Trộm cước viễn thông: Từ OCI đến… thẻ lậu

Thứ Ba, 09/06/2009, 16:10
Chỉ trong mấy ngày cuối tháng 5, tại TP HCM, Cơ quan Công an đã tiến hành triệt phá 2 tổ chức trộm cước viễn thông quy mô lớn. Đây là hành vi phạm tội hình sự, nhưng vì lợi nhuận cao, nạn trộm cước viễn thông vẫn tiếp diễn, ngày một gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại không nhỏ cho Nhà nước, người tiêu dùng và các doanh nghiệp viễn thông…

1.001 kiểu trộm cước!

Ngày 25/5 vừa qua, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) Công an (CA) TP HCM hoàn tất kết luận điều tra vụ trộm cước viễn thông quy mô lớn, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP HCM đề nghị truy tố bị can Lao Cá Hóng về tội danh "trộm cắp tài sản".

Trước đó, vào ngày 20/6/2008, tại một căn nhà trên đường Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP HCM, Cơ quan CSĐT CA TP HCM đã phát hiện và lập biên bản bắt giữ đối tượng có hành vi phạm tội quả tang Lao Cá Hóng, 55 tuổi, thường trú tại đường Âu Cơ, phường 10, quận Tân Bình, TP HCM, đang trực tiếp vận hành và khai thác hệ thống thiết bị điện tử viễn thông, thực hiện chuyển trái phép lưu lượng các cuộc gọi điện thoại quốc tế từ nước ngoài vào Việt Nam.

Thanh tra sở Bưu chính Viễn thông TP HCM tịch thu thẻ của OCI.

Cùng ngày, Cơ quan điều tra (CQĐT) tiến hành khám xét 4 địa điểm khác có liên quan đến Lao Cá Hóng tại các quận 11, Tân Phú, Tân Bình, quận 12, phát hiện thêm 6 hệ thống thiết bị như: VoIP GateWay, Modem, Patch Panel (bảng chia tách tín hiệu), các hộp thiết bị gắn simcard Cityphone đang hoạt động. CQĐT phát hiện thêm 2 đường truyền Internet (ADSL - FPT), 48 line điện thoại cố định Viettel, thu giữ 2 hệ thống thiết bị gồm: VoIP GateWay, Modem, Patch Panel và một số điện thoại cố định đang trong trạng thái tháo rời ngưng hoạt động.

Lao Cá Hóng khai nhận, cuối năm 2007, thông qua một đối tượng tên Quang (ngụ quận 5), Hóng được hướng dẫn việc lắp đặt hệ thống viễn thông nhằm chuyển lưu lượng cuộc gọi điện thoại quốc tế trái phép vào Việt Nam qua đường truyền Internet ADSL và hệ thống thiết bị viễn thông như VOIP GateWay, kết nối đường truyền thuê bao điện thoại cố định.

Lao Cá Hóng và tang vật trộm cước viễn thông.

Theo đó, các cuộc gọi điện thoại từ nước ngoài sẽ được chuyển thành gói tín hiệu Internet và được truyền về Việt Nam qua đường truyền Internet ADSL, sau đó thông qua thiết bị VoIP GateWay để chuyển đổi các gói tín hiệu Internet thành cuộc gọi điện thoại trong nước qua các thiết bị đầu cuối là các đường truyền thuê bao điện thoại cố định.

Thông qua hệ thống này, các cuộc gọi quốc tế được chuyển đổi thành các cuộc gọi nội hạt trong nước và không phải trả cước phí quốc tế cho ngành viễn thông Việt Nam.

Tính từ tháng 2/2008 đến khi bị bắt (tháng 6/2008), Hóng đã thuê bao hàng chục đường truyền Internet cùng hàng trăm số điện thoại cố định, Cityphone... để tiến hành trộm cước. Thông qua việc chuyển đổi tín hiệu viễn thông từ nước ngoài vào Việt Nam trái phép của 10 đường truyền Internet và 219 số điện thoại cố định tại 6 địa điểm, Hóng cùng đồng bọn đã ăn cắp trót lọt gần 5 tỉ đồng tiền cước viễn thông của Nhà nước.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, đây là vụ trộm cước viễn thông với số tiền thiệt hại lớn nhất trong mấy năm qua.

