Trung tâm Cứu hộ gấu ở Việt Nam đang chờ… gấu

Thứ Hai, 14/04/2008, 15:45

Tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, Tổ chức Động vật hoang dã châu Á (AAF) đã và đang đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam có các trang thiết bị vào loại hiện đại nhất châu Á với quy mô nuôi dưỡng, chăm sóc được ít nhất 100 chú gấu. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của những người phụ trách trung tâm này là không biết bao giờ mới có gấu để cứu hộ, mặc dù tình trạng nuôi nhốt gấu trái phép hiện nay vẫn diễn ra...

Trung tâm cứu hộ gấu hiện đại nhất Đông Nam Á

Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Giám đốc trung tâm, là một Việt kiều, quốc tịch  Australia. Cùng gia đình sang định cư ở Australia từ năm 1973, vì thế mặc dù nói tiếng Việt khá lưu loát, nhưng thỉnh thoảng anh vẫn bối rối vì... bí từ.

Ông Tuấn Bendixsen từng là nhân viên của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (undp) tại Việt Nam. Nhưng rồi từ 3 năm nay, như một mối “duyên nợ” với loài gấu, anh chuyển sang làm chuyên gia của AAF.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Tuấn kể rằng ý tưởng xây dựng Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam bắt đầu từ cuối năm 2005. Thời điểm đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Quyết định 02 về Quản lý gấu nuôi nhốt, toàn bộ hơn 4.000 con gấu nuôi nhốt được đăng ký và gắn chíp điện tử, giúp cơ quan chức năng có thể nhận diện chính xác từng con đã được đăng ký.

Mục tiêu của quyết định này là nhằm ngăn chặn nạn buôn bán và nuôi nhốt gấu thông qua việc đăng ký những cá thể gấu đang bị nuôi nhốt và ngăn không cho những con gấu mới bị buôn bán.

Với mục đích hỗ trợ cơ quan chức năng Việt Nam có cơ sở vật chất để thực thi pháp luật trong công tác xử lý nuôi nhốt gấu trái phép, tại cuộc họp với Cục Kiểm lâm cuối năm 2005, AAF đã ký kết thỏa thuận đầu tư xây dựng Trung tâm Cứu hộ gấu tại Việt Nam.

Theo thỏa thuận, AAF sẽ đầu tư tài chính để xây dựng một trung tâm cứu hộ gấu với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại. AAF sẽ trực tiếp quản lý trung tâm trong 20 năm, sau đó sẽ chuyển giao cho Việt Nam. Trong thời gian này AAF sẽ lo toàn bộ kinh phí hoạt động đồng thời chuyển giao kỹ thuật và đào tạo cán bộ, nhân viên Việt Nam. Sau khi khảo sát, địa điểm được chọn để xây dựng trung tâm là Vườn Quốc gia Tam Đảo.

Cuối năm 2006, trung tâm bắt đầu được khởi công, nhưng nhà thầu đầu tiên nhận xây dựng sau khi bắt tay vào làm một thời gian đã phải “bỏ của chạy lấy người”. Sau đó, dự án lại phải chọn một nhà thầu khác và đưa họ sang trung tâm cứu hộ gấu ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc (trung tâm này cũng do AAF xây dựng cách đây 8 năm và hiện đang nuôi dưỡng tới 500 cá thể gấu) tham quan trở về họ mới làm được. Vì thế mà tới tháng 3 vừa rồi trung tâm mới hoàn thành.

Giám đốc Tuấn  Bendixsen và Trung tâm Cứu hộ gấu đang chờ gấu để cứu hộ.

Đưa tôi đi tham quan khu vực nuôi dưỡng gấu, ông Tuấn cho biết trung tâm này được xây dựng theo mô hình trung tâm cứu hộ gấu ở Thành Đô. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm trong quá trình vận hành Trung tâm Cứu hộ gấu Thành Đô, khi xây dựng Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, mọi bất hợp lý đã được khắc phục ngay từ khi xây dựng.

Ngoài khu nhà hành chính là 3 dãy chuồng nuôi và 1 khu chế biến thức ăn. Tất cả được xây kiên cố và khá đẹp mắt với hệ thống xử lý nước thải khép kín.

Tôi theo ông Tuấn vào khu nuôi nhốt gấu và thực sự “choáng” vì được xây chắc chắn và... quá đẹp. Trên mặt sàn láng xi măng, chạy suốt dãy nhà dài hơn 20 mét là hai dãy chuồng xây theo kiểu “chuồng cọp” bằng sắt với những thanh sắt to cỡ nửa cổ tay.

Mỗi dãy gồm 12 ô được cách ly với nhau bằng lớp rào sắt nhưng có cửa thông nhau để khi cần có thể mở cho gấu... “giao lưu” với nhau. Trong mỗi ô rộng gần 10m2 có 2 cái “võng” làm bằng sắt đặt cách mặt đất gần 1 mét có cầu thang để lên. Thấy tôi ngạc nhiên, ông Tuấn giải thích đấy vừa để làm “giường” cho gấu ngủ vừa để chúng có chỗ leo trèo.

