Trở lại vụ sốt kỳ nam ở Khánh Hòa: Phu trầm và luật rừng tàn khốc

Chủ Nhật, 18/11/2012, 11:30

Tính đến thời điểm này, “cơn sốt” kỳ nam tại thung lũng Ô Kha (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) “phát bệnh” đã gần 3 tháng. Theo lẽ thường, ngần ấy thời gian đủ để bước chân cuồng vọng của đội quân “ngậm ngải tìm trầm” vốn luôn quay cuồng với “lộc Bà Cô” (Thánh Mẫu Thiên Y A Na) nghỉ ngơi, rừng thôi đổ lệ vì các cuộc bới đào của hàng ngàn lượt người. Ấy thế nhưng hơn lúc nào hết, cơn sốt kỳ nam ở “thung lũng tử thần” đang bước vào giai đoạn nóng hổi khi thông tin hàng trăm người đào trúng kỳ nam bị Đội Kiểm tra liên ngành huyện Khánh Sơn “phỗng tay trên”, bật đèn xanh cho bới đào theo tỉ lệ “cưa đôi” nhưng sau đó thì ém nhẹm.

Quá bức xúc, các phu trầm đã tố cáo sự việc và kết quả đã có một số thành viên của Đội Kiểm tra liên ngành nộp lại hơn 1 tỉ đồng là tiền được chia từ bán kỳ nam thu giữ của người tìm kỳ nam. Vấn đề này Công an tỉnh Khánh Hòa đang vào cuộc… Trong phạm vi bài viết, chúng tôi tập trung xoáy vào những luật rừng tàn khốc mà dân đi điệu phải nằm lòng nếu không muốn bỏ xác giữa chốn rừng sâu nước độc!

Sự thật chuyện ngậm ngải tìm trầm

Như đã đề cập ở bài viết "Trùm đầu nậu kỳ nam - Bí kíp trần ai", từ chia sẻ của nhiều tay điệu lão làng, trong đó có ông Lê Mười, người có thâm niên hơn 30 năm bán mạng săn "giọt máu rừng", chúng tôi biết được chân tướng cũng như những mánh khóe xảo quyệt của các đầu nậu trong lĩnh vực mua bán trầm kỳ với mỗi phi vụ lên đến hàng chục tỉ đồng. Để thu được hàng, khi biết ai đó trúng kỳ nam, "ông trùm" Tý K. sẽ không ngần ngại trong việc tung tin để tạo cơn sốt, càng có nhiều người đào trúng kỳ nam đem "gả" bán thì Tý K. càng hưởng lợi nhiều.

Và để trói chân dân đi điệu, các trùm trầm kỳ như Tý chơi tiểu xảo, sẵn sàng "bơm máu" cho đám phu trầm kiết xác vài ba triệu đồng lấy đó làm lộ phí vào rừng. Nhớ cái ơn ấy, đám phu trầm khi nghe ngóng được tin tức gì liên quan đến "giọt  máu rừng" sẽ "bắn" ngay cho "ân nhân", "ăn" được hàng sẽ nghĩ ngay đến việc bán cho "ân nhân" mà chẳng biết rằng đó là lúc mình bị đầu nậu… hút máu với giá mua rẻ mạt!

Chẳng như lần trước, cuộc trò chuyện lần này, ông Mười và các cao niên trong nghề ngậm ngải tìm trầm không đả động gì đến mánh khóe của đám đầu nậu kỳ nam. Lần này ông chỉ xoáy sâu vào những luật rừng tàn khốc bất thành văn mà chỉ cần một chút khinh suất, dẫu có thủ bên mình cả balô "ngải" vốn dĩ được dân điệu xem như "bùa hộ mệnh" giúp chống thú dữ, tà ma, bệnh tật, lòng tham của những kẻ có sát khí… thì tay điệu lão làng cũng khó thoát khỏi án tử cũng như khó có "diễm phúc" vác xác ra khỏi rừng. "Như ông bà mình từng nói "trật một ly đi một nhịp", với nghề “ngậm ngải tìm trầm”, mọi sự khinh suất, lơ là đều phải trả giá bằng mạng sống" - ông Mười nhấn giọng.

