Trùng tu di tích: Trông người mà ngẫm đến ta

Thứ Sáu, 22/05/2009, 11:15
Di tích đang là vấn đề nhức nhối với mọi người đang quan tâm đến vốn quý di sản dân tộc. Thử dạo một vòng quanh các nước để xem họ xử lý vấn đề di tích ra sao?

Thực trạng công việc trùng tu di tích

Nói một cách không ngoa, dưới gầm trời nước Việt đang diễn ra một “cao trào” hủy diệt di tích một cách... không thể êm ái hơn được nữa. Nhiều di tích được trùng tu xong, các bên đều phấn khởi. Dân làng thấy di tích khang trang ra, cái gì cũng mới mẻ, cái gì cũng hào nhoáng, cái gì cũng vững chắc. Nhà thầu trùng tu di tích thì bộn bề thu hoạch. Các bên đều... thắng. Thế thì có gì còn phải nói nữa?

Xem ra như vậy mà không phải vậy. Các cụ bô lão trong làng cứ đứng ngồi không yên, như vừa bị mất đi một cái gì quý lắm từ trong tâm thức sâu thẳm. Mái đình xưa rêu phong phủ kín, đà đao cong vút nay còn đâu? Thay vào đó một cái đình, cũng vẫn chỗ đó, nhưng xây mới từ móng đến mái.

Nhang nhác giống đình xưa mà lòe loẹt hơn, “hiện đại” với đèn chùm, tượng cổ thì sơn toàn bằng sơn công nghiệp chứ không phải sơn ta, vừa ánh lên cái sắc chói của màu công nghiệp lại vừa không toát được cái gam trầm ấm của màu sơn ta ngàn đời vẫn vậy.

Chưa kể, dùng sơn công nghiệp thì làm cho tượng cổ chóng hỏng hơn nhiều lần. Những gì mà người xưa gửi gắm trong nét chạm trổ trên phù điêu gỗ, đều có sự tích tâm linh cả đấy mà một sớm một chiều bị vứt bỏ không thương tiếc, thay vào những mảng chạm khắc thô thiển mới toanh, vô hồn, làm khoán cho nhanh mà không hiểu ý nghĩa các biểu tượng trang trí.

Cũng không thể trách được các kíp thợ vì đâu có được đào tạo bài bản, cũng không được như các cụ xưa, mỗi khi xây đình thì lại là dịp đàm đạo cái hay cái đẹp của từng sự tích trước khi cho thợ, mà phải là thợ giỏi của vùng thể hiện lên chỗ trang trọng nhất của làng.

Việc trùng tu di tích hiện nay, khác nào đập vỡ cái bình cổ men ngọc thời Lý đi, rồi thuê thợ Bát Tràng làm một cái bình từa tựa cái bình đó có khi còn long lanh hơn, mà gọi là bảo tồn di sản quý ư? Tiếc thay, đang có nhiều làng quê đang làm cái việc... đập vỡ bình thời Lý như thế đấy.

Thế là, chỉ vài năm thôi, chúng ta đã mất đi nhiều đình cổ, chùa cổ. Mất thật sự, theo đúng nghĩa đen. Lỗi tại ai vậy? Có người đổ cho dân trí thấp, cứ thấy cái gì mới, hoa hòe hoa sói thì thích hơn cái cũ. Nhưng cũng không thể không nói đến lỗi của “quan trí”, chưa thật am hiểu vấn đề trùng tu di tích, cũng lại chưa có những chế tài để xử lý những sai sót trong việc trùng tu.

Nhưng có lẽ cũng có một phần do cái cơ chế thị trường quái ác đã len lỏi được vào các ngóc ngách của cả một công việc ngỡ rằng chỉ thuần mang tính tâm linh này: Tiền nhiều quá (cả tiền chống xuống cấp và tôn tạo di tích của Nhà nước và tiền quyên góp của xã hội) thế thì tội gì không san phẳng di tích, kể cả những di tích chưa đến nỗi xuống cấp) để làm... mới hoàn toàn. Nếu không thì tiền đổ đi đâu cho hết, nếu chỉ làm vài ba công việc... chống xuống cấp?