Ngày 24/5, CQĐT - Bộ Công an đã bắt khẩn cấp đối tượng Trần Huỳnh Duy Thức (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Internet Một Kết Nối - OCI) nhằm điều tra làm rõ hành vi trộm cắp cước viễn thông.

Vào ngày 19/5, Sở Thông tin Truyền thông (TT-TT) TP HCM đã ra quyết định giữ nguyên mức xử phạt hành chính (20 triệu đồng) trong lĩnh vực truyền thông đối với Công ty OCI về hành vi cung cấp dịch vụ điện thoại Internet loại hình Phone-to-Phone chiều về Việt Nam khi chưa được cấp phép.

Kết luận về sai phạm của Công ty OCI, Sở TT-TT TP HCM cho biết, Công ty OCI kinh doanh dịch vụ điện thoại Phone-to-Phone khi chưa được phép của Bộ TT-TT, kinh doanh khi chưa đủ điều kiện kinh doanh và không báo cáo về dịch vụ Phone-to-Phone gọi được về Việt Nam, dẫn đến việc các cơ quan chức năng không kiểm soát được lưu lượng cuộc gọi.

Đầu tháng 4/2009, Thanh tra Sở TT-TT đã tiến hành niêm phong và tịch thu 56.802 thẻ Viet-Voice và Ring-Voiz có thông tin dịch vụ Phone-to-Phone gọi được về Việt Nam của OCI. Trong số lưu lượng cuộc gọi không kiểm soát được có số lưu lượng lớn được xác định là chuyển trái phép.

Đã có đủ bằng chứng về việc chuyển lưu lượng trái phép về Việt Nam của OCI trong tháng 2/2009 đối với hướng gọi về điện thoại cố định. Lưu lượng này không được ghi trong hệ thống của các doanh nghiệp VoIP Việt Nam để tính cước tạo doanh thu cho ngành viễn thông Việt Nam.

Qua phân tích số liệu, cơ quan chức năng xác định lưu lượng cuộc gọi do Công ty OCI chuyển vào Việt Nam không qua kiểm soát, đã có sự chênh lệch lớn giữa lưu lượng điện thoại do các doanh nghiệp nhận lưu lượng của OCI Singapore báo cáo so với lưu lượng do OCI báo cáo.

Hiện, CQĐT vẫn đang tiếp tục làm rõ sai phạm của Trần Huỳnh Duy Thức cũng như OCI về hành vi trộm cước viễn thông tại Việt Nam...

Trần Huỳnh Duy thức ký vào biên bản bắt, khám xét.

Cuối năm 2008, PC15 - CA TP HCM đã bắt quả tang Nguyễn Đông Thanh (33 tuổi) và Nguyễn Chí Trung (25 tuổi) đang trực tiếp vận hành máy móc để trộm cước viễn thông quốc tế tại Công ty TNHH Trung Chuyển (174/56 Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3, TP HCM). Khi bị phát hiện, 2 đối tượng trên đang dùng đường truyền băng thông rộng để tiếp nhận các cuộc gọi từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó dùng các thiết bị chuyên dùng chuyển thành cuộc gọi trong nước. --PageBreak--

Năm 2005, Thanh đã thỏa thuận với một đối tượng nước ngoài trực tiếp mang thiết bị từ nước ngoài vào Việt Nam để Thanh thực hiện hành vi trộm cắp. Thanh đã thuê Nguyễn Chí Trung (em vợ) làm phụ tá với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Một cán bộ điều tra cho biết, không thống kê được cụ thể, nhưng số tiền thiệt hại mà Thanh gây ra cho ngân sách Nhà nước có thể lên tới hàng chục tỉ đồng.

