Tìm lời giải đáp cho hội chứng sợ tiếng cười

Thứ Ba, 05/08/2014, 21:40

Đứng giữa nhóm bạn đang cười đùa rôm rả là trải nghiệm hạnh phúc của mọi người. Thế nhưng, đối với những người mắc phải hội chứng gọi là gelotophobia (sợ tiếng cười) thì niềm vui đó thật sự là cơn ác mộng! Tại sao có chuyện trớ trêu như vậy? Các nhà khoa học đang cố tìm lời giải thích.

Drummond (tên đã được thay đổi) 18 tuổi sống ở Mỹ thổ lộ với các nhà nghiên cứu: “Tôi nghe tiếng người ta cười ồn ào mà cứ đoan chắc là họ đang chế nhạo tôi. Tôi hết sức căng thẳng và thậm chí sẵn sàng đánh nhau. Tôi cảm thấy lửa giận bốc lên ngùn ngụt. Tôi chợt nghĩ mình đâu có nói chuyện hay làm điều gì khiến cho người ta có thể cười nhạo tôi. Mỗi khi nghe thấy tiếng cười là lòng tôi sôi lên. Có lẽ vì thế mà tôi luôn cô độc”.

Nữ tiến sĩ Tracey Platt Đại học Zurich (Thụy Sĩ) đã ghi âm lại tâm sự thật lòng của chàng trai tội nghiệp. Platt là một trong số đông các nhà khoa học trên thế giới – bao gồm châu Phi, Canada, Ấn Độ và Nga – đang cố gắng tìm lời giải cho hội chứng kỳ lạ này.

Những người sợ tiếng cười (gelotophobe) hoặc là không hiểu người ta đang cười chuyện gì, hoặc là nghĩ người ta cười có ác ý, tiêu cực rồi tự nhiên cảm thấy kinh sợ mỗi khi nghe tiếng cười! Thường thì, các gelotophobe hay bị đau đầu vì stress, chóng mặt và run sợ. Chukar, 37 tuổi, sống ở Israel, cho biết anh cảm thấy “hổ thẹn” và “bối rối tột cùng” mỗi khi nghe thấy người khác cất tiếng cười.

Chukar nói anh luôn cố né tránh mọi mối quan hệ xã hội mà thu mình vào thế giới của sách vở và chơi những môn thể thao mang tính cá nhân. Làm việc trong môi trường đông người cũng là thách thức dường như không thể vượt qua nổi đối với những người mang bệnh sợ tiếng cười bởi vì mỗi lần có người cất tiếng cười thì họ coi đó chẳng khác nào sự tấn công cá nhân. Về lâu dài, hội chứng gelotophobia có thể dẫn đến chứng âu lo và tự ti mặc cảm nặng. Tuy nhiên, các gelotophobe cũng có cố gắng tìm kiếm bạn bè, tình yêu hay các dạng quan hệ kéo dài nào khác.

Những người bị gelotophobia thường sống cô độc.

Cuộc nghiên cứu khoa học về các bệnh nhân gelotophobia bắt đầu từ năm 2008 nhưng vẫn chưa giải được những bí ẩn của hội chứng do đó phương pháp điều trị cũng có giới hạn. Theo tiến sĩ Tracey Platt, nguyên do của gelotophobia có lẽ do môi trường sống của trẻ thơ không thuận lợi dẫn đến sự rối loạn nhân cách, tác động đến cuộc sống xã hội và học đường cũng như tính tình.

Bà Platt cũng cho biết nhiều gelotophobe nói họ bị bắt nạt trong trường học. Tracey Platt tin rằng gelotophobia không bất ngờ phát triển vào độ tuổi 30 và cũng cho rằng hội chứng này có mối liên quan như thế nào đó với hội chứng Asperger – một dạng bệnh tự kỷ dẫn đến kém khả năng giao tiếp trong xã hội do bác sĩ người Áo Hans Asperger tìm ra năm 1944.

Tracey Platt cố gắng tìm hiểu những biểu hiện gương mặt có liên quan như thế nào đến cảm giác sợ tiếng cười. Sau khi trả lời đầy đủ bộ câu hỏi trực tuyến, những người tình nguyện sẽ đến phòng thí nghiệm của Tracey Platt ở thành phố Zurich. Nữ tiến sĩ sử dụng các avatar (hình đại diện) để cho họ nhìn thấy một loạt các biểu hiện gương mặt và để nhìn thấy chính xác khi nào một nụ cười trở thành cơn ác mộng đối với các gelotophobe. Platt hy vọng các nhà liệu pháp có thể điều trị được gelotophobia trong tương lai.

Nữ giáo sư Sophie Scott Đại học Hoàng gia London đánh giá tiếng cười có tầm quan trọng để đối phó với những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống xã hội, và những người sợ tiếng cười có thể đang gặp phải những vấn đề về xã hội hay nhân cách cần được chữa trị y khoa

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.