Trung Quốc - châu Âu: Gai góc đan xen hợp tác

Thứ Năm, 10/09/2020, 14:51
Mới đây, tại Đức, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kết thúc chuyến công du tới 5 nước châu Âu. Mục tiêu được đặt ra là một chuyến đi không quá nổi bật nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với các đồng minh châu Âu nhưng cùng với đó, những chủ đề gai góc như vấn đề Hong Kong hay người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng được đề cập đến.

Nói về thời điểm để ông Vương Nghị lựa chọn chuyến công du này - chuyến công du đầu tiên của ông kể từ tháng 2-2020 - là việc ông nhận thức rõ rằng một vài quốc gia châu Âu then chốt sẽ đưa ra những lựa chọn khó khăn liên quan tới Trung Quốc trong ngắn hạn, trong đó có quyết định về việc có cho phép Huawei tham gia mạng 5G của họ hay không. Lập luận mới đây của ông, ngay sau chuyến thăm gần đây nhất của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới châu Âu, là Bắc Kinh mới là đối tác đáng tin cậy hơn so với một Washington trong thời điểm hiện tại.

Italy, điểm dừng chân đầu tiên của ông Vương Nghị.

Châu Âu đang trở thành một chiến địa ngày càng quan trọng đối với Trung Quốc và cường quốc đang trỗi dậy này nhìn chung đang có được sức ảnh hưởng ngày càng tăng ở hầu hết các nước châu Âu trong những năm gần đây. Chẳng hạn, năm 2019, Italy đã trở thành quốc gia G7 đầu tiên tán thành Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI). Mặc dù Italy không phải lúc nào cũng được coi là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới nhưng sự tán thành của nước này có ý nghĩa một phần là vì Rome vẫn có tầm quan trọng mang tính hệ thống ở châu Âu. Italy không chỉ là một nước G7 mà còn là nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng euro và có lẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai của khu vực đồng tiền chung này vì Italy đang gánh khoản nợ lớn thứ 2 trong khối.

Ở Trung Âu và Đông Âu người ta cũng có thể cảm nhận được sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh, kể cả thông qua cái được gọi là các hội nghị "16+1" do Trung Quốc chủ trì, với mục tiêu là tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, vận tải, tài chính, khoa học, giáo dục và văn hóa. Tuy nhiên, ở khu vực Tây Âu, mối quan hệ giữa hai bên có vẻ như kém phần hiệu quả hơn, đặc biệt là kể từ khi đại dịch xuất hiện. Một số quốc gia tỏ ra quan ngại về tính minh bạch trong cách Trung Quốc đối phó với đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch COVID-19. Các nhà lãnh đạo ở khu vực này cũng đang phải chịu sức ép ngày càng lớn trong vấn đề 5G sau khi Mỹ, Anh và Australia quyết định không cho phép đưa công nghệ của Huawei vào mạng 5G của họ.

Những căng thẳng hiện tại trong quan hệ song phường nằm ngoài ý định của cả Trung Quốc lẫn châu Âu trong năm 2020. Hai bên thậm chí còn từng dự định đưa mối quan hệ kinh tế và chiến lược đi vào chiều sâu nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai bên trong năm 2020 này. Sự lạnh nhạt mới xuất hiện trong quan hệ hai bên thậm chí đã khiến người đứng đầu các vấn đề đối ngoại của EU Josep Borrell khẳng định rằng Trung Quốc không chỉ là đối tác kinh tế mà còn là đối thủ mang tính hệ thống đang tìm cách thúc đẩy một mô hình quản trị thay thế.

Một số quốc gia chủ chốt ở Tây Âu vẫn đang suy nghĩ thận trọng hơn về mối quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, với tình hình thực tế của mối quan hệ giữa 2 bên bờ Đại Tây Dương đang ngày cang trở nên trầm trọng, khó tháo gỡ thì "người khổng lồ" Trung Quốc xem ra vẫn là một sự lựa chọn khả dĩ nhất lúc này.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas đón tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Berlin.

Bởi thế, trong gần như hầu hết các cuộc gặp gỡ, đón tiếp Ngoại trưởng Vương Nghị, các nhà lãnh đạo châu Âu đã sáng suốt khi không chỉ nhấn mạnh những vấn đề gai góc giữa hai bên hiện nay mà còn đề cập tới những lĩnh vực hai bên có thể cùng quan tâm, trong đó có tầm quan trọng của một hệ thống thương mại cởi mở, đa phương và việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Một trong số đó là vấn đề nóng lên toàn cầu, lĩnh vực mà đã từ lâu cả Trung Quốc - châu Âu đã thiết lập đối thoại song phương có hiệu quả. Hai bên cam kết hợp tác phát triển một nền kinh tế carbon thấp và tiết kiệm chi phí, điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Washington đã từ bỏ nghị trình này.

EU và Trung Quốc cùng nhau chiếm khoảng 1/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Và tuyên bố song phương năm 2015 của hai bên về biến đổi khí hậu là một trong những động lực chính của Hiệp định Paris về nội dung này.

Các cuộc thảo luận EU - Trung Quốc về biến đổi khi hậu mang tính hợp tác là do về cơ bản, hai bên có chung tầm nhìn về một tương lai thịnh vượng, an toàn về năng lượng trong một môi trường ổn định, đồng thời nhận thức được sự cần thiết phải hợp tác song phương nhằm hiện thực hóa nghị trình này. Với tầm nhìn hợp tác, hai bên nhận thấy trước mắt cơ hội rất lớn để đôi bên cùng được hưởng lợi từ việc đẩy nhanh tiến trình chuyển hóa carbon thấp trong  tương lai.

Nhìn chung, bất chấp những căng thẳng sau đại dịch COVID-19 và những vấn đề còn tồn tại, cả châu Âu và Trung Quốc vẫn nhận thấy rằng họ có khả năng hưởng lợi nhiều từ quan hệ đối tác, nhất là khi nước Mỹ đang bị đánh giá là có thái độ "thiếu ổn định".

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.