Tranh giành quyền thừa kế sau cái chết của ngôi sao nhạc rock huyền thoại

Thứ Hai, 05/03/2018, 16:20
Hai tháng sau cái chết của huyền thoại nhạc rock Johnny Hallyday, một cuộc chiến giành quyền thừa kế giữa các bà vợ và con cái của Johnny Hallyday đã bùng nổ sau khi hai người con lớn của nam ca sĩ này đâm đơn đòi quyền thừa kế.


“Elvis Presley của xứ lục lăng”

Ngày 6-12-2017, cả nước Pháp nghẹn ngào khi hay tin ngôi sao nhạc rock Johnny Hallyday đã ra đi sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư phổi.

Johnny Hallyday, tên thật là Jean Philippe Leo Smet, sinh ngày 15-6-1943 tại Paris, mẹ là người Pháp và cha người Bỉ. Ngay từ tuổi thiếu niên, nhờ người anh họ nghệ sĩ Mỹ Lee Hallyday mà Jean Philippe Leo đã đến với sàn diễn ca hát và cũng từ đó có nghệ danh Johnny Hallyday. Những năm 1950, Hallyday chịu nhiều ảnh hưởng bởi phong cách của "ông hoàng nhạc rock n' roll" Elvis Presley.

Johnny Hallyday - Biểu tượng không thể thất truyền. Ảnh: LExpress.

Năm 1960, Johnny Hallyday đã cho ra đĩa nhựa 45 vòng/ phút đầu tiên hát lại những ca khúc của ca sĩ Dalida và đã có ngay thành công. Từ đó Hallyday gần như độc chiếm các sàn diễn âm nhạc Paris, thực hiện liên tục các chuyến công diễn ở khắp nơi và nhanh chóng trở thành thần tượng của giới trẻ Pháp như là vua nhạc rock. Trong một buổi diễn tại quảng trường Nation ở Paris năm 1963, 150 nghìn người đã đến để nghe Johnny hát. Những đĩa đơn đầu tiên của ông như Laisse les filles, Let's Twist Again... nhanh chóng bán được hàng triệu bản.

Nổi danh ban đầu với phong trào nhạc trẻ tại Pháp những năm 1960, Johnny Hallyday sau đó đã hát rất nhiều thể loại: rhythm and blues, rock, soul, pop, folk, country, reggae và kể cả nhạc nhẹ qua các chương trình truyền hình Maritie và Gilbert Carpentier cũng như qua các bản song ca với thần tượng tóc vàng Sylvie Vartan (một thời là vợ của ông). 

Những ca khúc như Retiens la Nuit, Elle est terible, L Idole des Jeunes, Da Dou Ron Ron hay Oh Ma Jolie Sarah, Jai un Problem, Joue pas de rocknroll pour moi, Elle moubile… là những bài hát không thể quên của Johnny Hallyday. Nước Pháp những năm 1960, 1970 ngập tràn những tài năng nhưng vị trí của Johnny là độc tôn.

Sự nghiệp của Johnny Hallyday trải dài trong gần 6 thập kỷ, tính từ những đĩa hát đầu tay ghi âm vào năm 1960, với phong cách vay mượn từ Elvis Presley. Lúc sinh thời, Johnny đã ghi âm hơn 1.000 ca khúc, bán hơn 100 triệu đĩa hát, đoạt 10 giải thưởng âm nhạc Pháp Victoires de la Musique (chỉ thua có Alain Bashung với 12 giải Victoires). Nhưng về số lượng khán giả thì không có nghệ sĩ Pháp nào có thể sánh bằng Johnny.

Trong đời ông đã thực hiện 183 vòng lưu diễn, thu hút tới 28 triệu lượt khán giả. Ông đã bán được hơn 110 triệu đĩa nhạc khắp thế giới, đứng thứ 88 trong danh sách những nghệ sĩ bán được nhiều đĩa mọi thời đại. Johnny Hallyday đã trở thành huyền thoại, được mệnh danh là "Elvis Presley của Pháp".

Thậm chí, người dân Pháp còn trìu mến gọi ông là "Victor Hugo của âm nhạc" bởi ông là một trong những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa đại chúng ở Pháp và các nước Pháp ngữ. Sự nghiệp nghệ sĩ của Johnny còn được ghi dấu bằng một số vai diễn điện ảnh trong ba bộ phim, tuy nhiên ngôi sao nhạc rock này không bén duyên lâu dài với nghệ thuật thứ 7.

Từ năm 2009, sức khỏe của Johnny bắt đầu xấu đi. Tháng 3 vừa qua, từ Los Angeles, Johnny thông báo đang điều trị ung thư. Sau đó ông trở về Pháp với người vợ Laeticia và hai cô con gái nuôi, Jade và Joy gốc Việt Nam tiếp tục cuộc chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Ngày 6-12-2017, Johnny Hallyday trút hơi thở cuối cùng.

