Trung Quốc đầu tư mạnh nghiên cứu khoa học hỗ trợ vận động viên

Thứ Ba, 15/01/2008, 15:00
Thể thao đỉnh cao không chỉ phụ thuộc vào năng khiếu của các vận động viên (VĐV), đó là điều mà các nước có trình độ y học tiên tiến đã nhận ra từ lâu. Để VĐV có được trình độ thi đấu cao trên thao trường thế giới, những năm gần đây Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu khoa học hỗ trợ vận động VĐV.

Không chỉ trong quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội 2008, các VĐV Trung Quốc mới được hỗ trợ vận động từ các nhà nghiên cứu khoa học. Từ lâu, trách nhiệm và nghĩa vụ của các nhà khoa học Trung Quốc là hỗ trợ khoa học công nghệ và dịch vụ khoa học công nghệ đa phương diện cho tập luyện và thi đấu của thể thao.

Những dịch vụ khoa học công nghệ bao gồm giám sát vận động, hồi phục sức khỏe, cơ sinh học vận động, hóa sinh học vận động... nhằm hỗ trợ trong cả quá trình tập luyện cho mọi VĐV để hướng tới mục đích chinh phục thành tích cao nhất tại các đại hội thể thao trong khu vực và trên thế giới.

Và không phụ lòng trông đợi, nhiều năm trở lại đây, thể thao Trung Quốc không ngừng tiến bộ.

Vào năm 2000, đoàn thể thao Trung Quốc đứng thứ 3 trong bảng tổng sắp huy chương với 28 Huy chương Vàng tại Thế vận hội Sydney (Australia). Sau 4 năm, tại Thế vận hội Athens (Hy Lạp), đoàn thể thao Trung Quốc vươn lên đứng thứ 2 với 32 Huy chương Vàng.

Giải thích cho sự thăng tiến vượt bậc trên, ông Tưởng Chí Học, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Giáo dục Tổng cục Thể dục - thể thao Trung Quốc, cho biết: “Sở dĩ VĐV Trung Quốc không ngừng thu được thành tích xuất sắc là do họ nhận được sự hỗ trợ rất mạnh mẽ và liên tục của giới khoa học vận động Trung Quốc”.

Sự hỗ trợ này được thực hiện không chỉ bằng những lời động viên mà còn dựa trên cơ sở của các cuộc nghiên cứu quy mô lớn. Một ví dụ điển hình là trong toàn bộ quá trình tập luyện, việc điều chỉnh khối lượng vận động của một VĐV Đội tuyển Quốc gia Trung Quốc ngày nay hoàn toàn được thực hiện dưới sự giám sát của các nhà khoa học vận động.

Trước kia, việc giám sát tập luyện đều dựa vào kinh nghiệm của huấn luyện viên và của chính VĐV. Nhưng hiện nay, các nhà khoa học vận động của quốc gia này phải giám sát sự thay đổi các chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa của VĐV trong quá trình tập luyện, lượng hóa sự mệt mỏi của VĐV, qua đó cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh khối lượng tập luyện nên tăng hay giảm.

Như trường hợp VĐV Lưu Tường, người giữ kỷ lục thế giới chạy 110m vượt rào, nhà vô địch thế vận hội, một trong những VĐV xuất sắc nhất của Trung Quốc hiện nay, ông Tưởng Chí Học cho biết: “Đằng sau Lưu Tường có một nhóm nghiên cứu khoa học luôn giấu mặt. Việc giám sát khối lượng tập luyện, sinh lý và tâm lý của anh đều có các chuyên gia tư vấn. Khi cần chuyên gia cơ - sinh học đến phân tích động tác, sẽ có nhiều chuyên gia đến tiến hành phân tích cho anh.

Sau khi phân tích kỹ thuật động tác, những nhân viên giám sát khối lượng tập luyện sẽ có mặt nhằm đáp ứng nhu cầu trong các giai đoạn khác nhau. Người VĐV sẽ được đảm bảo tập luyện các bài tập chất lượng cao nhưng vẫn phù hợp với cơ thể, tập luyện trong môi trường tốt nhất với tâm lý thoải mái nhất”.

Và không chỉ một mình Lưu Tường được hỗ trợ tối đa như vậy. Nhiều VĐV xuất sắc của Trung Quốc đều đang được sự chỉ đạo của các nhà khoa học vận động, những người làm việc cùng với các đội tuyển quốc gia như điền kinh, bóng bàn, thể dục dụng cụ, bơi lội... Khi VĐV tập luyện, các cán bộ nghiên cứu bộ môn này cũng phải theo dõi sát sao mọi chỉ số.

Khi VĐV thi đấu, họ cũng vẫn phải làm phần việc của mình. Tất cả là vì mục đích hỗ trợ tối đa các VĐV phát huy năng lực tiềm ẩn của mình và hướng tới những tấm huy chương vàng.

Ông Tưởng và đội ngũ những nhà nghiên cứu khoa học vận động tự hào cho rằng: “Đằng sau của sự cạnh tranh thi đấu thể thao là sự cạnh tranh của khoa học công nghệ. Thể thao Trung Quốc phát triển đến trình độ cao như hiện nay đã nói lên sự hỗ trợ mạnh mẽ của phát triển khoa học vận động đối với thể thao".

Những cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học vận động trong các đội tuyển quốc gia Trung Quốc, có người làm việc trong một thời gian, có người theo một hoặc vài bộ môn liên quan trực tiếp đến nhau.

Luôn có hàng trăm người hoạt động âm thầm đằng sau các tuyển thủ nhưng vì nguyên nhân lịch sử, trong nhiều tổ chức khoa học vận động quốc tế vẫn vắng mặt đại diện Trung Quốc.

Nhưng có lẽ năm 2008 này, thế giới sẽ biết đến ngành khoa học nhiều hơn. Trước hết là vì Thế vận hội 2008 diễn ra tại Bắc Kinh và quan trọng hơn, đầu tháng 8/2008, tại Quảng Châu sẽ diễn ra Hội nghị Khoa học Olympic 2008 do Hội đồng Khoa học và Giáo dục thể thao quốc tế, Liên đoàn Y học thể thao quốc tế, Ủy ban Olympic quốc tế và Ủy ban Olympic Người khuyết tật quốc tế cùng phối hợp tổ chức.

Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của 2.500 đại biểu, 12 nhà khoa học có ảnh hưởng trong giới khoa học trên thế giới sẽ đọc báo cáo chuyên đề, trong đó nhiều nhà khoa học vận động Trung Quốc lần đầu tiên trình bày báo cáo tại hội nghị. Điều này nói lên khoa học hỗ trợ VĐV của Trung Quốc góp tiếng nói có trọng lượng hơn trong phạm vi nền khoa học vận động của toàn thế giới

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.