Tranh biếm họa, đã hết thời “ngủ đông”?

Thứ Ba, 29/01/2019, 15:05
Gần một thế kỷ qua, làng biếm họa Việt Nam đã ghi dấu sự đóng góp của không ít các thế hệ họa sĩ, từ các họa sĩ thế hệ đầu của trường Mỹ thuật Đông Dương đến các thế hệ trẻ sau này. Qua bao thăng trầm, những nỗ lực khơi thông, mở lối cũng đã bước đầu mang lại những khởi sắc mới cho biếm họa Việt Nam…

Vũ khí sắc bén

Tranh biếm họa là một thể loại trong nghệ thuật đồ họa có tính thời sự, báo chí. Biếm họa có tính phản biện xã hội, thường phản ánh những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội. Tranh biếm họa vừa là cái nhìn đả kích, phê phán những thói hư, tật xấu đồng thời cũng rất dí dỏm, hài hước và nhân văn, dễ hiểu, dễ xem, gần gũi với mọi người, góp một tiếng nói phê phán cái sai, bảo vệ cái đúng, hướng thiện và nhân văn.

Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, tranh biếm họa được coi là một vũ khí sắc bén, một binh chủng tinh nhuệ có tính chiến đấu cao. Đồng chí Trường Chinh từng yêu cầu họa sĩ Phan Kế An (Phan Kích) đăng tranh biếm họa trang trọng ở trang nhất báo Sự thật (tiền thân của báo Nhân Dân). Điều này cho thấy sức nặng của bức biếm họa hay còn có giá trị hơn nhiều bài bình luận, bài diễn văn lê thê.

Dưới góc nhìn của nghệ thuật tạo hình, họa sĩ Thành Chương đánh giá rất cao vai trò của tranh biếm họa. Theo họa sĩ Thành Chương, trong lịch sử gần 100 năm biếm họa Việt Nam, giới báo chí đều hiểu được sức mạnh rất lớn của biếm họa. Biếm họa là một trong những vũ khí uy tín với bạn đọc. Và minh chứng rõ nhất là trang biếm họa của báo Văn nghệ. Có một thời (những năm 1979 - 1982), công chúng đã giành nhau mua tờ Văn nghệ để được xem trang biếm họa của tờ báo này.

Thăng trầm biếm họa Việt Nam

8 năm về trước, họa sĩ, kiến trúc sư Lý Trực Dũng - một cây biếm họa tiêu biểu và cũng là người dồn nhiều tâm huyết nghiên cứu lịch sử biếm họa thế giới và biếm họa Việt Nam - đã giới thiệu với công chúng thủ đô bộ sưu tập minh chứng cho chặng đường 80 năm biếm họa Việt Nam cùng với cuốn sách “Biếm họa Việt Nam”. Qua cuốn sách và những tác phẩm trong bộ sưu tập của ông, công chúng đã phần nào hình dung được những thăng trầm của biếm họa Việt Nam trong suốt chặng đường gần một thế kỷ.

Khởi đầu là khi báo chí quốc ngữ ra đời,  tranh biếm họa của những anh tài như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Tường Lân cũng đã xuất hiện trên các tờ báo LOA, Phong hóa, Ngày nay… với nội dung đả kích chế độ thực dân và lên án những thói hư, tật xấu, sự tham lam. Theo họa sĩ Lý Trực Dũng thì người Việt Nam đầu tiên có tranh biếm họa được đăng báo là Nguyễn Ái Quốc với nhiều bức biếm họa đặc trên tờ Le Paria (Người cùng khổ) vào những năm 1922 – 1926.

Thời kỳ kháng chiến được đánh giá là thời kỳ vàng son của biếm họa Việt Nam. Những năm kháng chiến chống Pháp, tranh biếm họa đều đặn xuất hiện trên các trang báo như một vũ khí sắc bén lên án sự tàn bạo của kẻ thù, phê phán thói hư tật xấu của con người, đồng thời cổ vũ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc. Tiêu biểu cho các tác giả biếm họa thời kỳ này phải kể đến họa sĩ Phan Kế An (Phan Kích), Mai Văn Hiến, Nguyễn Bích… Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tranh biếm họa vẫn tiếp tục đóng vai trò là vũ khí chiến đấu, trong đó nổi bật là tác phẩm của họa sĩ Võ An Lai, Ớt (Huỳnh Bá Thành), Chóe (Nguyễn Hải Chí), Nguyễn Nghiêm, Văn Thanh, Phan Hồng…

Có thể nói, trong những thời khắc quan trọng của đất nước, biếm họa đã trở thành một thứ vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Không ít họa sĩ vẫn còn nhớ về những ngày Hà Nội chìm trong khói lửa của trận Điện Biên Phủ trên không, những bức tranh biếm họa cũng hừng hực khí thế chiến đấu kiên cường của quân và dân thủ đô. Rồi khi xảy ra chiến tranh biên giới năm 1979, trên các thân cây ven hồ Hoàn Kiếm tràn ngập những bức tranh biếm họa đấu tranh cho hòa bình…

