Tìm dấu vết ma tuý trên tiền và... nước thải

Thứ Bảy, 14/07/2007, 16:50
Để đánh giá mức tiêu thụ cocain  ở thành phố, các nhà khoa học châu Âu đã nghĩ ra một phương pháp vô cùng độc đáo: tìm kiếm dấu vết chất ma túy trên những đồng tiền và nước cống rãnh.

Đã gần nửa đêm khi Fritz Sorgel và Verena Jakob, hai nhà hóa học, bước vào một quán rượu, thì những khách hàng chính của cửa hàng này là các thanh niên người Tây Ban Nha vẫn chưa xuất hiện.

Liếc qua tấm menu đồ uống Fritz thất vọng vì không có loại đồ uống ưa thích, tuy nhiên anh cũng đạt được mục đích của việc ghé thăm quán này: lấy được những đồng tiền giấy được chủ quán trả lại sau khi thanh toán. Verena Jakob khéo léo tuồn tờ bạc 100 euro tiền thừa được trả lại vào một ống nghiệm bằng nhựa.

Vậy là họ vừa thu thập nốt mẫu nghiên cứu cuối cùng trong ngày. Khi mang về phòng thí nghiệm ở Đức, họ sẽ tách các chất hóa học bám vào tờ giấy bạc kia. Trong số hàng nghìn chất được tìm thấy có chất méthylbenzoylecgonine, một tên gọi khác của cocain và chính chất này khiến hai nhà nghiên cứu quan tâm hơn cả.

Từ lâu, Fritz Sorgel cùng những nhà nghiên cứu khác đã tận dụng việc đưa vào sử dụng đồng euro đồng thời vào năm 2000 ở tất cả các nước Liên minh châu Âu (EU) để đánh giá mức tiêu thụ cocain ở các quốc gia thành viên. Phương pháp vô tiền khoáng hậu này là một cách thức khoa học mới nhằm đánh giá mức tiêu thụ thuốc phiện thông qua những dấu vết của nó để lại trong môi trường xung quanh.

Các con nghiện thường cuốn tờ tiền để hít cocain.

Mọi đồng tiền đều có vòng đời riêng của nó: từ ngân hàng phát ra, truyền từ tay người này đến tay người khác trước khi được ngân hàng thu hồi và tái sinh. Nhưng Fritz Sorgel thì lại coi những đồng tiền này là một miếng giấy cotton lý tưởng để hấp thụ những hóa chất. “Cấu trúc của cocain cho phép nó bám rất tốt vào các sợi giấy” - Frizt cho biết. Dân sử dụng cocain thường có thói quen dùng tờ tiền cuộn tròn lại để hít. Điều này giải thích vì sao có sự hiện diện của chất cocain trên các tờ giấy bạc.

Từ 8 năm trở lại đây, để lập một bản đồ tiêu thụ ma túy tại châu Âu, Fritz đã phải bôn ba khắp các nước thuộc EU rồi thu thập các mẫu tiền tại mỗi nơi anh đặt chân đến, và đem tất cả về phòng thí nghiệm của mình tại Đức để phân tích từ đó đưa ra được bản đồ chính xác mức tiêu thụ cocain ở từng nước thành viên. Chính từ kết quả của Fritz mà cảnh sát một số nước châu Âu đã có cách đánh giá khác về chính sách phòng chống ma túy của mình.

Chẳng hạn tại Iceland, chính phủ nước này từ lâu tuyên bố rằng nước họ đã tận trừ được nạn ma túy. Tuy nhiên, những mẫu tiền mà Fritz thu thập được tại nhiều điểm trên quốc gia này lại cho thấy hàm lượng cocain có trong các mẫu thử nghiệm ở đây lại cao hơn hẳn so với mức trung bình ở các quốc gia thành viên EU khác.

Sau khi được hít vào người, cocain vào não và gây mất cân bằng quá trình sản sinh các hóa chất trong não trong khoảng một giờ đồng hồ, sau đó nó bị các enzyme ở gan biến đổi và cuối cùng thải ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu. Bạn thử hình dung cuối cùng chất cocain đi về đâu?

Đó chính là các cống rãnh. Không chỉ dừng lại ở việc tìm dấu vết cocain trên những tờ giấy bạc, Fritz Sorgel và Verena Jakob còn lấy cả những mẫu phẩm là nước cống rãnh để nghiên cứu.  Chẳng hạn để nghiên cứu mức độ sử dụng cocain của thành phố Grenade của Tây Ban Nha, hai nhà nghiên cứu trên đã tiến hành thu mẫu phẩm ở ba đoạn trong hệ thống nước thải của thành phố này: đầu nguồn, trước khi đi vào nhà máy xử lý nước thải và sau đó.

Kết quả thu được từ 3 mẫu phẩm trên là chất benzoylecgonine, biến thể của cocain, đang được phân hủy từ từ trong môi trường. Như vậy, chỉ cần thông qua mẫu nước, hai nhà nghiên cứu này cũng có thể đưa ra được tổng khối lượng cocain mà thành phố Grenade đã sử dụng.

Hàng năm có đến 1 tấn cocain được tịch thu tại Đức, nước có tình trạng buôn bán và sử dụng cocain ở mức trung bình so với các quốc gia thành viên khác của EU. Theo các mẫu phẩm được lấy từ 27 điểm khác nhau trong hệ thống nước thải trên toàn nước Đức, Fritz Sorgel ước tính rằng mỗi năm nước Đức tiêu thụ khoảng 20 tấn cocain.

Theo một số kết quả nghiên cứu khác của nhóm nghiên cứu này thì mỗi ngày thành phố London, Anh, tiêu thụ khoảng 1kg cocain/1 triệu dân. Điều này có nghĩa là khoảng 4% người độ tuổi từ 15 đến 30 sử dụng cocain, trong khi con số báo cáo từ cảnh sát London là 2%. Thành phố Lugano của Thụy Sĩ cũng có mức tiêu thụ cocain như London. Các nhà nghiên cứu còn thấy rằng cứ thứ hai hàng tuần, hàm lượng cocain trong nước thải luôn ở mức thấp nhất, trong khi vào cuối tuần hàm lượng này tăng từ 30-40% so với mức trung bình, thậm chí có những thời điểm gấp đôi.

Hiện các nhà nghiên cứu trên đang cần sự trợ giúp của các nhà xã hội học để rút ra kết luận từ những kết quả nghiên cứu của họ. Đó có thể là đánh giá được các cộng đồng dân cư tùy theo mức độ sử dụng ma túy của họ. Tìm kiếm mối quan hệ giữa việc tiêu thụ ma túy với những yếu tố kinh tế xã hội và vệ sinh sẽ giúp thấy được đâu là những nhóm người dễ bị ma túy gây ảnh hưởng. Phát hiện những điểm nóng về mức tiêu thụ ma túy sẽ giúp cảnh sát tập trung hơn vào việc đấu tranh bài trừ ma túy

Quốc Hùng (Tổng hợp)
.
.