Tràn lan thực phẩm biển đổi gien ở Việt Nam: Làm sao cho lành

Thứ Sáu, 02/12/2011, 16:30
Trong khi các nhà khoa học của chúng ta còn đang mải tranh luận với nhau về việc cho trồng đại trà hay không một vài loại ngũ cốc có hạt giống nguồn gốc biến đổi gien thì thực tế trên thị trường Việt Nam đã tràn lan các loại thực phẩm biến đổi gien (GMO - Genetically modified organism) rồi. Điều đáng nói là ở chỗ, những sản phẩm này được bày bán lẫn với những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên mà người tiêu dùng không thể tự phân biệt được để đưa ra lựa chọn cho mình.

Mơ hồ về GMO

Một cuộc khảo sát, lấy mẫu kiểm nghiệm của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) đã cho kết quả 111/323 mẫu nguyên liệu, sản phẩm sơ chế, chế biến có nguồn gốc từ bắp, đậu nành, khoai tây, gạo, đậu Hà Lan đang được bày bán trên địa bàn các chợ, siêu thị ở TP HCM là sản phẩm của biến đổi gien.

Cũng theo kết quả được công bố của Quatest 3, nằm trong số những sản phẩm biến đổi gien được bày bán nhiều nhất là ngô và những sản phẩm chế biến từ ngô, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành. Ngoài ra cà chua, khoai tây và cả một số loại gạo nhập khẩu cũng có nguồn gốc từ biến đổi gien.

Bà Lê Thị Phi Vân: Họ đang cố tình đưa ra những biện luận về sản phẩm biến đổi gien.

Trong danh sách những mặt hàng ngô biến đổi gien, có ngô Mỹ, ngô trái non, ngô non đóng hộp, bột ngô, chủ yếu là nhập từ nước ngoài như Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Indonesia… Các sản phẩm sữa ngô cũng chủ yếu được làm từ nguyên liệu là ngô biến đổi gien. Chưa hết, rất nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ đậu nành với nguyên liệu nhập khẩu đều có nguồn gốc biến đổi gien như bột đậu nành, sữa đậu nành đóng chai, đóng hộp; đậu và cả dầu ăn đậu nành cũng không nằm ngoài nhóm ấy.

Điều này cũng phù hợp với một loạt các khảo nghiệm khác, một cách riêng lẻ hoặc của các cơ quan quản lý nhà nước tuyên bố rời rạc trước hoặc sau đó. Tại buổi tọa đàm về sinh vật và cây trồng biến đổi gien do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức hồi đầu tháng 10 vừa qua, nhiều nhà khoa học đã đưa đến những thông tin gây sốc.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành học Việt Nam cung cấp thông tin: Dù muốn hay không Việt Nam cũng đang sử dụng sản phẩm cây trồng biến đổi gien. Cụ thể mỗi năm chúng ta nhập khẩu trên 2 triệu tấn khô dầu đậu tương và 1,6 triệu tấn ngô, trong đó hầu hết là sản phẩm biến đổi gien.

Trước đó, theo kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  (NN-PTNT) công bố tại Hội thảo về thực phẩm biến đổi gien, hầu hết các mẫu thức ăn chăn nuôi có mặt trên thị trường hiện nay cũng đều có nguồn gốc sản phẩm từ biến đổi gien.

Thực tế là đang có một sự rất mơ hồ về quyền được lựa chọn hay không lựa chọn của người tiêu dùng đối với sản phẩm có nguồn gốc từ biến đổi gien. Cứ cho là không phải tất cả sản phẩm đều liên quan đến nhóm các nguyên liệu biến đổi gien nhập khẩu như đã nêu ở trên, thì với một trạng thái toàn bộ sản phẩm đều không dán nhãn phân biệt GMO hay không như trên thị trường hiện nay thì có tài thánh người tiêu dùng cũng chẳng thể phân biệt được. Chỉ trừ một số loại sản phẩm nhập khẩu nguyên hộp từ nước ngoài có quy định của quốc gia sản xuất nhưng cũng không mấy được chú ý.

Còn nữa, một cuộc khảo sát mới đây của một cơ quan đại chúng trong nước đã cho kết quả tới 80% người tiêu dùng được hỏi không có khái niệm về GMO. Và trên thực tế, đối với số còn lại, dù có biết về GMO thì cũng không có quyền lựa chọn bởi đâu có biết cái nào là GMO, cái nào không?

Một nghịch lý nữa là hiện tại, Chính phủ đã có Quyết định 212/2005/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gien, sản  phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gien. Trong đó, Điều 7 về "Ghi nhãn hàng hóa" của quyết định nêu rõ: Tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa là sinh vật biến đổi gien hoặc sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gien lưu thông, buôn bán trên thị trường, ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về ghi nhãn hàng hóa còn phải ghi thêm dòng chữ trên bao bì: "Sản phẩm có sử dụng công nghệ chuyển gien" để người tiêu dùng xem xét, lựa chọn. Không hiểu vì lý do gì mà chưa được áp dụng?

