Trì hoãn không thông qua TPP, TTIP: Nước Mỹ đang đánh cược uy tín

Thứ Ba, 27/09/2016, 16:55
Nước Mỹ đang trì hoãn tiến trình thông qua 2 hiệp định quan trọng về tự do thương mại: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Nguyên nhân chính được cho là các tổng thống trong tương lai không ủng hộ cả 2 hiệp định.

Sự bất nhất trong quan điểm của nước Mỹ đang kéo theo những hệ lụy với các nước tham gia các hiệp định này. Đúng như Tổng thống Singapore nói: "Mỹ thực sự đã đánh cược uy tín của mình".

"Trái ngọt" và dấu hiệu cơn bão

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia bao gồm Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Australia, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam, được hình thành với mục tiêu chính là xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản hàng hóa xuất nhập khẩu, dịch vụ giữa các nước thành viên. Theo ước tính, sau khi TPP chính thức có hiệu lực, khoảng 18.000 loại thuế sẽ được dỡ bỏ theo một lộ trình cụ thể.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's của Mỹ đã liệt kê hàng loạt lợi ích tiềm năng mà các nước được hưởng từ TPP. TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm khoảng 19% so với năm 2014. Tương tự, GDP của Malaysia tăng 7%, và của Nhật Bản, New Zealand, Singapore cùng tăng 2%. Moody's cũng ước tính những loại thuế đánh vào khoảng 70% các mặt hàng công nghiệp sẽ được dỡ bỏ sau khi thỏa thuận chính thức có hiệu lực, "và dần dần mọi loại thuế quan cũng sẽ biến mất".

Frank Holmes - Giám đốc Điều hành của tổ chức Đầu tư Toàn cầu Mỹ, viết trong một bài báo: "Nếu được hoàn tất và được quốc hội các nước thành viên thông qua, hiệp định này sẽ trở thành một thỏa thuận thương mại có sức ảnh hưởng lớn về mặt kinh tế và là thành tựu đáng chú ý nhất trong lịch sử".

Người dân Bỉ phản đối TTIP ở thủ đô Brussel.

Tuy nhiên, thủ tục phê chuẩn tại các quốc gia thành viên chủ chốt của TPP là Mỹ và Nhật Bản lại đang vấp phải sự phản đối của các cơ quan lập pháp cũng như việc bùng nổ xu hướng bài thương mại tự do trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Mạng tin tình báo "Stratfor" (Mỹ), TPP ban đầu không phải là "phát minh" của Mỹ. Đó là một hiệp định thương mại nhỏ giữa Singapore, New Zealand, Chile và Brunei. Tuy nhiên, khi Mỹ nhận thấy cần phải có hành động để chi phối khu vực, chí ít là để trấn an các đồng minh của mình, nếu không nói là để tránh bị tụt hậu về thương mại với các đối thủ lớn như Trung Quốc, thì TPP đã trở thành một cơ hội để Washington đề xướng một sáng kiến khu vực.

Người "thai nghén" sáng kiến này không phải là chính quyền của Tổng thống Barack Obama, mà là chính quyền Tổng thống George W. Bush trong thời gian cuối của nhiệm kỳ, khi Washington không còn toàn tâm toàn ý với Trung Đông nữa, khi ấy khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang là ưu tiên tương lai của Mỹ.

Tổng thống tương lai trì hoãn

Nhiều lợi ích như vậy, nhưng tại sao TPP có nguy cơ bị trì hoãn. Theo giới chuyên gia, TPP khó có thể vượt qua "ải" Quốc hội Mỹ trước thời điểm Tổng thống Barack Obama rời Nhà Trắng vào tháng 1/2017, nhất là bởi sự phản đối ngày một lớn trong cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng như sự xuất hiện phổ biến của nhiều lời phát biểu phản đối thương mại tự do trong chiến dịch tranh cử hiện nay.

Tại Đại hội đảng Cộng hòa mới diễn ra giữa năm 2016, ứng cử viên Tổng thống Donald Trump liên tục bày tỏ quan điểm phản đối TPP, cho rằng TPP sẽ "phá hủy" ngành công nghiệp sản xuất của Mỹ và ông cam kết sẽ không ký các thỏa thuận lớn như vậy. Một số nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa có ảnh hưởng, trong đó có Thượng nghị sỹ Mitch McConnel và Chủ tịch Ủy ban Tài chính Orrin Hatch, cũng đã bày tỏ sự e dè trước các điều khoản về quản lý thuốc lá, dược phẩm và các thể chế tài chính trong TPP.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước, ông McConnell cho rằng cơ hội để TPP nhận được sự ủng hộ ở Quốc hội trong năm nay là "khá nhỏ", và rằng Thượng viện Mỹ có thể chờ cho đến khi tổng thống mới lên nắm quyền.

