Liên hoan Sân khấu Toàn quốc về "Hình tượng Người Chiến sĩ CAND" lần II:

Tình yêu này không chỉ dành riêng cho ai

Thứ Năm, 30/09/2010, 15:50
8h tối ngày hôm nay 30/9, tại Sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban giám khảo sẽ xướng tên vở diễn, diễn viên đoạt giải trong kỳ Liên hoan "Hình tượng Người Chiến sĩ CAND" lần thứ II sau 10 ngày 17 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước đua tài thi sức. Càng về cuối chặng đường, những cảm xúc dâng trào xốn xang trong lòng người bung tỏa.

Người nghệ sĩ hồi hộp, bâng khuâng, và khán giả lâng lâng niềm xúc động, nuối tiếc...  Rồi đây, chia tay nhau giữa trời thu của thủ đô, trong ngày cận kề Đại lễ Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, cái cột mốc ấn tượng của thời gian hẳn là kỷ niệm khó mờ phai trong tâm trí người nghệ sĩ. Khán giả thủ đô sau những ngày thỏa thê với "bữa đại tiệc" sân khấu về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND", đã không thôi mơ mộng về một thánh đường sân khấu, nơi có nhân vật trung tâm là cán bộ, chiến sĩ CAND lôi cuốn, một tượng đài sừng sững của những con người ngày đêm hy sinh thầm lặng, góp nên những chiến công cho đất nước thanh bình, yên ả...

Hậu sinh khả úy

Sau gần 10 ngày tưng bừng trên sàn diễn của sân khấu thủ đô, dưới ánh đèn vàng rực rỡ, người nghệ sĩ, diễn viên trải cảm xúc nồng đượm, tinh tế khi đến với vai diễn mang đầy tâm trạng của những con người đương đại, qua mảng đề tài hôi hổi tính thời sự đã lưu dấu đậm nét trong lòng khán giả. Liên hoan Sân khấu toàn quốc về "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" lần này đã mở ra một góc nhìn khác, một lý giải khác. Hóa ra, sự thật chưa chắc đã là sự thật.

Một cảnh trong vở “Vòng xoáy” - Đoàn Cải lương Thái Bình.

Bấy lâu nay, không ít người vẫn khăng khăng, sân khấu miền Bắc đang bước dần vào u buồn, sân khấu phía Nam sôi động lạ thường, đỏ đèn hàng đêm. Sự phân chia khác biệt này do môi trường địa lý và lối sống, tư duy khác nhau, cùng vô vàn lý do đã quá quen thuộc, như thiếu và yếu kịch bản, diễn viên các đoàn nghệ thuật trở nên èo uột, đạo diễn thì khô cạn mảng miếng...

Những gương mặt từ thế hệ khóa 1 Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh làm nên tên tuổi một thời từ thuở sân khấu hoàng kim giờ đã ngả bóng về chiều, NSND Trọng Khôi, NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh, NSND Doãn Hoàng Giang, những lớp nghệ sĩ kế cận tài năng như NSƯT Hoàng Cúc, NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương, NSND Lê Khanh... đang dần hồi qua tuổi thanh tân, rực rỡ nhất của đời người, những diễn viên trẻ thì thiếu sinh khí...

Sự thật đâu phải vậy. Có đến khán phòng sân khấu, trực diện với những vở diễn ăm ắp tính nhân văn, hôi hổi hơi thở  cuộc sống ở kỳ liên hoan này mới có cảm nhận chính xác và có câu trả lời thích đáng. Nhìn từ khía cạnh đời sống, qua các vở diễn đã có tín hiệu vui, các đơn vị nghệ thuật đã có sự chuyển biến trước hết là đổi mới tư duy. Không còn sự nhàm chán cũ kỹ, nhiều nghệ sĩ thành danh tên tuổi đóng đinh vào những vai diễn được cho là rường cột, xương sống của vở diễn, mà ta thấy ở đây là một dàn diễn viên trẻ nồng nàn thanh tân, tràn trề sức trẻ đã khuấy động sân khấu kịch trường đang hồi hiu hắt.

Một cảnh trong vở “Từ một ngã tư” - Nhà hát Tuổi trẻ.

"Chuyện từ một ngã tư" Đoàn kịch III của Nhà hát Tuổi trẻ, NSND Lan Hương đã lui vào cánh gà sân khấu với vai trò đạo diễn, để rồi tạo dựng một dàn diễn viên trẻ sáng tạo, năng động và tha thiết với nghề. Chính chị đã tiên phong cho loại hình mới, kịch hình thể bằng cách đưa dàn diễn viên trẻ tỏa sáng trên sân khấu.

