Tín dụng cho sinh viên, học sinh: “Đòi nợ” bằng cách nào?

Thứ Sáu, 11/01/2008, 13:30
Sau 2 tháng triển khai việc cho sinh viên, học sinh vay tín dụng để hỗ trợ học tập, chương trình này đã tạo được sự đồng thuận của xã hội mà trong đó, nhiều sinh viên, học sinh có hoàn  cảnh khó khăn, đã có thể hoàn toàn yên tâm dùi mài kinh sử... Tuy nhiên, biện pháp thu hồi tiền vay lại đặt ra những vấn đề cần bàn...

Theo kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong cuộc họp đánh giá kết quả 2 tháng triển khai tín dụng đối với học sinh, sinh viên, thì việc thu hồi tiền vay có thể sẽ áp dụng bằng hình thức “ghi rõ diện được vay để học trên các văn bản cần thiết như bằng tốt nghiệp, sổ lao động..., để sau khi ra trường các đơn vị tiếp nhận học sinh, sinh viên về làm việc có cơ sở đôn đốc họ có trách nhiệm cùng gia đình thực hiện nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng...”.

Ý kiến ấy đã gặp phải nhiều phản đối của các tầng lớp trong xã hội. Nhưng, vẫn theo lời Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đây mới chỉ là một trong nhiều  gợi ý và chưa một gợi ý nào được quyết định bởi lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có thời gian để nghiên cứu trước khi trình lên Chính phủ.

Tính đến thời điểm này, đã có 500.359 sinh viên, học sinh được vay vốn để học tập với tổng số tiền lên tới 2.188 tỉ đồng, và chắc chắn con số tiền vay sẽ không chỉ dừng lại ở đó.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thì việc thu hồi vốn vay trong học sinh, sinh viên không phải là bài toán  khó. Căn cứ vào kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, các phương pháp thu hồi nợ được nêu ra như sau:

Một là, học sinh, sinh viên sau khi vay vốn, rồi lúc tốt nghiệp thì chưa được cấp bằng chính thức, mà thay vào đó là giấy chứng nhận đã học xong chương trình đại học. Giấy chứng nhận này về mặt pháp lý hoàn toàn có giá trị nếu sinh viên, học sinh dùng nó để xin việc, hoặc làm các thủ tục hành chính khác.

Song song với việc cấp giấy chứng nhận đã hoàn tất chương trình đại học, các doanh nghiệp - cả tư nhân lẫn quốc doanh trong cả nước đều được thông báo rộng rãi về sự khác nhau giữa “bằng chính thức” và “giấy chứng nhận” khi tuyển dụng nhân sự. Như thế, anh A lúc đến xin việc tại công ty B, trong hồ sơ của anh chỉ có “giấy chứng nhận” - thay vì bằng tốt nghiệp, thì công ty B sẽ biết ngay anh A vẫn còn nợ tiền tín dụng.

Trách nhiệm của anh A lúc đó phải khai rõ cho công ty B biết anh còn nợ bao nhiêu, nợ của ngân hàng nào để mỗi tháng, công ty B trực tiếp trả nợ cho ngân hàng từ tiền lương của anh A. Khi trả xong, anh A cầm giấy xác nhận của ngân hàng đến trường để nhận bằng tốt nghiệp chính thức. Và nếu anh A đã thông báo số nợ, nhưng công ty B lại không trả nợ cho ngân hàng (mặc dù hàng tháng vẫn trừ lương anh A), thì các biện pháp chế tài sẽ được áp dụng đối với công ty B.

Trường hợp học sinh, sinh viên ra trường nhưng ở nhà phụ giúp việc kinh doanh gia đình, và không đi làm cho bất kỳ một doanh nghiệp nào thì sao? Vấn đề này cũng không khó. Khi vay vốn, học sinh, sinh viên phải có sự cam kết của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Rồi sau thời gian 1, 2 hay 3 năm - là khoảng thời gian tối đa để trả nợ theo quy định, nếu học sinh, sinh viên vẫn chưa có việc làm, thì cha mẹ hoặc người giám hộ buộc phải có trách nhiệm trả thay. Khả năng miễn trừ chỉ có thể xảy ra khi học sinh, sinh viên bị chết, hoặc bị tai nạn bất ngờ, không còn khả năng lao động.

Hoặc giả sinh viên, học sinh ấy tự thành lập doanh nghiệp cho riêng mình? Trường hợp này, trong hồ sơ xin thành lập, nhất thiết phải khai rõ chuyện nợ nần nếu có  để cơ quan cấp phép thông báo cho ngân hàng biết. Khi đó, mỗi tháng ngân hàng gửi giấy báo nợ đến doanh nghiệp, để người vay vốn thanh toán nợ vay. Sau một thời gian nào đó, mà người vay vẫn không trả nợ, thì ngân hàng hoặc cơ quan cấp phép kinh doanh sẽ áp dụng biện pháp chế tài.

Một vấn đề khác: Đó là học sinh, sinh viên bỏ vốn thành lập doanh nghiệp, rồi nhờ người thân trực tiếp đứng tên trên giấy tờ - nhưng thực chất vẫn do mình điều hành mọi hoạt động. Khi đó, việc thu hồi nợ được áp dụng giống như trường hợp ra trường nhưng không đi làm, và chuyện thanh toán thuộc về cha mẹ hay người giám hộ.

Một câu hỏi nữa được đặt ra, là khi xin phép thành lập doanh nghiệp, nếu cơ quan cấp phép yêu cầu người đứng tên phải nộp thêm bằng tốt nghiệp đại học (hoặc giấy chứng nhận), thì phải chăng là “gây khó dễ”, hoặc “rườm rà hóa” thủ tục hành chính?

Giải quyết chuyện này không khó: Trong hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp, chỉ thêm một câu là có vay tín dụng khi đi học hay không. Nếu cần kiểm tra, căn cứ theo trình độ học vấn và thời gian đi học ghi ở bản khai lý lịch, cơ quan cấp phép chỉ cần gửi 1 e-mail đến trường đại học mà người ấy đã học, để hỏi xem trong suốt thời gian đi học, người ấy có vay tín dụng không. Nếu trường đại học trả lời là có, thì lúc cấp giấy phép, cơ quan cấp phép cũng đồng thời thông báo cho ngân hàng nơi người ấy vay tiền, để họ có biện pháp thu hồi nợ. 

Ông Phạm Văn Lâm, phụ trách bộ phận tín dụng của một ngân hàng tại TP HCM cho biết: “Nếu trường đại học, ngân hàng, cơ quan cấp phép thành lập doanh nghiệp và doanh nghiệp tuyển dụng lao động hợp tác chặt chẽ với nhau, thì việc thu hồi nợ vay với học sinh, sinh viên là chuyện đơn giản”.

Thực tế cho thấy ở nhiều quốc gia, học sinh, sinh viên vay tín dụng để học tập là chuyện “xưa rồi Diễm”, và hình thức thu hồi đã được ngành chức năng ở các quốc gia này áp dụng theo những phương án vừa nêu ở trên.

Tại Việt Nam, việc cho học sinh, sinh viên vay vốn để học tập là một trong những biện pháp phát triển nhân tài cho đất nước, và khi mà tin học đã và đang thay thế những cách quản lý hành chính cũ, thì bài toán thu hồi vốn vay không phải là quá khó, miễn là các ngành hữu quan cộng tác với nhau thật chặt chẽ, đồng bộ và nhịp nhàng...

V.C.
.
.