Trên khía cạnh xã hội và an ninh lương thực

Tiếp cận vấn đề trên khía cạnh xã hội, bà Lê Thị Phi Vân, Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, thuộc Bộ NN-PTNT cho rằng đang có những động cơ không lành mạnh trong việc đưa cây biến đổi gien vào Việt Nam.

Theo bà Vân, ở Việt Nam thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã cấp giấy phép khảo nghiệm hạn chế và khảo nghiệm diện rộng cho 3 công ty: Công ty Monsanto Thái Lan với 3 giống ngô chuyển gien gồm MON 89034; NK 603 và MON 89034 x NK 603; Công ty Syngenta Việt Nam với 2 giống ngô chuyển gien BT 11 và GA 21; Công ty TNHH Pioneer Hi-Bred Việt Nam với 1 giống ngô chuyển gien TC1507.

Hiện nay, ba cây trồng biến đổi gien có mặt ở nước ta là lúa, ngô và bông. Trong đó lúa và ngô đang thử nghiệm. Còn bông, bằng cách nào đó người nông dân đã có cây giống và trồng đại trà một cách không kiểm soát. Và theo bà Vân, đã có những hậu quả xảy ra.

Về lợi ích, bà Vân cho biết, công nghệ biến đổi gien có thể tạo ra cây trồng với các đặc tính mong muốn như: Kháng sâu bệnh, cỏ dại; Chống chịu các điều kiện khắc nghiệt: khô hạn, ngập úng, mặn; Thay đổi các đặc tính cho chế biến: hàm lượng dầu, tinh bột, protein cao; Thay đổi các đặc tính cho tiêu dùng: chất lượng dinh dưỡng giàu Vitamin A, E, protein; Giảm các chất không mong muốn như: cafein, nicotine, chất gây dị ứng; Tạo sản phẩm y học: vaccine; dược liệu…

Người tiêu dùng băn khoăn làm thế nào để  biết những sản phẩm này có phải từ cây trồng biến đổi gien hay không.

Mặt khác, cây biến đổi gien cũng tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe con người và phá vỡ cấu trúc sinh học ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Nó có thể phát tán những gien biến nạp trong cây trồng sang họ hàng hoang dại. Sâu bệnh có nguy cơ tăng cường tính kháng với các chất độc tiết ra từ cây chuyển gien hoặc hình thành nòi mới kháng độc tố trong cây chuyển gien, và nguy cơ những chất độc này tác động tới sinh vật không phải sinh vật cần diệt, rủi ro tiềm ẩn đối với đa dạng sinh học, gia tăng tính trầm trọng của sâu hại không chủ đích.

Tuy nhiên, vấn đề là cây trồng biến đổi gien có thực sự mang lại năng suất cao, tiết kiệm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường như những gì các công ty này nói không? Và, thậm chí, một cách cụ thể hơn, bà Vân cho rằng dẫu cây trồng biến đổi gien có một vài ưu điểm nào đó, thì nó có thực sự là cần thiết, là không thể không có đối với một đất nước với nền nông nghiệp như Việt Nam hay không?

Chuyên gia của Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, chỉ mới qua nhập khẩu, là con đường về lý thuyết hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng bộ máy hải quan, cửa khẩu mà các sản phẩm biến đổi gien còn tràn vào ồ ạt, không kiểm soát như thế này. Nếu cho vào sản xuất đại trà, tình hình còn nghiêm trọng đến đâu?

Bằng những số liệu và nghiên cứu thuyết phục, bà Vân đã đưa ra khẳng định cây trồng biến đổi gien không tạo ra sự khác biệt đáng kể về năng suất. Cây trồng biến đổi gien cũng không giúp tiết kiệm chi phí cũng như về giống. Thậm chí, sự lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung giống đắt đỏ cũng như thuốc trừ sâu và phân bón thậm chí còn được coi là nội dung chính ẩn chứa đằng sau những nỗ lực đưa cây trồng biến đổi gien vào một quốc gia.

"Đứng về khía cạnh an ninh lương thực, thì cây trồng biến đổi gien là một tai họa. Thử tưởng tượng một đất nước bị phụ thuộc vào nguồn giống từ một tập đoàn đa quốc gia. Trồng xong vụ nào biết vụ ấy. Nếu sang vụ sau họ không cung cấp giống cho nữa thì lấy gì mà ăn?", bà Vân phân tích. Câu chuyện những người trồng bông ở Ấn Độ là một ví dụ điển hình.

