Truy quét ôtô “chui” mang biển số nước ngoài

Thứ Hai, 18/08/2008, 11:00
Vài năm trở lại đây, tồn tại một thực trạng nhiều người Việt Nam đang sử dụng xe mang biển số nước ngoài mà không làm thủ tục sang tên đổi chủ. Tình trạng gian lận này gây ra sự mất công bằng và thất thu hàng trăm tỉ đồng tiền thuế của Nhà nước mỗi năm. Cục CSGT đường bộ - đường sắt (C26 - Bộ Công an) vừa mở chiến dịch quy mô nhằm giải quyết vấn nạn này.

Theo Công văn số 1207 của Cục CSGT đường bộ - đường sắt (C26 - Bộ Công an), từ ngày 1/8/2008, lực lượng CSGT trên toàn quốc ra quân kiểm tra, xử lý xe ôtô mang biển số không đúng quy định, xe không chuyển quyền sở hữu.

Vì sao phải tăng cường kiểm soát ôtô biển số nước ngoài?

Trước khi đề cập đến vấn đề này chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận một tiền lệ: từ trước đến nay, những xe mang biển kiểm soát nước ngoài (bao gồm cả các xe vào nước ta dưới dạng tạm nhập - tái xuất và cả các xe mang biển NN) thường ít bị “sờ gáy” hơn là xe trong nước.

Phần vì người nước ngoài được coi như “khách”, phần nữa là vì sự e ngại khi tiếp xúc với người nước ngoài (nếu các biển xe nước ngoài vi phạm, các lực lượng kiểm soát giao thông cũng rất khó khăn trong việc giải thích vi phạm hay lập biên bản xử lý vi phạm).

Lợi dụng tiền lệ này, nhiều người Việt Nam đang lách luật để dùng xe biển nước ngoài mà không phải đóng thuế cho Nhà nước. Có hai cách phổ biến nhất để mua được xe ôtô mà không cần nộp thêm thuế: mua xe biển số NN của người nước ngoài tại Việt Nam hoặc đưa xe từ các nước láng giềng về dưới dạng “tạm nhập”.

Cũng từ việc ít bị CSGT “hỏi thăm” nên xe mang biển số nước ngoài rất được nhiều người “ưa chuộng”, thậm chí có nhiều doanh nghiệp vận tải sử dụng luôn xe biển nước ngoài để kinh doanh vận tải.

Ở Hà Nội, TP HCM, ôtô mang biển số nước ngoài thường xuất hiện dưới dạng thức xe biển NN. Mặc dù loại biển này được quy định dùng cho xe của người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam nhưng không ít trong số đó đã... không sang tên mà chỉ đổi chủ.

Các trường hợp mua bán kiểu này thường chỉ có giấy tờ mua bán trao tay. Thậm chí nhiều người còn “lách luật” bằng chiêu “xe của người nước ngoài nhưng thuê tài xế người Việt lái”. Với hình thức này, lực lượng CSGT rất khó khăn trong việc xác định chủ nhân thực của xe.

Tại các tỉnh được xem là điểm nóng của xe “biển ngoại - chủ nội” như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị... xe biển số ngoại lại tấp nập chẳng kém gì biển số... chủ nhà. Có một chuyện khi chúng tôi đang thu thập tư liệu để viết bài về tình trạng nhiều xe biển số Lào tạm nhập quá thời hạn thì nhận được nguồn tin một chiếc ôtô biển số Lào vừa gây tai nạn chết người trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tìm đến trụ sở CSGT tỉnh Nghệ An. Thật bất ngờ, ngay gần cổng trụ sở Phòng CSGT lại chễm chệ một “con” Toyota Lào biển vàng 5536... Theo hồ sơ của CSGT  Nghệ An thì chiếc xe mang biển kiểm soát Lào 1022 đã gây tai nạn làm thiệt mạng một người là chị Lữ Thị V. sinh năm 1987 quê ở bản Khe Nằn, Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Theo ghi nhận của PV ANTG, nhiều doanh nghiệp ở Hà Tĩnh, Nghệ An đã lợi dụng chính sách “tạm nhập - tái xuất” với xe biển số Lào để sở hữu “chui” xe ôtô. Theo báo cáo sơ bộ của Cục Hải quan Nghệ An, tính đến thời điểm giữa năm 2008, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 200 chiếc xe mang BKS Lào đang lưu hành (tại TP Vinh chiếm khoảng 90%).

