Trưởng phòng môi giới chứng khoán chiếm đoạt tiền tỉ

Thứ Năm, 25/10/2012, 16:45

Liên quan đến vụ chiếm đoạt tiền tỉ xảy ra tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Viễn Đông (gọi tắt Công ty Viễn Đông), ngày 15/10 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM (PC46) đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Phan Thiên Hậu (ngụ tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh, TP HCM), Trưởng phòng Môi giới Công ty Viễn Đông về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cú lừa 4,4 tỉ đồng

Theo Cơ quan điều tra, Phan Thiên Hậu được Công ty Viễn Đông (trụ sở tại số 80 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM) ký hợp đồng lao động vào tháng 7/2009 với chức danh Trưởng phòng Môi giới. Nhiệm vụ chính của Hậu là quản lý các hoạt động: Nhận lệnh, đặt lệnh, cập nhật kết quả giao dịch, lưu ký, cầm cố, ứng trước… và quản lý tài khoản, tư vấn cho khách hàng giao dịch chứng khoán. Cũng để thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, Công ty Viễn Đông đưa vào sử dụng phần mềm BOSC và Phan Thiên Hậu được quyền truy cập, thực hiện các nghiệp vụ trên phần mềm này.

Lợi dụng nhiệm vụ và quyền hạn được giao, Hậu đã lên kế hoạch để thực hiện việc chiếm đoạt tiền trái phép từ hoạt động chứng khoán tại Công ty Viễn Đông. Theo đó, Hậu mượn tài khoản chứng khoán 087C000645 (645) cùng tài khoản tiền mặt tại Ngân hàng ACB của một người bạn đứng tên Trần Văn Hiển. Hậu được Hiển ủy quyền giao dịch và toàn quyền sử dụng tài khoản tiền mặt.

Đồng thời, Hậu cũng mượn thêm 2 chứng minh nhân dân (CMND) của người thân trong gia đình để mở tài 2 tài khoản chứng khoán và 2 tài khoản tiền gửi thanh toán tại Ngân hàng ACB đứng tên Phan Thành Nhân và Nguyễn Thị Mỹ Phương. Các tài khoản này cũng được ủy quyền cho Hậu toàn quyền sử dụng. Ngoài ra, Hậu còn chỉ đạo nhân viên lưu ký Lê Thị Phương Anh mượn thêm 3 CMND của người thân mở 3 tài khoản chứng khoán cùng 3 tài khoản tiền mặt tại Ngân hàng ACB để cho Hậu sử dụng. 3 tài khoản này đứng tên Nguyễn Thị Hồng, Lê Trọng Hòa và Lê Thị Diệu Anh.

Sau khi đã có các phương tiện trong tay, Hậu liền bắt tay ngay vào kế hoạch thực hiện các phi vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền. Ngày 24/8/2009, Hậu trực tiếp lưu ký khống 11.000 cổ phiếu ACB và sau đó đem bán thu được 528 triệu đồng. Cùng ngày, Hậu tiếp tục chỉ đạo nhân viên môi giới Nguyễn Thu Trang giả chữ ký của khách hàng làm thủ tục vay tiền bằng hình thức ứng trước tiền bán chứng khoán, lấy hơn 526 triệu đồng chuyển vào tài khoản 087C000678 (678) đứng tên Phan Thành Nhân và được sử dụng vào việc thanh toán tiền mua chứng khoán ngày 20/8/2009 của tài khoản này. Tương tự, cũng với hình thức như trên, ngày 28/8/2009, Hậu trực tiếp lưu ký khống 39.000 cổ phiếu, sau đó bán 29.000 cổ phiếu, thu hơn 1,3 tỉ đồng.

Để cân đối lại số dư chứng khoán ACB lưu ký khống tại Công ty Viễn Đông, ngày 12/11/2009, Hậu mua lại 40.000 cổ phiếu ACB bằng hình thức ứng tiền mua trả chậm trên tài khoản 645. Sau đó, Hậu chỉ đạo Nguyễn Thu Trang ký giả chữ ký của khách hàng Trần Văn Hiển trên Hợp đồng cầm cố 50.000 cổ phiếu ACB cho Công ty Viễn Đông, lấy hơn 1 tỉ đồng để thanh toán một phần tiền ứng trước ngày 12/11/2009. Như vậy, việc lưu ký khống 50.000 cổ phiếu ACB, Phan Thiên Hậu đã "rút" của Công ty Viễn Đông số tiền hơn 1 tỉ đồng.

