Topshop đã sụp đổ như thế nào?

Thứ Bảy, 12/12/2020, 15:28
Tập đoàn thời trang hàng đầu của Anh Arcadia đang cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính các chủ nợ với lý do cứu vãn 13.000 việc làm và các thương hiệu như Toshop. Tuy nhiên, doanh số bán hàng đi xuống cùng sự quản lý yếu kém khiến tập đoàn này đứng trước nguy cơ phá sản.

Hãng tin BBC ngày 30-11 cho hay, Arcadia, chủ sở hữu hàng loạt thương hiệu thời trang cao cấp gồm Topshop, Topman... đã nộp đơn xin phá sản mặc dù Tập đoàn Frasers của tỷ phú Mike Ashley đã xác nhận về việc cấp khoản vay 67 triệu USD.

"Đây là một ngày cực kỳ đáng buồn đối với tất cả các đồng nghiệp cũng như các nhà cung cấp và nhiều bên liên quan khác của chúng tôi. Tác động của đại dịch COVID-19 bao gồm việc buộc phải đóng các cửa hàng trong thời gian dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi", Ian Grabiner, Giám đốc điều hành của Arcadia cho biết trong một tuyên bố.

Nhiều nhà phân tích nhận định, việc Arcadia nộp đơn phá sản trong bối cảnh nền kinh tế Anh đang vật lộn với cuộc khủng hoảng thất nghiệp ngày càng gia tăng và cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn 300 năm sẽ khiến các nhà đầu tư khó mà chấp nhận khả năng hỗ trợ cho tập đoàn này. Trước đó, vào hồi đầu năm Arcadia đã cắt giảm 500 việc làm tại trụ sở chính.

Thị phần của Arcadia giảm từ 4,5% vào năm 2015 xuống còn 2,7% vào năm 2020.

Còn hãng CNN cho hay, thị phần của Arcadia đã giảm từ 4,5% vào năm 2015 xuống còn 2,7% vào năm 2020. Bên cạnh đó, danh mục mở rộng của tập đoàn gồm các cửa hàng trên phố, bao gồm các mặt hàng chủ lực trên phố cao cấp của Anh như Dorothy Perkins, Burton và Miss Selfridge, từ lâu đã bị lỗi thời. Nhiều chuyên gia trong ngành thời trang khẳng định, việc Arcadia cứ giữ các cửa hàng trên những con phố lớn sang trọng mà thiếu đầu tư vào mảng bán lẻ trực tuyến cũng như bỏ bớt nguồn cung ứng sản phẩm lỗi thời... làm giảm lòng tin đối với khách hàng.

Natalie Berg, nhà phân tích bán lẻ tại NBK Retail nhận định, trong số dòng sản phẩm thời trang của Arcadia, Topshop đã bị tụt hậu do cách tiếp cận nửa vời. Vốn là thương hiệu thời trang dành cho tuổi 20 và tuổi teen, chuỗi cửa hàng thời trang nữ Topshop bắt đầu được gây dựng ở Sheffield và London vào năm 1964, trong tầng hầm cửa hàng bách hóa Peter Robinson. Mục đích là bán thời trang của các nhà thiết kế trẻ người Anh. Điều quan trọng đối với thành công ban đầu của thương hiệu là Diane Wadey, người mua hàng của Topshop, người nổi tiếng trong giới kinh doanh vì có con mắt quan tâm đến tài năng trẻ.

Năm 1974, Tập đoàn Burton đã biến Topshop thành một cửa hàng độc lập. Trong vòng 2 năm, thị trường mục tiêu chính của thương hiệu là những người từ 13 đến 24 tuổi và có 55 cửa hàng độc lập với doanh thu là hơn 1 triệu USD/năm.  Thương hiệu thành công đến mức Tập đoàn Burton tung ra sản phẩm tương đương dành cho nam giới mang tên Topman vào năm 1978.