Hiện trung tâm có hai dãy nhà như vậy với tổng cộng 48 ô, có thể nuôi cùng lúc ít nhất 100 chú gấu. Tất cả những con gấu khi mới được đưa về trung tâm sẽ được nuôi trong khu nhà này.

Để đề phòng gấu “nổi loạn”, trên trần của dãy chuồng nuôi cũng được hàn bằng thép để nhân viên có thể đi lại được và nếu cần có thể đứng từ trên “dẹp loạn”. Không những thế, đề phòng gấu sổng chuồng, ở hai đầu dãy nhà là hai tấm cửa sắt dày rất kiên cố.

Là trung tâm cứu hộ, tức là những con gấu trước khi được đưa về đây đã bị đày ải một thời gian dài nên sức khỏe thường rất kém, vì vậy chế độ dinh dưỡng cũng được quan tâm đặc biệt. Hiện thức ăn chuyên dùng bổ sung dinh dưỡng cho gấu đã được nhập từ Mỹ về đầy một kho.

Theo định mức tại trung tâm, một con gấu khi được đưa về đây cứu hộ, mỗi ngày sẽ được ăn 1kg thức ăn dinh dưỡng và 3 đến 5kg rau, củ, quả các loại.... Theo ước tính sơ bộ thì tổng chi phí cho một con gấu khi nuôi dưỡng tại trung tâm khoảng 100.000 đồng/ngày.

Do là trung tâm cứu hộ nên ở đây còn có cả một “bệnh viện” của gấu gồm 1 phòng mổ với đầy đủ trang thiết bị phẫu thuật hiện đại và phòng điều trị.

Chỉ hàng rào bao quanh toàn bằng lưới B40 cao tới hơn 4 mét và hệ thống dây điện trần giăng bên trên, ông Tuấn bảo rằng, ngoài phòng ngừa kẻ xấu đột nhập thì đây cũng là phương án phòng xa nếu gấu thoát ra ngoài.

Vì gấu là loài leo trèo rất giỏi nên bờ rào dù đã rất cao nhưng vẫn phải có thêm dây điện trần. Thậm chí ngay cái cột đèn cao áp đặt sát bờ rào cũng phải giăng dây điện xung quanh thân cột đèn.

Theo ông Tuấn, toàn bộ nước thải của trung tâm đều được xử lý khép kín và nước thải sau khi được xử lý sẽ thành nước sạch để tái sử dụng chứ không thải ra Vườn Quốc gia...

Tuy nhiên, khu 1,2 ha này mới chỉ là giai đoạn 1 của dự án. Sau khi gấu đã bình phục hoàn toàn, sẽ được chuyển sang khu bán hoang dã bên cạnh rộng tới hơn 10 ha. Hiện đề án xây dựng khu bán hoang dã đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt và trình lên Thủ tướng. Nếu không có gì thay đổi, khoảng tháng 7 năm nay sẽ bắt đầu triển khai xây dựng.

Khu vực bán hoang dã có điều kiện gần giống với tự nhiên, có hàng rào bảo vệ để đưa các cá thể gấu đã bình phục ra sinh sống, phục hồi các bản năng tự nhiên. Theo ước tính, tổng chi phí để xây dựng trung tâm này lên tới 60 tỉ đồng.

Để vận hành toàn bộ hệ thống này, hiện trung tâm đã có 20 cán bộ, nhân viên gồm 1 bác sĩ thú y người Australia, 2 y tá thú y người Anh và người Hà Lan, 3 chuyên gia chăm sóc và 17 nhân viên người Việt Nam.

“Tôi có thể khẳng định rằng với cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ như hiện nay, đây là trung tâm cứu hộ gấu hiện đại nhất châu Á và điều kiện cho gấu sinh sống tại đây tốt gấp nhiều lần so với các cơ sở nuôi nhốt tư nhân” - ông Tuấn nói.--PageBreak--

Bao giờ gấu về trung tâm cứu hộ?

Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của ông Tuấn là không biết bao giờ mới có gấu để mà... cứu hộ.

Mặc dù theo quy định thì sau thời hạn cuối cùng vào ngày 28/2/2005, mọi cá thể gấu không đăng ký, gắn chíp bị phát hiện trong các trang trại hay bị buôn bán đều được coi là bất hợp pháp; đồng thời chủ sở hữu của chúng sẽ bị khởi tố.

Quyết định số 47/2006/QĐ-BNN ban hành vào ngày 6/6/2006 về Quy chế quản lý gấu nuôi cũng đã nhấn mạnh nội dung này trong Điều 4 Khoản 2 rằng, những cá thể gấu không được gắn chíp sẽ bị tịch thu. Tuy nhiên tình trạng vi phạm vẫn diễn ra.

