Trụ trì Thiếu Lâm Tự có giỏi võ công?

Thứ Sáu, 26/05/2017, 13:45
Trong lịch sử 1.500 năm của mình, Tung Sơn Thiếu Lâm Tự (Đăng Phong, Hà Nam, Trung Hoa) với tông chỉ “Quyền - Thiền nhất thể” đã dương danh thiên cổ trở thành tổ đình của Thiền tông Trung Hoa và cái nôi của võ công thiên hạ. Do vị thế đặc biệt của Thiếu Lâm Tự nên những vị trụ trì (phương trượng) của ngôi chùa này qua bao đời luôn được tuyển chọn gắt gao về phẩm hạnh đạo đức cũng như võ công. Vậy vị trụ trì đời thứ 30 hiện nay là Thích Vĩnh Tín là người như thế nào?

Xuất gia cầu đạo

Thích Vĩnh Tín sinh tháng 9-1965, tục danh Lưu Ứng Thành, tự hiệu là Hoàn Dĩnh thượng nhân, người Dĩnh Thượng, thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy. Bị thôi thúc bởi những câu chuyện về huyền thoại Thiếu Lâm Tự, tháng 3-1981, ở tuổi 16 Lưu Ứng Thành mang 20kg gạo và 30 nhân dân tệ lên thẳng Tung Sơn, bái trụ trì đời thứ 29 là Thích Hành Chính hòa thượng làm thầy, được ban pháp danh Thích Vĩnh Tín.

Lúc ấy tuy Cách mạng văn hóa đã kết thúc nhưng hậu quả vẫn còn nặng nề. Thiếu Lâm Tự bị tàn phá nghiêm trọng. Khi Thích Vĩnh Tín nhập tự thì Thiếu Lâm Tự chỉ có hơn 20 tăng nhân và 28 mẫu đất núi, cơm không đủ ăn, sáng và tối phải ăn bắp, buổi trưa mới có màn thầu nhưng mỗi người chỉ được 2 cái. Cũng như các sư khác, ban ngày Thích Vĩnh Tín phải nấu cơm, chăn bò, gánh phân, trồng trọt, ban đêm lo kinh kệ, luyện thiền, tập võ.

Tháng 8-1987, Hành Chính pháp sư trước lúc qua đời đã truyền pháp quyển và y bát cho Thích Vĩnh Tín, dặn dò rằng: “Nên xây cất thêm phòng, trữ thêm lương thực, nhất định phải nghĩ cách khôi phục danh tiếng Thiếu Lâm Tự”.

Mới 22 tuổi, Thích Vĩnh Tín đã chính thức trở thành trụ trì đời thứ 30 của Thiếu Lâm Tự, làm chấn động dư luận Trung Quốc. Vị hòa thượng này cũng là đại biểu Quốc hội các khóa 9, 10, 11, 12; Phó Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo tỉnh Hà Nam.

 “Ai dám nói Thích Vĩnh Tín không biết võ công?”

Theo ông Hác Thích Trai - người được mệnh danh là “Pho quyền phổ sống Thiếu Lâm” -  thì chính ông là người đã truyền thụ võ công cho Thích Vĩnh Tín. Vị đệ tử tục gia Thiếu Lâm ngoài 80 tuổi này cho biết, khi Thích Vĩnh Tín nhập tự thì Hành Chính sư phụ đã mù hẳn nên giao cho ông truyền dạy võ nghệ.

Hác Thích Trai một đời gắn bó với Thiếu Lâm Tự, tham thiền, luyện võ, làm thuốc giúp người, vì nuôi cha mẹ nên không xuất gia, rất được tăng chúng Thiếu Lâm Tự kính ngưỡng. Hác sư phụ nói Thích Vĩnh Tín giỏi về Đạt Ma trượng, khinh công cũng rất khá.

Ông giải thích rằng lúc ấy dạy Thích Vĩnh Tín luyện công vào ban đêm vì Thiếu Lâm Tự xưa nay có quy định “Lục nhĩ bất truyền” - 6 tai, tức có người thứ 3 thì không dạy, vì thế Vĩnh Tín thân hoài tuyệt kỹ mà ít người biết.

Theo chuyên gia nghiên cứu văn hóa Thiếu Lâm là Nhạc Hiểu Phong thì từ đời Thanh đến thập niên 80, việc luyện công ở Thiếu Lâm Tự và các vùng phụ cận chủ yếu là ban đêm, địa điểm là nơi nghĩa trang hoặc rừng hoang vắng vẻ, mục đích là chuyên tâm và tránh người. Có người hoài nghi Thích Vĩnh Tín không biết võ công, Hác Thích Trai vung tay nói: “Có ta ở đây ai dám nói Thích Vĩnh Tín không biết công phu Thiếu Lâm?”.

