Tin nhảm và sự độc ác vô hình trên mạng

Thứ Hai, 07/08/2017, 10:04
Một sớm trung tuần tháng 3-2017, tại một TP lớn phía Nam, một người đàn ông tên Nguyễn Thanh Đông thức dậy đón ngày mới cùng vợ con như bao gia đình khác. Nhưng buổi sáng đó là bước ngoặt số phận gia đình anh, bởi trong khi họ đang yên giấc trong đêm, trên mạng xã hội Facebook, thiên hạ đã kịp chia sẻ “bản án” dành cho Nguyễn Thanh Đông với tội danh hiếp dâm trẻ em lên đến đơn vị hàng vạn chia sẻ (share), từ một tài khoản Facebook mang tên Trang Le.


Trong “cáo trạng” và “kết luận”, “bản án” trên mạng xã hội này có đầy đủ thông tin chi tiết từ số điện thoại di động, địa chỉ nhà riêng của Đông, ảnh chân dung toàn thể gia đình gồm vợ chồng Đông và 2 con nhỏ kèm theo thông tin trường lớp các cháu. Nếu có thêm tên cô giáo chủ nhiệm thì sẽ “đầy đặn” hơn nữa. Cộng đồng mạng xã hội hùa theo lên án nạn ấu dâm, anh Đông cũng trở thành một con quái vật cần phải bị trừng trị thích đáng.

Bi kịch xảy ra ngay tại cửa nhà trong sớm ban mai ấy, chất thải bẩn thỉu đổ ngập cửa, hàng phố miệt thị những đứa trẻ vô tội và kế đến là cha của chúng là “loại súc sinh không đáng làm người”. Anh thợ máy tính tên Đông trốn chạy đám đông hung hãn bằng cách cho con nghỉ học cùng vợ đi lánh nạn trước những bức xúc như sóng thần của cư dân trong khu vực.

Thật đáng tiếc cho người đàn ông hành nghề sửa máy tính tên Đông đã từng có thời gian làm việc tại một trường tiểu học, chỉ vô tình trùng tên với một người khác, khi ấy đang bị dư luận nghi ngờ có liên quan đến sự việc một bé gái tổn thương vùng kín khi đi học. Câu chuyện chính thức khép lại khi cơ quan Công an đưa ra kết luận. Tất nhiên Nguyễn Thanh Đông không có một mẩu liên quan. Nhưng anh ta và gia đình đã kịp “trả án” dư luận xong xuôi để trở về ngôi nhà bị bẩn thỉu và tan hoang sau bão dư luận.

Tài khoản tung tin thất thiệt về Đông hoàn toàn vô sự bằng cách rất đơn giản là dọn dẹp sạch sẽ “hồ sơ vụ án” trên trang cá nhân, sau vài ngày tiếp tục quay lại công việc bán hàng online kết hợp tuyên ngôn những rao giảng đạo đức xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, nhân văn hơn...

Tin đồn virus Ebola vào Việt Nam đã từng gây bất ổn trong xã hội và vất vả cho y bác sĩ bệnh viện Bạch Mai.

Theo khảo sát mới đây, số lượng người Việt sử dụng mạng xã hội Facebook lên tới con số hơn 30 triệu. Tất nhiên đó là con số không được chính xác cho lắm nếu tính bổ đầu người trên mặt bằng dân số toàn quốc ngưỡng 90 triệu. Có thể hiểu rằng nó như tình trạng “sim rác”, nhiều người sử dụng vài tài khoản để phục vụ các mục đích riêng trên mạng.

Có thể nhìn thấy rõ với công cuộc bán hàng online trên mạng và tung tin đồn nhảm cao trào như hiện nay thì nhiều người đều sở hữu vài đến vài chục tài khoản để tự khen mình, để tự cảm ơn hàng tốt quá và cả để “âm binh” đi chia sẻ những tin tức giật gân trong một khoảnh khắc nào đó chính chủ nghĩ ra không còn là xa lạ. Họ cần một hiệu ứng đám đông kết nối qua sợi dây liên kết “các mẹ ơi biết gì chưa”, thêm mỗi người theo dõi là thêm một khách hàng tiềm năng.