Trong số những vụ đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, lớn nhất là vụ việc xảy ra tháng 9/2007, qua kiểm tra 6 cơ sở nuôi nhốt gấu ở tỉnh Quảng Ninh (1 ở huyện Yên Hưng, 5 ở TP Hạ Long) với 281 con gấu nuôi (trong đó chủ nuôi nhiều nhất 60 con, chủ nuôi ít nhất 16 con, đã phát hiện các chủ nuôi nhốt đều không có giấy phép nuôi nhốt theo quy định; 80 con không gắn chíp điện tử theo dõi; 1 điểm nuôi có dấu hiệu lấy mật trái phép.

Gấu bị nhốt trái phép tại một cơ sở ở Quảng Ninh bị cơ quan chức năng phát hiện tháng 9/2007.

Mặc dù Quyết định số 47/2006/QĐ- BNN đã nêu rõ việc quản lý và xử lý gấu nuôi nhốt. Đó là: Chỉ những cá thể gấu đã lập hồ sơ quản lý, gắn chíp điện tử theo quy định tại Quyết định 02/2005 mới được phép tiếp tục nuôi.

Mọi cá thể gấu nuôi trái với quy định này đều bị tịch thu. Chủ nuôi cá thể gấu đó phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định hiện hành của pháp luật (Điều 2). Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về quản lý gấu nuôi và các quy định của pháp luật, căn cứ mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Tuy nhiên sau rất nhiều cuộc họp, các cơ quan chức năng vẫn không đưa ra được quyết định cụ thể về việc xử lý.

Ngày 10/3/2008, Bộ NN&PTNT có Công văn số 568/BNN-KL gửi Thủ tướng Chính phủ “xin chủ trương xử lý những trường hợp mua, nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trái phép". Theo đó, với tang vật là gấu sống, Bộ NN&PTNT đề xuất:

Những cá thể gấu đã được lập hồ sơ quản lý và gắn chíp điện tử được nuôi do mua bán bất hợp pháp, sau khi xử phạt người có hành vi vi phạm hành chính, giao chính quyền địa phương hướng dẫn người nuôi hoàn thiện thủ tục để họ tiếp tục nuôi theo Quyết định 47.

Những cá thể gấu nuôi không gắn chíp điện tử (được mua của người săn bắt tự nhiên để nuôi trái phép sau thời điểm gắn chíp điện tử và ký cam kết không vi phạm).

Sau khi xử phạt người có hành vi vi phạm hành chính, giao cho chính quyền địa phương hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân tiếp tục nuôi những cá thể gấu hiện có, nếu đảm bảo về điều kiện nuôi quy định tại Nghị định số 82/ 2006.

Trường hợp người nuôi không theo quy định này thì tịch thu. Số cá thể gấu tịch thu sẽ giao cho các trung tâm cứu hộ, vườn thú, cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo... có khả năng nuôi dưỡng vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, đào tạo, biểu diễn nghệ thuật, hoặc giao cho một số cơ sở nghiên cứu nuôi sinh sản để duy trì và phát triển nguồn giống cung cấp cho các cơ sở nuôi hợp pháp.

Những cá thể ốm yếu bệnh tật không có khả năng nuôi lâu dài thì tổ chức tiêu hủy...

Sau khi có văn bản này, ngày 31/3/2008, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký Công văn số 478/TTg-NN, đồng ý với đề nghị của Bộ NN&PTNT tại công văn 568.

Thủ tướng cũng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể và kiểm tra các địa phương triển khai xử lý nghiêm các trường hợp săn bắt, mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm theo đúng quy định của luật pháp hiện hành.

Như vậy, có thể phải sau đợt kiểm tra này, Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam mới có cơ hội tiếp nhận gấu để cứu hộ.

Lại phát hiện một cơ sở nuôi gấu ở Quảng Ninh vi phạm

Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát Môi trường (C36) - Bộ Công an, ngày 12/3/2008, PC36 Quảng Ninh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh tiến hành kiểm tra tại cơ sở nuôi nhốt gấu của ông Nguyễn Thanh Nhượng tại Cầu Trắng, Đại Yên, TP Hạ Long, thấy có tổng số 83 con gấu, trong đó có 62 con là gấu được nuôi nhốt từ trước, còn lại 21 con gấu ngựa được đưa về nuôi nhốt trong thời gian từ ngày 5 đến ngày 8/3/2008.

21 con này thì có 10 con được chuyển về từ cơ sở nuôi gấu của ông Hoàng Văn Hải tại Cụm 9, thôn Nam, xã Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Tây,  không có giấy phép vận chuyển.

Theo trình bày của ông Nhượng, 21 con gấu ngựa này đều được gắn chíp để quản lý. Nhưng cơ quan chức năng chưa kiểm tra được việc gắn chíp số gấu trên.

Hiện PC36 Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh xác minh làm rõ để báo cáo cấp có thẩm quyền xin ý kiến xử lý.

Nguyễn Thiêm
.
.