Truyền hình thực tế và lỗ hổng nhân văn

Thứ Ba, 28/05/2019, 11:20
Cái chết của cựu Hoa hậu Anh 2009 Sophie Gradon và rất nhiều ngôi sao truyền hình thực tế tiếp tục là hồi chuông báo động về những mặt trái đáng sợ của chương trình truyền hình thực tế và những áp lực mà nó vô tình hoặc hữu ý gây ra với chính người trong cuộc.

Bông hồng sa ngã

Sophie Gradon tên đầy đủ là Sophie Hannah Gradon, sinh ngày 25-10-1985. Cô là con gái duy nhất trong gia đình khá giả có bố mẹ kinh doanh bất động sản. Sophie tốt nghiệp đại học Northumbria ngành truyền thông, văn hóa và xã hội năm 2007. Sau đó cô đi làm ở một khách sạn và sau đó được nhiều người biết đến khi đăng quang ngôi vị Hoa hậu Anh năm 2009.

Thời điểm đó, cô cũng là đương kim Hoa hậu vùng Newcastle 2008. Sau đó, Sophie đại diện cho nước Anh tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2009.

Tuy nhiên, phải đến năm 2016, khi tham gia vào chương trình truyền hình thực tế “Love Island” - chương trình hẹn hò cực ăn khách của đài ITV2, Sophie Gradon mới được truyền thông chú ý và trở thành ngôi sao nổi bật nhất của chương trình bởi ngoại hình và tính cách thẳng thắn, chân thật.

Đến khi công khai hôn một cô gái trong một tập phát sóng, nhiều khán giả đã quay lưng với cựu hoa hậu. Sau những áp lực từ phía người xem, Sophie Gradon đã rơi vào trầm cảm một thời gian dài.

Giữa lúc đang ở đỉnh cao của sự nghiệp và có một mối tình tuyệt đẹp với bạn trai Aaron Armstrong, Sophie Gradon lại lựa chọn cái chết ở tuổi 32. Theo tờ People, thi thể của cô được phát hiện vào khoảng 8 giờ 27 phút tối 20-6-2018 tại nhà của bố mẹ đẻ ở Medburn, Northumbria (Anh).

Trước khi qua đời, Sophie đã nhắn tin với bạn trai và một số người bạn khác. Tuy nhiên, đến ngày 20-6, Armstrong không thể liên lạc với bạn gái nên đã cùng một người anh trai tên Ryan đến nhà bạn gái vào khoảng 7 giờ tối. Ban đầu, họ ném đá lên cửa sổ phòng ngủ của Sophie để thu hút sự chú ý của cô.

Sophie Gradon đăng quang Hoa hậu Anh năm 2009.

Sau đó, Armstrong phát hiện bạn gái đang bất tỉnh trong nhà khi nhìn qua một cửa sổ ở phòng khách. Cả hai đã phá cửa để vào nhà, Ryan gọi cứu thương và Armstrong liên tục cấp cứu CPR (Hồi sức tim phổi) cho Sophie nhưng không thể cứu vãn được tình thế.

Ban đầu, cảnh sát loại trừ khả năng Sophie bị sát hại. Song, sự ra đi bất ngờ của người đẹp nổi tiếng này lại khiến nhiều người đặt nghi vấn. Điều đó buộc các nhà chức trách phải vào cuộc và bắt đầu điều tra làm rõ.

Điều tra viên Northumberland (Anh), ông South Eric Armstrong cho biết trên tờ BBC, các xét nghiệm độc tính cho thấy Sophie có nồng độ là 201mg/ 100ml máu nhiều gấp khoảng 3 lần giới hạn lái xe hợp pháp. Cô cũng được xét nghiệm là dương tính với cocaine.

Theo một nghiên cứu của Mỹ, sự kết hợp giữa rượu và chất cocaine sẽ khiến ai đó có nguy cơ tự sát cao gấp 16 lần người bình thường. Do đó, kết luận cuối cùng là cựu Hoa hậu Anh đã uống rượu cùng cocaine và tự kết liễu đời mình.