Có lẽ, trên thế giới chỉ có ở ta là trùng tu di tích theo kiểu như vậy và hệ quả là phá hủy di tích nhiều và nhanh đến vậy.

Thiên hạ trùng tu di tích

Nhật Bản là nước hết sức quý trọng di tích, đến mức nâng niu từng dấu vết cổ thực sự. Không bao giờ có việc san bằng từ nóc đến móng để làm mới di tích như trường hợp ở đình Yên Phụ, niên đại thế kỷ XVII và đình Mông Phụ, Đường Lâm (đều thuộc Hà Nội). Người Nhật làm mọi cách để giữ cái gốc của di tích, chừng nào còn giữ được, kể cả những di tích đã bị hủy hoại theo thời gian, chỉ còn chút dấu tích xưa.

Đền thờ Izumo Taisha ở tỉnh Matsue, nằm cách tỉnh lị Matsue 33 km về phía tây, là đền thờ quan trọng thứ hai ở Nhật, có vị trí trong tâm linh đối với người Nhật không kém gì Đền Hùng ở nước ta.

Lâu đài Himeji, Nhật Bản được trùng tu từng viên ngói một cách tỉ mỉ và giữ nguyên gốc.

Theo truyền thuyết, đền được xây dựng bởi Amaterasu - Nữ thần Mặt Trời. Vào tháng 10 hàng năm, các đôi trai gái yêu nhau đến đây hy vọng mãi mãi sống hạnh phúc bên nhau. Kiến trúc cơ bản ngày nay thấy được là thuộc thế kỷ XIX. Các nhà khảo cổ khai quật ở khu vực sân đền đã phát hiện một hệ thống cột của di tích đền Izumo Taisha có niên đại sớm hơn nhiều.

Cách xử lý của họ là đánh dấu hệ thống cột có đường kính rất lớn, có thể của một kiến trúc đền cổ hơn, bề thế hơn này bằng những ô tròn có màu sắc đỏ nâu, rộng để người đến thăm đền có khái niệm về những cây cột đền bằng gỗ to nhường nào cũng như vị trí của ngôi đền bề thế và xa xưa thực sự ở đâu.

Bên cạnh những dấu tích chân cột đồ sộ đó, họ cho dựng lại một kiến trúc khác mô phỏng ngôi đền cổ dựa theo kết quả khai quật. Thế mới biết, người Nhật quý từng cái dấu tích cột nhà cổ xưa, trong lúc ở ta, còn nguyên cả cột kèo vài trăm năm lịch sử thì lại vứt bỏ thay bằng hàng cột mới tinh.--PageBreak--

Một ví dụ khác để thấy được cách trùng tu từng bộ phận, thận trọng và tỉ mỉ, chứ không ào ào như ở ta. Lâu đài Himeji, thuộc tỉnh Hyogo, liền kề với cố đô Kyoto là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng nhất không những ở Nhật Bản mà còn trên thế giới. Theo thư tịch cổ Nhật Bản, đây là một thành cổ có từ năm 1346. Vào thời của vị tướng tên là Ikeda Teramasa nắm quyền kiểm soát khu vực này, xã hội thanh bình và ông đã cho xây lại lâu đài này vào năm 1600.

Điểm độc đáo của lâu đài là có những dãy hành lang dài hun hút, quanh co, được làm toàn bằng gỗ, có niên đại khoảng đầu thế kỷ XVII. Cả lâu đài có 6 tầng lầu được dựng nên bởi những chiếc cột gỗ có đường kính lớn, chống thẳng chịu lực. Nét đẹp kiến trúc của lâu đài Himeji, ngoài kết cấu chủ lực bằng gỗ, còn thể hiện ở các tầng mái ngói ống màu xanh, đầu mái cũng như diềm mái được trang trí hoa văn hoa lá thanh thoát, được tạo ra từ cách dập nổi hoa văn từ trước khi nung.

Mỗi khi có viên ngói nào vỡ, họ kỳ công rút ra từng viên để thay thế những viên ngói phục chế, khá giống thật chứ không như cảnh mới đây ở đình Mông Phụ, người ta đạp ào ào tất cả ngói lành lẫn vỡ xuống đất cho nhanh để còn xây mới đình.

