Thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn: Ám ảnh chiến tranh song hành hợp tác kinh tế

Thứ Năm, 26/12/2019, 19:18
Nỗi ám ảnh về cuộc đối đầu mới giữa Bình Nhưỡng và Washington đã bao trùm các cuộc họp giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong tuần này, trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng tăng về việc Triều Tiên có thể chấm dứt nỗ lực ngoại giao nhằm “hạ nhiệt” tình trạng căng thẳng.

Nỗi ám ảnh khôn nguôi

Hội nghị Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên ngày càng thất vọng vì không được Mỹ nới lỏng trừng phạt - vốn đã làm tê liệt nền kinh tế của quốc gia này - dù cho Bình Nhưỡng đã kiềm chế thử tên lửa tầm xa và hạt nhân. Đây là cuộc họp thượng đỉnh 3 bên đầu tiên của các nhà lãnh đạo kể từ khi họ gặp nhau vào tháng 5 tại Tokyo.

Trong khuôn khổ thượng đỉnh, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhấn mạnh đối thoại Mỹ-Triều hiện vẫn đang gián đoạn. Tình hình hiện nay hoàn toàn không có lợi cho tất cả các bên. Lãnh đạo Hàn Quốc hy vọng trong thời gian tới, Seoul và Bắc Kinh sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để biến cơ hội thành kết quả thực tế.

Giới phân tích cho rằng, phát biểu của Tổng thống Moon nhằm kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn nữa để kéo CHDCND Triều Tiên quay lại bàn đối thoại, trong bối cảnh nhiều ý kiến lo ngại nước này lại sắp tiếp tục khiêu khích quân sự. Vai trò quan trọng của Trung Quốc trong tiến trình phi hạt nhân hóa, thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên được Seoul hết sức kỳ vọng.

Một số chuyên gia cho rằng, CHDCND Triều Tiên có thể sẵn sàng phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong thời gian tới. Điều này có thể sẽ chấm dứt thỏa thuận năm 2018 giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Do vậy, việc bảo vệ ổn định và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên cũng như thúc đẩy một giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên là lợi ích của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun đã gặp hai nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Bắc Kinh tuần này, tiếp theo sau các cuộc gặp với các giới chức Hàn Quốc và Nhật Bản trong những nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn cuộc đối đầu mới.

Tuy nhiên, Jenny Town - Tổng Biên tập của chuyên trang theo dõi Triều Tiên 38 North - viết trên trang mạng xã hội Twitter: "Sự im lặng, ngay cả sau phát biểu của ông Biegun ở Seoul, khiến tôi lo ngại".

Trung Quốc và Nga vừa đề xuất với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt trong nỗ lực tháo gỡ bế tắc hiện tại và tìm cách tranh thủ sự ủng hộ. Tuy nhiên, phía Mỹ đã thể hiện rõ quan điểm bất đồng và có thể phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In.

Mặc dù Hàn Quốc coi Trung Quốc là nhân tố quan trọng có thể giúp hồi sinh các cuộc đàm phán nhưng đến nay, Seoul chưa trả lời câu hỏi về việc liệu họ có ủng hộ đề xuất mới của Bắc Kinh và Moscow tại Hội đồng Bảo an hay không. Nhật Bản, vốn lâu nay luôn ủng hộ các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên, cũng không bình luận về đề xuất này.

Giáo sư Narushige Michishita, làm việc tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, nhận định rằng hành động không kiềm chế của CHDCND Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến Thế vận hội Tokyo 2020 sắp diễn ra. Ông Michishita nói: "Đàm phán song phương với CHDCND Triều Tiên có thể sẽ là một cách tiếp cận tốt hơn đối với Nhật Bản thay vì nới lỏng các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc".

Kinh tế - điểm sáng hợp tác

Có lẽ, vấn đề hợp tác kinh tế sẽ là cứu cánh cho không khí u ám của các cuộc họp Trung-Nhật-Hàn dịp này khi cả 3 bên đều nhận ra những tiềm năng hợp tác cùng nhau trong bối cảnh mới.

Khi họp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Moon đã nhắc tới câu nói của Mạnh Tử là "thiên thời" không bằng "địa lợi", "địa lợi" không bằng "nhân hòa". Hai nước Hàn-Trung có đầy đủ cả "thiên thời" và "địa lợi" để cùng phát triển thịnh vượng, chỉ cần thêm yếu tố "nhân hòa" thì hai bên sẽ mở ra một thời đại mới.

Bên cạnh đó, Tổng thống Moon bày tỏ thán phục sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc, ngưỡng mộ tài lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, đưa người dân tới gần hơn "Giấc mộng Trung Hoa". Ông đánh giá trong năm qua, quan hệ Hàn-Trung đã có nhiều thành quả và thay đổi lớn. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã vượt 200 tỷ USD, giao lưu nhân dân đạt trên 8 triệu người.

Từ sau khi lãnh đạo hai nước nhất trí liên hệ Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc với chính sách "Phương Nam mới" và "Phương Bắc mới" của Hàn Quốc, hai bên đã thông qua báo cáo chung về phương án hợp tác cụ thể. Trên cơ sở đó, Tổng thống Moon hy vọng hai bên sớm xúc tiến vào nước thứ ba, triển khai các dự án hợp tác đa dạng, tạo hiệu quả kinh tế lớn.

Hiện nay, hợp tác kinh tế thương mại Trung-Nhật-Hàn có thể được coi là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế châu Á và toàn cầu. Kinh tế thương mại là mấu chốt của hợp tác Trung-Nhật-Hàn. Trong 20 năm qua, kim ngạch thương mại giữa 3 nước đã tăng từ 130 tỷ USD lên 720 tỷ USD, trở thành một trong những đối tác kinh tế thương mại quan trọng nhất của nhau.

Trong các giai đoạn liên tục phát triển của toàn cầu hóa, sự bổ sung ngành nghề lẫn nhau trong chuỗi giá trị toàn cầu của 3 nước ngày càng trở nên sâu sắc, khu vực Đông Bắc Á đang trở thành một phần quan trọng của tăng trưởng kinh tế thế giới. Cho dù là dưới góc độ tăng trưởng toàn cầu hay hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sự đóng góp của hợp tác kinh tế thương mại Trung-Nhật-Hàn đều đã đạt đến một mức cao mới trong lịch sử.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay, tỷ trọng GDP của 3 nước trong GDP toàn cầu đã duy trì mức tăng trưởng tương đối ổn định, trong đó, những đóng góp từ sự tăng trưởng GDP của Trung Quốc đối với kinh tế thế giới là lớn nhất.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2018, tổng sản phẩm kinh tế của 3 nước là 20.200 tỷ USD, chiếm 23,5% GDP toàn cầu, vượt mức 21,9% của Liên minh châu Âu (EU), tiệm cận mức 27,3% của Khu thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Điều đó đủ cho thấy tầm quan trọng của kinh tế Trung-Nhật-Hàn đối với sự phát triển toàn cầu.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.