Nhiều thông tin chứng minh rằng Sophie Gradon chọn cái chết sau thời gian dài trầm cảm và gặp rắc rối về tiền bạc. Một người bạn của Sophie Gradon cho biết: “Cô ấy bị trầm cảm và lo lắng trong thời gian dài về vấn đề tài chính. Nhiều người nghĩ cô ấy đang có cuộc sống tuyệt vời vì có tình yêu đẹp và cuộc sống tốt. Tuy nhiên, một người bạn thân của Sophie mới mất nên ảnh hưởng rất nặng nề tới cô ấy. Sophie đã cố gắng đối mặt nhưng vẫn rơi vào một nơi tối tăm”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Radio Aire, Sophie Gradon từng úp mở về chuyện cô muốn tìm đến cái chết để thoát khỏi sự ám ảnh, đau đớn trước những lời bình luận tàn nhẫn từ nhiều kẻ ác ý trên mạng. “Bạn chỉ lên sóng 10 phút, khoảng thời gian ít ỏi này bị cắt xén từ 24 giờ ghi hình. Và bạn bị đánh giá, soi mói bởi những thứ cắt xén đó”, cựu Hoa hậu bế tắc.

Tháng 4-2018, Sophie chia sẻ tình trạng sức khoẻ của mình trên Twitter: “Tôi dường như đã trở thành một người ẩn dật. Tôi sợ đi ra ngoài vì sự lo lắng làm tê liệt tâm trí. Cuộc sống hiện tại của tôi như một vòng lẩn quẩn. Đối mặt với nỗi sợ của bạn đôi khi là điều khó khăn nhất nhưng lại đáng khen nhất”.

5 ngày trước khi ra đi, Sophie đã đăng lên tài khoản Twitter của cô ảnh chụp một đoạn thơ của J. Raymon với nội dung: “Tôi muốn sống và yêu điên cuồng. Bay xa hơn, lái nhanh hơn, cảm nhận sâu hơn thay vì sợ hãi. Tôi muốn vượt ngoài tầm kiểm soát, cười cho đến vô cùng, gặp nhiều người lạ hơn, tạo những ký ức khi tôi còn có thể, và gặp nhiều hơn những thứ tốt đẹp và lạ thường. Thử những món ăn mới, và yêu nhiều hơn khi có thể. Tôi muốn học hỏi, và tôi muốn đặt câu hỏi nhiều hơn. Bởi vì, thời gian sống của chúng ta có giới hạn, và tôi thề rằng điều tốt chẳng bao giờ đủ”.

Tuy nhiên, vụ án cái chết của cựu Hoa hậu Anh 2009 trở nên phức tạp hơn khi cha mẹ của cô, ông bà Deborah và Colin phủ định kết luận của cơ quan điều tra và cho rằng không phải Sophie chết do tự tử. Mặc dù rất đau đớn khi mất đứa con gái, hai vị phụ huynh cho rằng Sophie chết vì gặp phải một bệnh não hiếm gặp có tên là Arteriovenous (AVM - Dị dạng động, tĩnh mạch). Do đó, họ cần thêm thời gian để nói chuyện với bác sĩ và chuyên gia thần kinh học để hiểu rõ hơn, đồng thời đề nghị có một cuộc điều tra về cái chết của con gái họ.

“Chúng tôi tin rằng Sophie bắt đầu có triệu chứng bệnh lý từ tháng 12-2017. Chúng tôi ghi nhận một sự thay đột ngột trong tính cách và hành vi của con bé”, ông bà Deborah và Colin nói với The Sun.

Ban đầu, cuộc điều tra dự kiến diễn ra vào ngày 16-3-2019. Song, vì yêu cầu “cần thêm thời gian” của gia đình nên đã được chuyển sang ngày 18-4-2019. Thế nhưng, đến ngày 18-4, bố mẹ của Sophie vẫn vắng mặt nên toà án South Northumberland quyết định vẫn diễn ra buổi điều trần mà không có người thân của nạn nhân. Lúc này, cảnh sát không thể mở điện thoại của Sophie để lấy thêm thông tin, do đó, kết luận vẫn không có gì thay đổi so với tuyên bố trước đó của cơ quan điều tra.

