Triển lãm “Bính Thân” và những sắc thái khỉ

Thứ Tư, 17/02/2016, 20:00
Ngày 26-1 vừa qua, nhóm họa sĩ “G39” tại quán cà phê CaLa 24-26 Lý Quốc Sư, đã diễn ra cuộc triển lãm tranh “Bính Thân” - lấy cảm hứng từ chính con giáp đại diện năm Bính Thân 2016. Triển lãm diễn ra ngay dịp tết âm lịch, điều này gợi cho người xem nhớ lại một nét đẹp của người Việt, đặc biệt là người Bắc, đó là thói quen xem, ngắm và sắm tranh ngày tết.

Nhóm họa sĩ G39 tức là Gallery 39A Lý Quốc Sư. Gallery này của họa sĩ Lê Thiết Cương, người luôn ủng hộ những tìm tòi, sáng tạo mới trong thế giới hội họa của Việt Nam. Gần chục năm qua, họa sĩ Lê Thiết Cương đã bỏ công sức, tiền của để biến ngôi nhà 39A thành một Gallery nghệ thuật.

Chùm tranh khỉ chào năm Bính Thân.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết: "Trong 12 con giáp, khỉ được cho là khó vẽ nhất, có lẽ do biểu hiện về tạo hình của con vật này không có sức gợi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi vẽ tranh khỉ, coi đây là cảm hứng cho năm mới". Tham gia triển lãm, anh chọn vẽ một bức tranh trên giấy, 5 đĩa gốm, 5 mặt nạ, bởi "các anh em khác nhiều người vẽ tranh rồi, tôi vẽ trên gốm, trên mặt nạ cho triển lãm thêm đa dạng".

Lần đầu tiên vẽ khỉ, anh chọn thể hiện chân dung con vật này. Lấy cảm hứng từ thuyết Tam không trong Phật giáo, anh chọn thể hiện con khỉ bịt tai, bởi sự nghe, đối xứng với nó là nói, là gốc của mọi sự trên đời. Theo trường phái tối giản, tác phẩm của họa sĩ Lê Thiết Cương mang tính cách điệu nhiều, không tả thực.

Bên cạnh đó, tham gia triển lãm, họa sĩ quê ở Bắc Ninh Nguyễn Nghĩa Cương góp mặt bằng 3 bức với tên gọi "Cụ khỉ ông, cụ khỉ bà", "Thân Dậu vinh hoa", "Trái tim Bính Thân" thể hiện cái nhìn hóm hỉnh của anh về khỉ trong sự yêu thương, trường thọ, và sự chuyển giao. Sáng tác của anh theo tinh thần pop-art, trên chủ đề tranh dân gian Đông Hồ, anh biến tấu chú bé ôm gà thành khỉ ôm gà vô cùng hài hước, ngộ nghĩnh.

Tranh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Trong khi đó, bằng gam màu đen - trắng trên giấy dó, 2 bức tranh “Khỉ chúa” và “Tự nhiên” của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng lại gợi lên cái nhìn nghiêm nghị, suy tư của khỉ về cuộc đời. Là nghệ sĩ duy nhất ở TP Hồ Chí Minh tham gia triển lãm này, họa sĩ Hoàng Thị Phương Liên, nữ họa sĩ duy nhất đến từ TP Hồ Chí Minh trung thành với chất liệu xé giấy màu với tác phẩm "Khỉ mẹ, khỉ con", thể hiện tình mẫu tử cao đẹp, đầy nữ tính. Nguyễn Hồng Phương vẽ chân dung khỉ theo kiểu tạo hình lập thể với nhiều màu tương phản mạnh, sặc sỡ. Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm lần đầu thử tài trên gốm, và thành công với 3 đĩa gốm Bát Tràng vẽ khỉ men xanh trắng...

Tranh của họa sĩ Lê Quốc Thái.

Chia sẻ về việc tham gia cuộc triển lãm lần này, họa sĩ Doãn Hoàng Lâm cho biết: "Vẽ tranh con giáp năm mới là một nét đẹp và rất phổ biến trong hội họa Việt Nam từ trước tới nay". Bởi vậy mà anh rất hào hứng khi cùng tham gia triển lãm này. Cuộc triển lãm cũng là dịp để các họa sĩ ngồi tất niên với nhau tổng kết hoạt động một năm qua của nhóm và để bàn về kế hoạch cho năm mới. "Tôi có những cảm hứng từ khỉ và đã vẽ rất nhanh các tác phẩm của mình. Điều đặc biệt hơn là từ cảm hứng vẽ khỉ, năm mới Bính Thân đã giúp tôi khai bút rất sớm, mùng 1 Tết đã vẽ. Năm nay với tôi sẽ là một năm rất bận rộn trong sáng tác và cũng hy vọng được mọi người nhiệt tình đón nhận những sáng tác mới".