Thích Vĩnh Tín: “Đã luyện trên trăm bài”

Theo cuốn tự truyện “Thiếu Lâm Tự trong trái tim tôi” của Thích Vĩnh Tín xuất bản năm 2010, phần viết về quá trình luyện võ công không thấy nhắc đến tên Hác Thích Trai, chỉ nói học với “lão hòa thượng và một số sư phó hoàn tục, họ dạy tôi các loại quyền pháp, binh khí. Giờ nhớ lại, tôi đã luyện qua, học qua đến trên trăm bài. Số bài quyền Thiếu Lâm công phu mà chúng tôi đã chỉnh lý có tới gần 700 bài”.

Thích Vĩnh Tín cho biết mỗi bài quyền Thiếu Lâm thường phải hoàn thành trong 1 phút, phải luyện đến mức đánh xong trong một hơi thở, nhanh mạnh và chính xác.

Thích Vĩnh Tín cũng kể về một điểm đặc biệt trong luyện tập công phu Thiếu Lâm: “Trước và sau khi luyện công, tôi còn phải bái Khẩn Na La Vương, hướng Bồ tát phát nguyện, trì thần chú... Chỗ khác biệt giữa Thiếu Lâm công phu với các môn võ khác chính là bên trong có chứa văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng tôn giáo... Võ công Thiếu Lâm, một là người truyền, hai là thần truyền. Thần truyền là chỉ trong lúc luyện công tiếp nhận được một nguồn sức mạnh ý niệm, thúc đẩy tâm linh người luyện võ, tập trung cả thân-tâm vào đó... Đạt Ma sư tổ từng dạy “Muốn kiến tánh, trước phải cường thân”.

Thích Vĩnh Tín luyện quyền pháp.

Về việc chọn không gian và thời gian luyện công, Thích Vĩnh Tín cho là rất quan trọng. “Tôi lúc ấy thường đêm khuya một mình luyện công, tìm những nơi không có người đến để luyện. Khu mộ địa ở sau núi là một nơi như thế, bạn đến đó luyện công, tĩnh lặng vô cùng, mỗi chiêu mỗi thức đều phát ra âm hưởng, tư tưởng không tập trung cũng không được.

Đầm Hắc Long cũng là chỗ lý tưởng. Tôi thường nửa đêm đến đó, bốn phía đều không dám nhìn lâu. Luyện công nơi ấy độ tập trung rất cao, công lực tăng nhanh. Chạy một vòng quanh đầm Hắc Long bằng một đêm đả tọa ở thiền đường. Còn một chỗ nữa là trước Thiên Phật điện, mọi người đều nói nơi ấy có linh khí. Thực ra nguyên nhân chính là trước Thiên Phật điện lót đá xanh, khách hành hương tới lui nhiều nên bề mặt được mài bóng sáng. Luyện công chỗ ấy không cẩn thận là rất dễ bị té ngã, vì vậy đòi hỏi hết sức tập trung tinh thần. Luyện công chuyên chú thì công lực tăng rất nhanh”.

Thích Vĩnh Tín tiết lộ là đã luyện qua nhiều tuyệt kỹ công phu Thiếu Lâm, hao nhiều sức lực, mất nhiều thời gian, nhưng chưa đến mức giỏi. Ông cũng thân với nhà văn võ hiệp Kim Dung và đánh giá rất cao về kiến thức Phật giáo của “đại hiệp” này.

Từ khi làm phương trượng, công việc quá nhiều nên việc luyện võ của Thích Vĩnh Tín không còn như trước nữa. Nhưng “chỉ cần còn có thể hít thở là tôi còn luyện. Đương nhiên, hiện giờ chỉ là múa vài ba đường, chỉ cần không quên bài quyền là được, còn như nói luyện công thì không bàn đến nữa”.

Trong một lần trả lời báo Hoa Thương vào năm 2013, Thích Vĩnh Tín cho rằng công phu quyền cước chỉ là một mặt của thiền tu. Đọc kinh, niệm Phật, tọa thiền... cũng vậy. Dù là trên quyền cước hay bất cứ phương diện nào khác, chỉ cần luyện tốt thì đó đều là biểu hiện của một loại công phu. Xây dựng tốt cuộc sống cũng là một loại công phu. Khi được hỏi cảnh giới tối cao của võ thuật là gì, Thích Vĩnh Tín trả lời: Là tâm bất động, đó là cảnh giới của thiền định.

Hàn Phong
.
.