Tỉ giá đồng NDT của Trung Quốc: Chuyện không chỉ là… tiền

Thứ Sáu, 02/07/2010, 17:25
Báo Nhân dân điện tử ngày 23/6 dẫn lại tin của Tân Hoa xã cho biết: giá trị đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc (TQ) so với đồng đôla Mỹ hôm 22/6 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua kể từ khi TQ định giá lại đồng tiền của họ hồi tháng 7/2005.

Tuy được mô tả là mức tăng giá trị cao nhất so với USD trong vòng 5 năm qua, đồng NDT ngày 22/6 chỉ tăng khoảng 0,43% so với ngày hôm trước; cụ thể là 6,7980 NDT ăn 1 USD (tỉ giá ngày 21/6 là 6,8275 NDT/1 USD).

Nhưng câu chuyện không phải là đồng NDT tăng giá 0,43% sau một ngày.

Ngày 19/6, TQ đưa ra cam kết "tăng tính linh hoạt" trong cơ chế tỉ giá đồng NDT.

Đây là lần đầu tiên trong gần 2 năm qua, kể từ tháng 7/2008 khi TQ quyết định "chốt cứng" tỉ giá đồng tiền của họ ở mức 6,8 NDT ăn 1 USD, Bắc Kinh đưa ra một cam kết gây phấn khích cho Mỹ và các nước phát triển khác.

Như vậy, sự kiên định trong lập trường cứng rắn của TQ đối với vấn đề tỉ giá đồng NDT (so với USD) đã bắt đầu có dấu hiệu chùng xuống. Và quyết định này của Bắc Kinh ngay lập tức nhận được những phản ứng khá tích cực từ Mỹ và nhiều nước phương Tây khác.

Đài BBC ngày 20/6 đưa tin sốt dẻo: Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh thông báo của TQ rằng nước này sẽ nâng giá đồng NDT, vốn bị cho là giữ quá thấp. Ông Obama được BBC dẫn lời gọi đây là "bước đi có tính xây dựng" và nói nó sẽ giúp quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu.

Ông Obama, vẫn theo BBC, thậm chí còn  nói "Tôi nóng lòng trao đổi về chủ đề này và các chủ đề khác tại Hội nghị G20 ở Toronto vào tuần tới". Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn thì cho rằng quyết định của TQ là một diễn biến "rất đáng hoan nghênh".

Thật dễ hiểu khi giới truyền thông quốc tế bình luận rằng quyết định điều chỉnh linh hoạt tỉ giá đồng NDT là một "động thái tích cực" trước thềm Hội nghị cấp cao G20 (diễn ra tại Toronto Canada từ ngày 26 đến 27/6/2010) và làm "phấn chấn" thị trường toàn cầu.

Quyết định "tăng tính linh hoạt" tỉ giá đồng NDT của TQ được coi là sự kiện có tầm ảnh hưởng quốc tế, vì người ta cho rằng thế giới đang chờ đợi một động thái "mềm" hơn từ phía Bắc Kinh trước sức ép khá "cứng" của Mỹ và các nước Tây Âu đòi họ tăng giá trị đồng NDT, nhất là trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra mà tại đó chắc chắn Mỹ sẽ  "làm nóng" chủ đề về giá trị đồng NDT (so với USD), nếu Bắc Kinh không thay đổi lập trường.

Sở dĩ Mỹ và các nước Tây Âu gia tăng sức ép đòi TQ tăng giá trị đồng NDT vì họ cho rằng với đồng NDT được định giá thấp như lâu nay, các doanh nghiệp TQ có thêm lợi thế khi xuất khẩu. Đài RFI ngày 2/6 phân tích, xin trích nguyên văn: "Trong thời gian qua, kinh tế TQ đã có mức tăng trưởng cao và dư thừa cán cân thương mại lại tăng vọt, đạt mức 20 tỉ đôla trong tháng 5. Các đối tác thương mại cho rằng, Bắc Kinh cạnh tranh không lành mạnh, giữ đồng NDT có giá trị thấp hơn từ 40% đến 50% so với giá trị thực. Đây là nguyên nhân gây ra những mất cân đối nghiêm trọng trong trao đổi mậu dịch song phương. Càng gần đến Hội nghị G20, áp lực của Mỹ và phương Tây càng mạnh...".

Song, về phần mình, TQ không thừa nhận rằng việc họ quyết định “tăng tính linh hoạt” của tỉ giá đồng NDT là do sức ép từ bên ngoài.

Đài Bắc Kinh đêm 22/6 dẫn lời một chuyên gia kinh tế TQ trả lời phỏng vấn của đài này nói rằng TQ đẩy mạnh cải cách cơ chế hình thành tỉ giá hối đoái đồng NDT là sự lựa chọn chủ động xuất phát từ nhu cầu trong nước... và rằng việc điều chỉnh tỉ giá hối đoái là điều hết sức bình thường. Người ta không ngạc nhiên trước cách nhìn nhận khác nhau giữa phương Tây và TQ đối với sự kiện này.

