Tiềm năng văn hóa: Vẫn chờ được…đánh thức

Thứ Năm, 18/01/2018, 18:20
Tự hào văn hóa Việt phong phú, nhiều tiềm năng nhưng có một nghịch lý tồn tại nhiều năm nay là người làm văn hóa liên tục than thở những tiềm năng này chưa được phát huy như lẽ ra đã phải. Lý do được viện dẫn rất nhiều nhưng giải pháp nào để thoát khỏi “mớ bòng bong” này vẫn là câu chuyện dài kỳ mà hồi kết có vẻ như bắt đầu được hé mở vào cuối năm 2017...

Đồ sộ nhưng vẫn chỉ đang ở dạng tiềm năng

Chỉ riêng với di sản văn hóa, người Việt tự hào khi có một di sản văn hóa đồ sộ, đặc sắc. Thống kê đến cuối năm 2017 cho thấy, cả nước hiện nay có 61.699 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 228 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh và danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 26 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ngoài ra, Việt Nam đã có đến 142 bảo vật quốc gia, 3.447 di tích quốc gia, trong đó có 95 di tích quốc gia đặc biệt. Hệ thống bảo tàng cũng ngày càng phong phú bao gồm 125 bảo tàng công lập, 34 bảo tàng ngoài công lập, lưu trữ trên 3 triệu tài liệu, hiện vật...

Nhưng chỉ có điều, phần nhiều của khối di sản đồ sộ này vẫn nằm ở dạng tiềm năng. Hay nói cách khác, là chưa được khai thác một cách hiệu quả đúng với mong muốn và cả sự đầu tư của nó.

Cảnh trong vở “Quẫn” của thầy và trò đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Trần Lực tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Vẫn là câu chuyện cũ: Văn hóa Việt vô cùng phong phú, nhiều tiềm năng để phát triển lớn mạnh thành công nghiệp văn hóa nhưng chưa có điều kiện phát huy như mong muốn, thậm chí bị hạn chế vì nhiều lý do. Như nhận định của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Đặng Thị Bích Liên thì công tác thể chế hóa, xây dựng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn thấp so với yêu cầu.

Văn hóa truyền thống của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Hoạt động nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là sân khấu truyền thống đang bị khủng hoảng lực lượng sáng tác. Hoạt động lý luận phê bình còn yếu, việc tuyên truyền, quảng bá hạn chế do nguồn kinh phí khó khăn...

Tổng kết về hoạt động văn học, nghệ thuật Việt Nam năm 2017, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Hữu Thỉnh cũng chỉ ra rằng, khó khăn lớn của giới văn học nghệ thuật hiện nay là đầu ra cho tác phẩm. Quảng bá tác phẩm gặp nhiều vướng mắc trên "toàn tuyến": âm nhạc - điện ảnh - sân khấu - văn học... Từ in, phát hành cho đến dựng vở, làm phim...

Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh thì xu hướng thương mại hóa, đặc biệt trong âm nhạc và điện ảnh ngày càng lớn. Do thiếu sự đầu tư trọng điểm đặc biệt nên các tác phẩm mang tính định hướng chưa có được sức ảnh hưởng, có chiều sâu. Hiếm có tác phẩm được công chúng ngưỡng mộ. Sự đầu tư dàn trải kiểu "được lòng mọi người nhưng mất mùa văn học nghệ thuật” với kết quả là thiếu tác phẩm hay, xứng tầm.

Riêng về sự trì trệ của các đơn vị nghệ thuật công lập, giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, ông Tô Văn Động cũng lý giải: nguyên nhân nằm ở việc điều hành. Nghệ sĩ chỉ chuyên về làm nghệ thuật, trong khi hoạt động quảng bá, thu hút sự chú ý của công chúng lại cần đội ngũ chuyên nghiệp của các doanh nghiệp, những người chuyên về kinh tế điều hành. Đội ngũ này, ở các đơn vị công lập đều thiếu vắng.

Đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Trần Lực xúc động trong ngày “Quẫn” thành công.

Lối đi ở dưới chân mình?