Đáng chú ý là các loại xe hạng sang và hạng trung như Lexus, Innova, Prado, Toyota Camry... đủ biển số xanh, vàng mang biển kiểm soát Lào vào Nghệ An thời điểm này tăng một cách đột biến so với cùng kỳ năm 2007.

Tham khảo ý kiến của nhiều nhân viên bán ôtô ở các gara ôtô ở TP Vinh, chúng tôi được biết mức chênh lệch giá giữa xe mua ở Việt Nam và mua ở Lào là tương đối lớn. Ví dụ: với mẫu Fortuner, tại Việt Nam người mua phải bỏ ra trên 1 tỉ đồng mới có thể sở hữu, nhưng với xe mang biển Lào thì chỉ cần khoảng 600 triệu đồng.

Ví dụ khác là mẫu BMW 3-Series giá tại Lào chỉ từ 29.000 đến 37.000 USD, trong khi giá bán tại Việt Nam có thể lên đến 65.000-80.000 USD; hay Ford Escape giá ở Lào chỉ 20.000-30.000 USD thì ở Việt Nam giá 41.500-48.000 USD; Toyota LandCruiser giá ở Lào 55.300 USD, ở Việt Nam là 72.100 USD...

Bởi vì sự chênh lệch về giá cả quá lớn cùng với việc ít bị kiểm soát nên các loại xe biển nước ngoài thả sức tung hoành. Hiện tại, chỉ tính riêng địa bàn thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, đã có trên chục chiếc xe biển số nước ngoài loại 46 chỗ chuyên lưu hành tuyến Hà Tĩnh - Sài Gòn, Hà Tĩnh - Đắk Nông, Hà Tĩnh - Kon Tum, Hà Tĩnh - Đắk Lắk.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh, số xe biển số nước ngoài chở khách lên tới hàng chục chiếc. Rất nhiều xe trong số đó đã lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất của Nhà nước để lưu hành vượt quá phạm vi quy định. Cụ thể, xe biển số nước ngoài chạy tuyến Hương Sơn – Sài Gòn chỉ thu của hành khách từ 220.000 - 250.000 đồng/người/lượt.

Mức giá này thấp hơn so với mức giá của các công ty xe khách và Hiệp hội Vận tải trên địa bàn Hà Tĩnh xây dựng, được Sở Tài chính đồng ý từ 60.000 đến 80.000 đồng. Chính vì bỏ tiền ra mua xe rẻ chỉ bằng một nửa nên các chủ xe tha hồ hạ giá để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

Không chỉ “làm loạn” thị trường vận tải hành khách, xe biển nước ngoài còn bị lợi dụng để chở hàng lậu, hàng cấm. 3 giờ sáng ngày 27-6-2008, Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đã phát hiện và bắt gọn một vụ vận chuyển gỗ lậu với khối lượng 7m3 trên chiếc xe mang biển số 3405 của nước bạn Lào.

Chủ xe ngay lúc đó đã bỏ xe chạy trốn và phải mất khá nhiều thời gian, Hạt Kiểm lâm Hương Sơn mới tìm được chủ nhân chiếc xe nói trên là một người Việt Nam “chính hiệu”: đó là Trần Văn Mai, trú xã Sơn Long, huyện Hương Sơn. Trần Văn Mai đã lợi dụng xe mang biển kiểm soát Lào để mong được các cơ quan chức năng “nới tay” khi chở gỗ trái phép.

Ra quân dẹp xe biển ngoại đi “chui”

Bắt đầu từ ngày 1/8/008, Cục CSGT đường bộ - đường sắt đã mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý ôtô vi phạm về đăng ký, đăng kiểm. Đợt ra quân này tập trung tại các tuyến quốc lộ, các địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Trị là những nơi có nhiều xe ôtô mang biển nước ngoài, đặc biệt là xe mang biển Lào đang hoạt động.

Thực hiện Điện chỉ đạo của Bộ Công an và Tổng cục CSND về tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT theo các chuyên đề, bắt đầu từ ngày 1/8 Cục CSGT đường bộ - đường sắt vừa có kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý đối với xe ôtô mang biển số không đúng quy định, xe không chuyển quyền sở hữu theo quy định.