Ngoài ra, Hậu còn chỉ đạo Lê Thị Phương Anh lưu ký khống 159.300 cổ phiếu EIB, PMC, DIG, SSI, sau đó bán lấy tiền chuyển sang các tài khoản do Hậu quản lý, sử dụng. Riêng 300 cổ phiếu PMC lưu ký khống trên tài khoản 1974, sau khi bán được hơn 9 triệu đồng, chưa kịp sử dụng thì hành vi của Hậu đã bị Công ty Viễn Đông phát hiện. Sau khi kiểm tra, phát hiện số lượng chứng khoán bị thiếu hụt, để khớp số dư trên các tài khoản lưu ký chứng khoán của khách hàng mở tại Công ty Viễn Đông với số dư các tài khoản lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán theo như quy định, Công ty Viễn Đông buộc phải đặt lệnh mua lại số chứng khoán thiếu hụt do Hậu lưu ký bán khống, với tổng số tiền gần 3,4 tỉ đồng.

Như vậy, với việc lưu ký khống chứng khoán và bán chứng khoán lưu ký khống, Phan Thiên Hậu đã chiếm đoạt của Công ty Viễn Đông hơn 4,4 tỉ đồng. Tại Cơ quan điều tra , Hậu khai nhận: "Trong quá trình làm việc tại Công ty Viễn Đông, một Phó tổng giám đốc đã đề nghị Hậu mượn CMND, mở một số tài khoản để thực hiện lưu ký, bán khống chứng khoán với tỉ lệ ăn chia 50 - 50. Hậu đồng ý nên đã mượn và quản lý sử dụng 3 tài khoản chứng khoán đứng tên Trần Văn Hiển, Phan Thành Nhân và Nguyễn Thị Mỹ Phương, để thực hiện việc lưu ký khống, kinh doanh chứng khoán". Đồng thời, Hậu cũng thừa nhận lưu ký khống và bán 40.000 cổ phiếu chứng khoán ACB trên tài khoản chứng khoán 645 đứng tên Trần Văn Hiển.

Phan Thiên Hậu trước khi bị dẫn giải về trại tạm giam.

Mua bán, cầm cố cổ phiếu trái phép

Ngoài những hành vi vi phạm như trên, qua thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra còn phát hiện nội dung trao đổi qua phần mềm Yahoo chat từ các máy tính của các nhân viên tại Công ty Viễn Đông. Nội dung thể hiện, từ ngày 15/10 đến ngày 30/11/2009, Phan Thiên Hậu đã chỉ đạo nhân viên môi giới Phan Anh Duy làm thủ tục, ký tên giả các nhà đầu tư Nguyễn Thị Hồng, Lê Thị Diệu Anh, Nguyễn Thị Mỹ Phương và Trần Văn Hiển trên các "Hợp đồng cầm cố chứng khoán", cầm cố 250.900 cổ phiếu các loại để vay tiền tại Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Hà Nội (Habubank) và Công ty Viễn Đông.

Toàn bộ số tiền vay đã được chuyển về các tài khoản tiền gửi thanh toán tương ứng mở tại Ngân hàng ACB đứng tên Phan Thiên Hậu, Trần Văn Hiển, Nguyễn Thị Mỹ Phương, Phan Thành Nhân, Lê Trọng Hòa.

Ngoài ra, theo Hợp đồng cầm cố chứng khoán ngày 21/10/2009 được ký giữa khách hàng Nguyễn Thị Mỹ Phương (bên cầm cố) với Ngân hàng Habubank (bên nhận cầm cố) và Công ty Viễn Đông (bên quản lý tài sản cầm cố) quy định: Để trả nợ trước thời hạn, chỉ khi nào được ngân hàng chấp thuận thì bên cầm cố mới được quyền bán số tài sản đó. Số tiền bán được sẽ được Công ty Viễn Đông phong tỏa dùng để trả nợ lãi và gốc theo nghĩa vụ của bên cầm cố cho ngân hàng. Đồng thời, đối với chứng khoán cầm cố tại Công ty Viễn Đông, cũng có quy định: Trong suốt thời hạn của hợp đồng, khách hàng không được tự ý bán chứng khoán khi không có sự đồng ý của Công ty Viễn Đông.

Thế nhưng, thời hạn vay còn hiệu lực và không có sự đồng ý của Ngân hàng Habubank cũng như của Công ty Viễn Đông, nhưng Hậu vẫn chỉ đạo các nhân viên Phòng môi giới tự ý giải tỏa trái phép chứng khoán cầm cố bằng công cụ trên phần mềm BOSC. Sau đó đặt lệnh bán toàn bộ chứng khoán đang cầm cố, thu tiền nhưng không trả lại tiền vốn, lãi cho Công ty Viễn Đông và Habubank. Bằng thủ đoạn này, Hậu và một đối tượng khác đã chiếm đoạt hơn 2,5 tỉ đồng.

Hiện nay Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiến hành điều tra làm rõ và mở rộng vụ án

Nguyên Sa
.
.