Tội phạm có tổ chức mở rộng hoạt động kinh doanh hàng giả

Thứ Ba, 10/06/2014, 11:25

Theo đánh giá của các chuyên gia, bọn tội phạm có tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hơn trong sử dụng công nghệ để sản xuất và kinh doanh hàng hóa thực phẩm giả. Một phần nguyên nhân khiến cho hàng giả tràn lan là sự giám sát của chính quyền còn yếu kém cùng với mức phạt đốåi với những đối tượng làm hàng giả hãy còn quá nhẹ.

Ủy ban Liên minh châu Âu về môi trường, sức khỏe công cộng và an toàn thực phẩm đánh giá dầu ô liu là mặt hàng được các băng nhóm tội phạm có tổ chức và mafia Italia làm giả phổ biến nhất. Các mặt hàng thực phẩm khác thu hút sự quan tâm của bọn tội phạm bao gồm cá, sữa, mật ong và các loại gia vị hiếm.

Chiến dịch Opson III phối hợp giữa Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) và Cảnh sát châu Âu (Europol) -  được tiến hành từ tháng 12/2013 đến tháng 1/2014 - với sự tham gia của 33 quốc gia đã dẫn đến việc bắt giữ hơn 1.200 tấn hàng hóa thực phẩm giả hay kém chất lượng và gần 430.000 lít thức uống làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng.

Trong Chiến dịch Opson III nhằm vào các mạng lưới tội phạm kinh doanh hàng giả và thực phẩm trái quy định, có gần 100 người bị bắt giữ tại 33 quốc gia và giới chức thực thi pháp luật tịch thu được hơn 131.000 lít dầu ăn, hơn 80.000 thanh sôcôla và bánh quy, 20 tấn đồ gia vị, 186 tấn ngũ cốc, 45 tấn sản phẩm sữa và 42 lít mật ong. Số lượng thực phẩm được tịch thu lớn nhất thuộc mặt hàng cá và hải sản, bao gồm 484 tấn cá ngừ vây vàng.

Các nhà điều tra còn phát hiện một mạng lưới tội phạm có tổ chức của Italia đứng đằng sau guồng máy sản xuất và kinh doanh rượu sâm panh giả, tịch thu được 60.000 chai rượu giả các nhãn hiệu nổi tiếng khác. Ở thủ đô Bangkok, cảnh sát đột kích một nhà kho và phát hiện hơn 270 chai rượu whisky giả cùng với nhiều loại nhãn và bao bì làm giả.

Cảnh sát Philippines tịch thu gần 150.000 viên súp gia vị giả, trong khi Cảnh sát Pháp buộc ngưng hoạt động đối với một lò mổ trái phép bên ngoài thành phố Paris. Ở Anh, cảnh sát tịch thu 17.165 lít rượu vodka giả nhãn hiệu. Michael Ellis, lãnh đạo bộ phận chống hàng giả và buôn lậu thực phẩm của Interpol, cho biết, Chiến dịch Opson III giúp cho nhiều người thấy rõ các mối đe dọa mà các mạng lưới tội phạm có tổ chức gây ra.

Ông nói: "Phần đông người dân cảm thấy bất ngờ khi biết được thực phẩm và thức uống mà họ tiêu thụ hàng ngày lại là hàng giả và số lượng hàng giả tịch thu được đã cho thấy đây là vấn đề nghiêm trọng toàn cầu".

Trong một số trường hợp, hàng giả của bọn tội phạm có tổ chức được chứng minh là gây chết người. Tại Cộng hòa Czech năm 2012, hơn 40 người bị mất mạng sau khi uống rượu vodka và rượu rum giả pha trộn methanol. Chính quyền Anh cảnh báo số rượu làm giả pha methanol tịch thu được đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 2009. Hàng hóa thực phẩm làm giả thường chứa rất nhiều chất nguy hiểm; bao gồm isopropanol, methanol và chloroform.

Rượu giả nhãn hiệu Remy Martin và Hennessy bị tịch thu ở Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, việc sử dụng melamine công nghiệp để tăng hàm lượng protein trong sữa bột dành cho trẻ em được phát hiện năm 2008 đã gây ra nhiều cái chết thương tâm. Điều đó cho thấy bọn tội phạm ngày càng tinh vi hơn trong sử dụng công nghệ để làm giả hàng hóa thực phẩm. Stuart Shotton - Giám đốc Foodchain Europe, công ty cố vấn về an toàn thực phẩm - đánh giá bọn tội phạm rất ranh ma khi thay đổi thành phần của thực phẩm chế biến để tăng lợi nhuận mà rất khó bị phát hiện.

Tuy nhiên, Shotton cho biết, một số hàng hóa thực phẩm giả được phân phối bởi những cơ sở sản xuất bình thường hơn là tội phạm có tổ chức. Ví dụ, mới đây một nhà nhập khẩu ở London đã bị phạt đến 17.000 bảng Anh sau khi phân phối mật ong làm giả từ nước đường đậm đặc. Mặc dù đây chỉ là những nhà nhập khẩu nhỏ song hậu quả gây ra cũng vô cùng nghiêm trọng.

Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA) thừa nhận các báo cáo về hàng hóa thực phẩm giả tăng theo từng năm kể từ khi cơ sở dữ liệu thực phẩm giả được thành lập vào năm 2007. Trước đây, chỉ có 49 báo cáo về thực phẩm giả gửi đến FSA nhưng vào năm 2013 số báo cáo đã tăng đến 1.538!

Theo người phát ngôn của FSA, khoảng 16% các báo cáo đề cập đến "thực phẩm không đạt tiêu chuẩn". Còn rượu giả, phần lớn là vodka và rượu vang, là vấn đề lớn hàng thứ 2, chiếm 14% trong các báo cáo.

Hiện nay, các sản phẩm bị làm giả nghiêm trọng bao gồm bột ớt và bột nghệ, dầu ăn, nước chanh và nước ngọt. Theo trang web foodqualitynews.com, không loại nào trong các sản phẩm này nằm trong danh sách top 25 hàng giả từ năm 1980 đến 2010.

Jenny Moris - chuyên gia hàng đầu của Viện Sức khỏe Môi trường Chartered - cho rằng muốn ngăn chặn nạn hàng giả tràn lan chúng ta nên hiểu tội phạm để phát hiện những mánh khóe của bọn chúng -  một điều mà một số quốc gia đã làm trong nhiều năm qua

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.