Trung Quốc: Nguy cơ lạm phát trầm trọng

Thứ Ba, 30/11/2010, 22:15
Gói kích thích trị giá 4.000 tỉ NDT (586 tỉ USD) mà Trung Quốc bơm vào cách đây 2 năm, cùng chính sách bơm thêm tiền vào nền kinh tế ở các quốc gia đang khiến Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng lạm phát trầm trọng nhất từ năm 2008 đến nay. Bắc Kinh đang ráo riết chuẩn bị các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá, được cảnh báo sẽ tác động xấu tới đời sống của đại bộ phận người dân nghèo.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tháng 11/2010, giá của 18 loại rau ở 36 thành phố đã tăng tới 62,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào tháng trước, lần đầu tiên kể từ 3 năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã phải quyết định tăng lãi suất ngân hàng để chống hiện tượng tăng giá, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, Zhou Xiaochuan, hôm 16/11 nhìn nhận rằng: "Nền kinh tế Trung Quốc nói chung vẫn tiến triển tốt đẹp nhưng đang phải đương đầu với áp lực lạm phát".

Mức lạm phát hàng năm ở Trung Quốc lên tới 4,4% trong tháng 10/2010, cao nhất trong hơn 2 năm qua. Trong thuật ngữ kinh tế, lạm phát là sự gia tăng giá cả so sánh với khả năng mua của giới tiêu thụ. Trước kia, danh từ này thường được dùng để chỉ sự gia tăng số lượng tiền tệ lưu hành, nhưng trong quan niệm kinh tế hiện nay thì lạm phát được xét theo sự tương tác giữa khối lượng tiền tệ với sản xuất và lãi suất. Tình trạng lạm phát thể hiện ở Trung Quốc hiện nay qua sự gia tăng giá sinh hoạt. Ngay đến cả thực phẩm của các cửa hàng McDonald's ở đây cũng lên giá. Ảnh hưởng không tránh khỏi là các nhà đầu tư cảm thấy lo ngại, giá chứng khoán xuống gần 10% tại Thượng Hải.

Các nhà phân tích cho rằng chính sách bơm thêm tiền vào nền kinh tế ở các quốc gia, mà trường hợp Mỹ bơm 600 tỉ USD mới đây là một ví dụ, đã làm thanh khoản gia tăng quá mức độ và hậu quả là lưu lượng tiền tệ đi vào các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc tạo ra khó khăn cho chính sách chống lạm phát. Một nguyên nhân khác được cảnh báo từ khi chính quyền Bắc Kinh bơm 4.000 tỉ NDT vào ngày 10/11/2008 nhằm kích thích tiêu thụ nội địa giúp Trung Quốc phục hồi ngoạn mục trong 2  năm qua là một khi kinh tế đã ổn định, lượng tiền dư thừa quá nhiều trong thị trường đã khiến giá cả hàng hóa tăng cao. Chả thế mà, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, đã cho tăng lãi suất và tuần trước chỉ thị cho các ngân hàng tăng thêm quỹ dự trữ.

Ngày 17/11, chính quyền Trung Quốc ra thông cáo cho biết là chính phủ của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đang chuẩn bị một loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cho biết Hội đồng Bộ trưởng sẽ có biện pháp ngăn chặn sự tăng vọt của giá cả. Ông cũng hối thúc giới cầm quyền địa phương bảo đảm việc cung ứng điều hòa lương thực và các nhu yếu phẩm khác để giữ cho thị trường được ổn định.

Cùng ngày, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đưa ra những chỉ thị về kiểm soát giá cả và yêu cầu các địa phương cung ứng trợ cấp tạm thời cho những gia đình gặp khó khăn. Thông báo này cũng nói rằng, chính phủ sẽ tiếp tục tài trợ sản xuất nông phẩm để bảo đảm sản lượng và cho lập kho dự trữ an toàn thực phẩm. Ngoài ra chính quyền sẽ tăng cường thanh tra và trừng trị việc đầu cơ tích trữ.

Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây cho biết, từ cuối tháng 9-2010, 62.400 tấn thịt lợn và 210.000 tấn đường từ kho an toàn đã được bán ra nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trườngå. Phát ngôn viên này nói rằng: "Hầu hết nhu yếu phẩm đều được cung cấp đầy đủ ngoại trừ dầu diesel". Bộ Thương mại Trung Quốc loan báo sẽ thi hành những biện pháp và phối hợp với các cơ quan nhà nước để làm giảm tác động của lạm phát.

Ma Xiaohe, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế vĩ mô thuộc Ủy ban Phát triển và Cải cách Trung Quốc nói: "Những phương pháp kinh tế thị trường sẽ được ưu tiên áp dụng để làm giảm nhẹ giá lương thực, nhưng cũng cần có một số quy định đúng mức nếu giá cả lên quá nhanh". Theo ông, sự tăng giá là điều tất yếu trong tình trạng kinh tế phát triển nhanh, dư thừa thanh khoản và giá sinh hoạt gia tăng.

Trung Quốc đã siết chặt việc quản lý đầu tư ngoại quốc để chặn bớt lượng tiền mặt đưa vào trong nước. Trong tháng 10/2010, đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ gia tăng ở hàng đơn vị so với tháng trước. Các chuyên gia và quan sát viên kinh tế nhận định rằng sự giảm bớt nhịp độ tăng trưởng là phản ánh hiệu quả các biện pháp của chính quyền nhằm hạn chế dòng tư bản đổ vào mà một số được ngụy trang dưới hình thức đầu tư trực tiếp. Trong tháng 10, Trung Quốc thu hút 7,7 tỉ USD đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tăng 7,9% so với năm trước.

Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia, những biện pháp mà nhà cầm quyền Trung Quốc vừa đề ra chỉ có hiệu lực nhất thời, về lâu về dài quốc gia này sẽ còn gặp nhiều khó khăn do tình trạng phát triển quá mau lẹ và chưa tự điều chỉnh để có sự quân bình. Kevin Lai, chuyên viên kinh tế của Daiwa Capital Markets, nói: "Tôi không tin rằng giới hữu trách Trung Quốc sẽ dừng lại ở đây. Chắc chắn phải có nhiều người trong số họ hiểu là kiểm soát giá cả chưa phải là đủ hiệu quả. Trung Quốc cần kiểm soát thanh khoản và lượng tiền tệ đưa vào nếu muốn giải quyết được lạm phát".

Shi Chenyu, kinh tế gia của Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư thuộc Ngân hàng Công thương Trung Quốc cho rằng, lời lẽ cứng rắn trong các chỉ thị đưa ra chứng tỏ lạm phát đã trở thành ưu tiên hàng đầu phải giải quyết của Bắc Kinh. Nhưng theo ông: "Chính quyền thường chọn lối dùng biện pháp hành chính với “bàn tay sắt” để kiểm soát giá cả khi tình hình lạm phát trở thành trầm trọng. Nhưng cách này có thể tác dụng ngược, với dự đoán là giá sinh hoạt còn có thể tăng cao thêm nữa".

Ngoài ra, giới chuyên gia cũng nhận định, biện pháp tăng lãi suất có nguy cơ gây khó khăn cho việc đấu tranh chống tệ nạn đầu cơ vốn. Bởi vì cho đến nay, lãi suất ngân hàng tại các nước phát triển rất thấp, do vậy, giới đầu cơ đổ vốn vào Trung Quốc, nơi có lãi suất cao

Bảo Phương (tổng hợp)
.
.