Trung Quốc trên bước đường chinh phục châu Âu

Chủ Nhật, 10/10/2010, 17:35
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến nhiều quốc gia châu Âu gặp nguy. Trung Quốc và các quốc gia châu Á đang là đầu tàu kéo nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng. Trong bối cảnh ấy, vị thế kinh tế của Trung Quốc càng được nâng lên nhân chuyến thăm 4 nước châu Âu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo và họp bàn với lãnh đạo châu lục này về vấn đề cải tổ hệ thống tài chính quốc tế.

Kinh tế thế giới đang có dấu hiệu hồi phục dần, song vẫn chưa ổn định. Tất cả các nước cần phối hợp chặt chẽ chính sách kinh tế vĩ mô để nền kinh tế thế giới sớm được hồi phục hoàn toàn. Đó là đánh giá của Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo được nêu trong tuyên bố chung nhân kết thúc chuyến thăm chính thức của ông Ôn Gia Bảo, và là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Trung Quốc tới Hy Lạp trong 24 năm qua. Tuyên bố chung nhấn mạnh Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) về tăng cường giám sát các công ty chuyên đánh giá, xếp hạng các nền kinh tế và thường xuyên công bố thông tin về hoạt động của các công ty này, đồng thời sớm thành lập một cơ quan đánh giá xếp hạng của châu Âu.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo gọi Hy Lạp là một trong các đối tác đáng tin cậy nhất tại châu Âu. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói Bắc Kinh sẽ mua trái phiếu của Chính phủ Hy Lạp khi Hy Lạp bắt đầu gây quỹ trở lại trên thị trường quốc tế. Ông cũng ký những thỏa thuận nhằm mở rộng mậu dịch và giúp tăng tiến ngành hàng hải của Hy Lạp. Hy Lạp hiện rất cần đầu tư quốc tế kể từ khi tránh được một cách khít khao sự sụp đổ về tài chính trước đây. Thủ tướng Hy Lạp thừa nhận rằng những thỏa thuận vừa được ký kết với Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng đáng kể. Ông Ôn Gia Bảo tuyên bố Trung Quốc sẽ nỗ lực giúp các quốc gia châu Âu đang gặp khó khăn vượt qua được cơn khủng hoảng tài chính.

Phát biểu trước Quốc hội Hy Lạp, ông Ôn Gia Bảo nói rằng Trung Quốc ủng hộ một đồng euro ổn định, đang tìm cách cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển hợp tác trong lĩnh vực công nghệ.

Hy Lạp là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tới 4 quốc gia, gồm Hy Lạp, Bỉ, Italia và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau chuyến thăm Hy Lạp, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã sang Bỉ họp với các cấp lãnh đạo châu Âu liên quan đến vấn đề tài chính và khủng hoảng.

Liên quan tới vấn đề này, lãnh đạo châu Âu đang đưa ra sáng kiến đánh thuế các ngân hàng trong toàn khối EU để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng tương tự tái diễn. Cách nay đúng 2 năm, ngân hàng Mỹ Lehman Brother bị phá sản. Sự "sụp đổ hoàn toàn của mô hình tài chính" thế giới, vốn đã liên tục trải qua các cuộc khủng hoảng kinh tế, dẫn đến hậu quả là một số quốc gia bị đe dọa mất khả năng thanh toán. Ngay từ mùa thu 2008, cả thế giới đồng loạt lên án những hoạt động bất cẩn của giới tài chính, ngân hàng, nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng. Hai năm sau, công cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đã được tiến hành đến đâu? Cho đến nay, cơn chấn động đó vẫn còn để lại dư âm đối với Mỹ và EU: thất nghiệp gia tăng, nhiều hoạt động kinh tế bị chựng lại.

Theo giới chuyên gia trong ngành, những bước tiến nói trên tuy quan trọng nhưng không đầy đủ. Về điểm này Giáo sư Joseph Stiglitz, giải thưởng Nobel Kinh tế 2001 nhận xét: "Hiệp ước Bâle III về quản lý ngân hàng mà châu Âu vừa cho ra đời chỉ chú trọng vào việc bắt các cơ quan tài chính nâng vốn thay vì phải giới hạn bớt một vài hoạt động phụ của các ngân hàng. Đối với Mỹ chẳng hạn, luật tài chính mới ít quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi của các thân chủ ngân hàng".

Sau khủng hoảng mùa thu 2008, nhiều ngân hàng nhỏ ở Mỹ đã sáp nhập hoạt động vào với các đối tác lớn hơn để tiếp tục tồn tại. Do vậy, trọng lượng của một vài ngân hàng Mỹ giờ đây, theo Giáo sư Stiglitz, còn lớn hơn so với thời kỳ tiền khủng hoảng. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra nếu như trong tương lai một "ông khổng lồ" của ngành tài chính như JP Morgan Chase  hay Goldman Sachs chẳng hạn, sa cơ lỡ bước? Theo chuyên gia kinh tế thuộc Đại học American Univerity tại Paris, giả thuyết Chính phủ Mỹ bỏ rơi các tập đoàn ngân hàng này là điều không tưởng.