Theo công văn này, đối tượng, hành vi vi phạm được lực lượng CSGT tập trung kiểm tra là xe ôtô con, xe ôtô khách, bao gồm cả các xe mang biển số trong nước, xe mang biển số khu kinh tế thương mại đặc biệt và các xe mang biển số nước ngoài.

Các hành vi vi phạm bị xử lý gồm: xe ôtô vi phạm hiệp định vận tải đường bộ; vi phạm các quy định về hoạt động trong khu kinh tế thương mại đặc biệt; xe gắn biển số không đúng quy định; xe không chuyển quyền sở hữu phương tiện sau 30 ngày kể từ ngày làm lại giấy tờ mua, bán, tặng, cho...

Để xử lý nghiêm vi phạm, Cục CSGT đường bộ - đường sắt sẽ thành lập các tổ công tác, phối hợp với lực lượng CSGT các địa phương nói trên để tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm.

Lực lượng CSGT sẽ tiến hành rà soát dữ liệu công tác đăng ký xe, thông báo của các chủ sở hữu đã bán, cho, tặng, đối chiếu các xe đã làm thủ tục xóa sổ mà chưa làm thủ tục chuyển quyền sở hữu; đồng thời thu thập thông tin từ các nguồn khác như từ báo chí và từ nguồn tin của quần chúng nhân dân về vi phạm nêu trên.

Lực lượng CSGT sẽ phối hợp với cơ quan đăng kiểm, ban quản lý các bến bãi, các điểm đỗ xe, các cơ quan chức năng khác để rà soát, nắm tình hình, xác định đối tượng vi phạm...

Đợt ra quân này được tập trung tại các tuyến quốc lộ, các địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Trị là những nơi có nhiều xe ôtô mang biển nước ngoài, đặc biệt là xe mang biển Lào đang hoạt động.

Được biết chỉ trong quý I/2008, trong tổng số 390 trường hợp xe khách bị CSGT Công an Hà Tĩnh xử lý có đến 42 trường hợp xe mang biển số Lào. Lực lượng CSGT Công an Nghệ An cũng đã lập biên bản hơn 40 trường hợp.

Qua phân tích các lỗi phổ biến mà những xe khách này vi phạm thường là chở quá số người quy định, giấy tờ xe không có bản dịch ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh, không có danh sách hành khách và một số trường hợp chạy quá tốc độ, dừng đỗ sai quy định.Điều đặc biệt đáng chú ý là hầu hết số lái xe mang biển số Lào đều là người... Việt Nam.

Theo Điều 43, Nghị định 152/CP đã quy định về xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài vi phạm Hiệp định Vận tải đường bộ giữa Việt Nam và nước ngoài. Mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng được áp dụng đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài có sai phạm.

Các hành vi sai phạm này thường là: lưu hành phương tiện trên lãnh thổ Việt Nam quá thời hạn quy định; hoạt động quá phạm vi được phép hoạt động; điều khiển phương tiện không có giấy phép liên vận; không có phù hiệu liên vận theo quy định hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng, vận chuyển khách hoặc hàng không đúng với quy định tại Hiệp định Vận tải đường bộ, Nghị định thư đã ký kết hoặc xuất, nhập cảnh không đúng cửa khẩu.

Bên cạnh việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài còn bị áp dụng các biện pháp như: bị tái xuất phương tiện khỏi Việt Nam, đánh dấu số lần vi phạm (trừ trường hợp lái xe sử dụng giấy phép lái xe do nước ngoài cấp có hiệu lực tại Việt Nam).

Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng phòng 3 - Cục CSGT Đường bộ - đường sắt cho biết thêm: “Chiến dịch ra quân kiểm soát xe  sử dụng biển kiểm soát nước ngoài ban đầu đang gặp một số khó khăn.

Những trường hợp đó nếu bị kiểm tra sẽ buộc phải làm lại thủ tục sang tên đổi chủ, phải nộp thuế, bị phạt nghiêm minh theo pháp luật. Ngoài ra, có thể người nước ngoài bán xe đã về nước họ, nên việc tìm lại chủ nhân xe đó để thực hiện thủ tục là không dễ dàng. Đây là điều mà những người muốn mua xe biển nước ngoài sử dụng ở Việt Nam cần lưu ý”

Hoàng Thắng
.
.