Trung Quốc bỏ chỉ tiêu tăng trưởng

Thứ Bảy, 30/05/2020, 13:49
Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đã thấm tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19, từ bỏ việc theo đuổi chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2020 và những năm tiếp theo, qua đó từ bỏ luôn mô hình kinh tế kế hoạch tập trung. Điều này đã được Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định trong phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc tại kỳ họp thường niên tháng 5-2020.

Kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc diễn ra song song với kỳ họp thường niên của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân (Chính hiệp), thường gọi là Lưỡng hội (2 kỳ họp) dự kiến vào tháng 2 hoặc 3 nhưng đã phải dời lại cuối tháng 5 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tại phiên họp ngày 22-5 kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó không đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2020.

Báo cáo cũng cho thấy kinh tế Trung Quốc đã tụt giảm 6,8% trong quý 1-2020. Đây là lần tụt giảm đầu tiên của kinh tế Trung Quốc sau hơn 40 năm đổi mới, mở cửa. Trong quý 2, tỉ lệ tụt giảm được dự báo sẽ còn sâu hơn. Thâm hụt ngân sách cũng được dự báo tăng lên 3,6%, lần đầu tiên vượt mức 3% GDP kể từ năm 1978. Tỉ lệ thất nghiệp theo báo cáo đã tăng lên đến 6,2% nhưng các chuyên gia độc lập cho rằng tỉ lệ thực khoảng trên dưới 20%.

Khoảng 460.000 doanh nghiệp đã phá sản. Vì thế, năm nay, ban lãnh đạo Trung Quốc muốn nhấn mạnh đến sự ổn định và xóa nghèo đói hơn là tăng trưởng. Các chuyên gia kinh tế quốc tế đưa ra dự báo tỉ lệ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 có thể sẽ vào khoảng 2,5%, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 6,1% năm 2019.

“Nền kinh tế chúng ta sẽ đối mặt một số yếu tố khó dự báo trước trên đường phát triển do những bất ổn lớn liên quan đến đại dịch COVID-19 và môi trường kinh tế, thương mại” - ông Lý Khắc Cường phát biểu.

Toàn cảnh kỳ họp Quốc hội Trung Quốc.

Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra một phương án thay thế cho chỉ tiêu tăng trưởng, đó là các chỉ số tiêu chuẩn để làm căn cứ điều tiết tăng trưởng kinh tế, trong đó dành sự ưu tiên mạnh cho giải quyết công ăn việc làm của người lao động. Theo phương án này, ông Lý Khắc Cường cam kết sẽ tạo 9 triệu việc làm ở đô thị nhằm kéo giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống còn 6% trong thời gian còn lại của năm 2020. Để thúc đẩy khu vực kinh tế ngoài nhà nước, như nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ Trung Quốc hứa hẹn sẽ cắt giảm thuế và khuyến khích giảm tiền thuê mặt bằng.

“Chúng ta phải hiểu rõ rằng các nỗ lực ổn định việc làm, bảo đảm mức sống, xóa nghèo đói và ngăn chặn và thủ tiêu các nguy cơ phải được đặt trên cơ sở tăng trưởng của nền kinh tế” - ông Lý nói.

Bên cạnh đó, ông Lý cũng thông báo các biện pháp tài chính kích thích tăng trưởng nhằm thúc đẩy tính năng động của chính quyền địa phương vốn đang chật vật xoay xở với nợ công và thiếu hụt ngân sách dành cho phúc lợi xã hội. Theo đó, chính quyền trung ương Trung Quốc dự kiến sẽ phân bổ 2 nghìn tỉ nhân dân tệ (khoảng 281 tỉ USD) cho chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước.

Một nửa con số đó sẽ được phân bổ thông qua phát hành trái phiếu chính phủ, một nửa còn lại sẽ được phân bổ bằng hình thức bảo lãnh vay vốn nước ngoài. Theo giới chuyên gia, gói giải pháp này khiêm tốn hơn nhiều so với gói kích thích tài chính gần 4 nghìn tỉ nhân dân tệ (562 tỉ USD) trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009.

Trước khi dịch COPVID-19 xuất hiện, nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu chững lại và xuất hiện nguy cơ suy thoái. Năm 2019 cũng là năm thứ hai liên tiếp kinh tế Trung Quốc không thể đạt ngưỡng tăng trưởng 7% trở lên. Đại dịch COVID-19 xuất hiện càng làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã được áp dụng triệt để, như phong tỏa toàn xã hội, đóng cửa hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, kể cả việc mua sắm các nhu yếu phẩm cho sinh hoạt.

Sau 3 tháng phong tỏa vì đại dịch COVID-19, chính quyền các địa phương Trung Quốc đang dần dần mở cửa lại nền kinh tế, trong khi một số nơi vẫn còn duy trì một số hạn chế vì lo ngại dịch bùng phát trở lại. Đại dịch COVID-19 hiện vẫn đang bùng phát mạnh tại nhiều nơi trên thế giới khiến nhu cầu hàng hóa tụt giảm sâu, hoạt động xuất nhập khẩu gần như đóng băng, từ đó tác động không nhỏ lên nền kinh tế Trung Quốc. Đây được xem là những trở ngại lớn cho các nỗ lực cứu vãn đà tụt giảm kinh tế của chính quyền Trung Quốc khiến các chuyên gia cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 vẫn chưa đến và sẽ đến vào cuối quý 2 hoặc quý 3.

Việc Trung Quốc từ bỏ chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay được xem là một thắng lợi của những người chủ trương cải cách ở Trung Quốc. Đồng thời đó còn là bước đầu tiên của một cuộc chuyển hướng mô hình điều hành tăng trưởng kinh tế. Phát biểu tại phiên họp tổ đại biểu để thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nếu không có đại dịch COVID-19, chỉ tiêu tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có thể là 6%.

Ông Tập cho rằng, việc đặt ra một chỉ tiêu tăng trưởng cho nền kinh tế sẽ tạo ra áp lực lớn cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô, bởi để đạt được chỉ tiêu đó chính quyền trung ương cần triển khai các gói kích thích tăng trưởng mạnh mẽ nhưng không có gì bảo đảm đạt mục tiêu đề ra. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nói thêm rằng, đất nước ông không thể và không nên quay trở lại với mô hình kinh tế kế hoạch hóa như hàng chục năm qua. Ông nhấn mạnh lập trường quan điểm của chính quyền Trung Quốc, đó là yếu tố thị trường ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

An Châu (Tổng hợp)
.
.