Trong khi đó, ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton tuy ủng hộ TPP khi bà còn giữ cương vị Ngoại trưởng, song đã bất ngờ thay đổi quan điểm sau khi thỏa thuận này hoàn tất quá trình đàm phán hồi năm ngoái. Bà cho rằng các điều khoản trong TPP không đáp ứng được "yêu cầu cao" của bà trong việc tạo ra việc làm cho người dân, giúp tăng thu nhập và tăng cường an ninh quốc gia.

Khi được hỏi liệu việc này có làm cho các nước đang đàm phán TPP thất vọng hay không? Bà Laura Rosenberger - cố vấn thân cận về ngoại giao của bà Hillary - cho rằng quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực châu Á "rất đa dạng, sâu sắc" và nhấn mạnh: "Thương mại không phải là điều duy nhất trong quan hệ. Chúng tôi đã thúc đẩy quan hệ cả trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, kinh tế, ngoại giao nhân dân".

Củng cố thêm những quan điểm trên, ông John Podesta, người đứng đầu chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Clinton, cho biết bà Clinton sẽ không dễ dàng thay đổi quan điểm đối với TPP nếu bà trở thành Tổng thống Mỹ. Có thể thấy rõ, những vị tổng thống tương lai của nước Mỹ đã không mặn mà với TPP.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Washington, Thủ tướng Lý Hiển Long hôm 2/8 đã cảnh báo rằng Mỹ có thể sẽ đánh mất uy tín và làm tổn hại quan hệ với các đồng minh ở châu Á nếu Quốc hội nước này không thông qua TPP. Ông Lý Hiển Long nói: "Mỹ thực sự đã đánh cược uy tín của mình (với TPP). Đây là một điều lớn lao mà Mỹ hiện đang thúc đẩy ở châu Á - Thái Bình Dương, và chính quyền của Tổng thống Obama đã rất nỗ lực và quyết tâm thúc đẩy thỏa thuận này suốt nhiều năm qua".

Ông cho rằng thỏa thuận đã vượt qua bước quan trọng nhất là quá trình đàm phán, và giờ nếu TPP không được thông qua thì "sẽ có nhiều người cảm thấy bị tổn thương sâu sắc. Tâm lý sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian dài".

Tổng thống đương nhiệm "vớt vát"

Tờ The New Yorker mới đây cho biết bất chấp sự phản đối từ nhiều phía, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn cố gắng vận động để Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian cuối nhiệm kỳ của ông. Ngày 16/9 vừa qua, Tổng thống Obama đã thực hiện một trong hàng loạt nỗ lực cuối cùng của ông nhằm thuyết phục Quốc hội thông qua TPP - hiệp định mà chính quyền Obama đã đàm phán suốt 5 năm qua.

Ông đã gặp nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị lưỡng đảng, gồm Thống đốc bang Ohio, John Kasich, cựu Thị trưởng New York, Michael Bloomberg và Thống đốc bang Lousiana, John Bel Edwards, nhằm trình bày các lợi ích của hiệp định thương mại này và vẽ ra một chiến lược vận động hành lang.

Không chỉ Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí rằng chính phủ hai nước sẽ tiếp tục nỗ lực để hai nước này và 10 quốc gia khác trong khu vực Thái Bình Dương có thể sớm thực thi TPP. Cuộc gặp ngày 21/9 diễn ra bên lề Khóa họp 71 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh số phận của hiệp định thương mại này vẫn còn là câu hỏi để ngỏ. Trong cuộc gặp, Thủ tướng Abe cũng tuyên bố sẽ làm hết sức để Quốc hội Nhật Bản thông qua TPP và ban hành luật liên quan trong phiên họp bất thường bắt đầu từ ngày 26/9 tới. Trước đó, cũng tại New York, Thủ tướng Abe đã có cuộc gặp bà Clinton.

Theo các quan chức, trong cuộc gặp này, hai bên đã thể hiện những quan điểm trái ngược về TPP. Trong khi ông Abe tái khẳng định sự ủng hộ đối với TPP, một lần nữa kêu gọi nhanh chóng thực thi thỏa thuận thương mại tự do hiện chưa được thông qua này thì bà Clinton tiếp tục phản đối văn kiện này.

Có ý kiến cho rằng, nếu hiệp định này không thể có hiệu lực thi hành, hoặc đổ vỡ vì lý do nào đó, nó sẽ là một thảm họa lớn đối với quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản ở châu Á, từ đó ảnh hưởng đáng kể tới khu vực Thái Bình Dương.

Tâm lý chống tự do thương mại và tác động của TPP, TTIP với những nước nằm ngoài hiệp định

Tờ "The Wall Street Journal" (Nhật báo Phố Wall) của Mỹ mới đây nêu rõ tâm lý chống tự do thương mại dường như đang chiếm thế thượng phong trong cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa ở Mỹ. Điều này khiến cho khả năng Quốc hội Mỹ thông qua TPP trong năm 2016 càng trở nên khó khăn.

