Treo

Thứ Sáu, 25/11/2011, 19:45
Ngôn từ ấy quá quen thuộc trong đời sống chúng ta. Dẫu rằng, nó nằm trong diện hạn hẹp, gói gọn trong mấy cặp từ: treo niêu, treo lương, treo bằng… Rồi: quang treo, cầu treo, án treo… Và, vài thập niên gần đây lại nảy ra cái cụm từ lạ hoắc “dự án treo”, “quy hoạch treo”…

Lạ thật! Quy hoạch gì, dự án gì mà "treo" nhiều thế?

Đành rằng, trong thực tế, một số kế hoạch (hoặc gọi là dự án) đã đề ra, có cái vì lý do nào đó để chậm được triển khai, thậm chí, vì nguyên nhân khách quan đem lại mà không thể thực hiện, đành phải dừng lại. Song, nếu chỉ là một vài cái, thậm chí một vài chục cái thì cũng đành "nuốt bồ hòn làm ngọt", làm thinh cho qua chuyện.

Đằng này nó đông tới mức hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng vạn, đến nỗi trở thành câu chuyện đàm tiếu - "Việt Nam thừa tiêu chuẩn đạt kỷ lục Guiness về quy hoạch và dự án treo" thì lại là điều không bình thường không thể làm thinh.

Mấy ngày gần đây, đọc báo chí của nước nhà, nhất là được theo dõi thông tin các công dân ưu tú  đại diện cho các cử tri luận bàn nhiều chuyện tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII (13), trong đó có vấn đề tài nguyên đất đai, khoáng sản… mà đặc biệt có nội dung liên quan tới  "cái thứ treo kỳ lạ" trên mà trong lòng đầy hứng khởi. Song, lại trĩu nặng nỗi day dứt, ưu  phiền.

Vui, vì có bao chuyện xưa nay hiểu mù mờ, bán tín bán nghi bởi "ếch ngồi đáy giếng", coi đó là tin gà, tin vịt, tin đồn thất thiệt… thì nay được lý giải rạch ròi, qua lời của các đại biểu đại diện cho mình.

Day dứt, ưu phiền bởi một sự vô tâm, thiếu trách nhiệm dẫn đến hoang phí kỳ lạ tài nguyên đất đai từ bao lâu nay mà bây giờ mới biết và được nói tới.

Xin nêu ra một vài chi tiết thật "đáng sợ".

Quy hoạch sân Golf tại ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh (Phú Quốc, Kiên Giang) treo hơn 10 năm nay, khiến người dân có đất nằm trong dự án này, vốn đã khó khăn, nay trở nên cùng cực. Thật cám cảnh "đất treo, người đói meo".

Một số dự án trở thành kỳ vọng của thành phố du lịch Vũng Tàu, với vốn đầu tư lên tới hàng tỉ USD, nhưng cho đến nay dự án vẫn nằm trên giấy. Đất dự án thành vùng đất hoang. Chủ đầu tư thì "lặn" mất tăm. Khu đất "vàng" ấy đã bị nhiều người nhảy vào lấn chiếm.

Chả cần nói ở đâu xa, ngay giữa Thủ đô của chúng ta, tiến hành thanh tra những cơ quan, đơn vị được giao đất dự án, nhưng nhiều năm không triển khai. Trong số 30 tổ chức, đơn vị "được" thanh tra đợt 1 vừa qua, đã có 13 đơn vị bị xử phạt hành chính và 9 đơn vị bị lập hồ sơ đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định thu hồi đất.

Bàn về tình trạng buông lỏng quản lý đất đai và tài nguyên khoáng sản. Lấy dẫn chứng từ chính báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong phiên thảo luận, một đại biểu trong đoàn Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã phê phán tình trạng sử dụng đất trái pháp luật, sai mục đích, để hoang hóa, lãng phí là rất nghiêm trọng. Có tới 2.455 cơ quan, tổ chức với hàng chục ngàn dự án treo  để hoang hóa tới 250.862 ha đất. Nguồn tài nguyên khổng lồ quý giá đã bị lãng phí trong nhiều năm.

Dự án Saigon Atlantis hotel hiện chỉ có tấm panô công bố dự án và bãi đất hoang. Ảnh: Tuoitre online.

Đó chỉ là vài nét chấm phá trong bức tranh toàn cảnh về dự án liên quan tới đất. Còn, nói về quy hoạch sử dụng đất thì chất "hoành tráng" không hề kém. Nó đã trở thành vấn đề "nóng" trong nhiều buổi thảo luận tại Quốc hội. Đặc biệt là trong buổi thảo luận ở tổ ngày 1/11 vừa qua. Bởi, tính tới hết năm 2010, cả nước có 267 khu công nghiệp (KCN) với diện tích 72.000 ha. Vậy mà, "tầm nhìn" 10 năm (2011-2020) quy hoạch được nâng lên 558 KCN, với diện tích 200.000ha. Đã được chính phủ quyết định (tăng gấp 3 lần).

Theo phân tích của đại biểu trong đoàn Quốc hội TP HCM thì với quy hoạch các KCN hiện có (72.000 ha) thì 50 năm nữa mới lấp đầy. Thử hỏi, trong 10 năm tới phát triển thêm 291 KCN, cuốn thêm 128.000 ha đất nữa thì liệu sang đầu thế kỷ XXII có lấp đầy không? Quả là "Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi…". Mà có thừa đâu! Xin nhớ, cả nước chỉ có 326.000 km2 - mà núi rừng chiếm tới 3/4.

Từ những thông tin trên đã tạo bức xúc cho "thảo dân" về những quy hoạch "phóng thiên" không sát thực tế, quy hoạch ngẫu hứng biến không biết bao nhiêu đất nông nghiệp thành đất hoang, thành những KCN "ma", để lại tai tiếng bao đời. KCN "ngốn" đất ruộng thành bãi hoang. Một sự lãng phí khủng khiếp như vậy mà không ai việc gì, chẳng ai bị kỷ luật. Thật kỳ lạ!

Đó là những thông tin chính thống trên nghị trường, trên phương tiện truyền thông đại chúng. Còn, đối với các "hãng thông tấn vỉa hè" thì sao? Họ thả sức bình luận, suy đoán về một số quy hoạch, dự án dựa trên những tính toán mù mờ, thiếu cơ sở khoa học để biến thành những thứ treo kể trên, mà trong đó có không ít cái xuất phát từ quyền lợi của một số đơn vị, tổ chức, địa phương và một số người, bởi "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi". Biết bao người thuộc diện công bộc của dân đã giàu xâng xâng và "phất" lên từ những thứ "treo" ấy!

Thiết nghĩ, nó đã, đang trở thành "căn bệnh trầm kha", nếu không được điều trị kịp thời thì quả là một mối nguy vô hình làm giảm niềm tin của quần chúng đối với Đảng và Nhà nước

K.M.D.
.
.