Xung quanh vụ VPF tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá:

Trò chơi cũng cần có luật

Thứ Ba, 07/02/2012, 17:40

Bóng đá là một trò chơi. Để sang trọng người ta gọi là môn thể thao. Bản chất của nó vẫn là môn trò chơi. Không chỉ bóng đá, mà trò chơi nào người ta cũng đặt ra luật, hoàn thiện dần nó. Những vấn đề nghiêm túc hơn như xã hội hay kinh tế, luật điều chỉnh chúng càng đòi hỏi phải nghiêm túc. Nghiêm cả trong xây dựng luật và trong quá trình thực thi luật. Thế mà, một số quý ông chơi bóng đá lại không muốn áp dụng Luật về kinh tế, Luật về thanh tra, Luật về hành chính về tổ chức nhà nước. Chuyện tay ba VFF, VPF và AVG, có "ông" trong ba ông trên không cần áp dụng luật trong trò chơi mà biến luật pháp thành trò chơi.

Vài cái chốt

Khi Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp (VPF) chưa ra đời, mọi chuyện tổ chức trò chơi bóng đá do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF)! VFF đã ký hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình bóng đá với Công ty Truyền thông - Viễn thông An Viên (AVG). Lúc đó, VFF thậm chí còn chưa có ý định "có thai" để sinh ra VPF.

Sau một thời gian dài, bóng đá nước Việt ta từ trò chơi lành mạnh, cần "chơi đẹp" biến thành những trò nhố nhăng đầy rẫy scandal. Những người nghiêm túc chỉ  mở màn hình để xem bóng đá quốc tế. Phải là những người rất kiên nhẫn và lắm thời gian mới để mắt đến bóng đá Việt Nam. Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền VFF và AVG ra đời trong lúc ấy. Có thể vì thế mà VFF tự đánh giá  bản quyền truyền hình bóng đá không phải là một thứ hấp dẫn nên định ra một cái giá để bán mà sau này nhiều người bảo rẻ quá. Kể ra, đây cũng là chuyện bình thường của cuộc đời. Khi đói kém, giá gạo tính cho từng lon. Bây giờ tính bằng tấn.

VFF, khi đó bị công luận mổ xẻ nhiều quá ở nhiều chuyện khác nên đã làm một việc lẽ ra không phải làm, đó là báo cáo cơ quan chủ quản, báo cáo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về chủ trương chuyển nhượng bản quyền truyền hình bóng đá, giá chuyển nhượng, thời gian chuyển nhượng cho AVG. VFF nhận được sự đồng ý.

Ngày 6/12/2011, VPF ra đời. Chưa kịp làm nhưng động thái cần thiết để môn thể thao vua thực sự là thể thao vua chứ không phải là trò chơi của nhiều "kẻ du đãng" với những bạo hành trên sân cỏ, những vụ án bán độ và nghi án bán độ, VPF làm thiên hạ sôi lên với cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá do VFF ký với AVG. Dân gian gọi đây là vụ lật kèo.

Ngày 29/12/2011, VPF chính thức tuyên chiến bằng việc "cho phép Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và các đơn vị truyền hình trực thuộc Đài VTV được tuyên truyền, truyền hình trực tiếp và phát lại các trận bóng đá" của các giải: Ngoại hạng Quốc gia, Hạng nhất Quốc gia, Cup Quốc gia, Siêu Cup Quốc gia từ năm 2012.

Từ ngày đó ba ông: VFF, VPF, AVG lên tiếng. Xem ra VPF bức xúc nhất, VFF ngượng ngập và xấu hổ với đối tác, AVG tưng tửng với lòng tự tin: trình tự đàm phán, đối tác đã báo cáo cơ quan chủ quản, nội dung chuyển nhượng bản quyền… đều phù hợp với pháp luật.

Ngày 4/1/2012,  VPF gửi công văn đến 3 bộ: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp và Bộ Thông tin và Truyền thông. Trước đó, ngày 3/1, AVG đã chủ động đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến bản hợp đồng nói trên nhằm có thông tin khách quan và chính xác cung cấp cho công luận.

Ngày 9/1/2012. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành quyết định thành lập Đoàn thanh tra và tổ chức thanh tra việc ký hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giữa VFF và AVG .

Đoàn thanh tra chưa kịp làm gì, dư luận từ đâu đó (VPF?) là không tin cậy đoàn thanh tra (?) nên VPF báo cáo Thủ tướng và đề nghị giải quyết. Chuyện này lạ ở ba chỗ: thanh tra có luật do Quốc hội ban hành; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch được tổ chức theo đúng Luật Nhà nước; Đoàn thanh tra được thành lập theo đúng trình tự, thủ tục và chính VPF yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có quan điểm chính thức về hợp đồng giữa VFF-AVG.

Cái lạ này không thể có ở đầu óc của những người minh mẫn. Nó giống như mấy bệnh nhân tâm thần phân liệt hoang tưởng: "Tôi đói lắm, tôi cần ăn". Người ta mang đến thức ăn cho mình thì nghĩ ngay trong ấy có thuốc độc! Nhìn ở góc độ luật pháp thì đây là kiểu "đá luật rừng"! Nhìn trong thời buổi đầy tham nhũng thì người ta nghi ngờ rằng họ đang áp dụng thói quen của những kẻ chuyên lợi dụng cơ chế để thực hiện lợi ích nhóm hoặc là "chủ nghĩa tư bản thân hữu". Nhiều người còn nhìn được sâu hơn  khi họ hiểu những ông lớn trong VPF là ai.