Trước đó, tháng 11/2008, CA TP HCM đã khởi tố và bắt tạm giam 3 đối tượng trong đường dây trộm cước viễn thông quốc tế; gồm: Trần Vĩnh Truyền, Phan Vỹ Hùng và Lý Quốc Xương. Vào lúc 10h ngày 7/11, CA TP HCM  kết hợp với Thanh tra Sở TT-TT đã bắt quả tang các đối tượng trên đang sử dụng các thiết bị công nghệ cao kết nối hơn 100 line điện thoại vô tuyến gắn với 5 đường truyền Internet tại nhiều điểm trên địa bàn TP nhằm trộm cước viễn thông...

Không chỉ nhà nước, người tiêu dùng chịu thiệt…

Theo một chuyên gia về lĩnh vực Internet Phone, với sự bùng nổ của Internet, "ăn cắp cước viễn thông" dường như trở nên phức tạp và khó lường hơn. Có thể tạm định nghĩa "ăn cắp cước viễn thông" là việc thực hiện cuộc gọi đầu cuối xuất phát từ nước ngoài vào Việt Nam, thông qua Internet và công nghệ VoIP, với mục đích hưởng lợi trên chênh lệch giá cước viễn thông quốc tế và nội hạt của Việt Nam. Các cuộc gọi quốc tế này được chuyển đến Việt Nam, nhưng không qua các tổng đài viễn thông quốc tế của Việt Nam. Những năm gần đây, thủ đoạn của loại tội phạm viễn thông ngày một tinh vi, trắng trợn hơn...

Trước đây, các đối tượng ăn trộm qua hình thức lắp đặt "chảo" parabol, thiết bị khá cồng kềnh, dễ bị các cơ quan chức năng phát hiện. Còn nay, hình thức chủ yếu là sử dụng đường truyền Internet, đặc biệt là Internet tốc độ cao (ADSL) với thiết bị nhỏ, gọn, dễ cài đặt hơn. Khi cuộc gọi quốc tế qua mạng Internet đến Việt Nam sẽ thông qua thiết bị đổi ghép kênh - PHS và thiết bị này tự động chuyển đổi thành cuộc gọi trong nước.

Đối tượng trộm cước có thể thuê một nơi bất kỳ để đặt thiết bị, đăng ký dịch vụ điện thoại cố định, vô tuyến, nội thị, thẻ hòa mạng trả trước. Trong đó, thẻ hòa mạng trả trước được dùng khá phổ biến vì nhiều nhà cung cấp không lưu dữ liệu khách hàng, người sử dụng không phải đi đóng cước nên các đối tượng trộm cước có thể dễ dàng "mai danh ẩn tích". Bằng những hình thức khác nhau, mục đích của các đối tượng thực hiện các hành vi trên đều nhằm trốn trả cước viễn thông quốc tế, hoặc sẽ kinh doanh chúng.

Với số tiền thiệt hại lên tới hàng chục triệu USD qua số vụ bị phanh phui, tổng lưu lượng điện thoại quốc tế của Việt Nam thất thoát từ các vụ trộm cước chiếm tới 20% tổng lưu lượng điện thoại quốc tế của Việt Nam.

Ngày 28/9/2008, trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Ninh, Phó giám đốc kinh doanh Trung tâm viễn thông IP - Công ty Dịch vụ Bưu Chính viễn thông Sài Gòn (SPT), một trong những đơn vị cung cấp viễn thông lớn nhất Việt Nam cho biết: "Trộm cắp viễn thông là một vấn nạn đáng sợ nhất đối với các doanh nghiệp viễn thông. Đẩy các doanh nghiệp viễn thông vào một cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nghiệp muốn tồn tại, phải giảm giá tối đa sản phẩm của mình để cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đã phải bỏ lĩnh vực này. Ngoài ra, trộm cước viễn thông còn gây thất thoát của Nhà nước hàng tỉ đồng thuế mỗi năm".

