Tiền tỉ “bay theo” sổ đỏ… giả

Thứ Sáu, 21/01/2011, 08:35
Bất động sản luôn là một trong những kênh đầu tư "hot" đối với những người có tiền. Lợi dụng xu thế này, thời gian gần đây trên địa bàn TP Hà Nội đã xuất hiện nhiều ổ nhóm chuyên làm giả sổ đỏ để chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư.

Lập công ty để... lừa đảo

Nếu ai gặp Bùi Văn Quyền (trú tại Bắc Hồng, Mỹ Hồng, Đông Anh, Hà Nội) lần đầu, chắc hẳn sẽ có ấn tượng tốt về một doanh nhân trẻ thành đạt.

Quyền là giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Thanh Tùng (có trụ sở tại Mỹ Hồng, Đông Anh). Người dân ở Mỹ Hồng ít ai không nghe tiếng ông giám đốc lắm tiền nhiều của này. Họ kháo nhau, tài sản của ông ta lên tới hàng chục tỉ đồng, chưa kể bất động sản "rải" khắp nơi trong thành phố. Nhiều nhân viên, bạn bè của Quyền như Tịnh, Thứ, Thanh... cũng đều là những "tỉ phú".

Ấy thế nhưng cuối tháng 9/2010, người ta đột nhiên thấy Công ty Thanh Tùng đóng cửa im ỉm, ông giám đốc cũng không biết đi đâu. Sự thật thì Quyền đã bị Cơ quan Công an bắt giữ về hành vi làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tiếp đó, các "chân rết" của Quyền gồm có Tạ Minh Đạo (trú tại Long Biên, Hà Nội); Trần Thị Minh Hạnh (Từ Liêm, Hà Nội); Trần Văn Tịnh (Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội); Đinh Công Thứ (Cầu Giấy, Hà Nội) và Vũ Thị Thanh (Sóc Sơn, Hà Nội) đều lần lượt phải tra tay vào còng.

Theo tài liệu điều tra của Cơ quan Công an, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Thanh Tùng thành lập từ năm 2005, song hầu như không có hoạt động kinh doanh gì. Trên thực tế, Quyền lấy danh nghĩa là giám đốc để làm những việc mờ ám. Quyền đã câu kết với Đạo, Hạnh, Thứ lập nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Bùi Văn Quyền. Tiếp đó, Quyền mang ra văn phòng công chứng lập Hợp đồng công chứng chuyển nhượng sang cho Đạo. Trên cơ sở ấy, Đạo dùng giấy tờ này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người.

Thông qua môi giới, Đạo biết anh Ngô Trung K. (trú ở phường Phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội) có nhu cầu mua đất. Đạo liền gạ bán cho anh này. Nghe Đạo nói có đất giá rẻ cần bán, anh K. đã đồng ý giao dịch và đề nghị được xem đất. Chọn "ngày đẹp", Đạo cùng với Tịnh, Hạnh dẫn anh K. đến chính ngôi nhà 3 tầng của Quyền tại Mỹ Hồng, Đông Anh xem và ra giá 1 tỉ 900 triệu đồng (so với giá thị trường là rẻ hơn chừng 500-600 triệu đồng).

Sau khi đã xem nhà, đồng thời xem Hợp đồng mua bán nhà của Đạo với Quyền (có công chứng), anh K đồng ý mua. Ngày 7/9/2010, Hạnh, Đạo và Trương Thị Lan Hương (vợ Đạo) đã tiến hành chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho anh K. bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả số AO 533498, thửa đất số 42a, tờ bản đồ số 39 địa chỉ thôn Mỹ Nội, xã Bắc Hồng, Đông Anh, diện tích 253m2 mang tên Bùi Văn Quyền do UBND huyện Đông Anh cấp ngày 16/6/2007 (trước đó đã sang tên cho Tạ Minh Đạo) theo xác nhận của Văn phòng đăng ký đất và nhà huyện Đông Anh TP Hà Nội ngày 6/8/2010). Hợp đồng được lập tại Văn phòng Công chứng Thái Hà.

Bùi Văn Quyền và những sổ đỏ làm giả để đi lừa đảo.

Ngày 8/9/2010, tại nhà bố mẹ vợ anh K. ở Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) anh K. đã giao cho Đạo, Hương và Hạnh số tiền 1 tỉ 850 triệu đồng và thỏa thuận sau 3 tháng sẽ trả nốt 50 triệu đồng và nhận bàn giao nhà. Đạo viết và cùng Hương ký giấy nhận tiền và giấy bán nhà cho anh K.

Qua giám định, Cơ quan Công an xác định các con dấu do UBND huyện Đông Anh, Phòng Địa chính nhà đất và đô thị huyện Đông Anh và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và nhà huyện Đông Anh, các chữ ký của cơ quan chức năng trên các giấy tờ mà Đạo chuyển cho anh K đều là giả mạo.