Được Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch báo cáo, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo thanh tra hợp đồng bản quyền truyền hình; chỉ đạo giải quyết các vướng mắc để bảo đảm giải Bóng đá Quốc gia được các đài truyền hình trực tiếp, liên tục, rộng rãi cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Rất vội vàng, thông tin được lãnh đạo VPF và một vài phương tiện truyền thông bẻ ghi theo hướng xuyên tạc: nếu để AVG tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình thì nhân dân không được xem truyền hình các trận bóng đá. Không chỉ xuyên tạc bằng dư luận mà ngay lập tức  Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền VFF và AVG  bị lật kèo bằng hành động. VPF "cho" ngay các đài truyền hình khác vào sân để truyền hình trực tiếp trận bóng đá mới nhất. AVG bị cướp bản quyền ngay trên tay.

Trận Hà Nội T&T (trái) và Sông Lam Nghệ An tại vòng 3 Super League 2011-2012 diễn ra gay cấn và quyết liệt. Ảnh V.S.I.

Nhìn nhận bằng pháp luật và hệ lụy

Có một nguyên tắc bất di bất dịch đó là: Cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội chỉ được thực hiện các hành vi mà pháp luật cho phép và thực hiện các hành vi đó theo một trình tự pháp luật quy định. Chuyện tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá VFF và AVG không được thực hiện bằng nguyên tắc nói trên mà bằng một thứ luật không phải là luật pháp nhà nước ban hành.

Hợp đồng  chuyển nhượng bản quyền VFF và AVG thực tế đã bị vi phạm bằng một hành vi phá phách của một số người. Điều này là vi phạm pháp luật. Không loại trừ cần phải xem xét hành vi của người thứ ba (VPF) xâm phạm hoạt động kinh tế bình thường bằng một hành vi cố ý làm trái.

Sự tranh chấp này càng nóng thì VFF càng khốn khổ. VFF giống như hạt thóc nằm giữa hai thớt cối xay, thớt nào quay thì hạt thóc cũng trật vỏ. VFF vừa phải chống đỡ với đứa  con bất hiếu của mình là VPF (ít nhất VFF cũng là một sáng lập viên và là nhà đầu tư chiến lược của VPF) vừa phải chống đỡ với đối tác, nếu đối tác khởi kiện. Những người còn quan tâm đến bóng đá thì cho rằng đòn của VPF là cú "thôi sơn" vào mặt VFF. Và không chỉ thế, VFF có thể phải nghĩ đến đòn hiểm hơn. Các ông trong VFF nên chủ động hành động đúng luật chứ cứ bị động theo kiểu hai tay trong tư thế đứng làm hàng rào chịu phạt thì mãi mãi là nghi can.

AVG được mô tả như người mua buôn, bán lẻ sẽ chịu rủi ro mang tính domino là vi phạm hợp đồng với những đối tác và khách hàng mà AVG đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ.

Còn chuyện này, xin những người tỉnh táo hãy nhìn thấu. Đó là AVG dùng tiền của chính họ để mua bản quyền, tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ cho khách hàng, Nhà nước không mất gì. Nếu ai đó hiểu theo cách xuyên tạc ý kiến của Thủ tướng chính phủ để dùng ngân sách nhà nước mua bản quyền (đã có thông tin khoảng 70 tỉ đồng/3 năm và vài chục tỉ dùng để sản xuất chương trình, tổ chức cung cấp cho khách hàng) là việc làm mà những người am hiểu: đất nước đang khó khăn, Nhà nước tiết kiệm tài chính ngân sách, giảm chi tiêu những khoản không cần thiết thì sẽ không đồng thuận vì việc làm đó vi phạm chủ trương của Đảng trong thời kỳ chống lạm phát.

Có một cách hành xử rất văn hóa, rất pháp luật đó là VFF - VPF cần ngồi bàn thảo với nhau để thống nhất ý chí. Và đây cũng là cách duy nhất để VPF thay đổi hợp đồng theo ý muốn (việc thay đổi hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của AVG). Cũng cần biết rằng, ngoài sự hợp tác bằng thiện chí giữa các bên, VPF không có tư cách khởi kiện AVG, không có tư cách đàm phán trực tiếp với AVG. Sau khi VFF - VPF thống nhất ý chí thì VFF đàm phán thay đổi từng phần trong hợp đồng chuyển nhượng hoặc chuyển quyền cho VPF đàm phán với AVG.

VPF không mặc nhiên có quyền đàm phán kể cả khi VFF chuyển quyền mà còn phụ thuộc vào việc AVG có đồng ý chấp nhận sự chuyển quyền đó không.  Trong khi tất cả những chuyện trên chưa xảy ra, các bên không ai có quyền thay đổi hợp đồng, ngăn chặn việc thực hiện hợp đồng. Những người am hiểu pháp luật khuyến cáo  các bên cần biết chơi đẹp theo kiểu của những người có học và biết tôn trọng pháp luật

Trần Quang Vũ
.
.