Sau này, trong những năm tháng trước và sau đổi mới, biếm họa cũng lại cất lên những tiếng nói mạnh mẽ, sâu sắc… với những cây biếm họa sung sức như Satế (Nguyễn Việt Thưởng), Lý Trực Dũng, Nguyễn Thành Phong, Lê Viết Trì (Let), Hoàng Dzự (Dzím), Đỗ Anh Dũng (Dad), Lê Phương (Leo), Lê Anh Phong (Lap), Hà Xuân Nồng (Nop), Nguyễn Văn Dũng (Cận), Hoàng Đặng (Đan)…

Cần đất dụng võ

Trên thế giới, thể loại tranh biếm họa cũng rất được coi trọng. Đã có nhiều bảo tàng dành riêng cho biếm họa như Bảo tàng Basel (Thụy Sĩ), Bảo tàng Wilhelm Busch Hanover (Đức) hay Bảo tàng biếm họa Krems (Áo). Cũng đã có không ít bộ sưu tập tư nhân đặc sắc về tranh biếm họa và còn có rất nhiều cuộc thi biếm họa quốc tế được tổ chức tại Bỉ, Đức, Mỹ...

Chỉ riêng ở Mỹ, hàng năm có trên 20 cuộc triển lãm và thi tranh biếm họa. Trong giải thưởng đánh giá về văn hóa ở Mỹ cũng có một giải thưởng dành cho tác phẩm biếm họa. Các tác phẩm biếm họa được in đều khắp ở các tờ báo hàng ngày, các sách biếm họa và sự bùng nổ của công nghệ thông tin cũng đã đưa biếm họa “phủ sóng” nhanh và rộng rãi.

Ở Việt Nam, dù cũng đã có một thời kỳ vàng son nhưng theo thời gian, thể loại tranh biếm họa cũng ngày một nhạt nhòa và vắng bóng. Nếu như thời kỳ kháng chiến, tại các triển lãm mỹ thuật toàn quốc đều có sự tham gia của tranh biếm họa và tranh biếm họa còn giành được giải thưởng cao tại các triển lãm này thì nay tranh biếm họa hoàn toàn mất chỗ đứng trong các triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Trong mấy chục năm qua cũng chưa có một triển lãm quy mô toàn quốc nào dành cho tranh biếm họa.

Lý giải cho sự thưa vắng của thể loại tranh biếm họa, họa sĩ Lý Trực Dũng trong một bài trả lời phỏng vấn đã thẳng thắn chia sẻ: “Biếm họa là một vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, biếm họa là bộ môn nghệ thuật tạo hình luôn đóng vai trò tiên phong. Bây giờ vũ khí sắc bén ấy thưa hẳn.

Nhiều họa sĩ nặng lòng với tranh biếm họa đã bày tỏ sự ngậm ngùi khi thể loại tranh này ngày càng trở nên thưa vắng trên các trang báo – vốn là đất sống cho thể loại này. Số báo còn sử dụng tranh biếm họa hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là chưa kể thù lao cho các tác phẩm tranh biếm họa rất thấp khiến cho không mấy hoạ sĩ mặn mà theo đuổi.

Tại triển lãm biếm họa “Hướng về biển Đông” được tổ chức vào tháng 7-2014, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo cũng không khỏi bùi ngùi trước thực tế bị bỏ quên và lép vế của tranh biếm họa. Ông đã chia sẻ băn khoăn của mình với báo chí: “Các họa sĩ biếm họa Việt Nam chủ yếu phải tự thân vận động. Họ vừa vẽ, vừa nói, vừa lý luận… chung quanh tác phẩm của mình mà thiếu vai trò đánh giá khách quan của lực lượng lý luận phê bình chuyên nghiệp”.

Khách tham quan say sưa thưởng lãm các tác phẩm biếm họa. Ảnh: Đ.T.

Và rõ ràng, sự lo lắng cho “đất sống” của biếm họa không phải không có căn cứ. Nói như họa sĩ Võ An Lai – một cây biếm họa tiêu biểu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ thì “nếu chỉ có một vài tờ báo, tạp chí trong số hàng trăm báo, tạp chí “không có cửa” cho biếm họa hoặc chỉ in như một mẩu như bao diêm thì biếm họa cũng lại sẽ ngủ đông dài ngày mà thôi”.

Những nỗ lực khơi thông, mở lối

Giải biếm họa Việt Nam tranh Cup Rồng tre ra đời năm 2008 do báo Thể thao và Văn hóa phát động dưới sự bảo trợ của Hội Nhà báo Việt Nam và TTXVN cùng với một số cuộc thi biếm họa do một số đơn vị tổ chức trong thời gian qua (Cuộc thi biếm họa “Hướng về biển Đông” – do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức năm 2014; cuộc thi “Cười với Tuổi trẻ cười” do báo Tuổi trẻ cười tổ chức năm 2013) có thể coi là một tín hiệu vui cho nỗ lực “phục hưng” biếm họa Việt Nam. Với sân chơi ý nghĩa này, nhiều tên tuổi trong “làng cười” đã dần được định danh, và biếm họa đang dần lấy lại vị trí xứng đáng của mình.