Nói về tượng đài âm nhạc Johnny Hallyday, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ: “Sau 60 năm hoạt động không ngừng nghỉ, 1.000 ca khúc và 50 album, ông vẫn luôn ở đây, mãi mãi ở nơi này. Johnny là một phần của chúng ta, là một phần của nước Pháp”. 

Tình trường đáng nể

Trong tình trường, Johnny nổi tiếng với câu nói “Phụ nữ yêu tôi bởi vì khi ai đến với tôi thì tôi cũng xem họ như là tình đầu”. Rất nhiều người đàn bà đẹp đã đi qua đời Johnny và chưa ai thù hận ông cho dù mất Johnny là cả một niềm đau.

Gia tộc Hallyday. Ảnh: Le Figaro.

Sở hữu vẻ ngoài điển trai và nổi tiếng giàu có, Johnny Hallyday có tình trường đáng nể với bốn lần kết hôn, trong đó người vợ nổi tiếng nhất của ông là ca sĩ Sylvie Vartan, người gốc Bulgari. Syvie Vartan và Johnny Hallyday gặp nhau vào năm 1962 khi Vartan chân ướt chân ráo đi hát, lúc ấy Johnny đã rất nổi và bắt đầu để ý cô nàng gốc Bulgaria hát trên sân khấu “rất hấp dẫn”.

Đầu năm 1963, Vartan được bầu là ca sĩ hàng đầu của Pháp trên chương trình truyền hình “Salut les copains”. Lúc này chuyện tình của cô và Johnny chính thức đơm bông. Hai người kết hôn năm 1965 tạo thành một cặp đôi vẹn toàn tài sắc trên sân khấu âm nhạc Pháp trong suốt những thập kỷ 1960 và 1970. Cuộc tình của đôi trai tài gái sắc đã kết thúc sau 15 năm mặn nồng với tài sản là người con chung là David Hallyday. Đau khổ khi cuộc hôn nhân tan vỡ, Johnny đã có lúc tìm đến cái chết, song bất thành.

Sau cuộc hôn nhân với Sylvie, Johnny lao vào… 4 cuộc hôn nhân khác. Chưa đầy hai năm chia tay Sylvie, chàng ca sĩ lãng du bước vào cuộc hôn nhân thứ hai với Élisabeth Étienne  nhưng nhanh chóng ly dị hồi tháng 2-1982, sau hơn hai tháng chung sống. Sau đó, ông có quan hệ tình cảm kéo dài trong bốn năm với nữ diễn viên Pháp Nathalie Baye và có chung con gái là Laura Smet, chào đời năm 1983.

Người vợ thứ ba của ông là Adeline Blondieau. Hai người kết hôn năm 1990 nhưng ly dị vào năm 1992. Mặc dù có những bất đồng, song hai người vẫn quay lại sống với nhau trong hai năm 1994-1995 trước khi chấm dứt hẳn để Johnny đến với cuộc tình mới. Năm 1996, ông kết hôn với người vợ hiện tại Laeticia Boudou, kém ông 30 tuổi. Họ không có con chung nhưng đã nhận hai con gái nuôi người Việt Nam là Jade và Joy.

Cuộc chiến giành quyền thừa kế

Một số người cho rằng, tài sản của Johnny Hallyday ước tính khoảng 100 triệu euro, trong đó phần lớn nằm ở bất động sản. Theo Le Monde.fr, Johnny sở hữu một ngôi nhà ở Marnes-la-Coquette (được định giá khoảng 15 triệu euro), một ngôi nhà khác ở Saint Bartholomew (khoảng 10 triệu euro). Ngôi nhà thứ ba ở Pacific Palisades (cũng trị giá 10 triệu euro) và một ngôi nhà của cặp vợ chồng này ở Los Angeles.

Ba cha con David - Johnny - Laura. Ảnh: ParisMatch.

Ngoài ra, cặp vợ chồng này còn sở hữu khoảng 20 chiếc xe hơi sang trọng và số lượng xe gắn máy tương tự. Đó là chưa kể đến đồ trang sức, đĩa hát, thư, hợp đồng mà những người thừa kế có thể mang ra đấu giá, ước tính trị giá hàng triệu euro.

Số tài sản quá lớn song trước khi qua đời nam ca sĩ di chúc để lại tất cả mọi thứ cho người vợ hiện tại là Laeticia. Chính vì số tài sản quá lớn nên đã trở thành mục tiêu của sự tranh giành. Hai tháng sau cái chết của huyền thoại Hallyday, hai người con của ông đã đâm đơn kiện đòi quyền chia tài sản.

David Hallyday, 51 tuổi, con của vợ cả nay là một ca sĩ nổi tiếng ở Pháp, và Laura Smet, 34 tuổi, con của người vợ thứ ba hiện cũng là một diễn viên, đều không được hưởng gia tài của cha để lại đã đệ đơn kiện chúc thư. Theo hai người này, chúc thư của người cha đã không phản ảnh đúng luật thừa kế của nước Pháp.