Hỏi chuyện về ngải, cái thứ mà dân điệu ngậm để băng rừng tìm "giọt máu rừng" được thể hiện qua câu nói "ngậm ngải tìm trầm", ông Mười nheo mắt nói chuyện ấy từng được nhà văn Quách Tấn ghi trong tác phẩm “Xứ Trầm hương” (xuất bản 1950) qua sự tích người hóa cọp trên núi Mẫu Tử, ngọn núi từng ẩn chứa kho báu trầm kỳ đến thành huyền thoại.

"Núi Mẫu Tử còn gọi núi Mẹ bồng con hay Mẫu Tử Sơn, ở huyện Vạn Ninh" - ông Mười, chìm trong hư hư thực thực: "Có chiều cao đến 2.051m so với mực nước biển, nổi bật giữa rừng núi non trùng điệp, sự tích trầm hương của Mẫu Tử Sơn được cổ nhân kể rằng có cặp vợ chồng chán cuộc sống thế tục rủ nhau lên núi ẩn tu. Ngày nọ có người bạn đến thăm và bày cho giải pháp tu tiên với lời nhắn muốn cầu tiên phải đốt hương trầm mà khấn, khi ấy hương trầm sẽ đưa lời nguyện cầu lên đến chư tiên. Khi được cặp vợ chồng nọ hỏi tìm hương trầm ở đâu, người bạn bí hiểm đáp: Trong phạm vi nghìn dặm núi non này đều có nhưng muốn tìm được trầm phải ngậm ngải. Tin theo lời bạn, người chồng ngậm ngải tìm trầm nhưng càng vào sâu nơi núi rừng thâm u càng thấy hương trầm mịt mù, lòng muốn trở về ngặt nỗi không thấy đường lui, chỉ thấy đường tới. Qua năm này đến năm khác, khi miếng ngải tan dần, người chồng lông mọc toàn thân, hóa cọp xám...".

Khép lại câu chuyện người hóa cọp ấy, ông Mười lại hắng giọng bảo chuyện ngậm ngải tìm trầm thực chất là cách ví von của người xưa về những gian khó của cái nghề "ăn lộc Bà Cô". Các bậc cao niên làng trầm quả quyết chuyện ngậm ngải để tìm được trầm là "chuyện vô thực" bởi "ngải" ở đây chỉ là một thứ củ rừng giúp tránh rắn rết cắn mà thôi. Nhưng điều chắc chắn mà dân điệu trăm người như một khi được hỏi sẽ xác tín ngay hiện tượng khó giải thích rằng khu vực nào có nhiều trầm kỳ thì chắc chắn nơi đó có nhiều cọp.

Người bảo cọp ấy được "Bà Cô" biên chế để canh giữ nơi ẩn thân của mình. Kẻ đoán chắc sau quá trình gian khổ ngậm ngải tìm trầm, ngải tan hết, vậy là người đi điệu hóa cọp. "Hồi trước ông già qua nói nếu gặp cọp ở khu vực phát mùi trầm kỳ chỉ cần lấy ngải đốt xông thì cọp sẽ hiện nguyên hình người như cũ. Ngặt nỗi nơi rừng sâu, gặp cọp như gặp thần chết nên chẳng ai đủ dũng khí làm cái chuyện xông ngải cho nó hóa người" - ông Mười lại tặc lưỡi!

Dấn thân vào canh bạc ngậm ngải tìm trầm, từ lúc rời làng đến khi dầm mình chốn rừng sâu, dân điệu phải tuân thủ những luật rừng khốc liệt.

Quy luật "sống chết có nhau" và những kiêng cữ lạ đời

Cũng vì sợ cọp vồ, cọp xé xác nên dân đi điệu trước khi giã từ vợ con, cha đau mẹ yếu bán mạng cho rừng bao giờ cũng kết thành nhóm ít nhất 5 người gọi là "bầu", cùng cắt máu ăn thề theo kiểu "phước cùng hưởng, họa cùng chịu". Có thể trước đó các thành viên trong nhóm điệu chẳng quen biết nhau nhưng khi đã là người trong bầu rồi thì từ đây cả thảy như anh em ruột thịt, sống cùng sống, chết cùng chết.

