Tranh dân gian Kim Hoàng: Làm sống lại một ký ức

Thứ Năm, 19/01/2017, 09:47
Lục lại ký ức những ngày xưa cũ, hai bậc cao niên ngót trăm tuổi của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội - cụ Trần Ếch và cụ Trần Sơn Phương đều kể rằng, thường chỉ hai tháng cuối năm, tranh Kim Hoàng mới lại nhộn nhịp vào mùa.

Gần trăm năm trước, theo những đôi bồ của người bán hàng ra chợ Tết, tỏa về từng thôn xóm, những bức tranh tiến tài tiến lộc, lợn, gà… trên nền giấy đỏ Kim Hoàng mang không khí xuân về, rực rỡ tô điểm cho những mái nhà tranh vách đất chốn thôn quê. Nhưng, thiên tai cộng thêm biến động của lịch sử, dòng tranh Kim Hoàng mai một, vắng bóng trên thị trường cả gần thế kỷ, cho đến tận mùa đón Tết Đinh Dậu 2017…

Từng có một dòng tranh như thế

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, Kim Hoàng là tên gọi của dòng tranh dân gian làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Tương truyền dòng họ làm tranh đầu tiên là họ Nguyễn Sĩ từ Thanh Hoá ra Thăng Long, lập nghiệp ở Kim Hoàng, phát triển khá mạnh từ thế kỉ XVIII đến thế kỉ XIX. Tranh của làng Kim Hoàng có đủ loại giống như tranh Đông Hồ, Hàng Trống, nhưng tranh Kim Hoàng lại biết kết hợp nhiều ưu điểm của hai dòng tranh này. Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ, màu sắc tươi như tranh Hàng Trống.

Nghệ nhân trẻ người làng Kim Hoàng - Đào Đình Trung miệt mài làm tranh cho kịp phục vụ mùa tranh Tết 2017.

Một đặc điểm riêng biệt của tranh Kim Hoàng mà các dòng tranh dân gian khác không có là những câu thơ chữ Hán được viết theo lối chữ thảo trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình vẽ tạo nên một chỉnh thể hài hoà, chặt chẽ. Tranh Kim Hoàng cũng không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ hay giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng Tàu.

Các nghệ nhân ở Kim Hoàng chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế mỗi bức tranh có một sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng được in ra từ một bản khắc. Đây là điểm được ưa chuộng nhất ở tranh Kim Hoàng.

Thế kỷ XIX, tranh Kim Hoàng phát triển mạnh nhưng bị thất truyền từ trận lụt năm 1915. Vì làng mạc bị ngập trắng, nhiều ván in tranh của làng bị cuốn trôi. Đến năm 1945 thì tranh không còn được sản xuất. Ngày nay chỉ còn một số ván in của dòng tranh này được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, người đã kỳ công tìm được mấy ván in còn sót lại của tranh Kim Hoàng về bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam kể rằng, khoảng năm 1976, bảo tàng triển khai dự án nghiên cứu về tranh Kim Hoàng.

Mất 2 tháng ròng rã đi điền dã, lân la các xóm chợ, quán nước, hiệu cắt tóc, ông mới tìm về được đúng làng Kim Hoàng. Dò hỏi qua những người chơi đồ cổ, ông được biết, Kim Hoàng chỉ còn hai nghệ nhân là cụ Trần Bá Sơ và Nguyễn Sĩ Ổn. Cả hai gia đình này đã chuyển hẳn sang nghề nông nên lục tìm trong cả thùng đựng thóc, chuồng gà, nắp thạp gạo mới ra được vài ván in còn sót lại. Thời điểm ấy, phần lớn người dân Kim Hoàng đã không biết làng mình từng có dòng tranh riêng.

Nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê và cuốn sách có giới thiệu thành quả đầu tiên về tranh dân gian Kim Hoàng kể từ khi đất nước thống nhất.

Về tài liệu, người nghiên cứu như ông chỉ có vỏn vẹn cuốn Imagerie Populaire Vietnamienne của Maurice Durand in ở Paris năm 1960, màu đen trắng. Mặc dù được các nghệ nhân nhiệt tình cung cấp tài liệu và hiện vật nhưng phục hồi tranh không dễ. Tranh trong sách của nhà nghiên cứu, sưu tập người Pháp lại không đáp ứng về mặt cứ liệu khoa học vì không chú thích rõ tranh làm ở vùng nào, không có màu.

Khi được cung cấp ván in, mày mò màu vẽ, làm tranh in theo mẫu trong sách, đem lại cho các nghệ nhân xem, các cụ đều lắc đầu, cho rằng đấy không phải tranh Kim Hoàng. Chỉ đến khi in thành công tranh gà, lợn, các cụ mới nhận chính xác là tranh của làng.

