Gia đình nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận:

Truyền lửa từ trong tâm hồn

Thứ Sáu, 18/12/2015, 10:00
Trong suốt cả cuộc chuyện trò, nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ hồi ức về cha bằng tất cả những tình cảm yêu mến, kính trọng và đầy nước mắt nhớ thương. Hiếm có một gia đình nào lại có một truyền thống “cha truyền con nối” tuyệt vời đến vậy. Nhà văn, nhà viết kịch thơ, kịch bản chèo Lưu Quang Thuận, từng công tác tại Ban Văn nghệ Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, Báo Văn nghệ.

Cho đến năm 1965, ông chuyển hẳn về Nhà hát Chèo Trung ương và làm việc ở đó cho đến ngày mất. Ông nổi tiếng với hai vở chèo đóng đinh tên tuổi trong làng chèo Việt Nam “Tấm Cám” và “Mối tình Điện Biên”. Với cốt cách của mình, ông đã chân truyền cho các con một ngọn lửa nội lực từ bên trong để có những người nối nghiệp cha đầy xuất sắc: Lưu Quang Vũ, Lưu Khánh Thơ, Lưu Quang Định...

Những bài học từ tuổi thơ

Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ chia sẻ: Trong trí nhớ của chúng tôi, cha bao giờ cũng là người hiền hậu và yêu thương các con hết mực. Cũng giống như phần lớn các gia đình văn nghệ sĩ đông con ngày ấy, gia đình chúng tôi sống chẳng lấy gì làm sung túc. Nhưng tôi cảm thấy thời đó người ta sống rất thoải mái tuy không giàu có gì. Ngay từ hồi tôi còn nhỏ, ấn tượng về cha tôi bao giờ cũng gắn với hương vị cà phê thơm phức của cha. Ông nghiện cà phê và thường uống cà phê đen vào mỗi buổi sáng. Cha tôi có thói quen làm việc ban đêm.

Nhà thơ Lưu Quang Thuận.

Phòng làm việc của ông là một căn phòng nhỏ, ngày xưa vốn là nơi đun bếp của gia đình. Căn phòng nhỏ ấy cách căn phòng rộng nơi cả nhà tôi ở (thường gọi là buồng trên) một quãng hành lang hẹp. Sau những giờ làm việc căng thẳng, cha tôi thường lên buồng trên chơi đùa với các con, có những đêm khuya chúng tôi đã ngủ thì ông lặng lẽ đứng nhìn rồi hôn nhẹ lên trán các con. Biết bao lần chúng tôi đã chờ đợi tiếng guốc mộc của ông vang lên khe khẽ dọc theo hành lang tối. Cha tôi đã truyền cho các con lòng say mê nghệ thuật của ông. Mấy anh em tôi, ngay từ nhỏ đã thường xuyên được ông cho đi theo trong những khi tập vở. Những buổi tập hoặc diễn thử rất ít người, thường chỉ ngồi kín một hai hàng ghế đầu. Chúng tôi được ngồi cạnh cha, say mê chăm chú theo dõi công việc củạ mọi người đang diễn ra trên sàn tập.

Có những khi cao hứng, tranh thủ lúc mọi người nghỉ giải lao, chúng tôi lần mò lẽn sân khấu hoa chân múa tay làm diễn viên trong giây lát. Nhà tôi ở gần kề rạp Đại Nam. Mỗi buổi tôi được theo cha sang đó xem diễn tập đã trở thành thói quen và niềm vui sướng của mấy anh em tôi. Cha tôi luôn luôn là người bạn lớn của các con. Trong những câu chuyện hàng ngày, trong mỗi bữa cơm, ông thường răn dạy chúng tôi không bao giờ được làm điều ác, phải biết thông cảm và chia sẻ với nỗi đau của người khác. Những khi đi công tác xa nhà, ông thường viết thư cho các con kể tỉ mỉ về công việc, về thiên nhiên cảnh vật, về những con người ở nơi đó. Cha tôi luôn mong muốn rằng sau này khi lớn lên chúng tôi có thể mỗi đứa sẽ làm một nghề khác nhau, nhưng dù làm nghề gì thì cũng phải giữ được tâm hồn nghệ sĩ, biết yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp.