Theo luật thừa kế của nước Pháp có từ thời Cách mạng Pháp, tất cả những đứa con phải được chia đều số tài sản cha mẹ để lại. Nhưng Hallyday mua nhà riêng tại Mỹ để né thuế tại Pháp đã để lại toàn bộ tài sản trong chúc thư cho Laeticia, người vợ thứ 4 và hai con gái nuôi của họ.

Tờ Lexpress.fr dẫn lời ca sĩ Sylvie Vartan, vợ cả của Johnny Hallyday cho biết, trong khi làm thủ tục ly hôn, bà đã đề nghị chồng cũ hãy nhường lại quyền sở hữu biệt thự Montmorency, một ngôi nhà có hai tầng, một gara và khu vườn rộng 450m2 ở quận 16 Paris cho con trai David Hallyday khi hai người ly hôn ngày 5-11-1980.

Luật sư Simone Rozès - người đảm nhiệm các thủ tục ly hôn của Hallyday và bà Sylvie thời kỳ đó cho biết, Johnny và Sylvie đã cưới nhau và đồng ý mỗi người sở hữu tài sản riêng và không đồng sở hữu bất cứ tài sản nào. Sau khi ly hôn được 6 tháng, ngôi sao nhạc rock đã nhường lại quyền sở hữu biệt thự Montmorency cho David Hallyday. Ngoài ra, hằng tháng ông đều đặn gửi 20.000 francs (khoảng 3.000 euro) cho Sylvie Vartan nuôi con.

Thời điểm ca sĩ Johnny nhượng lại biệt thự cho con trai năm 2002, ngôi nhà đó chỉ trị giá 3,05 triệu euro. Sau 16 năm, ngôi nhà này đã tăng lên 233%, với giá 46.000 euro/m2. Như vậy, biệt thự này đã đội giá lên tới 20,7 triệu euro. Do đó có thể nói rằng, David Hallyday đã thừa hưởng điều tốt từ cha mình. Tuy nhiên, bà Sylvie cho rằng, biệt thự này không nằm trong tài sản thừa kế và đương nhiên David Hallyday phải được hưởng quyền thừa kế với khối tài sản 100 triệu euro mà người cha để lại. 

Ngay cả cô con gái Laura Smet cũng lên tiếng đòi quyền phân chia tài sản vì cho rằng, dù gì đi chăng nữa cô cũng mang trong mình dòng máu của nhà Hallyday, trong khi bà vợ thứ tư Laeticia không có con chung với Johnny. Vì lẽ đó, cả David và Laura đã “bắt tay” nhau trong cuộc chiến giành lại quyền thừa kế. Theo AFP, vụ kiện này chắc chắn còn kéo dài vài tháng và phiên tòa xét xử đầu tiên dự kiến diễn ra ở tòa án Nanterre, gần Paris vào ngày 15-3 tới.

Là người đứng ngoài cuộc, song nữ diễn viên gạo cội của nền điện ảnh Pháp Brigitte Bardot dường như cũng tỏ ra bức xúc trước di chúc của người bạn Johnny. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài radio Pháp Europe 1, huyền thoại của điện ảnh Pháp và thế giới đã kêu gọi góa phụ của Hallyday, bà Laeticia (tên thừa kế của bà) hãy chia bớt một phần tài sản cho con cái các đời vợ trước của người chồng quá cố. “Tôi cảm thấy ghê sợ. Nếu tôi là Laeticia, tôi sẽ làm những việc đúng đắn hơn. Tôi sẽ cho David và Laura những gì họ đáng được hưởng”, Brigitte Bardot nói.

Đồng quan điểm trên, Eddy Mitchell, một huyền thoại nhạc rock Pháp, bạn của Johnny cũng chia sẻ: “Tôi không hiểu tại sao một ai đó có thể tước quyền thừa kế của con cái mình!”. Trước tình trạng tranh giành quyền thừa kế, diễn viên Jean Reno, bạn của cả Johnny và Laeticia cũng kêu gọi gia đình “đừng để sự thù hận lấn át lý trí vì tài sản”.

Tờ LExpress của Pháp nhận xét: “Gia tộc Hallyday mà người ta cứ tưởng là rất gắn bó với nhau trong nỗi đau bị mất người thân, mà người ta từng thấy rất hòa thuận trong ngày tang lễ lạnh giá ở nhà thờ Madeleine, từ hai tuần qua, các thành viên gia tộc đó đang cấu xé lẫn nhau giữa một bên là những đứa con bị truất quyền thừa kế, và bên kia là một góa phụ với dáng vẻ căng thẳng”.

Theo LExpress, đây quả là một bi kịch vì đã có những cuộc sống bị bôi bẩn, phơi bày; những lời rỉ tai độc ác sẽ hằn ghi mãi mãi trong ký ức; những đứa con sẽ phải gánh chịu toàn bộ những mâu thuẫn của người cha; một người phụ nữ có thể là đã thoáng thấy thiên đường nhưng bất ngờ bị tống xuống địa ngục. Đối với tuần báo Pháp, trong gia tộc Hallyday, thời kỳ để tang chỉ là một điều hão huyền, và việc người cha mất đi đã dẫn ngay đến chiến tranh.

Kim Oanh
.
.