World Cup 2014:

Tranh giành thị phần khốc liệt giữa hai hãng Nike - Adidas

Thứ Năm, 19/06/2014, 17:45

“Bóng đá giống như xương sống của công ty chúng tôi” - Giám đốc điều hành (CEO) Herbert Hainer của Hãng Adidas nhấn mạnh. Ông Herbert kỳ vọng trong kỳ World Cup này, công ty sẽ bán được nhiều bóng và áo hơn so với những gì đạt được của 4 năm trước khi giải diễn ra tại Nam Phi. Herbert xác nhận, đang diễn ra cuộc đối đầu căng thẳng với Nike trong mảng kinh doanh giày bóng đá.

Cạnh tranh khốc liệt

Khai mạc ngày 12/6 tới tại Brazil, World Cup 2014 là cơ hội quý giá tốt nhất để Nike thực hiện điều mong muốn suốt nhiều năm qua: trở thành thương hiệu thể thao bán chạy nhất thế giới. Công ty đồ thể thao Nike (Mỹ) đang đổ tiền vào các hợp đồng tài trợ cho những vận động viên nổi tiếng thế giới nhiều hơn so với đối thủ Adidas (Đức).

Trong số 10 cầu thủ bóng đá nổi tiếng hiện nay, Nike đã ký hợp đồng tài trợ với 6 người, còn Adidas chỉ có 3. Puma, một thương hiệu thể thao khác đến từ Đức, sở hữu cá nhân còn lại. Cristiano Ronaldo, ngôi sao của tuyển Bồ Đào Nha và Câu lạc bộ (CLB) Real Madrid (Tây Ban Nha) dẫn đầu danh sách nổi tiếng với 84% người trên thế giới biết đến đang đầu quân cho Nike. Nhờ đó, hãng bán được hơn 1 triệu áo đấu có ghi tên Ronaldo sau lưng trong năm 2013.

Để đối trọng với Nike, Adidas  đã chọn tuyển thủ Lionel Messi của Argentina. Có 76% người được hỏi trên thế giới biết đến tiền đạo nổi tiếng này. Tháng 1/2014, Ronaldo được bình chọn là cầu thủ hay nhất thế giới, thay vị trí của Messi trước đó. Tuyển thủ người Bồ Đào Nha nổi tiếng hơn đồng nghiệp cũng nhờ mạng xã hội Twitter khi anh có 26 triệu người theo dõi tin tức, trong khi Messi chỉ có hơn 2 triệu.

Theo Foxbusiness, Ronaldo giúp Nike bán được áo kể cả khi anh không hề mặc. Anh thường chụp những bức hình cởi trần. Tuy nhiên, lợi ích từ “thương hiệu Ronaldo” mang lại trong những trường hợp như vậy phải chia sẻ cả với Adidas, hãng đang tài trợ cho CLB Real Madrid, vừa vô địch Cúp C1 châu Âu mùa bóng 2013-2014.

"Những ngôi sao như Ronaldo có sức hút đặc biệt đến mức nếu bạn có thể in tên anh ta lên chai rồi đem bán, bạn chẳng phải làm gì thêm nữa mà vẫn có núi tiền" - Paul Smith, người sáng lập kiêm CEO Công ty khảo sát thị trường thể thao Repucom nhận định.

Adidas lâu nay vẫn chiếm thế thượng phong trên thị trường giày, áo và bóng đá giờ phải đối mặt với thách thức đến từ Nike. Trong khi hãng thể thao của Đức được quyền cung cấp bóng cho World Cup từ năm 1970 đến 2030 thì Nike giành được hợp đồng tài trợ cho 10 trong tổng số 32 đội bóng thi đấu tại vòng chung kết sắp diễn ra, trong đó có cả đội chủ nhà Brazil, một trong những đội tuyển được yêu thích nhất thế giới.

Adidas tài trợ cho 9 đội, trong đó có đương kim vô địch Tây Ban Nha, cùng với Argentina, Đức... kỳ vọng đạt doanh thu 2,7 tỉ USD từ mùa bóng đá năm nay, cao hơn 2 tỉ USD của Nike.

Với sản phẩm giày bóng đá, Nike khẳng định đã vượt qua Adidas, kể cả tại chính thị trường Đức, "sân nhà" của đối thủ. Adidas tài trợ quần áo cho tuyển Đức, nhưng có tới 9/11 cầu thủ ra sân trong trận đấu gần nhất với đội Ba Lan lại mang giày của Nike. Thực tế, có rất nhiều cầu thủ hàng đầu của đội bóng này đang sử dụng giày do hãng thể thao của Mỹ sản xuất.

Hai thương hiệu thể thao Adidas và Nike đang cạnh tranh gay gắt trước thềm World Cup 2014.

Puma tài trợ cho cầu thủ duy nhất trong top 10 là Thiery Henry (Pháp) cũng có kế hoạch để gia tăng thương hiệu của mình tại World Cup 2014. Hãng đã thuyết phục được những tuyển thủ như Mario Balotelli, Gianluigi Buffon (cùng Italia), Marco Reus (Đức), Cesc Fabregas (Tây Ban Nha), Sergio Aguero (Argentina)... mang đôi giày có tên Tricks (một chiếc xanh và chiếc còn lại màu hồng) của mình để thi đấu.

Trái bóng Brazuca của Adidas tại World Cup 2014 đạt độ ổn định cao nhất

Năm 2010, quả bóng Jabulani được sử dụng tại Nam Phi bị mô tả là di chuyển khó dự đoán đến mức "gần như là siêu nhiên".

Trái bóng Fevernova tại World Cup 2002 ở Hàn Quốc và Nhật bị chỉ trích là quá nhẹ và nảy, trong khi nhiều cầu thủ than phiền quả bóng Teamgeist dùng ở Đức 4 năm sau quá trơn. Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học ở Nhật, nơi Hãng Adidas phát triển quả bóng Brazuca cho World Cup 2014, khẳng định nó sẽ đạt tiêu chuẩn cao.

Trên trang Scientific Reports của tạp chí Nature, các nhà khoa học Nhật cho biết, quả bóng Brazuca có quỹ đạo bay ổn định nhờ được cấu tạo chỉ từ 6 mảnh. Quả bóng truyền thống có 32 mảnh, nhưng cứ tại mỗi kỳ World Cup, các trái bóng có ít mảnh hơn. Teamgeist có 14 mảnh, còn Jabulani chỉ có 8 mảnh.

Một nhóm kỹ sư đại học Tsukuba, Nhật đã so sánh khí động lực học của các trái bóng Brazuca, Jabulani, Teamgeist cũng như quả bóng Cafusa được sử dụng tại Confederations Cup ở Brazil năm 2013, cùng quả bóng 32 mảnh truyền thống.

Họ dùng sức gió và những cú đá của chân robot để đo quỹ đạo và lực cản không khí của các trái bóng. Kết quả cho thấy Jabulani thật sự là trái bóng có nhiều lỗi. Trong khi đó, quả bóng Brazuca có lực cản không khí thấp nhất, đứng sau là quả bóng 32 mảnh truyền thống. Hai trái bóng còn lại cũng có quỹ đạo ổn định

V.Nguyễn - S.H. (tổng hợp)
.
.