Hai năm sau khi đã được các chính phủ trợ giúp phần lớn các ngân hàng của châu Âu và Mỹ đã bình phục. Năm 2009, các tập đoàn ngân hàng của phương Tây đã phải cầm cự trong lúc trị giá cổ phiếu tuột dốc không phanh, vì các khoản nợ xấu. Từ đầu năm tới nay, vào lúc EU phải đương đầu với khủng hoảng Hy Lạp, dư luận lo ngại các ngân hàng châu Âu khó đứng vững. Nhưng kịch bản đen tối đó đã không xảy ra.

Bằng chứng rõ rệt nhất là trong cuộc trắc nghiệm về tính vững chắc của các ngân hàng châu Âu gần đây, chỉ có 7 trên tổng số 91 ngân hàng tham dự "stress test" không vượt qua được các quy định đề ra. 91 ngân hàng tham dự xét nghiệm năm nay đại diện cho 65% các hoạt động tài chính ngân hàng của EU. Cuộc trắc nghiệm này nhằm xem xét khoản tài sản tịnh trên thực tế của các ngân hàng có đủ sức để đương đầu với một cơn bão tài chính còn nghiêm trọng hơn so với vụ phá sản của Lehman Brothers hồi tháng 9/2008 hay không.

Tại châu Âu, hiện nay, 2/3 các hoạt động kinh tế lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Ở Mỹ, tỉ lệ này là 1/3. Trong 2 năm qua, ngành ngân hàng đã tạm ổn định, nhưng theo giới quan sát, đây mới chỉ là một sự bình phục nửa chừng.

Tại Mỹ, đến nay, vẫn còn trên 800 ngân hàng bị đe dọa phá sản. Ở châu Âu, nhiều ngân hàng của Tây Ban Nha và thậm chí của cả Đức cũng bị coi là có nguy cơ bị suy sụp. Trong bối cảnh đó,  Giáo sư Joseph Stiglitz khẳng định là châu Âu và Mỹ chưa thoát khỏi khủng hoảng.

Căn cứ vào vào trường hợp của Pháp, tai họa Lehman Brothers vẫn còn rõ rệt và đang đè nặng lên tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Pháp, thị trường lao động, cán cân chi thu của nhà nước, túi tiền của tư nhân. Giới chuyên gia nói nhiều đến một sự phục hồi kinh tế, kể từ giữa năm 2009. Nhưng đối với phần lớn dư luận thì khủng hoảng vẫn còn chưa đi qua: tỉ lệ tăng trưởng kinh tế chỉ bằng 1/3 so với trước đợt sóng thần tài chính.

Theo Viện Thống kê quốc gia INSEE, kim ngạch sản xuất của Pháp trong quý II vừa qua chỉ đạt hơn 405 tỉ euro, giảm mất 2,1% so với quý II 2008, thời kỳ thịnh vượng nhất trước khủng hoảng. Nhưng nếu nhìn từ góc độ tiềm năng phát triển, thì sự tụt lùi không chỉ là 2,1% mà còn tai hại hơn rất nhiều.

Một hậu quả khác nữa là thâm thủng ngân sách nhà nước đã gia tăng: từ 2,7% GDP vào năm 2007 lên tới 7,5% vào năm 2009 thay vì 3% như tiêu chuẩn của khối euro. Vào lúc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến khủng hoảng về khả năng thanh toán tại một số quốc gia, EU liên tục đòi các nước tham gia khối Euro trở lại với tiêu chuẩn 3% GDP thâm hụt ngân sách nhà nước.

Nhưng theo quan điểm của Giáo sư Joseph Stiglitz thì đòi hỏi châu Âu cân bằng khóa ngân sách, áp dụng chính sách hà khắc là một sai lầm: "GDP tại các nước áp dụng chính sách cắt giảm chi tiêu đều tuột giảm và họ gặp phải rất nhiều khó khăn. Khổ tâm hơn nữa là giải pháp này tạo nên một cái vòng luẩn quẩn, và không thể cho phép thực hiện các biện pháp cải tổ tài chính như mong đợi. Giải pháp này lại càng không thích hợp khi toàn cầu đang lâm vào tình trạng đình đốn như hiện nay. Nói cách khác, vẫn theo ông Joseph Stiglitz là chúng ta có một cái nhìn quá thiển cận về vấn đề thâm hụt ngân sách

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.