Trung Quốc: Nạn mộ tặc đe dọa di sản văn hóa

Thứ Sáu, 19/07/2019, 14:16
Một ngày tháng 11-2016, Dương Minh Chấn ở thôn Bảo Lăng nghe được tin vỉa hè: Công nhân kiến trúc thi công công trình phát hiện một ngôi mộ cổ.

Thôn Bảo Lăng thuộc tỉnh Thiểm Tây ở trên đỉnh ngọn đồi, cạnh một sân bay đường băng bằng đất nện. Ngôi mộ nằm ở khu đất cằn cỗi ngay đầu thôn. Ngay đêm hôm đó, Dương Minh Chấn cùng bố và một người họ hàng lén lút xuống ngôi mộ cổ. 

Sáng hôm sau, một người công nhân phát hiện thi thể của Dương Minh Chấn và hai người đàn ông nữa, không biết vào lúc nào đó trong đêm ngôi mộ có hàng mấy trăm năm lịch sử bị sập đổ đã chôn sống cả ba người.

Một chiếc quan tài cổ trong hầm mộ.

Dân làng thực sự sững sờ trước sự việc trên vì theo họ đến một củ cà rốt của hàng xóm anh ta cũng không bao giờ lấy trộm. Một người tên là Dương Nguyên Thắng, 62 tuổi nhận xét về Dương Minh Chấn: "Ai nghĩ rằng anh ta bất chấp cả danh dự, liều mình đi đào trộm mộ?"      

Những ngôi mộ cổ là sự cám dỗ rất lớn với những tên mộ tặc nhưng sự cám dỗ này cũng rất nguy hiểm. Đào trộm mộ là một hành vi cổ xưa, nhưng với sự gia tăng nhu cầu về các văn vật, cổ vật của Trung Quốc trên toàn thế giới, hiện tượng đào trộm mộ lấy cổ vật lại nhanh chóng trở lại. Trong tình hình các văn vật, cổ vật Trung Quốc có giá hàng triệu đôla thì nhiều người hy vọng trong một đêm trở thành giàu có và những tên mộ tặc hoặc nghiệp dư hoặc chuyên nghiệp ùn ùn đổ về vùng nông thôn của Trung Quốc để hành nghề. 

Mặc dù rất khó để đưa ra  con số chính xác nhưng sự phá hoại của những tên mộ tặc đã gây thiệt hại có tính vĩnh viễn đối với nhiều di chỉ văn hóa. Năm 2016, Cục Di sản văn hóa quốc gia Trung Quốc thông báo đã có 103 vụ án về trộm cắp văn vật văn hóa và đào trộm mộ. 

Một ngôi mộ cổ ở tỉnh Hà Nam, trung quốc bị bọn mộ tặc phá hủy.

Theo các chuyên gia, những vụ mộ tặc chưa bị phát hiện còn rất nhiều. Họ nói rằng 8 trong số 10 ngôi mộ cổ đã bị cướp phá từ thời xưa cho đến thời nay. Các tỉnh phong phú các di sản văn hóa Hoàng gia như Hà Nam, Thiểm Tây và Sơn Tây bị thiệt hại rất nghiêm trọng          

"Các di chỉ ở tỉnh Hà Nam hầu như bị đào khoét và cướp phá rỗng tuếch”. Ông Nghê Phương Lục, người đã viết nhiều cuốn sách về đề tài mộ tặc được bán rất chạy nói: "Không gì là không bị ăn cắp.

Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo, Trung Quốc đã thể hiện một sự mong muốn thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ truyền thống văn hóa. Chính phủ đã thông qua luật pháp quyền sở hữu tất cả các ngôi mộ cổ, văn vật văn hóa dưới lòng đất và tìm mọi biện pháp tăng cường giám sát chống lại bọn tội phạm. Chính phủ còn  khuyến khích thưởng tiền cho những người giao lại các văn vật văn hóa và cổ vật cho nhà nước.  

Nhưng các quan chức nói vấn đề mộ tặc đã quá phổ biến và rất khó có thể loại trừ. Cục phó Cục Di sản văn hóa Châu Khôi Anh của tỉnh Thiểm Tây nói: "Mặc dù chính phủ cấm đào trộm mộ nhưng vẫn rất nhiều người đang lén lút làm việc này."

