Trung Quốc nỗ lực giải cứu nền kinh tế

Thứ Hai, 22/06/2020, 22:53
Trong khi đại dịch COVID-19 đang có nguy cơ quay trở lại ngay tại thủ đô Bắc Kinh thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung Quốc là tìm cách vực dậy nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề thời gian qua.

Trong báo cáo công tác chính phủ vào đầu phiên họp thường niên của Quốc hội ngày 22-5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không đặt ra mục tiêu tăng trưởng - vốn là thông lệ của chính quyền trung ương kể từ năm 1994 nhằm chỉ đạo phát triển kinh tế và đo lường hiệu suất của chính phủ. Thay vào đó, ông nhấn mạnh việc bảo vệ công ăn việc làm và mức sống, xóa đói giảm nghèo, đồng thời chú trọng duy trì sự ổn định xã hội.

Phát biểu trước báo chí về nỗ lực tạo công ăn việc làm của chính phủ do nền kinh tế chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19, ông Lý Khắc Cường đã khen ngợi Thành Đô vì đã hỗ trợ khôi phục các quầy hàng rong trên đường phố để tạo ra 100.000 việc làm mới. Động thái của thành phố 16,3 triệu dân ở miền Tây Trung Quốc này đã gây nhiều tranh cãi vì nó đi ngược lại mục tiêu quốc gia là làm đẹp bộ mặt đô thị bằng cách loại bỏ các quầy hàng rong, vốn bị đổ lỗi là gây ra các vấn nạn đô thị như vấn đề giao thông và tình trạng mất vệ sinh.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Trung Quốc hiện đóng góp 60% GDP và sử dụng hơn 80% lực lượng lao động.

Tuy nhiên, những thời khắc đen tối đôi khi lại cần tới những hành động khác thường. Tỷ lệ thất nghiệp vốn đã gia tăng do cuộc chiến thương mại và công nghệ kéo dài với Mỹ nay càng trở nên nghiêm trọng do đại dịch. Tính đến tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã tăng lên 6% từ mức 5% trong cùng kỳ năm 2019. Đó là chưa kể các lao động từ nông thôn ra thành phố làm việc. Nếu tính cả họ, con số thất nghiệp sẽ còn tệ hơn nhiều: 20,5% tương đương với 70 triệu người, theo một báo cáo.

Gói cứu trợ bao gồm cắt giảm chi phí tương đương 4.000 tỷ nhân dân tệ cho các nhà máy cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang gặp khó khăn sau đại dịch. Sự hỗ trợ này bao gồm dưới hình thức miễn thuế, giảm lãi suất ngân hàng và phí tiện ích, miễn các khoản đóng góp cho các quỹ phúc lợi xã hội, là động thái cứu trợ mới nhất của Chính phủ Trung Quốc sau gói kích thích chi tiêu tài chính và phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 2.000 tỷ nhân dân tệ.

Phần lớn các nhà phân tích đánh giá tích cực việc Trung Quốc từ bỏ chỉ tiêu tăng trưởng trong năm nay. Theo đánh giá của Tommy Xie, chuyên gia của Ngân hàng OCBC, đây là hành động thiết thực, phát tín hiệu tới thị trường rằng Trung Quốc vẫn đang tìm cách tạo thế cân bằng giữa duy trì mục tiêu tăng trưởng và hạn chế rủi ro. Việc không đặt ra mục tiêu cụ thể giúp tránh kích thích quá mức trong ngắn hạn có thể dẫn tới các bong bóng tài sản. Điều đó cũng giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm không gian để điều chỉnh nhịp độ và cường độ của chính sách vào thời điểm nhiều bất ổn.

Và theo một số nhà phân tích, bản thân các biện pháp mà chính phủ thực hiện, chẳng hạn như tạo việc làm, kích thích tài chính và tăng trưởng cung tiền M2, bản thân nó đã hàm chứa mục tiêu tăng trưởng GDP, rơi vào khoảng 2%. Từ năm 2010, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng gấp đôi GDP và thu nhập vào cuối năm 2020 nhằm hoàn thiện việc xây dựng xã hội khá giả toàn diện. Mặc dù không thể đạt mục tiêu tăng gấp đôi GDP, điều đòi hỏi tăng trưởng phải trên 5% nhưng nếu với các biện pháp hiện tại, Trung Quốc có thể tăng gấp đôi thu nhập nếu tăng trưởng 1,75%.

Bên cạnh đó, việc tìm ra mức thanh khoản phù hợp cũng như cải cách và mở cửa hơn nữa cũng là 2 biện pháp được Chính phủ Trung Quốc hướng tới để vực dậy nền kinh tế. Do mức nợ công và nợ doanh nghiệp vốn đã cao - tỷ lệ nợ/GDP của hai khu vực này lần lượt là 270% và 156,7% - nên Trung Quốc không thể áp dụng lại chiến lược mà nước này từng sử dụng để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 được. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đưa ra gói kích thích lớn trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ. Chi tiêu công dựa trên các khoản nợ đã khiến đất nước lúc ấy ngập trong nợ nần.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng chìa khóa chính là sự thận trọng. Các nhà phân tích ước tính rằng gói kích thích sẽ tương đương khoảng 8-9% GDP danh nghĩa. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Trung Quốc hiện đóng góp 60% GDP và sử dụng hơn 80% lực lượng lao động đang nhận được nhiều hỗ trợ, trong đó có việc gia hạn thanh toán gốc và lãi đối với các khoản vay cho đến cuối tháng 3-2021. Các ngân hàng lớn cũng được chỉ đạo để tăng thêm 40% vốn vay cho các doanh nghiệp này.

Ông Lý Khắc Cường cho biết các khoản đầu tư sẽ được ưu tiên dành cho cơ sở hạ tầng và các sáng kiến đô thị hóa mới, không chỉ thúc đẩy tiêu dùng mà còn tạo điều kiện điều chỉnh cơ cấu và đẩy mạnh tăng trưởng bền vững. Các sáng kiến đô thị hóa mới bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ công tại các địa phương để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân nông thôn là làm việc và định cư tại các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cam kết đảm bảo môi trường thuận lợi để phát triển khu vực tư nhân bằng cách cho phép các doanh nghiệp tư nhân có quyền tiếp cận bình đẳng tới các yếu tố sản xuất và hỗ trợ chính sách. Theo truyền thống, các doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi hơn trong việc tiếp cận các khoản vay và trợ cấp so với doanh nghiệp tư nhân, và nhiều người đã kêu gọi cân bằng sân chơi cho các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân, trong đó có cả các doanh nghiệp nước ngoài.

Chính phủ khuyến khích nâng cao sản xuất bao gồm thông qua việc sử dụng mạng Internet công nghiệp, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và dịch vụ trực tuyến. Trung Quốc muốn thúc đẩy tiêu dùng trong nước vào thời điểm nhu cầu ở nước ngoài đã suy giảm và môi trường bên trong ngoài ngày càng bất ổn.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng được hưởng lợi với những lời hứa hẹn mở cửa nền kinh tế hơn nữa bằng cách rút ngắn danh sách hạn chế đầu tư nước ngoài và củng cố một thị trường trong đó tất cả các công ty được đối xử bình đẳng và cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, một số tỏ ra hoài nghi bởi những lời hứa hẹn tương tự cũng từng được đưa ra nhưng chưa trở thành hiện thực.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.