Nếu như trước đây chúng ta hay hỏi trêu đùa nhau rằng “like” ở trên mạng có ăn được không? Câu trả lời là những nụ cười xấu hổ bẽn lẽn. Thời thế đã đổi thay. Like, sự tương tác qua lại trên mạng xã hội Facebook bây giờ là tiền. Thậm chí người ta bỏ cả bạc triệu mỗi tháng để mua like, để được sống ảo - huyễn hoặc bản thân là người quan trọng, để tăng tương tác giao thiệp trên mạng thuận lợi hơn cho bán hàng. Tất nhiên tung tin đồn nhảm đến ác ý, quan trọng nhất đánh vào được sự hiếu kỳ và bản năng tò mò vốn có của loài người để thu hút đám đông.

Theo nhiều nghiên cứu về nhân chủng học thì con người về cơ bản là thích hóng chuyện và đều có nhiệt tâm chia sẻ tin đồn. Sử gia Mitchell Stephens nói: “Nhân loại đã liên tục trao đổi tin tức, xuyên suốt mọi lịch sử và trải qua các nền văn hóa...”. Tin tức thỏa mãn khát vọng căn bản của con người, là nhu cầu nội tại, là bản năng. Loài người muốn biết những gì đang xảy ra bên ngoài kinh nghiệm trực tiếp của mình. Và khi họ được biết, những biến cố không tự nhìn thấy sẽ lại tạo ra một “khoái cảm” thông tin hoặc một cảm giác an toàn.

Có một dạo người ta râm ran cái mốt mở đầu câu chuyện bằng cụm câu “Các mẹ ơi, biết gì chưa?”. Câu này ban đầu mô tả hoạt động của các mẹ trên các diễn đàn bỉm sữa, một hoạt động rất đặc trưng và cao quý của phụ nữ. Nhưng rồi cái phong trào “Các mẹ ơi, biết gì chưa” ấy, lây lan sang nhiều lĩnh vực, nhiều người phát ngôn, bất kể giới tính.

Vẫn phong cách tung tin trên mạng mở đầu bằng mẫu câu này, mùa thu năm 2014, một tài khoản Facebook tên T.L. đăng tải bài viết trên với nội dung: “Các mẹ ơi tin khẩn, dịch bệnh Ebola đã đến Việt Nam rồi nhé, tại Bệnh viện Bạch Mai, tin nội bộ nên không để lộ ra...”.

Thông tin này cũng được chủ tài khoản nêu trên đưa lên Hội nuôi con bằng sữa mẹ Việt Nam có trên 2.600 thành viên để cảnh báo. Đến sáng 12-8-2014, sau khi đọc thông tin có liên quan đến dịch bệnh, anh H, phu quân tài khoản T.L. đăng lên trang Facebook cá nhân: “Thông báo: dịch bệnh Ebola đã đến Việt Nam mình biết tin này qua bác sĩ người nhà, gọi điện về thông báo cho con cái. Việc này rất nguy hiểm, mọi người cố gắng sát khuẩn sạch sẽ bằng cách cho cồn 70 độ hòa vào chai Betadine xịt vào tay và quần áo. Cầu mong dịch này mau qua đi, sợ quá rồi. Mình thông báo tin này cho mọi người cố gắng tự ý thức để dịch không lây lan rộng”.

Theo cơ quan chức năng TP Hà Nội, khi bị triệu tập, cặp đôi trên thừa nhận đã đưa thông tin sai sự thật với mục đích cảnh báo trong cộng đồng(?!) Hai người nghe thông tin trên mạng, đài, báo về dịch Ebola nên viết ra nội dung trên chứ không sao chụp, chép của ai. Một chi tiết đáng chú ý khác, họ cũng kinh doanh các mặt hàng phục vụ chị em trên mạng xã hội.

Người ta hay kể cho nhau nghe những chuyện định kiến làng xã, những cô gái cạo đầu bôi vôi hay người phải bỏ xứ mà đi vì miệng lưỡi người làng. Bây giờ, chẳng cần quen biết gì nhau để mà phán xét, “sáng tác”. Đã có vài cô gái còn quá trẻ tự tử vì những điều được bịa đặt ác ý trên mạng xã hội.

Thời đại của hỗn loạn thông tin, ai cũng có thể trở thành một người đưa tin “thần thánh” của thế kỷ 21. Một đám đông có thể nghi ngờ người hành khất khi anh ta ngửa tay xin 1.000 đồng nhưng dễ dãi gật đầu như gà mổ thóc để tin tuyệt đối và nhiệt thành chia sẻ những thứ thông tin phi lý đến nhảm nhí trên mạng. Cứ đà này, ai cũng sáng láng tư cách là một nạn nhân dự bị của mạng xã hội. Làm một người dùng mạng thông thái, khó đến vậy sao?

Minh Trí
.
.