc bắt buộc tất cả mọi thuê bao ĐTDĐ tại nước này phải đăng ký lại số ĐTDĐ của mình dưới tên và địa chỉ thật.

Theo đó, khoảng 200 triệu thuê bao di động trả trước ở Trung Quốc sẽ phải mang CMND và hộ khẩu để đi đăng ký lại số máy của mình. Và nếu quá thời hạn quy định mà chưa đăng ký lại thì số điện thọai đó sẽ bị cho ngừng hoạt động!

Ở Việt Nam, câu chuyện quản lý thuê bao di động trả trước cũng gây nhiều tranh cãi, tuy vậy, triển khai phương án này là một việc làm hợp lý và băn khoăn lớn nhất có lẽ lại đến từ doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cho rằng quản lý thuê bao trả trước sẽ là “giảm doanh thu” của họ; thậm chí còn cho là ảnh hưởng đến “bí mật thông tin cá nhân của khách hàng”. Vậy sao họ không đề cập vấn đề: nếu người ta mua Simcard để phục vụ cho nhu cầu của mình một cách “lương thiện” thì tại sao lại phải “sợ”!--PageBreak--

Chắc chắn, trong thời gian đầu, số thuê bao mới sẽ giảm, trong khi nhiều thuê bao “ảo” cũng bắt đầu lộ diện.

Trao đổi với PV ANTG, bà Trần Thị Thúy Hạnh, phụ trách truyền thông của Công ty VMS Mobifone cho biết, Mobifone hoàn toàn ủng hộ chủ trương quản lý thuê bao trả trước. Lý giải cho tất yếu các thuê bao trả trước sẽ giảm, bà Hạnh cho rằng: “Thói quen là điều quan trọng nhất, khách hàng đã có thói quen sử dụng dịch vụ một cách đơn giản nên khi thêm một thủ tục, chắc chắn sẽ chưa thể thích nghi ngay.

Theo tôi, vấn đề là các nhà cung cấp có làm cho khách hàng cảm thấy thoải mái khi thực hiện các thủ tục hay không”. Bà Hạnh cho rằng, việc thực hiện đăng ký thuê bao trả trước, doanh nghiệp sẽ bớt thêm được chi phí từ các thuê bao “ảo”.

Ông Hồ Đức Thắng, Phó giám đốc Công ty Vinaphone cũng cho biết, doanh nghiệp trong khi chờ quyết định của Bộ Thông tin và truyền thông đã tiến hành nâng cấp hệ thống quản lý thông tin khách hàng, đào tạo nhân sự và tuyên truyền về các thủ tục đăng ký.

Bài toán an ninh thông tin

Trong 3 hình thức đăng ký, hình thức đăng ký trực tiếp là hình thức đáng tin cậy nhất khi khách hàng sẽ phải xuất trình CMND, đăng ký trực tiếp với người bán hàng. Hai hình thức còn lại, đăng ký qua Website của nhà cung cấp và đăng ký qua tin nhắn SMS lại đặt ra quá nhiều câu hỏi, đặc biệt là tính xác thực của thông tin và mức độ an toàn, bảo mật.

Với hình thức đăng ký qua SMS, nếu chủ thuê bao lơ là chiếc điện thoại của mình một thời gian ngắn, người khác có thể dùng chính điện thoại đó để đăng ký thông tin với nhà cung cấp mạng.

Việc này không những làm cho việc quản lý thông tin bị sai lệch mà khi gặp các trường hợp rắc rối, vụ việc liên quan đến pháp luật, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước các thông tin đó?

Hình thức đăng ký trên Website của nhà cung cấp tưởng như là an toàn nhất cũng không phải là không thể phá hoại. Đơn giản nhất là: nếu một ai đó dùng điện thoại của bạn để đăng ký thông tin trên Website của nhà cung cấp, qua đó sử dụng để khai báo thông tin cá nhân sai lệch.

Khi dịch vụ gửi tin nhắn phản hồi, thông tin được xác thực một lần nữa thì coi như “con dế” của bạn chỉ còn “xác”, “hồn” thì là của người khác. Nhưng khi xảy ra các rắc rối thì bạn chính là người đầu tiên bị các cơ quan chức năng “sờ” đến.

Các chuyên gia viễn thông đã khuyến cáo khách hàng không nên lơ là với chiếc điện thoại của mình, đặc biệt là trong thời gian đăng ký thông tin thuê bao trả trước. Khi phải sửa chữa hay bảo hành máy nhất thiết phải giữ lại Simcard của mình.

Một vấn đề nữa đặt ra là: liệu các thông tin khách hàng có bị các dịch vụ gia tăng lợi dụng. Trước đây đã từng có các dịch vụ nhắn tin: chỉ cần 2.000 đồng là bạn có thể biết số nhà, tên chủ các thuê bao và các thông tin liên quan.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Thúy Hạnh khẳng định rằng: các thông tin của khách hàng sẽ được bảo mật hoàn toàn và nhà cung cấp chỉ công bố các thông tin cá nhân thuê bao nếu được sự đồng ý của chủ thuê bao hoặc theo yêu cầu của cơ quan an ninh khi cần thiết.

Sẽ còn rất nhiều vấn đề nảy sinh trong lộ trình 24 tháng thực hiện “khai sinh” cho thuê bao trả trước. Cho đến khi các thông tin của nhà cung cấp “khớp” lại với tài liệu của cơ quan quản lý nhân khẩu, Cơ quan Công an có lẽ bài toán an toàn thông tin mới được giải đáp hoàn toàn

Hoàng Thắng
.
.