Trở lại vụ OCI, Thanh tra Sở TT-TT kết luận: Công ty OCI có pháp nhân Việt Nam, kinh doanh tại Việt Nam, tiêu thụ sản phẩm và doanh thu phát sinh tại Việt Nam, phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Việt Nam hiện nay chưa cho phép kinh doanh điện thoại Internet Phone-to-Phone. Do vậy công ty sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam đối với dịch vụ điện thoại Internet loại hình Phone-to-Phone là vi phạm pháp luật. Việc lưu hành thẻ có dòng chữ Phone-to-Phone trên thị trường sẽ làm cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp khác hiểu sai dịch vụ Phone-to-Phone là hợp pháp.

Tuy nhiên, theo lời kể của một người kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông, khi chưa xảy ra vụ Thanh tra của Sở TT-TT, OCI rất năng nổ trong hoạt động "tuyên chiến" với thẻ lậu, một trong những hành vi trộm cước viễn thông. Có người đặt nghi vấn: phải chăng OCI làm như vậy để dễ dàng hợp thức hóa 2 loại thẻ lậu Ring-Voiz, Viet-Voice.

Tại TP HCM hiện nay, người sử dụng Internet Phone không khó gì để tìm một chiếc thẻ gọi điện thoại đi nước ngoài. Nhiều điểm dịch vụ Internet hay mua bán máy tính đều có bán thẻ Internet Phone. Các loại thẻ ăn khách nhất vẫn là các nhãn hiệu nước ngoài Ring-Voiz, Usvoiz, Mediaring, Evoiz, e-Evoiz... Từ lẽ đó, những chiếc thẻ đang bày bán trên thị trường có hình thức rất xấu và chữ Việt lẫn lộn với chữ nước ngoài trong khi các loại thẻ "chính thống" như Fone VNN (Công ty Tin học Bưu điện) hay Snetfone (SPT) được in ấn đẹp và lẽ dĩ nhiên với độ bảo mật rất cao, chế độ hậu mãi an toàn.

Xét ở góc độ giá cả, cước phí của những loại thẻ lậu có mức chênh lệch so với thẻ của các công ty trong nước thường vào khoảng vài chục đồng/ phút đàm thoại. Tuy nhiên, lợi bất cập hại, không ít khách hàng gặp sự cố về thẻ lậu, nên hầu như mất trắng, không đổi lại được, không biết nguồn gốc từ đâu, không đơn vị nào chịu trách nhiệm về độ bảo mật.

Theo một chủ đại lý bán thẻ Internet Phone trên đường Tôn Thất Tùng, quận 1, cho biết cả tháng nay, các loại thẻ của OCI không bán được, đại lý đã nhận hàng của OCI, đành chịu thiệt hại. Người tiêu dùng sợ mua rồi không gọi được nên không mua. Nhiều đại lý cũng cho biết khách hàng thường xuyên đến khiếu nại vì 2 loại thẻ Viet-Voice, Ring-Voiz đã mua của OCI không thực hiện được cuộc gọi Phone to Phone chiều về Việt Nam. Vụ OCI, ngoài các doanh nghiệp viễn thông, người tiêu dùng cũng chịu không ít thiệt hại.

CQĐT nhận định, như nhiều tổ chức trộm cước viễn thông khác, việc OCI tổ chức thiết lập hệ thống chuyển lưu lượng điện thoại quốc tế chiều về Việt Nam, không báo cáo các sơ đồ mạng, thuê kênh và hướng kết nối, dẫn đến việc làm mất an toàn, cơ quan có thẩm quyền không kiểm soát được lưu lượng cuộc gọi, vụ việc không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, điều đáng nói, các vụ trộm cước viễn thông còn ảnh hưởng không tốt đến an ninh thông tin, dễ bị tội phạm lợi dụng xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội...

Thuận Nguyên
.
.