Tranh Bính Thân của Lê Thiết Cương.

Cũng trong lần đầu tiên sáng tạo tranh khỉ, họa sĩ Trần Gia Tùng cho biết đã tìm hiểu đặc tính, nét mặt, động tác của khỉ, rồi tập trung khắc họa nét mặt tươi vui, nhí nhảnh, láu lỉnh hay khỉ trong động tác leo trèo nghịch ngợm của con vật này, cũng như khắc họa khỉ cũng có tình cảm như con người... Họa sĩ Phạm Trần Quân, ngoài tranh khỉ thể hiện sự nhanh nhẹn, năng động, khỉ tập võ (vì anh thích võ hoặc lấy cảm hứng từ nhân vật Tôn Ngộ Không), anh cho biết còn sáng tạo các tranh "khỉ hóa phố" chào mừng Tết Bính Thân.

Ngoài tranh của các họa sĩ G39, triển lãm tranh Bính Thân 2016 còn có sự tham gia của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và họa sĩ Nguyễn Quốc Thái (Hải Phòng) trong tư cách khách mời. Sử dụng chất liệu sơn dầu trên toan, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều góp thêm tiếng nói màu sắc chào đón năm Bính Thân bằng 3 bức tranh khỉ với gam nâu vàng chủ đạo; còn họa sĩ Nguyễn Quốc Thái lại chọn những gam màu như vàng, hồng, xanh để thể hiện cái nhìn tươi mới, hạnh phúc của con giáp thứ 9, cũng như của chính ông trước thềm năm mới này. Bên cạnh sáng tác riêng về khỉ, các họa sĩ còn sáng tác chung về khỉ trên một dải toan khổ 300 x 80cm, như thể hiện sự hội tụ, chung sức sáng tạo trong năm mới. Hoạt động sáng tạo chung tại chỗ này cũng là cách thức nhóm G39 theo đuổi trong thời gian tiếp theo như vẽ trực họa bột màu báo cũ làng Cự Đà, triển lãm tranh vẽ về quan họ.

Cách làm này một mặt tạo ra những cảm hứng mới cần thiết cho sáng tạo nghệ thuật, một mặt nhằm đưa nghệ thuật tới gần hơn với công chúng. Bởi vì cần một nhóm đông để làm cho số đông, một cá nhân rất khó có thể làm được điều đó.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, khách mời tham gia triển lãm nhưng có tới 3 tác phẩm về khỉ với những sắc thái không hề trộn lẫn, đã chia sẻ: "Hàng năm họa sĩ Lê Thiết Cương vẫn tổ chức triển lãm tranh các con giáp. Năm ngoái là triển lãm dê, năm nay là khỉ và năm tới sẽ là gà. Đây là hoạt động văn hóa - sáng tạo của các họa sĩ vẽ về con khỉ. Trong đó nó vừa mang đến tạo hình một con vật đồng thời hoạt động đón chào mùa xuân. Mỗi con khỉ trong các tác phẩm của họ đều mang ý nghĩa mà các họa sĩ gửi gắm suy ngẫm và những điều muốn gửi gắm trong năm mới.

Tác phẩm Bính Thân của Doãn Hoàng Lâm.

Trong 25 bức tranh tham dự, mỗi bức tranh đều mang lại cho tôi một cảm quan khác nhau. Trong một thế giới chung về loài vật là "con khỉ" nhưng trong thế giới chung ấy, cách thể hiện, cách  nhìn nhận của mỗi họa sĩ đều mang trong mình những ấn tượng riêng biệt. Có những con khỉ mang cho chúng ta một niềm vui, một sự thông minh, một sự hứa hẹn. Có những con khỉ khiến ta phải suy ngẫm, tâm tư dày vò. Có những con khỉ mà khi ta đứng trước bức tranh khỉ ấy, ta như nhận được những câu hỏi của con khỉ về việc, con người đối xử với thiên nhiên và đối xử với con người như thế nào? Mỗi bức tranh mang một màu sắc riêng, một hình khối riêng, một sự sáng tạo riêng và một tâm tư riêng.

Tôi có 3 bức vẽ trong thời gian một tháng trước triển lãm. Tôi không phải họa sĩ, tôi là nhà văn nhưng đôi khi tôi là khách mời của nhóm họa sĩ này, lần trước là triển lãm "Một màu báo cũ", sắp tới là triển lãm những bức tranh sáng tạo lấy cảm hứng từ các ca từ của Trịnh Công Sơn nhân ngày mất của Trịnh (sẽ diễn ra vào ngày 28-2 tới đây).