Thượng nghị sỹ Mỹ Mitch McConnell nói rõ rằng sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc mới tiến hành trình tự xem xét TPP. Các nghiệp đoàn Mỹ vẫn chỉ trích TPP vì theo họ hiệp định này gây bất lợi cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ, do không thể cạnh trạnh với những quốc gia có giá nhân công rẻ. Họ vẫn chưa tin lời Đại diện Thương mại của Mỹ Michael Froman, khi ông nói rằng TPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu và sẽ thêm 130 tỷ USD/năm vào nền kinh tế Mỹ.

Đã có những cuộc biểu tình ở New Zealand và các nơi khác để chống đối hiệp định. Tại Chile, người nông dân lo ngại về ảnh hưởng của các tiêu chuẩn mới về công nghệ sinh học theo quy định của TPP. Tại Malaysia, những người phản đối TPP thì cho rằng Mỹ muốn kiểm soát nền kinh doanh ở nước này. Ngoài ra, TPP cũng gặp sự chống đối mạnh mẽ ở Nhật Bản, một quốc gia chủ chốt của khu vực tự do mậu dịch tương lai này.

Những tác động tiềm tàng của TPP đối với các nước thứ ba không phải thành viên TPP cũng như đối với hệ thống thương mại đa phương toàn cầu là khá lớn, đặc biệt sẽ đẩy Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc vào thế "phòng thủ". Theo báo chí Đức, các điều khoản về mở cửa thị trường, tự do hóa và tiêu chuẩn hóa trong TPP sẽ không áp dụng với các nước thứ ba bên ngoài TPP. Điều này sẽ tạo ra những quy chuẩn thương mại mang tính phân biệt đối xử với các nước ngoài TPP và hậu quả là ảnh hưởng tiêu cực tới giao thương quốc tế.

Những nước ngoài TPP này sẽ đứng trước áp lực hoặc tham gia khu vực thương mại tự do TPP hoặc phải chấp nhận các nguyên tắc thương mại mới khi làm ăn với các nước trong TPP. Đây là yếu tố làm cho hệ thống thương mại trong tương lai mất đi tính liên kết và đồng nhất vốn có như hiện nay. Tại châu Á, TPP có sức hấp dẫn đáng kể khi Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Philippines đã thông báo ý định gia nhập. Mặc dù vậy, việc gia nhập TPP không đơn giản với nhiều nước châu Á khi các tiêu chuẩn của TPP được đánh giá là quá cao đối với một số nước.

Về lâu dài, TPP còn tạo ra các khuôn khổ mới về chính trị - thương mại có tính "che lấp" lên nhiều hiệp định thương mại vốn có. Đối với Trung Quốc, có ý kiến cho rằng nước này cũng không loại trừ hoàn toàn khả năng xin gia nhập TPP. Lý do là Trung Quốc không muốn bị thiệt hại quá lớn cũng như phải chịu các rủi ro của trật tự thương mại mới ở châu Á - Thái Bình Dương do TPP tạo ra. Đối với EU, TPP được xem là cũng sẽ có ảnh hưởng đáng kể đối với thương mại của các nước trong khối, đặc biệt là xuất khẩu của các nước khu vực này tới Nhật Bản.

Cái giá phải trả của EU khi TPP có hiệu lực không chỉ là sự sụt giảm thị phần mà quan trọng hơn là khả năng tiếp cận thị trường ở châu Á của EU cũng sẽ bị "phân biệt đối xử" hơn. Nếu EU không đàm phán xong sớm Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Đại Tây Dương (TTIP) trong khi TPP được triển khai ở châu Á, EU sẽ trở thành đối tác thứ ba kém hấp dẫn hơn với cả Mỹ và Nhật Bản. Những lo lắng của EU không phải không có lý khi TTIP đang bị phản đối ở một loạt nước EU.

Ngày 20/9, hàng chục nghìn người đã biểu tình tại khu vực trụ sở hành chính của EU tại thủ đô Brussels (Vương quốc Bỉ) để phản đối Hiệp định tự do thương mại giữa EU với Canada (CETA) và giữa EU với Mỹ (TTIP). Đại diện các tổ chức công đoàn, xã hội, nhân quyền và nông nghiệp đã tham gia biểu tình với hy vọng TTIP và CETA sẽ không nhận được đủ sự ủng hộ cần thiết từ châu Âu. Những người lao động phản đối 2 thỏa thuận trên lo ngại rằng các tiêu chuẩn về tiêu dùng và bảo vệ môi trường tại châu Âu sẽ bị hạ thấp, cùng với đó là số lượng việc làm sẽ suy giảm.

Trang mạng "The diplomat" mới đây đã đăng bài viết của tác giả Shihoko Goto cho thấy các thỏa thuận thương mại luôn tạo ra "kẻ thắng người thua" nên không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại rằng TPP hay TTIP sẽ có người ủng hộ và người phản đối.

Nguyễn Hòa
.
.