Tìm thấy bằng chứng nguồn gốc sự sống ngoài vũ trụ

Thứ Năm, 01/01/2009, 13:00

Theo công bố trên tờ Astrophysical Journal Letters, các nhà khoa học vừa phát hiện dấu vết của các phân tử đường – một bằng chứng của sự tiến hóa sinh học và tiến hóa sự sống, trong một khu vực nằm ngay trong thiên hà Milky của chúng ta.

Việc khám phá này được thực hiện bởi kính viễn vọng sóng radio IRAM của Pháp, các phân tử đường đó có tên là glycolaldehyde - đã được phát hiện trong một chòm sao lớn tương đối ổn định nằm ở phía rìa của thiên hà Milky, cách trái đất 26.000 năm ánh sáng. Từ khám phá này, các nhà khoa học đưa ra một giả thuyết là có thể loại đường này, nếu đã nằm trên chòm sao kia, thì nó cũng có thể nằm trên các chòm sao khác, và nghĩa là – không loại trừ khả năng nó sẽ phổ biến khắp vũ trụ. Đây là một tín hiệu rất tốt cho các dự án tìm sự sống ngoài trái đất.

Giáo sư Serena Viti thuộc Trường đại học London đánh giá: “Khám phá này mang tính đột phá vì đây là lần đầu tiên chúng ta tìm được các phân tử glycolaldehyde ngoài trái đất - một loại đường cơ bản, mà nó có sự liên hệ mật thiết rất rõ ràng với sự tồn tại của sự sống”.

Cấu trúc phân tử Glycolaldehyde.

“Việc khám phá ra phân tử đường hữu cơ ngay trong một chòm sao là một khám phá thú vị và cung cấp nhiều thông tin vô giá cho việc tìm kiếm sự sống ngoài trái đất” – Tiến sĩ Keith Mason, Giám đốc điều hành Hội đồng Khoa học và Công nghệ các quốc gia thuộc Liên hiệp Anh nhận định thêm.

Glycolaldehyde là một chất có vai trò là chìa khóa mở cửa cho sự sống hình thành, phát triển và tiến hóa. Trong tế bào, nó giúp xây dựng các phân tử ribonucleic acid (RNA) – có vai trò mã hóa các thông tin di truyền của cơ thể sống. Và vì thế, việc phát hiện ra glycolaldehyde trong chòm sao kia, đã đưa ra thêm một luận cứ vững chắc cho giả thuyết “sự sống trên trái đất có nguồn gốc ngoài vũ trụ”.

Trong hóa học, glycolaldehyde là một loại đường đơn, thuộc nhóm carbonhydrate, nó có thể tương tác với propenal để hình thành nên các cấu trúc đường ribose, và những cấu trúc này sau đó sẽ tổ hợp lại theo cấu hình không gian nhằm xây dựng các phân tử RNA.

Trước đây, người ta thường hướng sự quan sát tìm sự sống vào các vùng trung tâm của thiên hà vì nơi đây có các hành tinh với điều kiện tương tự trái đất, nhưng việc phát hiện ra glycolaldehyde ở phía ngoài rìa của thiên hà đã mở ra một khả năng lớn hơn trong việc tìm được các hành tinh chứa sự sống trong vũ trụ

Nguyễn Tử Vương (tổng hợp)
.
.