Những năm 1980 và đầu những năm 1990 chứng kiến sự phân mảnh của thị trường đại chúng ở Anh khi có thêm sự xuất hiện của các nhà bán lẻ như Matalan, New Look và George at Asda gây áp lực giảm giá cho các nhà bán lẻ thời trang. Để duy trì lợi thế cạnh tranh, Topshop đã giao quyền lực của mình cho một phụ nữ được ca ngợi là “người có ảnh hưởng nhất trên đường phố Anh” vào giữa những năm 1990, Jane Shepherdson.

Jane Shepherdson được ghi nhận là người dân chủ hóa phong cách của phụ nữ và thay đổi cách họ mua và mặc thời trang. Dưới thời trị vì của bà, thương hiệu này đã được biến thành "thánh địa phong cách", tạo ra những bộ quần áo được thiết kế đẹp và sành điệu.

Sau 20 năm thành công ở vị trí lãnh đạo và với doanh thu hơn 100 triệu USD/năm, Jane Shepherdson đã rời Topshop, chuyển giao vị trí cho siêu mẫu Kate Moss. Kể từ đây, con đường phía trước của Topshop dưới sự quản lý mới là một chặng đường đầy cam go. Sự cạnh tranh trở nên khốc liệt khi bùng nổ với các nhà bán lẻ quốc tế đẳng cấp thế giới, bao gồm các công ty bán lẻ trực tuyến mới nổi như Boohoo và Asos cùng các nhà bán lẻ giá trị hơn như Primark, kết hợp giá thấp và tiếp thị kỹ thuật...

Khi ngày càng có nhiều người mua sắm trực tuyến, Topshop đã  không đầu tư vào các kênh bán lẻ kỹ thuật số khiến họ không thể cạnh tranh với các đối thủ. Doanh số bán hàng trực tuyến tăng lên hằng năm và trong khi mọi người mua sắm trực tuyến nhiều hơn, lượng người đặt chân đến các con phố thời trang nơi có các cửa hàng của Toshop lại giảm ồ ạt trong mười năm qua và tiếp tục giảm tới mức 80% trong gần một năm diễn ra đại dịch COVID-19. Và chính định hướng của Topshop đối với hoạt động bán lẻ thực tế mà không sẵn sàng loại bỏ các cửa hàng trên phố là một bước lùi trong kinh doanh.

Đối thủ cạnh trang của Arcadia là Intidex có 107 cửa hàng ở Anh, bao gồm Zara, Primark, Pull and Bear, cùng một số thương hiệu khác. Trong khi đó, chỉ riêng thương hiệu Toshop đã có hơn 300 cửa hàng trên khắp nước Anh... Và điều gì đến đã đến, khả năng cạnh tranh yếu kém của đã khiến cho Topshop tại Mỹ phải đóng cửa.

Từ tháng 5-2019, Topshop đã dần đóng cửa toàn bộ 11 cửa hàng tại Mỹ vì kinh doanh thua lỗ. Khi đó, Tập đoàn Arcadia ước tính tài sản của họ tại Mỹ chỉ còn khoảng 53 triệu USD, trong khi nợ lên đến 179 triệu USD. Sau Mỹ, Topshop cũng dần đóng thêm 23 cửa hàng ở Anh trong năm 2019 và hơn 20 cửa hàng khác ở Ireland. Tháng 6 năm 2019, Arcadia suýt phá sản nhưng cuối cùng được vực dậy.

Phân tích kỹ hơn về sự sụp đổ của Arcadia, nhiều nhà kinh tế học còn cho rằng, sự đi xuống của thương hiệu một phần cũng bởi bê bối của chủ sở hữu Phillip Green, người từng được coi là một trong những doanh nhân bán lẻ thành công nhất nước Anh. 10 năm sau khi được phong tước hiệp sĩ, năm 2016, Phillip Green đã gây tranh cãi khi đóng cửa chuỗi cửa hàng bách hóa BHS, mà ông sở hữu trong 15 năm.

Thêm vào đó là những bê bối xung quanh việc Phillip Green bị cáo buộc làm suy yếu tập đoàn bằng cách trích hàng trăm triệu USD cho gia đình chi tiêu phung phí. Mãi sau này, dưới áp lực của các nhà quản lý, Phillip Green mới chi 484 triệu USD để bảo vệ lương hưu của các nhân viên cũ...

Châu Anh
.
.