Tuy nhiên, điều mà ai cũng thấy là sự tính toán khôn ngoan của Bắc Kinh khi đưa ra một tuyên bố "mềm" mà "chặt". Với thông điệp "tăng tính linh hoạt" của tỉ giá đồng NDT,  người ta đều hiểu đó là một tín hiệu về sự tăng giá trị, dẫu không nhiều, của đồng tiền này (và thực tế đã tăng), nhưng điều đó cũng không có nghĩa chỉ tăng mà không giảm.

Theo TTXVN,  chính tờ Bình Quả của Hongkong, số ra ngày 23/6, đã bình luận rằng "khả năng lớn nhất là tỉ giá (giữa đồng NDT và USD) vẫn đứng yên tại chỗ hoặc có thể lên xuống với biên độ rất nhỏ, khác xa rất nhiều so với kỳ vọng của các nước Âu - Mỹ rằng đồng NDT sẽ bước vào một cơn sóng tăng giá khác".

Còn báo Thái Dương, cũng của Hongkong, số ra ngày 21/6, thì nhận xét: "Đây rõ ràng là một sự điều chỉnh có tính toán kỹ càng của TQ và Bắc Kinh dường như đã thực hiện một "nước cờ khôn ngoan" trong việc thể hiện vai trò quốc tế của mình. Nhưng có thể dự báo tuyên bố trên của Bắc Kinh cũng sẽ chỉ là "một trò diễn lớn" đối với đồng NDT. Tính linh hoạt tỉ giá đồng NDT không có nghĩa là sự tăng giá trị đối với tất cả các mặt hàng, càng không có nghĩa là một sự tăng giá lớn của TQ".  

Rõ ràng, bằng bước đi được tính toán cẩn trọng của mình, Bắc Kinh trước mắt tạm né được sức ép quốc tế, chủ yếu là từ Mỹ và các nước phương Tây, mà vẫn  không phải thả nổi tỉ giá đồng NDT theo cơ chế thị trường như đòi hỏi của Mỹ và đồng minh của họ.

Vẫn báo Thái Dương ngày 21/6 còn cho rằng việc Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố "gia tăng tính linh hoạt" tỉ giá đồng NDT trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 là một quyết định nằm trong việc điều chỉnh sách lược ngoại giao của họ.

Tờ báo viết: "Quyết định trên của TQ thực tế không đơn giản là một sự kiện ngẫu nhiên mà là sự kiểm nghiệm và điều chỉnh sách lược ngoại giao của Bắc Kinh sau một quá trình dài".

Nhận xét của tờ Thái Dương là có căn cứ. Báo này lập luận rằng  việc TQ từng tuyên bố G20 không phải là nơi để thảo luận  vấn đề tỉ giá đồng NDT và Bắc Kinh sẽ tự quyết định vấn đề liên quan chính sách tỉ giá hối đoái của nước mình, không chịu bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài, sẽ khiến cộng đồng quốc tế cho rằng Bắc Kinh vẫn đang áp dụng sách lược cứng rắn mang tính không khoan nhượng, báo hiệu sự đối đầu quyết liệt trong Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Toronto.

Như vậy, khả năng "đối đầu quyết liệt" tại Hội nghị thượng đỉnh G20 xung quanh vấn đề tỉ giá của đồng NDT (so với USD) không còn lý do tồn tại khi TQ đã tuyên bố "tăng tính linh hoạt" của tỉ giá đồng tiền này.

Cũng xin lưu ý rằng  quyết định "tăng tính linh hoạt" của tỉ giá đồng NDT còn gắn với một chính sách tiền tệ quan trọng khác của TQ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, TQ suốt hai năm liền thực hiện chính sách đồng NDT "gắn chặt" với đồng USD.

Theo báo Thái Dương, Thống đốc Ngân hàng Trung ương TQ Chu Tiểu Xuyên hồi tháng 3 vừa qua từng chỉ rõ, việc đồng NDT gắn chặt với đồng USD là một "chính sách đặc biệt", mục đích chỉ để TQ vượt qua cuộc khủng hoảng tiền tệ thế giới, sau đó chính sách này sẽ được dỡ bỏ. Nay Bắc Kinh tuyên bố tăng tính linh hoạt của tỉ giá đồng NDT có nghĩa rằng đồng NDT một lần nữa tách khỏi đồng USD, quay trở lại chế độ tiền tệ cả rổ.

Một số nhà phân tích kinh tế cho rằng nếu là một rổ tiền tệ thì khi tính toán sẽ càng phức tạp hơn, trong đó cố nhiên vẫn bao gồm đồng tiền hiện đang khá mạnh là USD, nhưng cũng còn những đồng tiền khác để "cân đo" như  euro và bảng Anh. Sự lên xuống của cả rổ tiền tệ này, cái này làm yếu cái kia và ngược lại, tất nhiên sẽ tạo ra ảnh hưởng đối với sự lên xuống của đồng NDT.

Dẫu người ta luôn phải thận trọng với mọi thay đổi trong chính sách của Bắc Kinh, nhưng điều không thể phủ nhận là TQ đã khôn ngoan khi công bố chủ trương gia tăng tính linh hoạt của tỉ giá đồng NDT trong tình hình hiện nay

N.Q.U.
.
.