Trong hơn 3 nghìn năm, những người thống trị và tầng lớp quý tộc Trung Quốc một mực duy trì các nghi thức tang lễ phức tạp, bao gồm chôn theo người chết các đồ dùng hàng ngày để cho họ sử dụng. Các táng phẩm có thể không thiếu thứ gì từ ngọc bích, đồ đồng, đồ sơn mài, đồ gốm sứ và vải vóc. Những thứ đó cụ thể bao nhiêu quyết định ở thời đại, đẳng cấp và sự giàu có của người chết.     

Ở Trung Quốc, lịch sử mộ tặc có lẽ cũng dài bằng chiều dài lịch sử. Ở thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, hiện tượng đào trộm mộ vô cùng phổ biến cho đến tận sau năm 239 trước công nguyên. Trong cuốn sách kinh điển "Lã thị xuân thu" có hướng dẫn tỷ mỉ cách mai táng để chống lại bọn mộ tặc. Ngay đến cả lăng mộ của vị Hoàng đế đầu tiên Tần Thủy Hoàng cũng đã thiết lập một hệ thống cơ cấu nhằm chống lại bọn mộ tặc. Những chiến binh đất nung nổi tiếng cũng là để bảo vệ Tần Thủy Hoàng.     

      
Ngựa đồng táng trong mộ thời Nguyên.

Đến những năm 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc bước vào thời kỳ mở cửa cải cách và điều này gây tác hại không nhỏ đến các di chỉ văn hóa. Chẳng hạn như để nhường chỗ cho đường tàu điện ngầm, các tòa nhà cao tầng và các mạng lưới đường cao tốc, nhiều khu vực rộng lớn được đào bới đến mức thảm hại. Trong quá trình này các công ty xây dựng tăng lên gấp bội, các di chỉ khảo cổ, các di tích lịch sử và các ngôi mội cổ bị khai quật không thể đếm được.

Một nguyên do nữa là những người nông dân chịu trách nhiệm bảo vệ các ngôi mộ của tổ tiên của dòng họ bắt đầu rời bỏ quê hương đi lên thành phố làm ăn nên những ngôi mộ đó không có người trông coi và bọn mộ tặc mặc sức hoành hành. Nền kinh tế tăng trưởng, thu nhập tăng lên nhiều người có tiền lại thích sưu tầm các văn vật, đồ cổ và đã sinh ra một một tầng lớp sưu tầm đồ cổ mới của Trung Quốc. Theo các chuyên gia, sức mua của tầng lớp này thậm chí còn hơn cả những nhà sưu tầm đồ cổ phương Tây sưu tầm đồ cổ Trung Quốc trong một thời kỳ dài. 

Đi theo sự bùng nổ của nghệ thuật Trung Quốc và thị trường đồ cổ nên số lượng hàng giả cũng tự nhiên tăng lên theo. Vấn đề này trở nên đáng sợ đến mức một số người sưu tầm lặng lẽ đi tìm các văn vật mới ăn cắp được để tránh mối nguy hiểm mua phải hàng giả.         

Đối với bọn mộ tặc, sự hấp dẫn là rất hiển nhiên: "Một đồ vật bằng đồng điếu thời Tần - Hán có thể mua được một căn nhà lớn, ông Nghê Phương Lục nói.

Đồ cổ có giá như vậy nhưng cuộc sống của những tên mộ tặc lại không có gì là dễ chịu. Đại bộ phận những tên mộ tặc là nông dân hoặc công nhân nhập cư, một số giống như Dương Minh Chấn là những tên mộ tặc nghiệp dư chỉ được trang bị vài loại công cụ thô sơ. Một số khác thuộc bộ phận buôn lậu chuyên nghiệp sbiết sử dụng các thiết bị công nghệ cao và các ông thầy phong thủy truyền thống bởi vì họ có tiền. 

Bên trong một ngôi mộ của tầng lớp quý tộc (khai quật khảo cổ).

Mộ tặc là công việc bẩn thỉu, nguy hiểm, yêu cầu người làm phải chui trong những đường hầm nhỏ hẹp, hít thở không khí ô nhiễm, đồng thời trong khi làm còn nơm nớp lo sợ bị phát hiện. Sau khi thành công, các vật phẩm lấy được phải thông qua tầng lớp trung gian hoạt động bí mật rồi mới đến được tay các nhà sưu tầm hoặc các bảo tàng cho nên mộ tặc thường bị người trung gian ăn chặn, giá cả thực sự của đồ vật mình lấy được cũng không được biết.