Nhưng, có một thực tế khác là trong khi nhiều người làm sân khấu “khóc ròng” vì khủng hoảng khán giả, những ngày đầu năm mới 2018, đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Trần Lực gây bất ngờ khi đưa “Quẫn”, một trong số những vở hài kịch kinh điển của Việt Nam, từng gây tiếng vang từ 60 năm trước ra Nhà hát Lớn Hà Nội. Và thành công. Không khí lạnh tê tái cộng thêm những cơn mưa nhỏ, dai dẳng khiến con người thường trở lên lười biếng, chỉ mong được ngủ vùi trong chăn ấm. Nhưng Trần Lực và các học trò đã cùng nhau làm nên sự lạ: kéo khán giả đến rạp xem kịch.

Thời gian như trôi nhanh hơn khi một câu chuyện tưởng chừng vô cùng nghiêm túc về một chủ trương ảnh hưởng đến rất nhiều số phận, nhiều gia đình của một thời là công tư hợp doanh lại được chuyển tải một cách hài hước và duyên dáng trên sân khấu. Kịch bản cũ đầy đủ những lớp lang của nhà viết kịch Lộng Chương được “cô lại”, gọn gàng hơn. Những mảng miếng hài vừa đủ để quyến rũ khán giả ngồi xem đến phút chót và những tiếng cười bật lên thích thú vang khắp khán phòng nhà hát.

Đạo diễn Trần Lực cho rằng đây là kết quả từ phong cách biểu diễn mới hài hước, trẻ trung mà nhóm kịch thầy và trò Lucteam đã cố công gây dựng. Một phong cách mà anh gọi là biểu hiện - ước lệ.

Thực chất, phong cách mới của Lucteam trên sân khấu hôm nay được kết hợp bởi 2 phương pháp cũ. Trong đó, phương pháp ước lệ đã rất quen thuộc với số đông khán giả sân khấu nghệ thuật truyền thống mà đậm đặc nhất là sân khấu chèo. Phương pháp biểu hiện đã được người làm sân khấu kịch nói áp dụng nhiều năm.

Việc kết hợp cả 2 phương pháp, nỗ lực tạo nên một phong cách nhất quán của nhóm kịch thầy và trò Trần Lực mang đến phong vị lạ cho sân khấu. Những cố gắng trong thu gọn thời lượng vở diễn phù hợp hơn với xu hướng giải trí hiện đại. Sự quyết tâm và quyết liệt trong hoạt động quảng bá góp phần đáng kể trong việc tiếp cận khán giả, thu hút người xem đến với sân khấu.

Đường sách TP Hồ Chí Minh - mô hình thành công đang được nhân rộng.

Đây cũng là một cách vượt lên nhược điểm đã trở nên “thâm căn cố đế” của các đơn vị sân khấu công lập nói riêng, đơn vị hoạt động văn hóa nghệ thuật khác thuộc hệ công lập nói chung.

Với văn hóa đọc - “khu vực” bị than khó không kém sân khấu cũng gây nhiều ngạc nhiên khi Đường sách TP Hồ Chí Minh không chỉ trở thành điểm đến văn hóa của người dân và du khách mà còn góp phần tích cực đáng kể về mặt doanh thu với nhiều chục tỷ đồng, nhiều trăm ngàn bản sách được bán ra và hàng triệu lượt khách ghé thăm trong năm 2017.

Một không gian văn hóa đọc giữa lòng thành phố với thiết kế hài hòa, thẩm mỹ, là điểm dừng chân của khách du lịch đã trở thành hình mẫu, không chỉ cung cấp văn hóa phẩm phong phú, đa dạng về thể loại, đáp ứng được những nhu cầu của người đọc, luôn có nhiều đầu sách mới, giá trị được giới thiệu, cập nhật kịp thời mà còn góp phần kiểm soát chất lượng sách kĩ trước hơn khi giới thiệu với độc giả, đảm bảo việc tuân thủ theo pháp luật.

Các hoạt động và xuất bản phẩm tại Đường sách phục vụ nhu cầu cho các em thiếu nhi -bạn đọc tiềm năng trong tương lai ngày càng tăng. Đơn vị, cá nhân làm sách, hoạt động liên quan đến sách được hỗ trợ truyền thông, tạo sức lan tỏa cho sản phẩm đến cộng đồng nên tìm đến Đướng sách, tham gia hoạt động tại đây ngày càng nhiều hơn. Đường sách thành phố cũng trở thành nơi gắn kết những người làm trong lĩnh vực xuất bản, phát hành thông qua các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, đoàn kết, chung tay vì sự phát triển lành mạnh và bền vững của ngành xuất bản.

