Tình yêu, sân khấu tròn và chú voi Na

Thứ Năm, 21/06/2018, 07:57
Mùa này, mỗi buổi sáng tại Liên đoàn xiếc Việt Nam diễn ra như một ngày hội. Voi, trăn, khỉ, gấu... cùng những người bạn, những người huấn luyện viên của mình thi nhau... nghịch nước. Chú voi tên Na, như một đứa trẻ to xác, được người quản trượng Trần Văn Giang lấy vòi phun nước tắm rửa sạch sẽ để bắt đầu một ngày mới trong lành.

Chú voi cũng chẳng vừa, lấy vòi tìm nước ngậm đầy rồi “nhổ” một bãi vào làm nước bắn tung tóe khắp sân, lên cả người anh Giang, người đã chăm sóc, dạy dỗ và bên cạnh Na gần 30 năm.

Dáng vẻ thâm trầm, bé nhỏ nhưng anh Giang được tiếng là một người chăm sóc tận tụy và yêu Na như một đứa con “đặc biệt” của mình. Nhìn anh và Na chơi với nhau, chăm sóc nhau, cách họ nhìn nhau âu yếm, nói chuyện với nhau đầy thân tình, cảm giác như Na đang lắng nghe và hiểu những gì anh Giang nói. Khi được hỏi câu chuyện về nuôi dạy thú, anh Giang chia sẻ, 40 năm trước, anh được về làm việc tại Liên đoàn xiếc Việt Nam, tại đoàn xiếc thú.

Những ngày đầu tiên sao mà khó khăn đến thế. Chú voi hoàn toàn không hợp tác, tưởng như bất lực và bỏ nghề đến nơi rồi thì bất ngờ, chú voi nhấc một chân lên rồi lấy vòi chạm vào người anh như thể trêu đùa, lấy lòng. Câu chuyện của người quản tượng bắt đầu từ đó.

Anh Võ Văn Giang bên chú voi Na.

Ngày ngày anh cùng 2 nhân viên nữa tắm cho voi, cùng cho voi ăn, cùng luyện tập với voi và cùng nhau mỉm cười sung sướng trước mỗi tiến bộ vượt bậc của người bạn hoang dã của mình. Họ bên cạnh nhau nhiều đến nỗi, dáng hình của anh Giang được mọi người bảo, càng ngày càng đi giống một con voi. Anh chia sẻ rằng, khi xiếc thú trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả thì đồng nghĩa với việc, con voi càng ngày càng trở thành một người bạn thân thiết của anh.

Bởi vì dạy động vật nói chung, dạy voi nói riêng, chỉ có thể là dạy chúng bình thường bằng tình yêu và sự quan tâm. Đừng nói rằng bọn thú thì không hiểu gì. Thực ra chúng hiểu hết mọi yêu ghét của người chăm sóc, dạy dỗ chúng. Và chỉ có tình yêu, chứ không phải là đòn roi, mới làm nên những điều kỳ diệu.

Khi anh Giang vừa nhìn ngắm bạn Na vừa trò chuyện, chúng tôi có hỏi câu chuyện về việc Liên minh châu Á vì động vật (AfA - Asia For Animals Coalition) có kiến nghị sẽ cấm biểu diễn động vật hoang dã trên sân khấu xiếc?

Anh Giang buồn bã chia sẻ: Thực ra những người như anh Giang hoặc các anh chị em trong Liên đoàn gắn bó và quan tâm tới những con vật ở đây có khi nhiều hơn cả các con mình ở nhà. Nói vậy thôi chứ nếu ai nhìn thấy nồi cơm đậu xanh của voi thì chắc kiểu gì cũng phải xin... miếng cháy. Ngon không tả nổi. Anh chị em diễn viên diễn xong đói vẫn xuống bếp xin một miếng cơm cháy trong nồi gang nấu cơm dành cho voi ăn đấy chứ chẳng phải chuyện đùa.

Việc ăn uống đúng giờ, có khoa học, được bác sĩ thú y thăm khám thường xuyên ngày hai lần, trước mỗi giờ biểu diễn đều được những phần thưởng xứng đáng... đã thể hiện được tình yêu thương vô bờ bến của người điều khiển xiếc thú như anh Giang. Con voi như một người bạn, một người tâm giao, xa lâu ngày là nhớ.

Xiếc thú, một phần cũng là khích lệ tình yêu thiên nhiên, yêu động vật và giáo dục cho các em nhỏ những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng rất lớn lao, đó là khi yêu thương một ai đó, chúng ta sẽ làm nên những điều kỳ diệu. Vừa qua, Liên đoàn xiếc Trung ương vừa trả một con voi tên là Gấu về “nghỉ hưu” tại khu sinh thái.