Mặc dù như vậy mộ tặc đã trở thành một hiện tượng lưu hành văn hóa. Người ta nói rằng một thanh niên trẻ đã bị cuốn tiểu thuyết "Mộ tặc bút ký" phát hành trên mạng năm 2006 gây ra cảm giác kích thích mạnh. Sau thời gian đó lại xuất hiện một số phim ảnh liên quan đến vấn đề mộ tặc như phim "Tìm bí quyết của rồng" và "Chín tầng tháp yêu quái". Trong những phim này có tình tiết ca ngợi hành động mộ tặc và nói về các kỹ xảo của mộ tặc. Đây đúng là "lửa cháy lại đổ thêm dầu".      

Một số quan chức và những người bảo vệ nền văn hóa lo rằng sự quá phổ biến mộ tặc sẽ kích thích những người nghiệp dư ham thích tham gia vào các giao dịch cổ vật. Ví dụ, có một tờ báo đã đăng tin vụ án xảy ra vào năm 2015: Một người đã nói với cảnh sát rằng anh ta và đồng bọn sau khi xem cuốn tiểu thuyết "Mộ tặc bút ký" đã bị kích thích và vạch kế hoạch đi đào trộm mộ ở Triết Giang.  

Sự nổi lên những tên mộ tặc nghiệp dư đã làm cho các quan chức đang chống lại chúng thêm đau đầu. Một quan chức nói rằng hoạt động của bọn mộ tặc với các di chỉ lớn trong năm 2000 đã đạt đến mức đỉnh cao, mấy năm gần đây có giảm sút mạnh

Nền văn minh Trung Hoa có lịch sử hơn 5 ngàn năm nhưng nền văn minh lại đem đến điều bất lợi là những di sản văn hóa có ở khắp mọi nơi nên việc bảo vệ toàn diện là bất khả kháng. Năm 2015, cảnh sát đã phá được vụ mua bán văn vật, cổ vật lớn nhất từ năm 1949 trở lại đây, vụ án liên quan đến 6 tỉnh gồm 175 người đã bị bắt vì tội ăn cắp và mua bán các văn vật có giá trị lên đến 80 triệu đôla.   

"Chúng tôi không ngừng chiến đấu với bọn tội phạm", ông Vương Kim Thanh, một quan chức của cục bảo vệ an toàn di sản nói: "Có rất nhiều những ngôi mộ cổ nhỏ đang tồn tại mà chúng ta không biết cho nên không thể bảo vệ được chúng”.

Một quan tài bằng đá của hoàng hậu thời Đường trong bảo tàng của tỉnh Thiểm Tây. Quan tài này bị bọn buôn lậu bán ra nước ngoài được chính phủ Trung quốc thu hồi.

Mặc dù có nhiều những vụ cướp và phá hoại như vậy nhưng một số người lại cho rằng nó cũng có một ưu điểm nhỏ. Đối với những ngôi mộ chưa được mở ra các quan chức văn hóa Trung Quốc thường áp dụng lập trường bảo thủ chọn cách bảo vệ mà không khai quật chúng, do vậy các ngôi mộ đã bị bọn mộ tặc đào bới trở thành mỏ vàng của các nhà nghiên cứu khảo cổ.  

“Nhiều khám phá khảo cổ học ở Trung Quốc có được từ các ngôi mộ bị đánh cắp”, Giáo sư khảo cổ Vương Căn Phú ở Đại học Sư phạm Nam Kinh nói. Nhưng ông cũng cho rằng tình trạng các mộ cổ bị mộ tặc đã đến thăm là rất xấu cho nên "các nhà khảo cổ học vẫn còn rất thiếu các tư liệu lịch sử.

Hiện tại những tên mộ tặc đang chuyển sự chú ý đến số lượng lớn những ngôi mộ cổ ở Tây Đô và Bắc Bộ Trung Quốc vì chúng vẫn còn khá nguyên vẹn. Các chuyên gia nói: "Những địa phương này cần phải áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ chặt chẽ hơn và muốn giải quyết được vấn đề này cần phải xử lý cả những người có liên quan đến mộ tặc, đó là những nhà sưu tầm đồ cổ”. 

"Nếu không có thị trường giao dịch những vật phẩm bị đánh cắp thì sẽ không có người mạo hiểm cả tính mạng để đi đào trộm mộ”, nhà khảo cổ học Donna Yates ở Trung tâm nghiên cứu tội phạm và tư pháp ở Trường Đại học Glasgow của Scotland cho rằng: "Không có nhu cầu thì không có trộm cướp”.

Nguyễn Đình Thiêm (theo "Xinhuanet.com")
.
.