Trong đời thường, cha tôi có hai niềm say mê lớn, đó là bóng đá và thiên nhiên. Ông yêu thiên nhiên theo cách riêng của mình. Ngày đó chưa có phong trào trồng cây cảnh tràn lan như bây giờ, hơn nữa cũng không có điều kiện. Cha tôi có mấy dò phong lan và chậu cây đặt ở khoảng sân hẹp trước hiên nhà. Những lúc rỗi rãi, cha tôi lúi húi rất lâu trước mấy chậu cây, buộc buộc cắt cắt. Ông chú ý từng lá non, từng chồi cây mới nhú. Có lần tôi đi chơi xa thấy một loại lá cây lạ màu đỏ rất đẹp. Tôi hái mang về nhà. Cha tôi rất thích. Ông cắm vào cốc nước để trên bàn làm việc.

Vợ chồng nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và con trai Lưu Quang Vũ ở Việt Bắc, năm 1949.

Cha tôi yêu thích bóng đá một cách kỳ lạ. Cách đây khoảng 20 năm hình như ít người hâm mộ bóng đá hơn bây giờ. Ngày đó, tivi chưa phát chương trình đá bóng. Muốn xem chẳng có cách nào khác là phải đến sân. Hầu như cha tôi rất ít khi vắng mặt trên sân vận động Hàng Đẫy mỗi khi có trận thi đấu. Có lần ông bị ốm không đi xem được, phải ngồi nhà nghe tường thuật qua đài truyền thanh. Nghe được một lúc không thấy cha tôi đâu. Mẹ tôi đi tìm thì thấy ông đang đứng ở góc phố nghe loa công cộng cùng với những người qua đường hâm mộ. Ông bảo nghe thế mới có "không khí".

Cả gia đình tôi đều bị cuốn vào cùng với niềm say mê của cha tôi. Tôi thấy cũng lạ, cha tôi là một người sống lặng lẽ, đơn giản, khiêm tốn. Ông rất yêu chiều và tôn trọng con cái, không bao giờ áp đặt một điều gì. Thế nhưng ở con người ông lại có một sức hút rất lớn. Chúng tôi đã lớn lên và chịu ảnh hưởng ở ông rất nhiều. Cha đã dạy chúng tôi yêu đất nước, yêu nghệ thuật bằng những điều thật cụ thể và gần gũi. Có lần em trai tôi là Lưu Quang Định (Hiện là Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày nay - PV) khi đó mới lên 9 tuổi, sắp được đi hơi miền Nam. Em hỏi cha tôi: "Bố ơi! tàu chạy từ Hà Nội vào Sài Gòn thì đến Nghệ An hay Quảng Bình trước?". Cha tôi nghiêm nét mặt và bảo: "Con phải học lại đi. Bố không thể chấp nhận một đứa con lại kém hiểu biết về địa lý nước mình như vậy". Sáng hôm sau, cha tôi mua cho em một quyển lịch túi, trong đó có ghi đầy đủ tên các địa phương, các nhà ga từ Bắc vào Nam để nó xem và ghi nhớ.

Mỗi khi cho các con đi rạp hát về, cha tôi thường giảng giải, phân tích những cái hay, cái đẹp của vở diễn, nhận xét về diễn xuất của diễn viên. Ngay từ hồi chúng tôi còn nhỏ, cha tôi đã dạy cho chúng tôi biết cách phân biệt các làn điệu chèo. Cha tôi lấy vở "Tấm Cám" của mình ra làm ví dụ. Có hôm thuận tiện, ông mời một cô diễn viên về nhà hát minh họa cho chúng tôi nghe. Cha tôi vẫn lấy làm tiếc rằng ông là người viết chèo mà lại không hát được, múa được. Ồng rất khâm phục tác giả Tào Mạt ở điểm này. Cha tôi kể rằng khi dựng vở, Tào Mạt thường múa hát mẫu, thị phạm ngay tại chỗ cho diễn viên, rất giỏi. Một hôm cha tôi đề nghị ông "trình diễn" cho chúng tôi xem. Thoắt chốc, ông đã thành một người khác hẳn. Tay cầm chiếc quạt giấy, mắt liếc ngang, hai bàn chân chụm lại lướt nhẹ theo kiểu đuổi ngón trên nền đá hoa. Ồng hát và diễn gần hết cả một trích đoạn trong vở chèo "Bài ca giữ nước". Lũ trẻ con trong khu tập thể kéo đến bu kín cửa sổ xem mê mải... Tôi nghĩ chính những bài học tuổi thơ như thế đã hun đúc cho chúng tôi một tình yêu nghệ thuật, để sau này, có một nhà viết kịch Lưu Quang Vũ ra đời. Bản thân anh Vũ khi đang là bộ đội Phòng không không quân đã có kịch bản chèo dựng cho đơn vị được giải, anh viết thư về cho bố tôi và khẳng định: "Sau kỳ hội diễn, vở của con là tiết mục duy nhất vẫn còn tiếp tục diễn phục vụ các đơn vị và bà con nơi đóng quân. Bà con nông dân và bộ đội rất thích chèo bố ạ. Con không ngờ những điều học lỏm được của bố từ trước bây giờ lại có kết quả như vậy"...