Đây là một con voi được nuôi dưỡng từ lúc còn bé xíu khi mới về Liên đoàn xiếc. Mọi cảm xúc hỉ nộ ái ố có đủ cả, khi tạm biệt, không chỉ người quản tượng khóc mà anh Giang còn cảm nhận được những nỗi buồn sâu thẳm trong mắt chú voi già đã cùng mình đi một chặng đường dài với nhau.

Bẵng đi vài năm, một hôm anh Giang đi chơi với gia đình vào khu sinh thái nơi bạn Gấu đang ở, anh đang mải chụp ảnh cùng gia đình thì nghe tiếng rống quen quen, quay ra hướng đó thấy Gấu đang vươn vòi hướng về phía anh, tai vểnh lên ám hiệu nhận ra người quen. Lúc đó, anh Giang khóc thật sự vì hạnh phúc.

Bây giờ anh bảo, nếu lệnh cấm được thực thi, nếu phải trả lại Na về vườn sinh thái hoặc đâu đó, thì cũng sẽ phải làm thôi. Nhưng theo anh Giang, những con voi như Na sẽ khó tồn tại trong môi trường tự nhiên vì nó đã có những chuẩn mực về điều kiện sống. Môi trường tự nhiên hiện nay ô nhiễm, nhiều hiểm họa khôn lường, chắc gì Na đã sống sót được với mưa nắng và thiên nhiên?

Các nghệ sĩ biểu diễn tiết mục xiếc gấu.

Anh rồi sẽ làm huấn luyện viên cho một con vật mới. Mỗi nghệ sĩ, khi đã chấp nhận trở thành một người của đoàn xiếc thú thì động vật đó dù là voi hay là những con vật gần gũi khác như chó, mèo, vẹt, dê, trâu... thì các anh vẫn dạy bắt đầu lại từ đầu và chắn chắn sẽ làm rất tốt, vì các anh có kỹ năng và có lòng kiên nhẫn vốn có. Nhưng quả thật, để từ giã một con vật mình coi như người thân thì đó là cả một sự đấu tranh rất lớn về mặt tinh thần.

Có nhiều nghệ sĩ xiếc thú đã xin chuyển về đoàn xiếc người nhưng rồi được một thời gian, nhớ những con thú của mình chăm sóc, nuôi dưỡng quá lại quay trở lại đoàn xiếc thú để chăm sóc. Khi họ đi cùng những con thú một chặng đường dài thì họ gắn bó và có tình cảm với những con vật tưởng chừng chỉ sống bằng bản năng.

Nghệ sĩ ưu tú Tống Toàn Thắng kể lại một kỷ niệm giữa anh và người bạn diễn là những chú trăn. Đó là lần anh đi biểu diễn tại Chicago (Mỹ). Hôm ấy thời tiết lạnh, tuyết dày đến đầu gối. Trên chuyến xe một khoang chở thú riêng và có trang bị thiết bị máy nổ sưởi ấm riêng cho những chú trăn của anh. Đêm hôm ấy, anh nằm ngủ trong nhà, 2 giờ sáng bỗng giật mình tỉnh dậy và sốt ruột khủng khiếp, anh lo lắng không biết chuyện gì và khoác áo, lội trong tuyết để ra kiểm tra thì hóa ra máy nổ không hoạt động và đèn sưởi cũng tắt nốt.

Anh sờ vào những chú trăn thấy lạnh toát, anh gọi người kiểm tra bật máy phát điện và lò sưởi rồi ngồi cạnh những chú trăn gần như suốt thời gian còn lại. Khi cơ thể chú trăn đã ấm dần lên, anh sờ vào thấy chú thè lưỡi ra thì mới thở phào nhẹ nhõm biết rằng “các con” của mình vẫn ổn!

Lần khác, một chú trăn sổng chuồng và bò ra công viên Thống nhất, tìm mãi không thấy. Cả ngày lo lắng, tìm kiếm chẳng thấy đâu, nghĩ là chắc đã mất rồi, buồn bã trở về thì sáng ra anh Thắng và mọi người nhìn thấy “chàng” nằm im trên bãi cỏ cạnh cửa sổ của phòng. Anh Thắng nhìn thấy mà ứa nước mắt vì hạnh phúc, mắng yêu cho một trận vì tội “đi chơi không báo cáo”.

Có những thời điểm, mồng 1 tết anh đã phải mang trăn đi biểu diễn. Lần ấy, anh Thắng mang trăn về nhà trong ngày 30 để sáng mai đi biểu diễn sớm. Tối hôm ấy trăn bò ra và chui vào trong nhà kho. Cả nhà anh lung tung, bới hết mọi ngóc ngách suốt chiều 30 tết mà không thấy trăn ở ngóc ngách nào.

Nghĩ bụng mở hàng đầu năm đã thế này thì gặp vận hạn rồi. Thế nhưng, “chàng” chỉ trêu đùa ông chủ của mình chút xíu, đến tầm 5 giờ chiều, anh Thắng thấy chàng bò ra ở cửa, người đầy mạng nhện và bụi bẩn, anh lại phải tắm rửa kỹ lưỡng cho anh chàng để sáng mai đi biểu diễn.