Ông Trần Đê - ngụ thị trấn Vạn Giã - quả quyết: "Rừng già khắc nghiệt lắm chú ơi! Nếu không thề sống chết khó mà sinh tồn lắm. Ví như đang lủi trong rừng bỗng dưng chú gặp cọp ở phía trước, nếu những người trong bầu thay vì xông tới tương trợ đánh đuổi cọp dữ thì bỏ chạy hết, khi ấy coi như mạng chú đã tận".

Giữa rừng sâu có muôn vàn tử thần rình rập nên dân "ngậm ngải tìm trầm" lúc nào cũng dè dặt, đề cao cảnh giác. "Vào rừng săn trầm kỳ, bên cạnh cái luật sống chết có nhau, còn có vô số luật lệ khác mà với nhiều người nghe thì vô lý nhưng đã là dân ngậm ngải bắt buộc phải tuân theo. Ví như trước khi đi không được gần đàn bà bởi cái mùi giường chiếu ấy là mùi ô tạp, nó sẽ khiến hương trầm biến mất. Rồi phải làm lễ khấn Bà, cúng Bà, cầu xin Bà ban lộc. Việc cúng kiếng ấy xem như là bố cáo của nhóm bầu với Thánh Mẫu, sơn thần, oan hồn khuất nẻo nơi núi sâu rừng thẳm để họ biết mình sắp vào rừng mà phù hộ độ trì chứ không ngó lơ, trừng phạt bằng những tai bay vạ gió". 

Cũng bước sang tuổi 70 như ông Mười, cũng từng có thâm niên bán mạng nơi rừng sâu săn "giọt máu rừng" nên ông Tám Đỗ (thứ 8, tên Đỗ, cùng ngụ xã Vạn Thắng) cũng rất rành rẽ những quy luật đi rừng của nghề "ăn lộc Bà Cô". Ông Tám nói trong quá trình xuyên rừng, nhóm điệu không được ăn nói lớn tiếng tránh làm kinh động chư thần, lòng không nhen nhóm hận thù, không tham - sân - si… bởi theo truyền thuyết, những ai thành tâm, kiên trì, có đức tin, giữ lòng mình trong sạch mới được Bà Cô đoái hoài mà "ban lộc".

"Với nghề ngậm ngải này, việc ra đi phải hoàn toàn bí mật. Và vì trầm hương là kết tinh của trời đất núi rừng, là thứ sản vật sạch sẽ, thơm tho nhất trần gian nên kẻ đi điệu muốn gặp được trầm kỳ nhất thiết phải thanh tâm. Bằng không dẫu có đi suốt đời suốt kiếp cũng chẳng thu được gì, kể cả miếng trầm bé xíu cũng không được nói chi khúc kỳ nam giá bạc tỉ".

Đó là luật lệ bất thành văn, là quá trình kiêng cữ trước và trong quá trình các toán dân điệu quăng mình vào rừng. Thường khi xuyên đại ngàn như thế, nhóm dân điệu sẽ bầu chọn "bầu trưởng", chỉ huy của chuyến đi. Người được bầu chọn như thế phải có sức khỏe, trí tệ, uy tín, sự gan dạ, tính quyết đoán… hơn người. Đã từng là "bầu trưởng" của hàng chục chuyến đi rừng nhưng chưa có được cái may gặp kỳ nam, cựu bầu trưởng Chín Hồ, ngụ thị trấn Vạn Giã cho biết, qua quá trình bán mạng giữa rừng già, có khi đến vùng rừng giáp ranh giới của nước bạn Campuchia, nếu gặp được trầm kỳ phải tuyệt đối kín tiếng, không được có tư tưởng tham lam tranh giành phần hơn bởi lòng tham là con dao vô hình khiến các thành viên trong nhóm điệu tương tàn.

