Tokyo có thể mất quyền đăng cai Olympic 2016 vì…ông Obama

Thứ Sáu, 05/12/2008, 09:00
Trong khi nhiều nơi hân hoan chào đón chiến thắng của ứng cử viên tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ thì chính quyền Tokyo nói riêng và người dân Nhật Bản nói chung, mặc dù không nói ra, lại tỏ ra lo lắng.

Bởi một lẽ rất đơn giản: Chiến thắng của ông Obama, một người con của thành phố Chicago, đang khiến Tokyo đứng trước nhiều nguy cơ mất quyền đăng cai Thế vận hội 2016.

2 ngày sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc, giới chức Olympic của Nhật Bản đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc rằng, việc ông Barack Obama đắc cử sẽ giúp cho thành phố quê hương Chicago của ông có nhiều hy vọng hơn để được trao quyền tổ chức Thế vận hội 2016 và cản trở các hy vọng của Tokyo.

Hiện nay có 4 thành phố là Chicago (Mỹ), Tokyo (Nhật Bản), Madrid (Tây Ban Nha) và Rio de Janeiro (Brazil), đang cố thể hiện để giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa hè 2016.

Chủ tịch Ủy ban Thế vận hội Nhật Bản, Tsunekazu Takeda cho báo chí nước này biết: "Tôi có thể hình dung ra phản ứng của các thành viên trong Ủy ban Thế vận hội quốc tế (IOC) khi Tổng thống Obama xuất hiện trước ủy ban này để trình bày về những nỗ lực của thành phố Chicago, một khi được trao quyền tổ chức Thế vận hội 2016".

Ông Tomiaki Fukuda, thành viên kỳ cựu của Ủy ban Thế vận hội Nhật Bản, cũng nói thêm rằng: "Ông Obama là người rất hòa đồng, được lòng mọi người và ông còn có tài ăn nói nữa, vì vậy đây là điểm vô cùng bất lợi cho những nỗ lực vận động giành quyền tổ chức Thế vận hội 2016 của Tokyo".

Chính Chủ tịch Ủy ban vận động cho Thế vận hội 2016 của thành phố Chicago, ông Patrick Ryan, cũng nhìn nhận sự đắc cử Tổng thống Mỹ của ông Obama đã giúp cho Chicago có quyền hy vọng nhiều hơn vào khả năng tổ chức Thế vận hội 2016.

Và quả đúng như dự báo, ngày 21/11 vừa qua, Tổng thống tân cử Barack Obama đã cho thấy sự ủng hộ của ông đối với thành phố Chicago bằng cách đưa ra lời kêu gọi được thu hình để cho thành phố này được quyền tổ chức Thế vận hội 2016. Phát biểu tại buổi vận động tranh cử cho thành phố Chicago, ông Obama cho biết: "Việc Chicago được đăng cai Thế vận hội 2016 sẽ giúp hàn gắn những rạn nứt giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới". Ông Obama ám chỉ sự rạn nứt này đã xảy ra trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống George Bush.

Ông Obama quả quyết tiếp rằng, việc IOC trao cho thành phố Chicago danh dự tổ chức Thế vận hội 2016 chính là giúp củng cố các mối quan hệ của Mỹ với các nước trên thế giới.

Trong lời phát biểu kéo dài khoảng 90 giây được thu hình sẵn từ văn phòng chuyển giao của ông ở Chicago và được ban vận động của thành phố Chicago trình chiếu trước Đại hội đồng của Ủy ban Thế vận hội châu Âu họp ngày 21/11 vừa qua tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống tân cử Obama đã nhấn mạnh: "Mỹ lấy làm vinh dự để được trao cho cơ hội tổ chức Thế vận hội 2016 và từ đó có thể phục vụ được phong trào thế vận hội quốc tế".

Ông Ryan cho biết thêm rằng đêm 4/11 vừa qua, việc Tổng thống tân cử Obama lần đầu xuất hiện tại Công viên Grant Park của Chicago, trước sự hiện diện của hơn 200.000 người ủng hộ, và được trực tiếp truyền hình đến nhiều nước trên thế giới, đã cho cả thế giới thấy được hình ảnh ấn tượng của thành phố này, nên nếu cộng với vị thế của ông Obama hiện nay, Chicago có nhiều hy vọng chiến thắng trước các ứng cử viên khác.

Ông Ryan cũng mong mỏi Tổng thống Obama sẽ có mặt trong cuộc họp toàn thể của IOC vào năm tới tại Copenhagen, Đan Mạch, để xét chọn thành phố được trao quyền đăng cai Thế vận hội 2016.

Việc các nhà lãnh đạo quốc gia xuất hiện trước cuộc họp toàn thể của IOC để vận động cho thành phố của nước mình đứng ra tổ chức một kỳ Thế vận hội, trở thành một điều bình thường trong thời gian gần đây.

Việc xuất hiện của Thủ tướng Anh Tony Blair trong phiên họp toàn thể của IOC hồi năm 2005 đã giúp cho London được trao quyền tổ chức Thế vận hội 2012, sau đó sự xuất hiện của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi năm 2007 trong cuộc họp toàn thể của IOC tại Guatemala cũng đã giúp cho thành phố nghỉ mát nổi tiếng Sochi giành được quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông 2014, trong khi Sochi lúc đó không được coi là thành phố có nhiều hy vọng.

Trong một diễn biến khác liên quan tới Thế vận hội mùa đông Sochi 2014, Ban tổ chức của Nga vừa công bố giảm bớt các chi tiêu cho sự kiện thể thao này. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn thế giới đã bắt đầu có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế của Nga, mặc dù nước này có trữ lượng dầu, khí quan trọng.

Trong một cuộc trả lời báo chí hôm 21/11 vừa qua, Phó thủ tướng Dmitry Kozak đặc trách về việc tổ chức Thế vận hội mùa đông 2014 cho biết, Nga đang phải xem xét lại các khoản chi tiêu khổng lồ dự trù cho Thế vận hội mùa đông Sochi 2014: "Chúng tôi không bỏ bớt công trường xây dựng, địa điểm tranh tài nào của Thế vận hội mùa đông 2014. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thu gọn bớt các công trường xây dựng đó để có thể tiết kiệm được phần nào hay phần nấy".

Trước đây, Nga cho biết sẵn sàng chi ra 12 tỉ USD cho việc tổ chức Thế vận hội mùa đông 2014, trong đó 7 tỉ USD do công quỹ chi ra và 5 tỉ USD còn lại do các nguồn tài trợ của tư nhân.

IOC đã trao cho Sochi quyền tổ chức Thế vận hội mùa đông 2014 hồi năm 2007 sau khi có sự vận động tích cực của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào lúc đó, khiến các thành phố Salzburg (Áo) và Pyeongchang (Hàn Quốc) đều bị loại. Nga chưa bao giờ được tổ chức một kỳ Thế vận hội mùa đông nào và lần cuối cùng được tổ chức một kỳ Thế vận hội mùa hè là tại Moskva hồi năm 1980

Giang Khuê(tổng hợp)
.
.