Giáo dục các con qua những bức thư

Gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Thuận cùng 3 con: Lưu Khánh Thơ, Lưu Quang Định, Lưu Quang Điện Biên và cháu nội Lưu Minh Vũ, năm 1972 ở Sơn Tây.

Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn giữ hàng chục bức thư bố tôi viết cho mẹ tôi, cho các con. Bố tôi cất giữ cẩn thận những bức thư của các con gửi cho mình. Ông coi đó là những kỷ niệm quý báu của gia đình. Ông đánh số và ghi ngày tháng nhận được vào mỗi bức thư. Khi ông mất, bên cạnh các bản thảo, ghi chép, nhật ký của ông để lại còn có rất nhiều thư từ của bạn bè, người thân. Trong đó có tập thư của mấy anh em tôi, ông đã lưu giữ trong mấy chục năm, từ lúc chúng tôi mới bắt đầu tập viết nét chữ bằng mực tím nguệch ngoạc, xiêu vẹo cho đến những năm sau này khi đã khôn lớn, có chút tên tuổi, có gia đình riêng, đi học nước ngoài, đi chiến đấu ở chiến trường xa.

Trong một bức thư gửi anh Lưu Quang Vũ vào thời gian cuối đời bộ đội, khi anh Vũ gặp một số điều trục trặc. Ông đã viết: “...Con là con trai lớn của bố mẹ. Con ra đời gặp sóng gió, bố mẹ rất đau lòng. Nhưng bố mẹ luôn mong mỏi và tin rằng con sẽ vượt qua. Một lần vấp ngã là một lần rút ra bài học cho mình. Cốt nhất là con không được buông xuôi, không được chán nản. Việc in ấn con đừng ngại, đừng sốt ruột, vẫn phải tin, vẫn phải làm việc, vẫn phải hy vọng, ngay cả trong những lúc mà chỉ sống thôi cũng đã là một việc khó khăn...”.

Trong bức thư gửi cho tôi vào những năm học cuối cùng đại học, ông viết: "... Theo bố kỳ vọng thì khi con tốt nghiệp, công tác biên tập ở một tòa soạn báo như Minh Thái hoặc một nhà xuất bản như Ý Nhi thì thích hơn. Và phải công tác ở Hà Nội để một hai năm đầu gần bố, rồi sau bay nhảy đâu còn tùy. Bố đem về kỳ này một bất ngờ mà bố chắc chắn là mẹ và các con sẽ rất thích. Bố làm việc dữ lắm con ạ. Bố lấy lại đà rồi. Đã ngồi vào bàn là có những trang viết. Đi xe đạp cũng có khi dừng lại viết dưới bóng cây. Viết đi viết lại không thấy mệt. Các con đã lớn lên, từng đứa một từ Vũ trở đi, trong hoàn cảnh luôn thấy và nghe đến tên bố ở trang báo, bìa sách, áp phích vở diễn, lời giới thiệu mở màn v.v...”.

Lúc Điền mới học vỡ lòng, một hôm nghe bố nói với dì Ngọc: "Tôi viết xong trang này nữa là được 10 đồng", Điền đứng sau nói rất bất ngờ: "Bố cố gắng đi bố ạ". Bố quay lại nhìn Điền cằm dài ngoẵng, đầu đầy sẹo mà buồn cười quá. Bây giờ bố cũng thương các con, nhất là con, như lúc ấy nhìn Điền".