Sau khi hội đồng khoa học do họa sĩ Trần Văn Cẩn làm chủ tịch nghiệm thu, cùng các nhà nghiên cứu khác tìm về trò chuyện với nghệ nhân Trần Bá Sơ, Nguyễn Sĩ Ổn, xác định đúng là 2 nghệ nhân còn sống sót, đề nghị cụ tự tay in để thử tay nghề, bản in khắc và mẫu tranh mới được công bố, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Khi Cục Mỹ thuật thành lập xưởng Mỹ thuật Quốc gia, xưởng tổ chức in nhưng tranh không bán được. Ngoài lý do về mặt thẩm mỹ còn có lý do chính khác là tranh Kim Hoàng có 2 bức phải, trái, in treo trong nhà có đôi nhưng xưởng chỉ in lẻ một bức, ít người mua nên phải dẹp việc in tranh bán.

Tiếc cho dòng tranh độc đáo bị thất truyền, năm 2015, nhà nghiên cứu, sưu tập tranh Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội phối hợp với nhiều nhà nghiên cứu, họa sĩ, nghệ nhân đầu tư tâm sức, thời gian xây dựng, dự án khôi phục tranh Kim Hoàng. Sau hơn 1 năm kể từ khi dự án được triển khai, tranh Kim Hoàng bước đầu có dấu hiệu hồi sinh.

Ngày chúng tôi tìm về Kim Hoàng, những bức thần kê (tranh gà), các cặp lợn no tròn trên nền giấy đỏ như truyền hơi xuân cho ngôi nhà truyền thống của làng. Tay thoăn thoắt pha mực, phết màu, in tranh, nghệ nhân trẻ Đào Đình Trung vừa tỉ mỉ giới thiệu với khách từng công đoạn làm tranh đỏ Kim Hoàng. Anh cho biết, tranh được làm phục vụ nhu cầu của khách mùa Tết năm nay không chỉ có các màu truyền thống với sắc đỏ, vàng mà các họa sĩ còn phối các khối màu lạ đi để hấp dẫn người chơi tranh.

Mới chính thức "chào sân" tháng giáp Tết nhưng người mua tranh khá đông. Công việc còn mới, ít người làm nên rất bận rộn. Một người phải kiêm tất cả các công đoạn, từ quét màu trên giấy, đem phơi đến pha màu, in tranh. Hôm chúng tôi đến, thời tiết chuyển nồm ẩm, giấy in mềm nên người làm tranh nhàn hơn, chỉ việc in lên giấy đã cho những tạo hình ưng ý. Nếu gặp ngày hanh khô, làm tranh vất vả hơn vì giấy cứng khô, co vào, khó trùng khớp với khuôn in, nên thường phải làm bản nét, sau đó pha màu vẽ lên.

Những bức chưa ưng ý, chưa in chữ được bán với giá 60.000 đồng/cặp. Tùy theo chất lượng của từng sản phẩm, tranh được bán với giá dao động từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/ cặp khổ nhỏ. Mỗi ngày làm thành phẩm khoảng 50 cặp tranh gà, lợn nhưng đều bán hết veo.

Bắt đầu từ số 0 tròn trĩnh

Chị Nguyễn Thị Thu Hòa, người khởi xướng dự án phục hồi dòng tranh dân gian Kim Hoàng cũng cho biết, anh Đào Đình Trung là nghệ nhân đầu tiên và đến thời điểm hiện tại thì vẫn là người trẻ duy nhất của làng Kim Hoàng được đào tạo thành nghệ nhân theo dự án.

Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thu Hòa và cụ Trần Sơn Phương, Trần Ếch trong một buổi xác định lại kỹ thuật in tranh Kim Hoàng.

Chính thức khởi động từ tháng 8/2015, gặp khó cả về nhân lực lẫn vật lực nhưng những người làm dự án may mắn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cả người dân lẫn chính quyền địa phương. Trụ sở làm tranh hiện tại, ngôi nhà truyền thống làng Kim Hoàng là do địa phương cho mượn.

Vì có ít nhất hơn 70 năm ngắt quãng, tranh Kim Hoàng gần như "bị hóa thạch" nên chỉ riêng việc xác định màu tranh, nhóm thực hiện dự án đã mất mấy tháng trời. Chuẩn màu tranh lấy theo sách về tranh dân gian của một nhà sưu tập, nghiên cứu người Pháp thì chỉ có 2 màu là màu vàng yến và đỏ hiên. Nhiều tư liệu cổ, tư liệu ảnh về tranh dân gian lại chỉ ra rằng còn có màu đỏ xác pháo và màu đỏ điều. Đây cũng là những gam màu rất phù hợp với tranh Tết.