Do cả tin vào những lời hứa hẹn về những vụ mùa bội thu ngoài sức tưởng tượng, hàng triệu nông dân Ấn Độ đã chuyển sang trồng giống biến đổi gien. Họ đã vay tiền để mua hạt giống với giá cắt cổ chỉ để thấy mùa màng của họ bị thất bát lớn, đẩy họ vào vòng xoáy nợ nần mà lối thoát duy nhất là tự tử. Ở Maharashtra, Ấn Độ, tình trạng nợ nần liên quan đến cây trồng biến đổi gien là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những vụ tự tử của nông dân. Những vùng có diện tích bông Bt (bông biến đổi gien) cao nhất Ấn Độ như Nagpur, Amravati và Wardha của bang Vidharbha cũng là vùng có tỷ lệ nông dân tự tử nhiều nhất (4.000 người/năm).

Một điều tra độc lập khác của nhà báo Anh Andrew Malone viết cho tờ Daily Mail công bố có khoảng 125 ngàn nông dân Ấn Độ đã tự tử vì cây trồng biến đổi gien. Điều đáng nói ở chỗ, trước kia, khi mùa màng thất bát nông dân vẫn có thể để giống và trồng lại năm sau, nhưng với cây biến đổi gien họ không thể làm thế được nữa vì không còn hạt giống.

Và những băn khoăn

Cho đến thời điểm này, những cuộc tranh luận về các loại sản phẩm biến đổi gien chưa thể kết thúc, không chỉ ở Việt Nam. Nhưng một số thí nghiệm và theo dõi cho thấy, đã có những hậu quả nhất định từ các sản phẩm biến đổi gien tác động lên con người và sinh vật. Tại thị trường Anh, người ta đã chứng minh được việc gia tăng 50% bệnh dị ứng là do ăn đậu tương đột biến gien.

Báo cáo tháng 5/2009 của Hội Y học Môi trường và Khoa học Mỹ (AAEM) cho biết một số nghiên cứu về động vật cho thấy ăn thực phẩm biến đổi gien có rủi ro lớn đối với sức khỏe như gây vô sinh, giảm miễn dịch, đẩy nhanh tốc độ lão hóa… Cũng một báo cáo khác của Mỹ cho hay lợn ăn ngô biến đổi gien ở các nông trại miền Trung, miền Tây nước này có tình trạng mang thai giả hoặc bị vô sinh cao hơn. Gà ăn thức ăn từ thực phẩm biến đổi gien có tỷ lệ chết cao gấp đôi những con gà ăn bằng thức ăn tự nhiên. Ngay tại Trung Quốc, giống ngô đột biến "Tiên Ngọc 335" được chứng minh là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của loài chuột đồng…

Ở Việt Nam, dù chưa có thống kê hay khảo nghiệm nào thực sự quy mô về tác động của thực phẩm biến đổi gien lên con người và gia súc, nhưng chính những điều gọi là "ưu việt" của cây trồng biến đổi gien đang được những người có trách nhiệm dùng để thuyết giảng lại đặt ra câu hỏi lớn.

Trong cuộc Tọa đàm về sinh vật và cây trồng biến đổi gien nói trên, TS Lê Huy Hàm, Viện Di truyền nông nghiệp cũng thuộc Bộ NN-PTNT cho biết một chi tiết rằng nếu dùng cây trồng biến đổi gien, sẽ tiết kiệm được chi phí cho thuốc trừ sâu bởi cây biến đổi gien có khả năng kháng sâu bệnh cao hơn.

Qua trao đổi với bà Vân, chúng tôi được biết, cái gọi là "khả năng kháng sâu bệnh cao hơn" ấy chính là sâu không thể ăn được cái cây biến đổi gien ấy. Nếu ăn, con sâu ấy sẽ chết bởi một phản ứng hóa học gây nên sự ngộ độc cho nó từ cấu trúc gien đã bị biến đổi!

Tạm không sa đà vào cuộc tranh luận của các nhà khoa học, về sự khác biệt giữa môi trường kiềm trong ruột con sâu khiến nó bị chết và môi trường acid trong bụng người làm cho chúng ta không chết bởi thực phẩm biến đổi gien nào đó, nhưng ông bà ta xưa nay có câu: Cái gì con vật nó ăn được, thì mình cũng ăn được. Ấy là để nói đến sự lựa chọn một cách sơ đẳng nhất cho sự tồn tại của chúng ta. Có thể đó không phải là thức ăn, cũng không phải là món ăn khoái khẩu, nhưng ít nhất, ăn cái đó không chết. Còn với cây biến đổi gien bây giờ, lại ngược lại? Có nhẽ đâu thế?

Và điều mà các ngành chức năng cần làm trong lúc này, đó là khi các cuộc tranh luận của giới khoa học còn chưa chấm dứt, hãy cho người tiêu dùng có quyền lựa chọn có dùng sản phẩm GMO hay không. Đó là việc cần phải làm ngay!

Việt Ba
.
.