Nhưng tình cảm nhất, vẫn là những bức thư bố tôi viết cho mẹ tôi, cha mẹ tôi sống với nhau được 35 năm. Có biết bao là gian nan vất vả, những khi thiếu thốn cơ cực, nhưng cuộc sống của ông bà rất hạnh phúc, lúc nào cũng đẹp, cũng ngọt ngào. Cha tôi đã dành cho mẹ tôi một tình yêu hết sức trẻ trung và mãnh liệt. Trong gia đình hầu như rất ít khi cha mẹ tôi nặng lời với nhau. Những khi có điều gì không vừa ý, cha tôi chỉ cau mặt lại và lắc nhẹ đầu. Hoặc có khi bực mình quá không muốn để chúng tôi hiểu, ông nói với mẹ tôi một tràng tiếng Pháp.

Những bức thư cha tôi viết cho mẹ tôi nồng nàn và cảm động: "...Khánh ơi, nếu anh nhớ không sai thì chính vì Quán Thăng Long mà em đã đủ mức cảm tình để nhận lời anh khi anh hỏi em làm vợ. Anh nhờ ngòi bút mà có được em. Anh sẽ chỉ cậy vào ngòi bút mà làm cho em lo ít vui nhiều. Hạnh phúc lớn nhất của đời anh, có lẽ là được mở trang giấy ngồi viết bên cạnh em, và đêm khuya mỏi vai mệt đầu được xếp giấy bút lại mà gối đầu lên tay em. Đêm nay anh tâm sự với em, và phút bỗng tìm ra một điều giản dị: em là người tri kỷ hiểu anh nhất trên đời. Và nếu kiểm kê tài sản của đời anh, chắc chắn em là cái gì quý giá nhất mà anh đã tìm được và suốt đời yêu quý mãi".

Vào những năm cuối đời, ông vẫn làm tặng mẹ tôi những câu thơ đầm tình và da diết. Tình yêu của cha tôi đã có sức nâng đỡ rất lớn cho mẹ tôi trong những lúc đau khổ nhất của cuộc đời: “Đời anh sẽ nghèo đi biết mấy/ Nếu mẹ hiền ngày trước chẳng sinh em/ Cầm tay nhau rạng rỡ mắt em nhìn/ Cảm ơn mẹ những năm dài vất vả/ Ơn biết mấy những hàng khoai, khóm lúa/ San sẻ nuôi em những tháng, những mùa/ Ơn chiếc nôi tròn em ngủ giấc thơ/ Nồi nước lá em xông những ngày đau yếu/ Nghe giọng nói dịu dàng trong trẻo/ Nhớ ơn sao, giếng nước làng quê/ Tóc em buông mát rợi cả trưa hè/ Nhớ hoa bưởi gội đầu khi mới lớn...”.

"Sống là tác giả - Sống như thơ. Chết là khán giả - Chết như mơ"

Đó là câu đối nhà văn Hoài Anh viết tặng cha tôi ngày ông mất. Đêm 21-2-1981, cũng là ngày sinh nhật em trai thứ 5 Lưu Quang Định, sau bữa tiệc liên hoan, cha mẹ tôi đi xem vở kịch "Vụ án Erostrat - Người đốt đền". Mẹ tôi kể lại rằng, khi tiếng nhạc ầm vang, cánh màn trên sân khấu đang hé mở thì cha tôi bỗng rùng mình, từ từ gục xuống. Mẹ tôi hốt hoảng lay gọi nhưng ông không trả lời. Cha tôi đã mất ngay lúc đó vì một cơn đau tim đột ngột. Khi đó anh Vũ tôi đang làm việc ở nhà đạo diễn Dương Ngọc Đức, ngay phía đằng sau Nhà hát Lớn. Cha tôi không phải là một người thật nổi tiếng.

Cuộc đời ông không có gì chói chang đặc biệt. Suốt đời cha tôi sống với những niềm vui bình dị.  Điều lớn nhất ông để lại cho chúng tôi là nhân cách của người nghệ sĩ một đời lao động, một đời trong sạch. Tình yêu và niềm tự hào về cha mình đã đi theo chúng tôi suốt đời. Ngay cả khi cha tôi đã mất, chúng tôi vẫn cố gắng sống và làm theo những điều mong mỏi của ông. Phải chăng những ý nghĩ và tình cảm đó đã giúp chúng tôi nên người...

* Ghi theo lời kể của nhà phê bình Lưu Khánh Thơ.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.