Để có màu tranh tự nhiên, nhóm hì hục kiếm gạch non, xin các nghệ nhân làng tranh khác đá son về giã đến nhuyễn mịn. Dùng màu tự nhiên có ưu điểm là tranh càng để lâu, màu càng trong. Chỉ có điều, sau nhiều thử nghiệm của nhóm thì việc sử dụng màu tự nhiên này vẫn thất bại vì khi lên màu tranh rất xỉn.

Muốn tranh rực rỡ, chỉ có cách sử dụng những loại màu khoáng tự nhiên. Loại màu này giá thành cao, không phù hợp với dòng tranh dân gian, cần phổ biến với giá rẻ. Các họa sĩ chuyển sang dùng phẩm, riêng làm màu giấy vàng thì dùng quả dành dành. Các thành viên còn đặt mua lá chàm về làm màu nhuộm tranh nhưng cũng chưa thành. Màu làm tranh hiện tại vẫn chỉ là lai tự nhiên chứ không phải màu tự nhiên theo truyền thống.

Việc phục chế bản khắc đòi hỏi nhiều kỳ công. Để có bản khắc tranh gà như hiện tại, dù rằng chưa thực sự ưng ý nhưng những người làm dự án đã phải nhờ đến gần 30 người, trong đó có cả các nghệ nhân lâu năm của tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ. Làm tranh lại đòi hỏi rất nhiều tiểu xảo. 

"Thần kê" - một trong số các mẫu tranh được phục hồi từ dự án hồi sinh tranh Kim Hoàng.

Chỉ riêng việc làm phẳng giấy đã là cả một vấn đề. Dù được nghệ nhân làng tranh khác quý mến, nhưng họ chỉ dạy có chừng mực để giữ nghề vì đặc tính  phát triển theo kiểu cha truyền con nối nên các nghệ nhân thường giữ bí quyết nghề riêng cho gia đình. Sau khi mất rất nhiều giấy thử nghiệm, việc làm giấy phẳng mới thành công.

Hiện nay, dự án đã khôi phục được khoảng 20 mẫu tranh, chiếm khoảng 5% mẫu tranh Kim Hoàng truyền thống. Nhưng, các thành viên của dự án cũng quan niệm, hồi sinh tranh Kim Hoàng thì không thể chỉ đánh giá trên góc độ mỹ thuật dù rằng mỹ thuật rất quan trọng. Muốn làng nghề phát triển thì phải có nghệ nhân và nghệ nhân phải sống được bằng nghề. Mà như thế tranh phải bán được và tranh càng phải đẹp phải thì mới được thị trường đón nhận.

Điều đáng mừng là tranh mới khôi phục lại ít mẫu nhưng đang trong giai đoạn làm không kịp bán. Có thể có nhiều lý do, trong đó, yếu tố lạ trong mùa tranh Tết là một trong những lý do khiến người ta tìm mua. Nhưng về lâu dài, nếu chỉ lạ thôi thì tranh không thể đáp ứng được nhu cầu của người chơi tranh hiện đại. Thế nên, năm 2017, nhóm đang ấp ủ khá nhiều dự định đặc biệt để hồi sinh dòng tranh này. Ít nhất, 10 mẫu tranh Truyện Kiều sẽ được phục hồi và khoảng 20 mẫu sáng tác mới theo nội dung Truyện Kiều sẽ được sản xuất thành từng bộ, có minh họa thêm bằng chữ Nôm…

Xa hơn nữa là "mơ ước" xây dựng được cả một khu sản xuất, trưng bày, gây dựng thêm nhiều gia đình cùng làm tranh Kim Hoàng, phục hồi làng nghề thực sự, đưa Kim Hoàng thành điểm đến cho du khách thập phương. Tất nhiên, để phát triển được như thế thì đòi hỏi phải có đội ngũ người làm nghề "có ăn có học", có năng khiếu hội họa từ chính người dân Kim Hoàng trong tương lai… Hồi sinh tranh Kim Hoàng không dễ.

Chưa kể, nhiều nhà nghiên cứu vẫn còn khá e dè vì cho rằng nghệ nhân thực thụ của dòng tranh này đã không còn, việc củng cố tư liệu đã khó càng thêm khó. Nếu không cẩn trọng, phục hồi không chính xác, rất dễ "sai một ly đi một dặm", khiến người đời sau có thể nhầm lẫn sản phẩm không phải là tranh Kim Hoàng thành tranh Kim Hoàng. Vì vậy, một sự thẩm định nghiêm túc, bài bản, khoa học cho các mẫu tranh được phục hồi trước khi công bố là việc làm cần thiết không kém gì việc phục hồi dòng tranh dân gian độc đáo này.

Minh Hải
.
.