Cũng bằng chiêu bài bán đất giá rẻ, Quyền còn chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị Bạch T. (Kim Mã, Hà Nội) 1 tỉ 100 triệu đồng. Tại thời điểm này, Cơ quan Công an đã làm rõ đường dây của Quyền, Đạo, Tịnh, Thứ... đã "sản xuất" được hàng chục cuốn sổ đỏ, sổ hồng và lừa trót lọt 6 nạn nhân. Số tiền chúng chiếm đoạt được lên tới gần 10 tỉ đồng.

Người dân cần hết sức cảnh giác

Trước đó, tháng 8/2010 Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm bắt tạm giam Phạm Văn Sơn (là cán bộ Ngân hàng NN&PTNT Gia Lâm) về hành vi vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Sơn là một mắt xích quan trọng trong đường dây làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để lừa đảo chiếm đoạt hơn 100 tỉ đồng.

Theo điều tra ban đầu, chủ mưu đường dây là Phùng Văn Thúy. Trong thời gian công tác tại Phòng Tài nguyên & Môi trường Gia Lâm, cuối năm 2008, Thúy lấy trộm hơn 20 phôi sổ đỏ thật, đưa cho Lê Bá Quỳ (cùng trú Kiêu Kỵ, Gia Lâm) để Quỳ làm giả sổ đỏ, nhằm mục đích thế chấp vay tiền ngân hàng. Sơn là người "tạo điều kiện" để các sổ đỏ này được hợp pháp hóa để rút tiền từ ngân hàng.

Sau khi nhờ một đối tượng tên Thiện làm giả 3 sổ đỏ, Quỳ đưa lại sổ cho Thúy để Thúy ghi số quyết định, số vào sổ, ngày tháng năm. Đến tháng 1/2010, Quỳ và vợ là Nguyễn Thị Lệ Thủy ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 3 thửa đất (ghi trên 3 sổ đỏ giả này) cho một cá nhân, lấy 9,7 tỉ đồng đáo nợ ngân hàng. Tháng 2/2010, vụ việc được phát giác khi người dân mang sổ đỏ giả đến làm thủ tục tại Phòng Tài nguyên & Môi trường Gia Lâm.

Mở rộng điều tra, Công an Gia Lâm thu giữ thêm 15 sổ đỏ giả khác do Lê Bá Quỳ và đồng phạm làm, sau đó đem chuyển nhượng, thế chấp cho các cá nhân và ngân hàng vay tiền. Có ít nhất 3 công ty, 5 ngân hàng và một số cá nhân bị đường dây này dùng sổ đỏ giả thế chấp, chiếm đoạt hơn 100 tỉ đồng. Phùng Văn Thúy và Lê Bá Quỳ đã bị bắt giam về các hành vi làm giả con dấu, tài liệu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tiếp đó tháng 11/2010, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì cũng tiến hành khởi tố, bắt tạm giam Đặng Thuần Phong - Giám đốc Công ty Du lịch Suối Mơ thuộc xã Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo tài liệu của Cơ quan Công an, Phong đã làm giả các bộ hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất  để bán cho bà Bàng Ái Thơ, trú tại Yên Phụ (Tây Hồ) và của ông Phùng Văn Lực, trú tại xã Yên Bài (Ba Vì). Số tiền Phong lừa đảo chiếm đoạt lần lượt là 1 tỉ đồng và 35 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, Phong còn tiện tay "giao" cho bà Vũ Thị Lê Nga ở Quảng An (Tây Hồ) diện tích đất 1,125 ha thuộc lô 12 - Tiểu khu Vân Yên (Yên Bài) thời hạn 44 năm để nhận của bà Nga số tiền 70 triệu đồng. Đây là đất thuộc diện tích đất do Vườn Quốc gia Ba Vì giao khoán cho Phong để phát triển du lịch kết hợp quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Trở lại vụ việc xảy ra tại Đông Anh, Trung tá Trần Hải Quân, Phó trưởng Công an huyện Đông Anh cho chúng tôi biết: Qua trinh sát nắm địa bàn, Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an huyện đã phát hiện Công ty TNHH Thanh Tùng có những biểu hiện nghi vấn nên đã lập chuyên án để điều tra. Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên đã làm rõ hành vi làm giả tài liệu cơ quan tổ chức của Quyền và đồng bọn, kịp thời bóc dỡ đường dây làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, không để các đối tượng tiếp tục dùng sổ đỏ, sổ hồng giả tiếp tục phạm tội.

Được biết Đinh Công Thứ vốn là một chủ cửa hàng photocopy tại Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội). Với những hiểu biết về công việc sao in, sử dụng chương trình xử lý ảnh photoshop... Thứ là tác giả của những sổ đỏ, sổ hồng giả y như thật. Ngay cả nhiều công chứng viên của các phòng công chứng Thái Hà, Vạn Xuân, Mỹ Đình, Sóc Sơn... cũng không phát hiện ra được.

Do vậy, Cơ quan Công an cảnh báo, người dân cần hết sức cảnh giác đối với các giao dịch bất động sản. Trước khi quyết định đầu tư một mảnh đất, người dân nên thẩm định lại nguồn gốc tài sản tại các cơ quan quản lý nhà nước hoặc các cơ quan có chức năng tương tự, tuyệt đối không nên tin vào những giấy tờ cho dù đã được công chứng

Minh Tiến
.
.