Về 3 bức tranh khỉ có thể diễn giải thế này: Trong tạo hình là một con khỉ nhưng sau đó là nỗi niềm của con người, của chính người vẽ nó. Ba con khỉ của tôi mang 3 trạng thái của tình cảm, của tâm thế, của tư duy. Con khỉ có đôi mắt nhìn thẳng như đặt câu hỏi với người xem nó một câu hỏi gì đó, Nguyễn Quang Thiều nói đó là câu hỏi của chính người xem nó. Là câu hỏi về mối quan tâm nhất của người đang nhìn nó, câu hỏi đã vang lên: Chúng ta đã sống một năm như thế nào? Chúng ta đang nghĩ về tương lai như thế nào? Chúng ta đã từng phiền muộn như thế nào? Chúng ta đã từng có niềm vui như thế nào?... Câu hỏi phụ thuộc vào người xem. Con khỉ không đặt câu hỏi mà chính là người xem, cũng như tác phẩm văn học nghệ thuật từ văn bản gốc luôn tạo ra văn bản thứ hai từ suy tưởng, xúc cảm gợi mở từ tác phẩm cho người đọc.

Con khỉ thứ hai hướng về những điều tốt đẹp nhất trong sự bình tâm bình an nhất để nó hướng  về những điều thiêng liêng. Con khỉ này mang tính tâm linh. Con khỉ thứ ba đầy năng động hơn, những mảng khối biến động, màu sắc khác nhau đầy khả năng, năng lực, đầy hoạt động.

Theo tôi, những con khỉ luôn để lại dấu ấn khá đặc biệt trong các con giáp. Nó là con vật có những hành động giống như con người, có những tình cảm biểu lộ giống con người như chăm sóc con cái, những cặp đôi khỉ. Có hai điểm cơ bản nhất mà con khỉ biểu lộ là trí thông minh và tính cộng đồng của nó rất cao. Con khỉ lúc nào cũng đi theo bầy đàn, chia sẻ với nhau. Con khỉ luôn có những hành động khiến con người ngạc nhiên và sửng sốt như bảo vệ đồng loại, biểu lộ tình cảm, thậm chí bảo vệ con người trước hoạn nạn nào đó.

Mới đây có video một cậu bé rơi vào trong rừng thì con khỉ đã bảo vệ cậu bé khỏi sự tấn công của những con vật khác. Con khỉ để lại nhiều ấn tượng. Trong lý thuyết của Darwin con người sinh trưởng từ loài khỉ như vậy qua hàng triệu năm, chúng ta tiến hóa từ những con linh trưởng này. Bởi vậy, con khỉ là một trong 12 con giáp nhưng nó có ấn tượng đặc biệt, nó có sự gần gũi đặc biệt với con người.

Trong nền văn hóa thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, con khỉ được biết đến như một biểu tượng cho sự nghịch ngợm, láu lỉnh, nhanh nhẹn... Tuy không được coi là một con vật thiêng (như long, ly, quy, phượng) nhưng sự xuất hiện của con khỉ trong một số loại hình nghệ thuật lại biểu trưng cho đời sống sinh hoạt phong phú của nhiều tầng lớp nhân dân. Thế nhưng, con khỉ lại là một hình ảnh quen thuộc đối với các tầng lớp nhân dân. Khỉ xuất hiện trong những loại hình nghệ thuật dân gian cũng như đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Trong các kinh sách của nhà Phật, khỉ được coi là đệ tử rất thành tâm đến với đức Phật. Vì thế, một số ngôi chùa hiện nay ở nước ta có trưng bày tượng 3 con khỉ trong sân.

Ngay tại di tích tháp Chương Sơn (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), các nhà khảo cổ cũng tìm thấy khá nhiều tượng khỉ, trong đó có bộ ba tượng khỉ che mắt, bịt tai, bịt miệng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, bộ ba tượng khỉ này khá điển hình cho tượng khỉ trong kiến trúc Phật giáo ở Việt Nam, biểu trưng cho triết lý Tam không của đạo Phật là không nhìn điều xấu, không nói điều xấu và không nghe điều xấu.

Đây cũng được coi là một hình ảnh cách điệu, có nguồn gốc từ tượng thần Vajrakilaya (ở Ấn Độ). Với triển lãm tranh khỉ của G39 khởi đầu mùa xuân bính Thân, chúng ta hy vọng một năm mới với nhiều điều tốt lành và những thăng hoa trong nghệ thuật của các nghệ sĩ…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.