Trĩu nặng nỗi đau từ vụ hỏa hoạn do hóa vàng

Thứ Tư, 10/02/2021, 11:44
Đúng ngày tiễn ông Công ông Táo chầu trời theo phong tục cổ truyền, dư luận cả nước bàng hoàng trước thông tin 4 thanh niên tử vong trong vụ cháy tại nhà trọ sau khi làm lễ cúng và hóa vàng. Niềm vui ngày cuối năm bỗng chốc trở thành ngày tang thương. Lại thêm nỗi đau lớn, thêm bài học xót xa về phòng chống cháy nổ, nhất là vào các dịp cuối năm, lễ, tết.

Trưa 4-2, đám khói bốc lên nghi ngút tại một phòng trọ ở ngõ 73, phố Tam Khương, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Khi mọi người tiếp cận được đám cháy thì không kịp nữa, những người trong căn phòng đã tử vong, nhiều tài sản cháy rụi, những bức tường chuyển màu đen kịt. 4 thi thể được đưa ra xe cứu thương trong nỗi thương tâm và tận cùng xót xa. Có 3 nạn nhân là sinh viên đại học, hai nạn nhân là anh em ruột.

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, 4 người cùng thuê  trọ là anh Lê Bật Thắng (sinh năm 1997), ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, sinh viên Đại học Thuỷ Lợi năm 4; Giáp Văn Nam (sinh năm 1997), ở tỉnh Bắc Giang, sinh viên Đại học Thuỷ Lợi năm 4; Trần Duy Hưng (sinh năm 1997), quê ở tỉnh Nam Định, sinh viên Đại học Thuỷ Lợi năm thứ 3 và Lê Khắc Sơn (sinh năm 1997), quê ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa.

Vụ cháy xảy ra trưa 4-2 để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng

Sáng 4-2, cả 4 tổ chức cúng ông Công ông Táo và mời anh Lê Bật Đức (sinh năm 1993) là anh ruột của anh Lê Bật Thắng, quê ở xã Tân Minh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa đến ăn trưa cùng. Khoảng 12h cúng xong, các anh Sơn và Đức hóa vàng ở trước cửa phòng trọ còn các anh Nam và Thắng đi thả cá tại hồ Đình Khương Thượng, sau đó cũng về hóa vàng cùng.  Khi tiền vàng không còn cháy nữa thì tất cả đi vào nhà, không đổ nước cũng như hót bỏ tro đi mà vào ăn cơm trong nhà.

Ăn xong, anh Sơn rửa bát, lau nhà, anh Đức ngủ tại tầng 1 còn các anh Nam, Hưng, Thắng ngủ trên gác xép. Sau đó, anh Sơn đi ra đầu ngõ 123, phố Khương Thượng uống trà đá. Trước khi đi, anh Sơn khóa cổng sắt lại. Khoảng 15 phút sau anh Sơn về, phát hiện khói bốc ra từ phòng trọ, 3 xe máy dựng trong sân đã bị cháy. Các anh Nam, Hưng, Thắng và Đức tử vong do ngạt khói, khí độc. Ở hiện trường vụ cháy, những bức tường ám khói đen kịt. Căn phòng khá kín, không có tầng thượng hoặc ban công...

4 thanh niên ấy và cả gia đình mãi mãi phải gác lại ước mơ về một tương lai tươi sáng của con em mình. Đó là nỗi đau, là hậu quả không thể khắc phục sau mỗi vụ hỏa hoạn. Hiện Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Đống Đa và các lực lượng Công an TP Hà Nội đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng này.

Trước đây, trên cả nước đã từng xảy ra nhiều vụ cháy mà nguyên nhân xuất phát từ việc đốt vàng mã. Hằng năm có khoảng 50% tổng số vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình mà nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do con người, do bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, đặc biệt là có tình huống cháy do thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã. Chỉ một chút lơ là, không trông coi cẩn thận là dễ xảy ra nguy cơ xảy ra cháy, đặc biệt là ở các khu đô thị đông đúc, tại các ngôi nhà nhỏ, chật hẹp, không thông thoáng và chứa nhiều đồ.

Năm 2012, một vụ cháy lớn có nguyên nhân từ sơ suất trong đốt vàng mã cũng đã xảy ra tại khu nhà gỗ đường Hồng Hà, Hà Nội khiến một cụ già tử vong và cháy rụi 20 căn nhà gỗ. Giữa năm 2014, một vụ cháy rừng lớn tại tỉnh Bình Định cũng có nguyên nhân do người dân đốt vàng mã, để lửa bén vào đám cỏ khô và thực bì. Vào ngày mùng 4 Tết năm 2015, chợ Kinh Môn tỉnh Hải Dương bị thiêu rụi 100 ki ốt do tiểu thương hóa vàng gây cháy…

Ngay từ cuối năm 2020, đầu năm 2021, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an cũng đã có khuyến cáo về phòng cháy chữa cháy trong dịp giáp Tết và đầu năm mới. Thế nhưng, trong tháng 1 đã xảy ra nhiều vụ cháy, và đầu tháng 2 lại xảy ra vụ cháy gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, tháng 1-2021, toàn quốc xảy ra 567 vụ cháy và sự cố cháy, làm chết 2 người, bị thương 8 người, thiệt hại hơn 100 tỉ đồng; xảy ra 4 vụ nổ, làm 3 người tử vong. Đáng chú ý, số vụ cháy chủ yếu xảy ra ở khu vực thành thị, chiếm tới 56,26% tổng số vụ, tập trung ở một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hải Phòng, Nghệ An…

Những ngày cận Tết nguyên đán, người dân vẫn sẽ tiếp tục cúng lễ, hóa vàng theo phong tục. Thế nên, mỗi người cần phải hết sức đề cao cảnh giác, lấy vụ việc đau lòng xảy ra vào ngày 23 tháng Chạp làm bài học đau xót để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

PV
.
.