Đoạn kết buồn của sự nổi tiếng

Trước sự ra đi đột ngột của bạn gái, Aaron Armstrong đã chia sẻ loạt ảnh hạnh phúc của cả hai cùng dòng trạng thái đầy tuyệt vọng: “Anh sẽ không bao giờ quên nụ cười ấy. Anh yêu em nhiều lắm. Em mãi mãi là thế giới của anh”.

Và, 20 ngày (10-7) sau cái chết của Sophie, người ta lại bàng hoàng khi biết tin Armstrong cũng tự kết liễu đời mình ở tuổi 25. Mẹ của anh phát hiện ra anh đã tắt thở trong phòng ngủ ở Blyth. Được biết, Armstrong đã rất đau đớn và suy sụp tinh thần trước sự ra đi của bạn gái. Vì không thể sống thiếu Sophie, Armstrong lựa chọn cái chết giống hệt bạn gái – uống rượu và dùng cocaine.

Trở lại trường hợp của Sophie Gradon, cô không phải là người duy nhất trong chương trình truyền hình thực tế của Anh tự sát vì áp lực tinh thần. Còn nhớ, năm 2007, thí sinh Jo OMeara đã tự kết liễu cuộc đời sau khi tham gia chương trình “British Celebrity Big brother” (Anh) do người cùng phòng cô là kẻ bắt nạt và phân biệt chủng tộc.

Steve Dymond (bên phải) – người chơi của chương trình “The Jeremy Kyle Show” đã tự kết thúc cuộc sống vì trầm cảm vào ngày 9-5-2019.

Ở chương trình thực tế “Wife swap” năm 2008,  Simon và vợ đồng ý có bạn gái sống chung. Sau đó, hình ảnh Simon được phơi bày trên nhiều tờ báo lá cải ở Anh, trở thành trò cười cho công chúng. Ông bị trầm cảm nặng, trở nên nghiện ngập rượu và mất việc làm. Sau khi vợ mang hai con đến sống hẳn với người phụ nữ đồng tính (là cô gái tham gia sống chung với vợ chồng anh trong chương trình), Simon đã tự sát.

Tháng 3-2019, một thí sinh khác của chương trình “Love island” là Mike Thalassitis đã treo cổ tự tử tại một công viên ở phía nam London, Anh. Cái chết của Mike được kết luận là vì trầm cảm tiếp tục gây sốc dư luận. Sự việc khiến Bộ trưởng Y tế Anh - Matt Hancock phải lên tiếng, yêu cầu các nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế phải chú trọng chăm sóc tâm lý thí sinh.

Phía ITV đã khẳng định tất cả người chơi trong chương trình đều được hỗ trợ tâm lý trước, trong và sau khi rời ngôi nhà chung. Phía đơn vị đã thảo luận với họ về việc cuộc sống sẽ thay đổi như thế nào và những khó khăn mà họ có thể sẽ gặp phải. Tuy nhiên, theo lời Jonny Mitchell, cựu thí sinh “Love island” cho hay anh chưa từng được ai ở ITV liên lạc, hỏi xem anh có cần giúp đỡ gì không. Anh cũng là người đã thu thập hơn 83.000 chữ ký, yêu cầu ITV chăm lo cho thí sinh sau chương trình, sau cái chết của Mike Thalassitis.

Gần đây nhất, ngày 9-5 vừa qua, Steve Dymond - người chơi của chương trình có khoảng 1 triệu lượt người xem mỗi ngày - “The Jeremy Kyle Show” bị phát hiện tử vong. Một tuần trước đó, Steve tham gia một số phát sóng có chủ đề về ngoại tình. Cụ thể, Steve đã phải làm bài kiểm tra nói dối nằm trong kế hoạch của chương trình. Sau khi thất bại tại bài kiểm tra này, Steve đã “đổ gục xuống sàn” và “thổn thức”, theo lời kể của một nhân chứng tham gia chương trình.