Khi khoanh vùng và phát hiện được nơi "ẩn trú" của "lộc Bà Cô" rồi, phải khai thác theo kiểu đánh nhanh rút gọn rồi chẻ nhỏ mỗi người giữ một phần tương xứng và lao nhanh ra khỏi rừng. Việc "ăn lộc Bà" thần tốc như vậy nhằm mục đích tránh bị các nhóm khác dòm ngó giết hại để cướp trầm kỳ.

Lộc bất tận hưởng!

Cũng theo cựu bầu trưởng Chín Hồ, còn có những luật định bất thành văn khác trong nghề đi điệu như lúc gặp được "lộc Bà Cô" không được khai thác theo kiểu "tận diệt" mà phải để lại một phần cho người khác hưởng sái, cũng đồng thời là cách để hộ thân, phòng chẳng may trong quá trình đưa "giọt máu rừng" ra khỏi rừng bị các nhóm khác trấn cướp thì còn có cơ hội quay trở lại điểm phát hiện "kho báu" đặng soi mót "lộc Bà".

Khi ra khỏi rừng, việc mua bán cũng phải đuợc tiến hành nhanh chóng bởi nếu chần chừ khó tránh khỏi thảm cảnh bị cướp. Dân điệu có câu "lộc bất tận hưởng" nên khi bán được tiền rồi thì phải làm lễ tạ ơn Bà Cô, giúp những người khốn khổ ở quanh mình, nhất là những gia đình có con em, cha anh vì giấc mộng trầm kỳ mà chết mất xác nơi rừng sâu, hoặc trở thành người tàn phế.

Những kiêng cữ quanh luật “ngậm ngải tìm trầm” vẫn chưa hết chuyện. Có địa phương khi trúng kỳ nam, nhóm người trúng "lộc Bà Cô" phải mất tích khỏi địa phương 3 năm bởi lo sợ lời nguyền làng có người trúng kỳ nam thì sớm muộn cũng có thành viên trong nhóm trúng kỳ chết bất đắc kỳ tử. Sự mất tích ấy theo giải thích của các cao thủ trong làng điệu còn nhằm tránh nạn xin đểu, trấn cướp, tra hỏi khu vực trúng kỳ nam từ những kẻ cuồng vọng. Đây chính là lý do vì sao mà trong vụ sốt kỳ nam tại Khánh Sơn vào tháng 9 vừa qua, nhóm 4 người ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) trúng khối kỳ nam 7kg bán hơn 50 tỉ đồng biến biệt, đến nay tung tích của họ vẫn là ẩn số!

Trời về chiều, chuyền cho nhau ly rượu nếp cay nồng cuối cùng, đến lượt mình, ông Mười ực một hớp ngọt xớt rồi khép lại những luật rừng tàn khốc trong cơn lốc “ngậm ngải tìm trầm” bằng điều luật cuối cùng rằng, khi phát hiện kỳ nam, những ai có mặt ở đó đều được chia phần, ví như có 100 người thì chia đều cho cả 100 người, 300 người thì chia thành 300 phần bằng nhau, tất nhiên người phát hiện khúc kỳ sẽ được phần hơn.

Điều ông Mười nói hoàn toàn chính xác, được thể hiện rõ qua vụ sốt kỳ nam tại Khánh Sơn. Chuyện rằng vào đêm 26/9, khi phát hiện 4 mẩu kỳ nam và giao cho Đội Kiểm tra liên ngành, những người đi điệu đã lập danh sách gần 300 người chờ được chia phần nhưng sau đó vì không được chia tiền nên họ đã tố cáo sự việc mình bị "ăn chặn". Như chúng tôi đã nói, thực hư sự việc này như thế nào, đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa.

Nhưng qua đó cho thấy luật chia đều khi trúng được kỳ nam với dân đi điệu là chuyện có thật và khó tránh khỏi bởi chỉ cần người giữ kỳ được giao nhiệm vụ bán buôn nổi lòng tà sẽ khó thoát được cơn cuồng nộ của những kẻ bán mạng săn “giọt máu rừng”!

Nguyễn Sỹ
.
.