Tiếp xúc với những người nuôi dạy thú tại Liên đoàn xiếc Việt Nam, chúng tôi cảm nhận được tình yêu của họ dành cho con vật mà mình gắn bó. Chỉ có tình yêu là thứ tối cao nhất có thể làm nên điều kỳ diệu. Khi có tình thương yêu, người ta không làm tổn thương và hành hạ nhau như một số suy nghĩ. Vì khi con vật đã trở thành một người bạn diễn trên sân khấu thì ngoài chuyên môn, sự nghiêm khắc thì phải có sự đồng cảm, động viên bằng những viên kẹo đường để tinh thần những con thú hưng phấn biểu diễn.

Đôi khi mùi mồ hôi, mùi cơ thể của cả hai quyện hòa vào nhau trở thành một “cặp đôi hoàn hảo”. Thực ra, những con vật thực sự thông minh và con người còn phải cố gắng để phát huy sự thông minh ấy của con vật để tạo nên một giá trị mới cho nó.

Chẳng hạn như con gấu, vốn là một con vật dữ dằn trong tự nhiên, thì hiện nay, trong Liên đoàn, những người huấn luyện và nuôi dạy gấu không bao giờ phải rọ mõm, thả nó tự nhiên, nó liếm láp vào mặt và tay người như một chú chó con ở nhà. Gấu tập đi xe đạp, gấu tập đi xe máy là một sự cố gắng phi thường của cả người huấn luyện và của gấu.

Đừng tưởng con vật không có sự hưng phấn, cứ tiếng nhạc nổi lên là mỗi chàng đều sung sướng bước ra sâu khấu, nhìn những tràng vỗ tay của khán giả và làm việc của mình. Lâu dần, nếu cứ để chúng ngồi thu lu trong phòng, chúng lại buồn ảo não. Và theo người nuôi dạy gấu, nếu thả những con gấu ở rạp xiếc vào trong môi trường tự nhiên thì chắc chắn nó không thể tồn tại được.

Nghệ sĩ ưu tú Tạ Duy Ánh.

Bản chất nó ăn thịt sống, nhưng thịt của các chú gấu, trăn... hiện nay là thịt gà đã làm sạch, được bảo quản an toàn và đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Nếu ra môi trường tự nhiên, những con vật chắc chắn sẽ phải kiếm ăn bằng những đồ ăn tạp và việc nó bị đau bụng, giun sán dẫn đến thủng ruột và chết là điều không thể tránh khỏi.

Cho nên, đồng nghĩa với việc bảo tồn, phát huy động vật hoang dã, mình phải hiểu thuộc tính của từng con, từng loài. Những con thú đã gắn bó trong rạp xiếc thì nó là bạn, là người đồng hành, là một diễn viên thực sự có làm việc, có nghỉ ngơi, có sự tôn trọng và đó cũng là sự phản ánh lương tri của những người nuôi dạy thú, khi họ gắn bó với một con vật, lâu dần họ như bạn, như tri âm tri kỷ, đôi khi, nói như anh Tống Toàn Thắng, anh nhiều khi không ngủ được nếu một ngày không gặp mặt “chúng nó”.

Dù bận đến mấy, mỗi ngày phải ra vuốt ve, âu yếm, cưng nựng, mắng yêu như một người bạn, như một đứa con...

Nghệ sĩ ưu tú Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam khi được hỏi về việc Liên minh châu Á vì động vật đề nghị “cấm sử dụng tất cả các loại động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc, nơi động vật buộc phải thực hiện các hành vi trái với hành vi tự nhiên của chúng”, ông cho biết, Liên đoàn đã nắm rõ điều này và có những chủ trương cụ thể để chuyển đổi dần dần từ thú hoang dã sang vật nuôi, gia cầm...

Lộ trình của Liên đoàn là đang dần dần thay mới các con thú không thuộc diện động vật hoang dã bị cấm như lợn, chó, mèo, gà, dê, trâu... để các nghệ sĩ hướng dẫn biểu diễn. Thực ra việc các nghệ sĩ bắt đầu với một con vật mới thì không có gì khó khăn vì đã là nghề thì kiểu gì cũng làm được. Tuy nhiên, các đoàn xiếc đang cố gắng để khán giả làm quen với những đổi thay này.

Mỗi một chủ trương đều có điểm mạnh, điểm yếu tùy theo quan điểm của từng cá nhân, tổ chức, thậm chí là từng quốc gia, dân tộc, nhưng dù gì thì mình vẫn hướng đến cái chung để hội nhập quốc tế và đến với toàn cầu. Môn xiếc thú đã có những bước tiến cơ bản và những thay đổi để phù hợp với xu thế. Mong rằng khán giả sẽ vẫn luôn ủng hộ, và những người nghệ sĩ luôn nỗ lực mong muốn mang lại nhiều điều thú vị nhất cho khán giả...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.