Hiện tại, cơ quan điều tra chưa có kết luận cuối cùng về cái chết của Steve. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng bài kiểm tra nói dối ít nhiều tác động làm tổn thương tinh thần dẫn đến cái chết của anh.

Ngay lập tức, chương trình này và một số chương trình chuẩn bị lên sóng bị ngừng chiếu. Giám đốc Đài Truyền hình ITV Carolyn McCall - đơn vị tổ chức chương trình, cho biết trên Metro rằng quyết định này là kết quả tất yếu “sau một loạt những sự việc nghiêm trọng”.

“Sân khấu của sự độc ác”

Không ít người vô danh trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm, nhờ tham gia chương trình truyền hình thực tế, điều này đã khiến họ bị sốc tâm lý. Đặc biệt, khi mạng xã hội phát triển, việc trở thành người nổi tiếng ngày càng dễ dàng thì “nạn nhân” càng phải gánh chịu hậu quả nặng nề, vì họ chưa được chuẩn bị tâm lý để đối phó với việc mất tự do, bị công chúng soi mói, bị cư dân mạng chế giễu, bêu xấu...

Không phải đợi đến cái chết của Sophie Gradon và Mike Thalassitis hay Steve Dymond, vấn đề tâm lý thí sinh tại các chương trình truyền hình thực tế mới đặt vào tình trạng báo động về nghĩa vụ của nhà sản xuất trong việc bảo vệ khách hàng của mình. Điều này đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ lâu. Đã có rất nhiều cuộc tranh luận nổ ra khi các chương trình truyền hình thực tế bùng nổ mạnh mẽ ở Anh trong gần hai thập kỷ qua.

Chuyên gia tâm lý Ron Copsey - người từng bước ra từ chương trình truyền hình thực tế “Castaway” năm 2000 của Đài BBC tiết lộ với tờ The Sun rằng, các bệnh nhân của anh hầu hết bước ra từ chương trình truyền hình thực tế, trong đó có chương trình “Big brother” và hiện có ít nhất 15 ngôi sao đang nhờ anh tư vấn.

Nhà lập pháp Damian Collins, Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (DCMS) của Hạ viện, cho biết việc tạm dừng phát sóng một số chương trình là quyết định đúng đắn của ITV. Song, hội đồng vẫn sẽ xem xét chương trình này liệu có đủ quy định của truyền hình thực tế hay không.

“Cần phải có đánh giá độc lập về nhiệm vụ của các công ty truyền hình trong việc chăm sóc người chơi và Ủy ban tuyển chọn DCMS đã quyết định tổ chức một cuộc điều tra vào mùa hè này về những vấn đề này.

Các chương trình như “Jeremy Jeremy Show” có nguy cơ đưa những người có thể dễ bị tổn thương lên sân khấu vào thời điểm mà họ không thể thấy trước hậu quả, cho chính họ hoặc gia đình họ. Đây là loại chương trình thu hút hàng triệu người xem, nhưng để đổi lấy xếp hạng, các đài truyền hình lại không quan tâm đến hậu quả đối với người chơi sau khi chương trình lên sóng”, ông Damian Collins nói trên Metro.

Trong khi đó, Simon Wessely, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Tâm thần học Hoàng gia, cho biết các chương trình như “Jeremy Jeremy Kyle” của ITV là “sân khấu của sự độc ác”.

Công bằng mà nói, chuyện bán đời tư cá nhân để kiếm tiền không còn xa lạ ở những nước phương Tây. Họ được quyền quyết định mình có tham gia cuộc chơi không. Và cũng phủ nhận thực tế các nhà sản xuất nước ngoài thường ưu tiên chọn những người có tâm lý không ổn định, dễ xúc động để tham gia thử thách cho chương trình trở nên hấp dẫn hơn. Song, bản thân những người tham gia cần cân nhắc, ý thức được hậu quả sau khi chuyện đời tư của mình bị công chúng bình phẩm, “ném đá”…

Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những nhà sản xuất tại Việt Nam. Thực tế nào cũng có giới hạn, đừng bất chấp “câu views” mà đẩy một con người vào đường cùng, thậm chí đi đến cái chết.

Thảo Dung (tổng hợp)
.
.