Một bức tranh biếm họa của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đăng trên báo Ngày nay. .nh tư liệu.

Tuy nhiên sau 3 năm gián đoạn, đến năm 2018 giải biếm họa Rồng Tre mới được phục hồi. Sự trở lại của Cup Rồng Tre với cuộc thi biếm họa chủ đề “Ứng xử văn hóa, xã hội văn minh” và đặc biệt là giải biếm họa “Phòng, chống tham nhũng” (do Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức) trong năm 2018 là một sự khích lệ ý nghĩa đối với phong trào sáng tác biếm họa và đem lại món ăn tinh thần cho đông đảo cho người xem. Hai giải biếm họa này cũng đã góp phần tôn vinh các tác giả biếm họa thời kỳ mới, đồng thời đưa trở lại và phát huy hơn nữa sức mạnh vốn có của thể loại báo chí biếm họa, tạo đà để biếm họa nâng tầm hàn lâm về chuyên môn, đại chúng, đa dạng về ngôn ngữ cũng như vị thế của nó ở các nước phát triển.

Nếu như chủ đề “Phòng, chống tham nhũng” thu hút được 518 tác phẩm gửi dự thi và Ban tổ chức đã lựa chọn 158 tác phẩm để trưng bày triển lãm, trong đó có 30 tác phẩm được trao giải thưởng thì chủ đề “Ứng xử văn hóa, xã hội văn minh” cũng không kém sôi nổi với 400 tác phẩm dự thi, 60 tranh được chọn treo và 9 tác phẩm để trao giải.

Với chủ đề “Phòng chống tham nhũng”, các tác phẩm đã khai thác nhiều vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Nào chuyện cả họ làm quan, bòn rút công quỹ, hối lộ phong bì, nào chuyện xây biệt phủ, bổ nhiệm thần tốc, đánh bạc online rồi cả chuyện du lịch nước ngoài bằng ngân sách, nuôi lợn làm giàu...

Còn ở chủ đề “Ứng xử văn hóa, xã hội văn minh”, các tác phẩm cũng đã thể hiện mặt trái, sự lệch lạc trong văn hóa ứng xử đặc biệt là văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Mỗi tác phẩm cho thấy khả năng sáng tạo, tìm tòi của các họa sĩ cũng như sự thẳng thắn và không hề né tránh. Không chỉ khai thác thế mạnh của thể loại tranh biếm họa để phê phán vấn nạn xã hội, các tác phẩm còn mang tính xây dựng và giàu giá trị nhân văn.

Một tác phẩm biếm họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân đăng trên báo Phong hóa. Ảnh tư liệu.

Là thành viên ban giám khảo ở cả hai giải (giải biếm họa chủ đề “Phòng chống tham nhũng” và giải biếm họa chủ đề “Ứng xử văn hóa, xã hội văn minh”), họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng các bức tranh biếm họa tại triển lãm đã chứng tỏ họa sĩ không rời xa đời sống mà rất thực tế, bám sát và cập nhật những vấn đề thời sự “nóng” để chuyển tải ý tưởng cho tác phẩm.

Bằng tư duy của người làm báo và sự sáng tạo của người cầm cọ, họ đã có những tác phẩm đi vào thực tế của xã hội vậy nên có thể coi họ chính là “họa sĩ nhà báo”. Họa sĩ Vi Kiến Thành nhấn mạnh thêm: “Các cuộc thi đã thể hiện được sự quan tâm của xã hội với thể loại tranh biếm họa. Qua đó, đội ngũ sáng tác cũng như công chúng sẽ thấy được rằng biếm họa vẫn là một thể loại mang tính xung kích, tính thời sự và khả năng phản biện xã hội. Trong bối cảnh xã hội còn nhiều vấn đề nóng thì đây chính là lúc tranh biếm họa lên tiếng, góp một tiếng nói xây dựng xã hội nhân văn hơn”.

Cùng với hai cuộc thi về biếm họa trên, năm 2018 cũng đã đánh dấu sự trở lại của biếm họa với cuộc triển lãm quy mô mang tên “96 năm báo chí biếm hoạ Việt Nam”. Triển lãm như một minh chứng cho sức sống của biếm hoạ Việt Nam qua nhiều chặng đường với những tác phẩm của nhiều tên tuổi đã được khẳng định trong làng biếm hoạ Việt Nam.

Nhìn lại dòng chảy của biếm họa Việt Nam cũng như những nỗ lực khơi thông mở lối cho biếm họa thời gian qua có thể thấy rằng biếm họa đã và đang được đánh thức sau một thời gian dài ngủ đông. Để có thể mang lại những tiếng cười thâm thúy sâu cay; để biếm họa Việt Nam không nhạt nhòa trong làng biếm họa thế giới, đó là một điều không dễ thực thực hiện. Nó đòi hỏi ở lực lượng vẽ tranh biếm họa không chỉ có tài năng mà còn cả sự dũng cảm, dấn thân…

Hà Thao
.
.