Trong vở "Tiếng chuông" của tác giả: Nhà văn, Trung tướng Hữu Ước; đạo diễn NSND Xuân Huyền, khán giả cũng không khỏi xốn xang với tình tiết hấp dẫn, lý thú trong câu chuyện kịch. Tiếng chuông, cảnh tỉnh cảnh báo xã hội, tiếng chuông thức tỉnh đời người trước tham, sân, si của đời sống thường nhật. Anh Tú và Đức Khuê, hai diễn viên kỳ cựu của Nhà hát Tuổi trẻ đảm nhận vai nặng ký, còn lại cả một dàn diễn viên trẻ hóa thân vào nhân vật tốt đã tạo nên những lớp lang ấn tượng, những nhân vật với cá tính điển hình mà ta bắt gặp rất đỗi quen thuộc ở đời thường.

Sân khấu vẫn luôn là một ma lực cuốn hút người nghệ sĩ, họ có thể tung tăng dạo bước vào “miền đất mới” để vừa say mê và đắm chìm trong đó để sáng tạo khám phá. Từ "Hoa thép" của Đoàn kịch Công an nhân dân, câu chuyện kể về nỗi đau đời chồng chất, sự hy sinh cao cả của một nữ chiến sĩ công an hình sự đã phải đối mặt với hiểm nguy, trước công tác đấu tranh với tội phạm. Đến "Tình quê" - Nhà hát kịch Việt Nam, ca ngợi tấm gương trong sáng, ý thức trách nhiệm nơi anh công an xã đánh thức lương tri của con người, mang lại sự bình ổn cho xóm làng. "Giọt nắng mùa xuân" Nhà hát chèo Hưng Yên là sự hy sinh hạnh phúc cá nhân của một nữ chiến sĩ để hoàn thành nhiệm vụ...

Một cảnh trong vở “Giọt nắng mùa xuân” - Nhà hát Chèo Hưng Yên.

Ở những vở diễn ta thấy sự xuất hiện đậm đặc của thế hệ nghệ sĩ diễn viên trẻ thủ vai. Vì trẻ tuổi nên sức trẻ đã mang đến cho sân khấu một cảm xúc tươi mới, lối diễn xuất dung dị, nhẹ nhàng đi vào lòng khán giả. "Thầy già, con hát trẻ" câu nói từ xa xưa mà chỉ có vậy thì sân khấu mới thành công, ở kỳ liên hoan lần này, qua 19 vở diễn của nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu, kịch nói, cải lương, chèo, dân ca... có thể khẳng định thế hệ nghệ sĩ trẻ vẫn tha thiết với nghề tổ, sức sống thanh tân của họ đã mang lại sinh lực dồi dào, tiếp sức trên sàn diễn sống động. Chính họ đang góp phần vực dậy nền sân khấu tưởng như đang ở buổi xế chiều.--PageBreak--

Lấp lánh hình tượng Người chiến sĩ CAND

Từ lâu, cuộc sống của người dân Việt Nam gắn chặt với Lực lượng CAND.  Nhất là trong thời bình thì sự quan hệ gắn bó mật thiết giữa cơ quan, đơn vị công an với người dân càng trở nên khăng khít hơn bao giờ hết. GS, TS, NSND Đình Quang, cây cổ thụ của nền sân khấu hóm hỉnh: Ở nhà thì có công an hộ tịch, đi ra đường nhìn thấy công an giao thông, làm ăn phi pháp sẽ gặp công an kinh tế, gây mất trật tự trị an lập tức công an hình sự có mặt... Ca ngợi những chiến công thầm lặng, những gian nan vất vả, đối mặt với hiểm nguy, thậm chí là sự chống chọi với bản thân để không bị ma lực của đồng tiền tha hóa, những cạm bẫy giăng mắc, đặt lợi ích của Tổ quốc, nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân...

Tất cả những phẩm chất tốt đẹp mang tính truyền thống của người cán bộ, chiến sĩ CAND được cô đọng bằng vở diễn sân khấu với độ dài trên dưới 2 tiếng đồng hồ. Lấy chất liệu từ hơi thở cuộc sống đời thường ăm ắp tính thời sự, dưới ngòi bút khoáng đạt, sắc nét của các tác giả tạo dựng nên những kịch bản phong phú về cốt truyện, những nhân vật với cá tính độc đáo, riêng biệt trong từng câu chuyện kịch đã tạo nên sự đa dạng cho kỳ liên hoan sân khấu lần này.

Ở những vở diễn, đạo diễn nhà nghề NSND Lê Hùng, Xuân Huyền, hay thế hệ đạo diễn trẻ tài năng như NSND Lan Hương, NSND Hoàng Dũng, NSƯT Anh Tú... đã xử lý những mảng miếng, nhiều cảnh kịch ấn tượng và đẹp như một bức tranh đời thường thu nhỏ xoáy vào thị giác khán giả, làm nên dư chấn nghệ thuật...

