Trả lại tên cho những bộ xương vô danh

Thứ Sáu, 04/04/2008, 16:00
Khoảng 600 bộ xương khô được thu nhặt từ những ngôi mộ vô danh trên khắp đất nước Argentina, được đánh số thứ tự và xếp ngay ngắn trong những chiếc tủ của phòng kỹ thuật hình sự tại thủ đô Buenos Aires.

Nhưng 25 năm sau khi chấm dứt cuộc chiến thanh trừng của chế độ độc tài Argentina (1976-1983), công nghệ ADN đã đem lại niềm tin sẽ có ngày các nhà khoa học tìm được tên tuổi cho từng bộ xương trong ngăn tủ đó.

Các nhà nhân chủng học đã tung ra một chiến dịch nhiều tham vọng, được phác thảo trên các nền tảng kỹ thuật tiên phong tại Bosnia và tại Trung tâm Thương mại Thế giới (New York, Mỹ) sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Trên sóng phát thanh và truyền hình Argentina, những người nổi tiếng khích lệ thân nhân những người mất tích cung cấp mẫu máu để tạo một cơ sở dữ liệu ADN rộng khắp đất nước. Một trung tâm tư vấn mạng quảng cáo số điện thoại của họ trên các bảng quảng cáo tại các trận đấu bóng đá lớn.

Chiến dịch đó bắt đầu từ tháng 11/2007 và đã gặt hái thành công. Luis Fondebrider, nhà khoa học thuộc Nhóm Nhân chủng Hình án Argentina (thành lập năm 1984 để thực hiện các tư liệu về người mất tích, từ đó đến nay đã giúp cho hơn 40 quốc gia trên thế giới, từ El Salvador, Iraq cho đến Đông Timor) cho biết: “Chỉ trong 4 tháng, chúng tôi đã nhận được khoảng 2.000 cuộc điện thoại liên quan đến thiện chí tìm ra tên cho các bộ xương khô”.

Cũng chính nhóm không vụ lợi này giúp nhận dạng người anh hùng cách mạng Cuba Ernest Che Guevara, thông qua hồ sơ xương răng của ông, trước khi cải táng ông vào những năm 90 thế kỷ XX. Nhóm này hy vọng thuê lại được một phòng thí nghiệm của Mỹ để đối chiếu các mẫu máu với ADN từ tất cả 600 bộ xương trong tủ, nhiều bộ có dấu lỗ đạn xuyên qua hộp sọ hoặc có dấu hiệu bị nhục hình.

Lập hệ thống mẫu ADN quy mô lớn ngày một nhanh và rẻ hơn từ khi nó được thử nghiệm lần đầu tiên tại Bosnia, theo nhà sáng lập nhóm Mercedes Doretti. Sau cuộc chiến Bosnia vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Ủy ban Quốc tế tìm người mất tích (ICMP) phát triển một hệ thống tiến hành các thử nghiệm ADN hiện đại nhất trên hàng ngàn thi thể khai quật. Sau vụ khủng bố 11/9, các chuyên gia Mỹ mở rộng công nghệ này, thiết lập phần mềm để đối chiếu đồng thời hàng ngàn mẫu ADN từ những mẩu xương thu nhặt được từ Tòa tháp đôi.

Nhưng nhóm của Doretti không đủ thực lực để sử dụng những công nghệ mới này, cho đến khi Quốc hội Mỹ ưu ái chuyển giao công nghệ đó với giá gần 1,5 triệu USD. Chính phủ Argentina chỉ hỗ trợ hậu cần, cho phép sử dụng miễn phí thời lượng phát sóng để quảng bá cho ngân hàng máu công cộng, và đẩy nhanh tiến độ nhập thiết bị thông qua hải quan.

Chiến dịch vận động nhận dạng người mất tích và những bộ xương vô danh theo mong đợi sẽ đưa ra con số người chết chính xác hơn trong cuộc chiến bẩn thỉu dưới chế độ độc tài chống lại phe đối lập tả khuynh. Nó giúp rút ngắn cách biệt giữa con số chính thức thống kê chết hoặc mất tích (hơn 12.000 người) và con số ước tính của các tổ chức nhân quyền (khoảng 30.000 người). Trong hầu hết các trường hợp, những mẩu xương của các nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy. Và trong số những bộ xương được nhóm Doretti thu nhặt, chỉ mới nhận dạng chưa đến 300 nạn nhân.

Lần nhận diện gần nhất vào năm 2005, khi một test ADN đưa ra cái tên cho bộ xương nhiều năm trước bị sóng đánh dạt vào bờ, và các nhà khoa học tin đó là một trong những nạn nhân của một “chuyến bay vào cõi vĩnh hằng”. Những tù nhân chống đối được bay trên đó rồi “bị chôn sống” xuống lòng biển cả. Nữ tu người Pháp Leonie Duquet được tổ chức một tang lễ cảm động tại nhà thờ Buenos Aires, cũng là nơi bà bị bắt cóc năm 1977.

Sự trùng khớp ADN  giúp tìm được tên là niềm an ủi với người thân của họ. Một người nữa được trả lại danh tính là người em trai Jorge của Hugo Omar Argente, chết trong vụ tàn sát tập thể năm 1976. Jorge là nhà hoạt động trẻ tuổi, hài cốt anh là một trong số khoảng 30 hài cốt được tìm thấy vào ngày 17/3/2000

Minh Nhựt (tổng hợp)
.
.