Ngược lại, Phố sách Hà Nội - một điểm nhấn trong không gian văn hóa Thủ đô Hà Nội lại không thành công như mong đợi. Cũng có quy hoạch thiết kế đẹp, nhiều không gian tương tác, các gian sách được bố trí trang nhã, nằm ở khu vực trung tâm thành phố như Đường sách TP Hồ Chí Minh nhưng Phố sách chỉ thu hút sự quan tâm của người dân và du khách trong những tháng đầu sau khai trương. Sự thưa vắng khách khiến chủ các gian hàng đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn.

Để cứu vãn tình hình, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị của một trong số các đơn vị có gian hàng tại Phố sách buộc phải gửi công văn “kêu cứu” lên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Kèm theo công văn này là một đề xuất cụ thể về một mô hình quản lý mới cho Phố sách. Trong đó, nguyên nhân của tình trạng vắng khách được chỉ ra rất rõ là do những bất cập trong công tác điều hành.

Hoạt động bổ trợ ngoài trời hấp dẫn dành cho trẻ em đến Đường sách.

Phố sách chưa thực sự có một đơn vị hay một ban quản lý điều hành đúng nghĩa, am hiểu về sách và hoạt động xuất bản, có khả năng kết nối các đơn vị tham gia tại Phố sách cũng như các đơn vị xuất bản, phát hành... trong những hoạt động chung cũng như chuyên sâu để phát triển văn hóa đọc.

Vì vậy, một công ty Phố sách theo mô hình doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận nhằm phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc bao gồm các chuỗi sự kiện, giao lưu tác giả - tác phẩm, triển lãm,... phục vụ các hoạt động chính trị xã hội, gắn với các ngày lễ lớn của đất nước, của thành phố, của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội là giải pháp cần thiết.

Ở đó, giám đốc điều hành công ty cần là người có năng lực, am hiểu về ngành sách và tâm huyết với sự phát triển văn hóa đọc, có tầm nhìn, sáng kiến. Công ty khi hình thành cũng sẽ là cơ quan phát ngôn chính thức của Phố sách với báo chí, độc giả để đảm bảo thông tin thống nhất, chính xác, hợp pháp, thuận lợi. Mô hình doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận, vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính doanh nghiệp, không hướng đến lợi nhuận thuần túy, không có nguy cơ bị thao túng, sai lệch mục đích hoạt động là mô hình trung gian, hiệu quả và hiện đại, phù hợp với xu thế chung của sự phát triển, vận hành theo mô hình doanh nghiệp xã hội, có thu, có chi nhưng không hướng đến lợi nhuận mà chỉ cần đạt mục tiêu cân bằng thu chi, công khai, minh bạch...

Thực ra, mô hình quản lý của ông Nguyễn Cảnh Bình muốn đưa ra cho Phố sách Hà Nội không hẳn mới. Mô hình doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận này đã được áp dụng thành công tại Đường sách TP Hồ Chí Minh, dù rằng, như chia sẻ của chính những người trong cuộc là không ít khó khăn.

Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, ông Nguyễn Minh Nhựt, đại diện một trong những đơn vị đi tiên phong trong đầu tư gian hàng tại Đường sách TP Hồ Chí Minh kể rằng, giai đoạn đầu, việc tổ chức Đường sách đã từng đứng trước nguy cơ không thành vì vốn đầu tư ban đầu với người làm sách khá lớn trong khi niềm tin mang về doanh thu chưa nhiều.

Nhìn những người khởi xướng, trong đó có ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam mệt mỏi ngồi phệt xuống bên đường những ngày đó, người làm sách như Nguyễn Minh Nhựt không thể không xót xa.

Chuyện này, phải đến mãi cuối năm 2017, sau 2 năm Đường sách hoạt động thành công, anh mới dám chia sẻ. Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cũng thừa nhận rằng, quyết định “chung lưng đấu cật” với ban quản trị Đường sách thời gian này phần nhiều dựa vào niềm tin với những người khởi xướng, niềm tin trên cơ sở của các hoạt động minh bạch trong quản lý, điều hành và mong muốn phát triển văn hóa đọc tương lai...

Sự thành công của Đường sách TP Hồ Chí Minh hôm nay cho thấy những người làm sách ngày ấy đã đặt niềm tin đúng người, đúng chỗ.

Minh Hà
.
.