Nhà văn Ngô Thảo, nguyên Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đưa ra so sánh thú vị: Ở điện ảnh Pháp những cảnh sát trưởng Pari là nhân vật  của phim hài, nhưng cuối cùng thì mọi người đều nhận ra đó là con người nhân hậu. Có những điều nghiêm túc và người ta đã nói bằng giọng điệu hài hước thì ở nước ta, văn hóa Việt Nam chưa chấp nhận điều ấy. Thí dụ như kể về những chiến công, vai trò của người chiến sĩ CAND thì hoàn toàn có thể nói bằng giọng hài hước, nhưng Việt Nam có vẻ như quá xa lạ với việc này.

Thiết nghĩ, mỗi một nước đều có nền văn hóa nghệ thuật đặc thù. Việt Nam bắt nguồn từ văn hóa làng xã, nên chiếu chèo, sân đình, cửa đền là nơi để biểu diễn nghệ thuật. Và đời sống sân khấu đã tồn tại gắn bó với người dân Việt qua nhiều thế hệ. Từ những tích chèo cổ, những nhân vật điển hình trong tích chuyện đã sống trong lòng thế hệ khán giả nối tiếp nhau từ đời này sang đời kia.

Việc đưa "Hình tượng Người chiến sĩ CAND" vào nghệ thuật sân khấu không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa mà còn mang tính chính trị xã hội sâu sắc. Nghệ thuật là cách tiếp cận với số đông khán giả, hướng thẩm mỹ và nhận thức của con người nâng lên một tầm cao mới.  Qua những vở diễn ở Liên hoan sân khấu toàn quốc lần này, xóa tan đi định kiến về đề tài tưởng chừng như khô khan, người cán bộ, chiến sĩ CAND khó lòng có thể mềm mại, uyển chuyển trên sân khấu vốn giàu chất trữ tình như cải lương hoặc chèo.

Một cảnh trong vở “Tình quê” - Nhà hát kịch Việt Nam.

Khán giả đã bắt gặp người chiến sĩ công an rất trữ tình qua những làn điệu dân ca trong "Người thi hành án tử hình" của Trung tâm  Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ. Hoặc qua những làn điệu chèo điệu nghệ trong những vở chèo hiện đại "Ngày thường không bình yên" Đoàn nghệ thuật Thái Nguyên, vở chèo "Giọt nắng mùa xuân" - Nhà hát chèo Hưng Yên, hoặc lời ca du dương ấm nồng của vở "Vòng xoáy" - Đoàn cải lương Thái Bình đều khắc họa thành công phẩm chất anh hùng của người cán bộ, chiến sĩ CAND, "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

Nhiều người đồng ý, khi đứng trong hàng ngũ của Lực lượng Công an thì người CBCS phải chấp nhận sự hy sinh, lắm khi hy sinh quyền lợi riêng, có khi lại phải hy sinh cả tình cảm gia đình, bạn bè... Sự hy sinh đó, nếu không phải là lẽ sống hướng thiện, là lý tưởng thì khó lòng người thường có thể vượt qua. Trong thời bình, sự hy sinh của người công an lại âm thầm và lặng lẽ hơn nhiều. Tưởng rằng chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng để đất nước thanh bình, và sự yên ổn trong từng ngôi nhà, góc phố thì người chiến sĩ Công an đã phải đi làm nhiệm vụ, đối mặt với gian nan, hiểm nguy, và đôi khi họ phải trả bằng sinh mệnh của chính mình.

Nhiều cuộc truy tìm tội phạm, những trận đánh vào sào huyệt của các băng đảng xã hội đen, cùng biết bao cuộc phá những vụ án kinh tế lớn... tất cả điều đó đều đòi hỏi óc phán đoán, tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu bền bỉ, bản lĩnh đến phi thường của Lực lượng CAND. Trong môi trường đó, đã sản sinh ra bông "Hoa thép", ra "Cuộc chiến không khoan nhượng", hay “Một người tự xé xác hay Cuộc chiến”, và cả “Trái tim trong trắng”...

Dựa trên chất liệu ngồn ngộn từ cuộc sống hiện thực của ngày hôm nay, sân khấu đã tái hiện những người con ưu tú của đất nước, của dân tộc vì sự thanh  bình của Tổ quốc đã quên thân mình cho lý tưởng tốt đẹp. Sứ mệnh của sân khấu đã thành công khi xây nên tượng đài sừng sững, cao đẹp về Người chiến sĩ CAND. Liên hoan sân khấu rồi sẽ qua đi, nhưng hình ảnh Người chiến sĩ Công an với những phẩm chất anh hùng vẫn mãi không phai mờ, sẽ mãi lưu luyến đọng sâu trong lòng khán giả.

Và, 10 ngày đang dần trôi qua tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, 19 vở diễn như thước phim quay chậm sẽ lưu dấu trong quãng đời làm nghệ thuật của người nghệ sĩ vào cột mốc của lịch sử nước nhà khi thời gian đang dần hồi bước vào giờ vàng Thăng Long- Hà Nội tròn nghìn năm

Trần Mỹ Hiền
.
.