Cũng vậy, người Nhật khi trùng tu di tích cũng chỉ thay dần từng cái cột, cái xà ngang, xà dọc mà không bao giờ thay thế toàn bộ các kết cấu vật liệu gốc. Mà mỗi lần thay là phải có những chuyên gia giỏi để thẩm định tỉ mỉ.

Trung Quốc là nước có nhiều di tích tôn giáo và cung điện như Tử Cấm Thành, Thiên Đàn, Thập Tam Lăng. Nhiều di tích có nguy cơ đổ nát theo thời gian, nhưng chưa bao giờ có cảnh san bằng di tích để xây mới. Chỉ có phục dựng lại hoặc thay thế dần những bộ phận kiến trúc mà phải những chuyên gia giỏi (chứ không phải thợ quét sơn như ở ta) mới có quyền tạo ra các bản thay thế hay “sơn phết” cho tượng bằng những chất liệu y như thời xưa.

Người Mỹ với lịch sử hơn 200 năm mà cũng rất trân trọng di tích, một phần là do cộng đồng các dân tộc đến Mỹ chủ yếu là do khai khẩn vùng đất mới, đều muốn đánh dấu kỷ niệm cố hương bằng những di tích tôn giáo để có chỗ quây quần nơi đất lạ.

Những di tích sớm nhất ở Mỹ là những đền đài của thổ dân da đỏ, được trùng tu, phục dựng từng tí một và trở thành những địa chỉ du lịch. Một vài điểm du lịch nổi tiếng của Mỹ cũng gắn liền với người da đỏ, ví dụ như nơi con tàu di dân đầu tiên của người Anh cập bến Plymouth, Cape Code ở bang Massachusetts, miền Đông Bắc Mỹ, được thổ dân da đỏ tiếp đón và đùm bọc, dạy cho họ biết trồng trọt, khai hoang để sinh nhai.

Hiện thời, nơi đây còn lại di tích con tàu Mayflower đã đưa những di dân người Anh đến Mỹ sớm nhất, cập bến vào năm 1620. Tua du lịch đến đây không thể thiếu những người da đỏ ăn mặc theo trang phục truyền thống và nhảy những điệu nhảy truyền thống để tiếp đón, gợi nhớ những kỷ niệm thuở xa xưa.

Những di tích đẹp và hoành tráng ở Mỹ chính là những nhà thờ. Nhiều sắc dân đến Mỹ từ vùng Cựu Lục địa đó mang theo hồn quê hương là các kiểu kiến trúc nhà thờ đa dạng ở khắp châu Âu. Nhiều nhà thờ được giữ nguyên vẹn như buổi mới xây nhờ những kiến trúc bằng đá khối.

Nhiều đô thị lớn, kiến trúc nhà thờ không bị “nuốt gọn” bởi kiến trúc nhà chọc trời mà trái lại được phối cảnh khá hài hòa. Có thể lấy dẫn chứng từ ngôi nhà thờ Trinity ở trung tâm thành phố Boston, được xây năm 1733, mang phong cách kiến trúc roman châu Âu với đá đỏ, vòm cửa cong, mái tháp nhọn đồ sộ.

Bên cạnh nhà thờ là ngôi nhà chọc trời nhưng được xây lắp tường kính, phản chiếu hình bóng nhà thờ lại càng lung linh. Cho đến nay, cả nước Mỹ có đến 68.574 ngôi nhà thờ ở khắp 50 tiểu bang. Nếu có nhà thờ nào xuống cấp, họ cũng chỉ thay thế và phục dựng từng phần và giữ nguyên gốc.

Đúng là việc trùng tu di tích ở ta chẳng giống ai cả. Nói ra mà “ngậm đắng nuốt cay” thế nào. Chính con người chứ không phải thiên tai, đã xóa sổ nhiều di sản cùng với cái hồn cốt của nó. Muộn còn  hơn không, có lẽ các cơ quan quản lý cần mạnh tay hơn nữa để chấm dứt ngay cái vấn nạn không thật rõ hình thù mà lại có sức công phá lớn vào chính gia tài bản sắc văn hóa dân tộc

T.S.
.
.